Tinh thần Phan Sinh trong thơ Hàn Mặc Tử (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 850 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Thơ văn của một tác giả giống như mặt nước hồ phẳng lặng để ta đọc tâm sự của chính mình vào những giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Thích một tác giả có nghĩa là thích những điều tác giả viết hộ mình. Đọc thơ Hàn Mặc Tử, ngoài những xao xuyến nhân gian còn là tam đức đối thần Tin Cậy Mến của người có đạo. Các sáng tác của tác giả Đà Lạt Trăng Mờ ngoài ý tưởng lãng mạn còn toát ra thi tứ đượm màu tôn giáo. Vì vậy, nhiều tác giả đã viết về khia cạnh tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử. Sau đây, ta thử bàn về tinh thần Phan Sinh trong thơ Hàn Mặc Tử.


1. Tinh thần Phan sinh trong lãnh vực văn học


Phan sinh là một cách Việt hóa tên thánh Phanxicô Assisi. Thánh nhân còn được nói đến bằng hai tên quen thuộc khác:


- ŸThánh Phanxicô khó khăn: khó nghèo là đức tính cơ bản trong các nhân đức Phan sinh;


- ŸThánh Phanxicô năm dấu thánh: năm 1244, trên núi Alverne, thánh nhân được lãnh nhận năm dấu thánh và mang vết thương này đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Núi Alverne cao 1 269 mét, tên la tinh là Verna do động từ vernare, có nghĩa là lạnh giá. Việc thánh nhân nhận dấu thánh trên núi Alvere (Hàn Sơn) nhắc lại việc Chúa Kitô bị đóng đinh trên núi Calvaire.


Trong số công trình của thánh nhân, ngoài việc sáng lập dòng các anh em khiêm hạ (O.F.M.: Ordo fratrum minorum) còn phải kể những bài tụng ca Thiên Chúa (Laudes Domini), khai triển từ kinh Lạy Cha, các bài Laudes Dei altissimi v.v. Các thi phẩm này được giới thiệu trong Oeuvres spirituelles de Saint François d’Assise. Trong số các bài Laudes của thánh nhân, bài Laudes Domini de creaturi được coi là nổi tiếng hơn cả, thường được nhắc đến với một tựa đề ngắn hơn: Cantico di Sole (Bài ca mặt trời). Tác phẩm này được sáng tác vào những năm cuối trong cuộc đời khổ hạnh, sau khi thánh nhân lãnh nhận năm dấu thánh và hầu như bị mù hẳn, sống cô đơn trong túp lều nhỏ lợp bằng lau sậy. Bài ca mặt trời được gợi hứng từ thánh vịnh 150: ‘‘Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng Chúa đi nào ‘’ (Cv 150, 5).


Trong ‘‘Bài ca mặt trời’’, thánh Phanxicô mời gọi mọi loài thọ tạo chúc tụng Thiên Chúa (Sources franciscaines, 263). Thánh Phaolô khuyên nhủ: ‘‘Để tỏ long biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh nhạc do Thấn khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.’’ (Cl 3,16-17). Theo thánh Augustinô, bản tụng ca Thiên Chúa đẹp nhất là bản tâm ca chức tụng (Discours sur les Psaumes, IV, Rome 1977, tr. 935). Bài ca mặt trời được viết bằng con tim thánh nhân.


Cantico di Sole phát xuất từ trực giác Kitô giáo về vũ trụ, vạn vật chúng sinh đều mang một giá trị nội tại, vì đến từ: ‘‘song lộc triếu nguyên ơn phước cả’’: ‘‘un flot de générosité créatrice’’. Các định từ sử dụng là ngôn ngữ dịu ngọt vỗ về thần thánh (caresse spirituelle). Chúng tôi xin chuyển thể lục bát 4 khổ đấu của Bài ca mặt trời:


Thiên đình cực thánh cửu trùng,
Muôn loài chúc tụng kỳ công Chúa Trời.
Thánh danh ngài rất rạng ngời,
Không ai xứng đáng nói lời Chúa tôi.

Cùng bao tạo vật trên đời,
Vầng dương chiếu sáng mặt trời là anh.
Anh tôi đường bệ trâm anh,
Nắng vàng sáng lạn trời xanh hải hà.

Trăng rằm nhờ chị hằng nga,
Trăng thanh gió mát ngân hà sắc hoa.
Trăng sao mưa thuận gió hòa,
Ấm êm trăm họ thuận hòa thiên thu.

Biển hồ sông nước êm ru,
Chúa ban ánh lửa lù mù đêm thâu.
Lửa thiêng thắp sáng mưa ngâu,
Thắp lên ánh sáng đèn chầu thánh linh.


Trong số những trước tác của thánh Phanxicô, Kinh hòa bình trở nên tuyệt tác quen thuộc qua bản dịch của các linh mục dòng Phanxicô:


Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa

Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan,
chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con:

Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.


Tình yêu Phan sinh được thể hiện qua tình yêu Thiên Chúa, tình yêu tha nhân và vạn vật. Tình yêu là còn là chủ đề bài thơ Đà Lạt Trăng Mờ của Hàn Mặc Tử:


Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu

Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm.
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.

Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng.


Chỉ trong mấy câu thơ, Hàn Mặc Tử thể hiện tình yêu Phan sinh, lấy trăng sao làm chất liệu ghi lại ‘‘…phút thiêng liêng đã khởi đầu’’. Trong trích đoạn văn xuôi, thi nhân viết rằng:


‘‘…ở chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, tưởng chừng như bầu thế giới chở chúng tôi cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nổi bồng bềnh đến một địa cầu khác. Ánh sáng tràn trề, ánh sáng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu. Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức Bà Maria là bực tinh tuyền chí thánh. Tôi muốn sốt sắng quỳ lạy mong ơn bào chữa. Nước da của chị đã trắng, mà bận áo quần bằng hàng trắng nữa, trông thanh sạch quá đi !’’


Đoạn văn xuôi đẹp như thơ trên đây phản ảnh những nét chính yếu của tinh thần Phan sinh. Trong phần sau đây, ta thử tìm hiểu tinh thần Phan sinh trong thơ Hàn Mặc Tử:


2. Tinh thần Phan sinh trong thơ Hàn Mặc Tử


Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 tại Lệ Mỹ, một họ đạo thuộc thị trấn Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Cuộc đời thi nhân nhiều lần thay họ đổi tên. Ông cố thi sĩ là Phạm Nhượng, vì can dự vào một vụ án chính trị nên phải đổi thành họ Nguyễn, trốn vào sinh sống ở Thừa Thiên. Khi chịu phép rửa tội, song thân đã chọn cho con mình tên thánh Phêrô. Đến khi chịu phép thêm sức thêm vào tên thánh Phanxicô. Tinh thần Phan sinh được thể hiện rõ rệt trong sáng tác cuối cùng của thi nhân đề ngày 24-10-1940, tìm thấy trong túi áo sau khi nhà thơ qua đời. Di ngôn viết bằng tiếng Pháp, ký tên François Trí, có đoạn dịch tiếng Việt như sau:


‘‘Hỡi các thiên thần của trời, thiên thần của Chúa, thiên thần của hòa bình và an lạc. Xin hãy tấu khúc nhạc ngợi khen: Bởi chưng chính các Mẹ và các nữ tu của thánh Phanxicô đã xuống thế để xoa dịu bao nỗi khổ đau và thống khổ của phàm nhân và những người bị phong cùi như chúng tôi. Tôi muốn ca tụng và uống lời dịu ngọt khi các nữ tu hát bài tụng ca: Hosanna Hosanna !


‘‘Tôi hằng cảm phục sự trắng ngần tinh khiết, sự tươi mát, ánh hào quang nên thơ. Vì tất cả là biểu thị của sự TINH KHIẾT CỦA TÂM HỒN

‘‘Hỡi các thiên thần của trời, thiên thần của Chúa, thiên thần của hòa bình và an lạc, xin hãy tung xuống ngàn hoa hồng và những đóa sen bát ngát ; xin cất ngàn lời ca và cung nhạc trầm hương thơm ngát, xin hãy đong đầy đức độ, lòng can đảm và hạnh phúc cho các nữ tu của Thiên Chúa.


Đêm thứ tư François TRÍ

24-10-1940 Deo gratias (Tạ ơn Chúa)’’

Mo Han Mac Tu tren doi Thi Nhan - Genh Rang - Qui Nhon - Anh Dao Tien Dat.JPG, 40318 bytes

Mộ Hàn Mạc Tử trên đồi Thị Nhạn - Gềnh Ráng - Qui Nhơn - Ảnh: Đào Tiến Đạt


Trong bản di chúc thiêng liêng này, thi nhân đã tỏ bày tinh thần Phan sinh không chỉ qua tên gọi: FRANCOIS TRÍ, mà cỏn ở nội dung:


- Ÿsùng kính sự tinh tuyền vẹn sạch (blancheur immaculée) ;


- sự bình an (paix), hoan lạc (gaité), niềm vui Phan sinh (joie franciscaine).


- khó nghèo (pauvreté) và bác ái vị tha (charité).


Đó là ba nhân đức Phan sinh. Các nhân đức Phan sinh chính là khía cạnh nhân bản của Phan sinh học, thể hiện linh đạo Phan sinh (spiritualité franciscaine), góp phần vào Kitô học và Thánh mẫu học. Vì khuôn khổ của bài báo giới hạn, chúng tôi chỉ xin trình bầy tóm lược tinh thần Phan sinh bằng cách:


.Ÿ đối chiếu tiểu sử của thánh Phanxicô và thi sĩ Hàn Mặc Tử;

Ÿ. trình bày quan niệm thi ca của thánh nhân và thi nhân;

.Ÿ lòng tôn sùng Thánh mẫu.


Còn tiếp


Ts Lê Đình Thông

Nguồn: dunglac.org