Thơ người áo trắng - Giao cảm

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2263 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Édouard Herriot (1872-1957) nói: Văn hóa là cái gì còn lại sau khi ta đã quên hết mọi thứ khác. (1)


Ngày xưa một nhà sư Việt ở miền Trung tổng kết con đường tu hành của mình thế ni:


Kinh điển thầy truyền tám vạn tư

Học hành không thiếu cũng không dư

Đến nay kiểm lại, đà quên hết

Chỉ nhớ trong đầu một chữ Như.


Như tức là không thêm không bớt; bổn lai nguyên vẹn. A Di Đà Phật! Tu đến trình độ ấy thì ắt thõng tay vào chợ từ khuya rồi.


Ông nhà văn bên Tây và ông thầy tu bên ta cùng đồng điệu ở chỗ quên.


Mà thơ đạo của người đạo Cao Đài cũng là quên như vậy thôi.


Bao nhiêu năm theo Thầy tu học, chay lạt, kệ kinh, thánh ngôn thánh giáo… Đến một lúc mà tất cả những thứ ấy được tiêu hóa đi, thẩm thấu qua thịt da, ngấm tận vào xương tủy, rồi châu lưu theo máu huyết, để nhập vào hồn vía, rồi phả ra theo hơi thở, thì bấy giờ một câu tình cờ buông xuống cũng quá đủ để là thơ, và đích thị là thơ đạo.


Chẳng hạn, Phạm Văn Liêm từng hạ thủ chỉ một câu ngắn ngủi mà đã tràn trề hơi thơ, như vầy:

Ra tới biển... sông đâu còn riêng nữa!


Cuộc phù sinh này chông chênh bất trắc. Đạo pháp đỡ nâng kẻ hành nhân, là chỗ bám níu để y trụ lại được giữa bao hồi lưng vơi chìm nổi.

Qua ghềnh thác vịn câu kinh

Qua năm tháng vịn công trình, công phu…


Hai chữ vịn thần tình ấy của Nguyễn Văn Sanh, dám nói khó có bài thuyết giáo nào thay thế được!


Thơ đạo vốn bảng lảng mông lung như chút hương quế mùi trầm rớt rơi phảng phất đâu đây. Chả trách, thoạt vừa chạm đến thơ đạo thì cảm thấy dường như chẳng phải là thơ đạo, bởi chưng không có thô tháp của lời kinh bị sao chép, không có rền tai của khẩu hiệu hô vang sần sượng.


Nếu chẳng thế, thì làm sao luận đề về Thượng Đế ngoại tại, nội tại ở triết giáo thế gian khô khan lại có thể hóa thân thành lục bát nhẹ nhàng như thơ Trần Dã Sơn mềm mại?


Ngước lên trời rộng bao la

Mà trong sâu thẳm tâm ta cũng Trời


Cũng rứa, hà tất cứ phải dông dài lời lẽ rườm rà về một nhị nguyên luận nhằm biện giải cho cơ man đối đãi giữa trần ai, câu thơ Nguyễn Quốc Huân nhẹ hều vần điệu:


Ngọn đèn không thể tự tỏa sáng

Nếu không có màu đêm đen

Làn hương ngát của hoa sen

Phải chắt lọc từ tanh hôi bùn đất…


Thơ đạo quý thay! Là phản ánh sinh khí của đạo pháp đã chuyển hóa thành hồn thơ, đã hiện thân thành nghệ thuật.


Thơ đạo càng đạt nghệ thuật thì càng dễ trở thành sở hữu chung của đạo chúng. Ai cũng có thể ngâm nga sướng khoái riêng mình.


Thơ đạo là văn hóa sinh động của người đạo. Hồn đạo là hồn thơ. Thành thử chớ ngạc nhiên rằng thơ đạo đích thực vốn chẳng nhiều. Bởi thế mà thơ đạo lại càng thêm quý!


Chia sẻ như vậy để thấu cảm vì sao Chương Trình Chung Tay Ấn Tống luôn luôn lưu tâm chắt chiu lấy những dòng thơ đang tản mác đó đây của đàn con áo trắng.


Thấu cảm như vậy để khỏi ngơ ngác mà hồn nhiên thắc mắc rằng cớ sao bên cạnh kinh điển, giáo lý, triết luận lại đi ấn tống thơ, để phổ truyền thơ cho sâu rộng, như từng một lần với Tiếng Chim Quyên. (2)


Khi sự và lý đã đề huề liễu ngộ, tôi tin rằng quý đồng đạo yêu mến Chương Trình Chung Tay Ấn Tống sẽ hân nhiên mở lòng đón nhận thêm hiệp tuyển Thơ Người Áo Trắng của mười sáu bạn thơ Cao Đài gần xa, để anh chị em chúng ta cùng nhau thử rung lên lần nữa thêm một nốt nhạc trong bản giao hưởng văn hóa Đại Đạo Kỳ Ba.


Trân trọng,

18.7.2013

HUỆ KHẢI

Trích "Thơ người áo trắng", NXB Tôn Giáo 2013, tr. 7-9.



Chú thích:

1) La culture c’est ce qui reste quand on a tout oublié. / Culture is what is left when we have forgotten everything else.


2) Thơ Phạm Văn Liêm. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011. Quyển 46 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.