Cấm Đạo Cao Đài Ở Trung Kỳ (1928-1950) [1]

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4439 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Ban biên tập Nhipcautamgiao nhận được tập sách “Cấm Đạo Cao Đài Ở Trung Kỳ (1928-1950)” của Đạo huynh Huệ Khải, xin trân trọng giới thiệu cùng Quý độc giả những sử liệu giúp nghiên cứu lịch sử đạo Cao Đài tại Việt Nam.


* * *


I. KHÁI QUÁT HỆ THỐNG HÀNH CHÁNH TRUNG KỲ SAU NGÀY THIẾT LẬP CHẾ ĐỘ TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG (17-10-1887)

 

Thời kỳ Pháp thuộc (1887-1945), Việt Nam bị chia thành ba miền là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau.([1])

 

Theo hòa ước Harmand ký ngày 25-8-1883 thì địa giới Trung Kỳ trải dài từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến đèo Ngang.([2])

 

Hòa ước Patenôtre ký ngày 06-6-1884 quy định lại địa giới Trung Kỳ kể từ phía nam tỉnh Bình Thuận trở ra đến phía nam tỉnh Ninh Bình.([3])

 

Chính quyền Nam Triều chỉ còn quyền lực hạn chế trong phạm vi Trung Kỳ, trải dọc theo ba cấp: trung ương, tỉnh và xã. Ngoài ra, Đà Nẵng (cùng với Hà Nội và Hải Phòng) trở thành nhượng địa ([4]) hoàn toàn của Pháp do Dụ ngày 01-10-1888 của Đồng Khánh.([5])

 

1. Trung ương

 

Trên cùng là Vua, sau đó là tứ trụ triều đình và Hội Đồng Phụ Chánh.

 

Tứ trụ triều đình gồm bốn viên quan hàm chánh nhất phẩm, tước Đại Học Sĩ, chức năng tham mưu cho Vua (quân sư).

 

Khi Vua còn nhỏ tuổi, tứ trụ triều đình sẽ đảm trách cương vị Phụ Chánh Đại Thần và lập nên Hội Đồng Phụ Chánh ([6]) để thay Vua điều hành việc triều.

 

Đầu năm 1897, Paul Doumer (1857-1932) được bổ làm Toàn Quyền Đông Dương,([7]) nhiệm kỳ cho tới năm 1902. Doumer ép Vua Thành Thái ([8]) ra Dụ ngày 27-9-1897 gồm mười một điều khoản để tổ chức lại Nam Triều. Theo đó, Hội Đồng Phụ Chánh bị bãi bỏ.


Khi Khải Định qua đời (06-11-1925), Bảo Đại ([9]) đang học bên Pháp, Hội Đồng Phụ Chánh được lập lại, chủ tịch là Tôn Thất Hân (1854-1943). Ông Hân giữ chức vụ này tới khi về hưu (1932).

 

Triều đình có sáu Bộ: Lại, Hộ, Binh, Hình, Lễ, Công.([10]) Đứng đầu mỗi Bộ là một quan Thượng Thư làm thành viên của Cơ Mật Viện.([11])

 

Năm 1908 lập thêm Bộ Học,([12]) sau đổi tên thành Bộ Quốc Gia Giáo Dục,([13]) do một Dụ ngày 10-9-1932 của Bảo Đại.

 

Dụ số 29 ngày 02-5-1933 bỏ Bộ Binh.

 

Năm 1939, Nam Triều có bảy Bộ: Lại; Quốc Gia Giáo Dục; Tài Chánh; Tư Pháp; Lễ; Kinh Tế Nông Thôn, Thủ Công Nghiệp Và Cứu Tế Xã Hội; Công Chánh.([14])

 

Khâm Sứ Trung Kỳ ([15]) là người Pháp, có quyền chủ tọa Hội Đồng Tôn Nhân Phủ ([16]) và Cơ Mật Viện. Mọi việc quan trọng của các bộ phải chuyển qua Cơ Mật Viện giải quyết. Sau khi hội bàn, Cơ Mật Viện làm tờ trình, đến khi Khâm Sứ phê chuẩn xong mới trình lên Vua đóng ấn và ban bố. Tòa Khâm Sứ Trung Kỳ ([17]) là cơ quan trợ giúp cho khâm sứ.

 

2. Tỉnh

 

Đứng đầu tỉnh lớn (như Bình Định, Nghệ An, Quảng Nam, Thanh Hóa) là Tổng Đốc. Phụ trách thuế là Bố Chánh. Phụ trách tư pháp là Án Sát.

 

Đứng đầu tỉnh bậc trung (như Hà Tĩnh) là Tuần Vũ (Tuần Phủ), có Bố Chánh và Án Sát phụ giúp.

 

Đứng đầu tỉnh nhỏ là Tuần Vũ, có Án Sát phụ giúp (như Khánh Hòa, Quảng Trị), hoặc chỉ có Bố Chánh phụ trách chung và thêm Án Sát phụ giúp (như Bình Thuận, Quảng Bình).

 

Đứng đầu phủ Thừa Thiên (nơi đặt kinh đô triều Nguyễn) là Phủ Doãn.

 

Mỗi tỉnh Trung Kỳ chia ra nhiều phủ. Mỗi phủ miền xuôi chia ra nhiều huyện. Mỗi phủ miền rừng núi chia ra nhiều đạo và châu. Mỗi phủ, huyện, đạo, châu do Tri Phủ, Tri Huyện, Quản Đạo, Tri Châu nắm giữ.([18])

 

Các quan Nam Triều làm đầu tỉnh Trung Kỳ chịu sự chi phối của Công Sứ.([19]) Công Sứ (người Pháp) thay mặt Khâm Sứ tại Huế để nắm và chỉ đạo mọi hoạt động từ cấp tỉnh trở xuống. Phó Sứ ([20]) phụ tá cho Công Sứ ở các tỉnh lớn. Tòa Công Sứ ([21]) là cơ quan trợ giúp cho Công Sứ.

 

3. Xã, Tổng

 

Đứng đầu mỗi xã là Lý Trưởng, có Phó Lý trợ giúp. Nhiều xã hợp thành tổng do Chánh Tổng và Phó Tổng phụ trách.

 

4. Thành phố Đà Nẵng

 

Do Nghị Định ngày 24-5-1889 của Toàn Quyền Đông Dương Étienne Antoine Guillaume Richaud,([22]) Đà Nẵng là thành phố cấp hai ([23]) cũng như Chợ Lớn (do Nghị Định ngày 20-10-1879 của Thống Đốc Nam Kỳ Le Myre de Villiers). Ngoài ra, ba thành phố cấp một ([24]) là Hà Nội, Hải Phòng (đều do Sắc Lệnh ngày 19-7-1888 của Tổng Thống Marie François Sadi Carnot) và Sài Gòn (do Sắc Lệnh ngày 08-01-1877 của Tổng Thống Patrice Mac-Mahon).

 

Đứng đầu thành phố Đà Nẵng là Đốc Lý ([25]) - người Pháp - do Khâm Sứ đề nghị và Toàn Quyền Đông Dương bổ nhiệm. Ủy Ban Thành Phố ([26]) giúp việc cho Đốc Lý. Mọi quyết định của Ủy Ban này trước khi thi hành phải thông qua Khâm Sứ.([27])

 

II. TRƯỚC KHI CAO ĐÀI TRUYỀN RA, TRUNG KỲ RẤT RỐI REN

 

Những năm đầu thế kỷ 20, Trung Kỳ rất rối ren vì liên tiếp nổi lên nhiều phong trào yêu nước chống thực dân Pháp. Chẳng hạn, năm 1904 chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940) đã cùng hai mươi đồng chí họp tại tỉnh Quảng Nam để thành lập Duy Tân Hội.

 

Chưa thể liệt kê đầy đủ các sự kiện nơi đây, nhưng hãy tạm nêu khái quát hai trường hợp rất nổi tiếng mà thực dân Pháp và Nam Triều từng nhắc tới trong lệnh cấm đạo Cao Đài ở Trung Kỳ.

 

1. Võ Trứ (?-1898) và Trần Cao Vân (1866-1916)

 

Võ Trứ sinh khoảng năm 1855 hay 1860, người làng Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tham gia phong trào Cần Vương của Mai Xuân Thưởng (1885). Việc lớn thất bại, ông lên núi trốn, rồi ẩn tu trong một chùa nhỏ ở huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên). Sau này ông kết hợp cùng Trần Cao Vân mưu việc chống Pháp. Năm 1898, cuộc khởi nghĩa ở Phú Yên thất bại, ông bị thực dân Pháp xử tử.([28])

 

Trần Cao Vân tên thật là Trần Công Thọ, còn có tên khác là Trần Cao Đệ, biệt hiệu Hồng Việt, bí danh Chánh Minh, biệt danh là Bạch Sĩ. Ông người làng Tư Phú, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1916 ông cùng Thái Phiên và Vua Duy Tân ([29]) âm mưu khởi nghĩa kháng Pháp. Việc lớn thất bại, Vua bị đày ra đảo Réunion ở Ấn Độ Dương, còn Trần Cao Vân bị chém.([30])

 

Đặc điểm của hai nhà ái quốc họ Võ, họ Trần là mọi hoạt động tuyên truyền, đi lại các nơi để chiêu tập nghĩa binh, thu phục nhân tâm… đều che giấu dưới hình thức tín ngưỡng dân gian:

 

- Võ Trứ thường khoác áo nhà sư đi cho thuốc cứu bệnh dịch.

- Trần Cao Vân làm đạo sĩ kiêm thầy phong thủy.

 

2. Trung Kỳ dân biến (1908)

 

Trung Kỳ dân biến là phong trào tự phát của nông dân miền Trung đứng lên đòi hỏi thực dân Pháp và Nam Triều phải giảm xâu,([31]) giảm thuế. Diễn biến có những mốc chính như sau:

 

Ngày 11-3-1908, tại tỉnh Quảng Nam, khoảng ba trăm nông dân bao vây Tòa Công Sứ ở Hội An.

Ngày 13-3, số người biểu tình càng tăng nhiều và đông hơn, tất cả dinh thự của quan lại cấp tỉnh đều bị bao vây.

Ngày 31-3, tại tỉnh Quảng Ngãi, đông đảo nông dân bao vây các công sở.

Ngày 09-4, tại phủ Thừa Thiên, nông dân biểu tình ở Huế.

Ngày 16-4, tại tỉnh Bình Định, có khoảng bốn trăm người bao vây các công sở trong lúc mấy ngàn nông dân tuần hành khắp tỉnh.

 

Quyền Toàn Quyền Đông Dương Louis Alphonse Bonhoure ([32]) cho điều quân chính quy Pháp từ Bắc Kỳ vào dẹp phong trào. Lính Pháp xả súng bắn thẳng vào đám đông. Mặt khác, lính Pháp chốt chặn ở Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh để phong trào không tiếp tục lan rộng.

 

Mãi đến ngày 05-8-1908 tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương là Piel mới cho triệt thoái hết binh lính trở về Bắc Kỳ.([33])

Chí sĩ Phan Châu Trinh (1872-1926) viết Trung Kỳ Dân Biến Tụng Oan Thỉ Mạt Ký kể rõ sự kiện này.

 

Trung Kỳ dân biến được xem là kết quả trực tiếp của công cuộc vận động duy tân và dân quyền của Phan Châu Trinh và các sĩ phu cùng chí hướng. Vì thế, mặc dù Phan Châu Trinh không trực tiếp tổ chức và lãnh đạo Trung Kỳ dân biến, Khâm Sứ Trung Kỳ Fernand Lévecque ([34]) đã gởi công điện ngày 29-3-1908 yêu cầu Thống Sứ Bắc Kỳ ([35]) Louis Jules Morel ([36]) bắt Phan chí sĩ ngày 10-4-1908 rồi áp giải về Huế kết án.


Phú Nhuận, 17-3-2006

Bổ sung tháng 6-2012

HUỆ KHẢI

(còn tiếp)
 

([1]) Thực dân dùng lại tên gọi ba kỳ vốn đã có từ năm 1834, khi Vua Minh Mạng (sinh năm 1791, trị vì 1820-1841) chia nước làm ba miền: Bắc Kỳ từ Ninh Bình trở ra phía bắc; Trung Kỳ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; Nam Kỳ từ Biên Hòa trở vào nam. Pháp gọi Bắc Kỳ là Tonkin, Trung Kỳ là Annam, và Nam Kỳ là Cochinchine.

([2]) Hòa ước Harmand, cũng gọi hòa ước Quý Mùi (1883), được ký kết tại Huế giữa đại diện của Pháp là François Jules Harmand và đại diện của triều Nguyễn là Trần Đình Túc (Hiệp Biện Đại Học Sĩ, Chánh Sứ) và Nguyễn Trọng Hợp (Thượng Thư Bộ Lại, Phó Sứ). Hòa ước có hai mươi bảy điều khoản, xác lập quyền bảo hộ lâu dài của thực dân Pháp trên lãnh thổ ViệtNam.

([3]) Hòa ước Patenôtre, cũng gọi hòa ước Giáp Thân (1884), là hòa ước cuối cùng triều đình nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp tại Huế, gồm mười chín điều khoản. Đại diện phía Pháp là Jules Patenôtre (sứ thần Pháp); phía ViệtNam là Phạm Thận Duật (Toàn Quyền Đại Thần), Tôn Thất Phan (Phó Toàn Quyền Đại Thần), Nguyễn Văn Tường (Phụ Chánh Đại Thần).

([4]) Les terres concédées.

([5]) Dương Kinh Quốc, Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử (1858-1915). Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 1999, tr. 197.

([6]) Conseil de Régence.

([7]) Gouverneur Général de l’Indochine.

([8]) Nguyễn Phước Bửu Lân (1879-1954), tại vị 1889-1907.

([9]) Nguyễn Phước Vĩnh Thụy (1913-1997), tại vị 1925-1945.

([10]) Les Ministères de l’Intérieur, des Finances, de la Guerre, de la Justice, des Rites, des Travaux Publics.

([11]) Conseil du Cơ Mật, Conseil Secret.

([12]) Ministère de l’Instruction Publique.

([13]) Ministère de l’Education Nationale.

([14]) Les Ministères de l’Intérieur; de l’Instruction Publique; des Finances; de la Justice; des Rites; de l’Economie Rurale, de l’Artisanat et de l’Assistance Sociale; des Travaux Publics.

Dương Kinh Quốc, Chính Quyền Thuộc Địa Ở Việt Nam Trước Cách Mạng Tháng Tám 1945. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1988, tr. 155-158.

([15]) Résident Supérieur de l’Annam.

([16]) Conseil de Tôn Nhân.

([17]) Résidence Supérieure enAnnam.

([18]) Dương Kinh Quốc, Chính Quyền Thuộc Địa Ở Việt Nam Trước Cách Mạng Tháng Tám 1945, tr. 161-162.

([19]) Résident.

([20]) Résident adjoint.

([21]) Résidence Provinciale.

([22]) Nhiệm kỳ từ tháng 4-1888 đến 31-5-1889.

([23]) Municipalité de 2è classe.

([24]) Municipalité de 1ère classe.

([25]) Maire.

([26]) Commission Municipale.

([27]) Dương Kinh Quốc, Chính Quyền Thuộc Địa Ở Việt Nam Trước Cách Mạng Tháng Tám 1945, tr. 177.

([28]) http://thuvienbinhdinh.com/tvbd/diachi

([29]) Là con Vua Thành Thái, Nguyễn Phước Vĩnh San (sinh năm 1900) tại vị chín năm (1907-1916). Cựu hoàng mất vì tai nạn máy bay ở Cộng Hòa Trung Phi (1945).

([30]) http://www.xuquang.com/dialinhnk/danhnhan/trancaovan

([31]) Xâu (sưu 蒐 hay 搜): Lao dịch công ích không được trả tiền công. Có thể nộp tiền cho địa phương thay cho việc đi làm xâu.

([32])Louis Alphonse Bonhoure (1865-1909) làm Quyền Toàn Quyền từtháng 02-1907 đến tháng 9-1908.

([33]) Dương Kinh Quốc, Chính Quyền Thuộc Địa Ở Việt Nam Trước Cách Mạng Tháng Tám 1945, tr. 310-311.

([34]) Nhiệm kỳ của Lévecque: 1906-1908.

([35]) Résident Supérieur duTonkin.

([36]) Nhiệm kỳ 1907-1909.