Dũng mạnh để yêu thương (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 999 | Cật nhập lần cuối: 6/8/2021 9:58:10 AM | RSS

Tinh thần kiên vững và con tim dịu hiền

"Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu" (Mt 10, 16)

Dũng mạnh để yêu thương (2)Một triết gia người Pháp nói: "Không một người nào được gọi là mạnh, nếu người ấy không có nơi mình những điều trái ngược rõ nét nhất". Người mạnh là người biết kết hợp các điều trái ngược một cách hài hòa và sống động. Rất ít khi con người đạt được một sự quân bình như thế. Người lý tưởng thì không thực tế; người thực tế thì thường không lý tưởng. Người hoạt động thì thường không được xem là thụ động; người thụ động thì thường không được xem là năng động. Rất ít người khiêm nhường lại biết đề cao mình và người biết đề cao mình thì thường ít khi khiêm nhường. Nhưng cuộc sống hoàn hảo lại là một tổng hợp sáng tạo, hài hòa và phong phú giữa những điều trái ngược. Triết gia Hegel nói rằng chân lý không ở nơi tiền đề hay phản đề nhưng nơi một hợp đề phát sinh từ hai yếu tố nói trên đồng thời liên kết chúng lại với nhau.

Đức Giêsu đã nhìn nhận rằng cần thiết phải liên kết các điều trái ngược. Người biết rằng các môn đệ sẽ phải đối phó với một thế giới khó khăn và thù nghịch, với những nhà chính trị ngoan cố và những người quyết tâm bảo vệ trật tự cũ. Người cũng biết rằng các môn đệ sẽ gặp những con người lạnh lùng ngạo mạn mà lòng dạ đã nên chai đá vì đã trải qua một mùa đông dài là chủ nghĩa truyền thống. Người nói với họ: "Này Thầy sai anh em như chiên đi vào giữa bầy sói". Và Người cũng chỉ cho họ biết phải hành động như thế nào: "Anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu". Thật khó mà tưởng tượng nổi, nơi cùng một con người, lại có những điều trái ngược nhau đến thế: khôn như rắn, đơn sơ như bồ câu. Nhưng đây lại là điều Đức Giêsu chờ đợi nơi người môn đệ. Chúng ta phải biết kết hợp cái khôn của loài rắn và cái đơn sơ của bồ câu, một tinh thần kiên vững và một con tim dịu hiền.

I

Trước hết chúng ta phải tìm hiểu xem tại sao một tinh thần kiên vững là cần thiết. Tinh thần kiên vững thì suy nghĩ chín chắn, đánh giá đúng với thực tế và phê phán một cách quả quyết. Tinh thần kiên vững thì sắc bén, thấu suốt, có khả năng phá vỡ cái vỏ bọc bên ngoài là truyền thuyết và huyền thoại, phân biệt thật giả. Người có tinh thần kiên vững thì giỏi giang khéo léo, nhìn xa thấy rộng, mạnh mẽ và nghiêm khắc, nhất quán trong ý định, bền bỉ trong cố gắng dấn thân.

Ai lại có thể nghi ngờ rằng tinh thần kiên vững là một trong những điều lớn nhất mà con người phải có? Thật hiếm mà tìm được những người tự nguyện dấn thân vào một công việc suy tư đòi hỏi họ phải kiên vững. Hầu như mọi người chỉ đi tìm những câu trả lời dễ dàng, những giải pháp nửa vời. Đối với một số người, suy tư đích thực là một gánh nặng.

Khuynh hướng lười biếng suy nghĩ đang lan rộng và được bộc lộ rõ nét khi con người tỏ ra cả tin một cách lạ lùng. Hãy xem thái độ chúng ta trong lãnh vực quảng cáo. Từ lâu các chuyên viên quảng cáo đã khám phá ra rằng, nơi nhiều người, tinh thần tỏ ra dễ uốn nắn và họ đã khai thác điều này một cách tinh vi và có hiệu quả bằng các khẩu hiệu khác nhau. Tính cả tin này cũng được bộc lộ rõ ràng khi nhiều độc giả dễ dàng chấp nhận những điều được viết và in trong một cuốn sách như là chân lý thực sự. Ít người hiểu được rằng, ngay cả những phương tiện truyền thông chân chính, như báo chí, hội họp, giảng dạy, cũng không cho chúng ta có được một chân lý khách quan, vô tư. Ít người có khả năng suy nghĩ và lý luận chặt chẽ để phê phán và phân biệt thật giả, sự kiện có thật và điều giả tưởng. Tâm trí chúng ta luôn tràn ngập những chân lý nửa vời, những thành kiến, những sự kiện bị xuyên tạc. Một trong các nhu cầu cấp bách của nhân loại là phải thoát ra khỏi vũng lầy mà tuyên truyền giả dối đã tạo nên.

Người có tinh thần bạc nhược thì thường nặng đầu óc mê tín. Họ sợ đủ thứ: sợ ngày thứ Sáu 13 đến con mèo đen ngồi vắt chéo hai chân trước. Trong một khách sạn sang trọng tại New York, lần đầu tiên tôi thấy ở đây không có tầng mười ba. Sau tầng mười hai là tầng mười bốn. Tôi hỏi người phục vụ thang máy tại sao không có tầng mười ba, và anh trả lời tôi như sau: "Đây là thói quen trong các khách sạn sang trọng, vì có nhiều người sợ và không muốn ở tầng mười ba". Và anh thêm: "Sợ như vậy là dại, vì trong thực tế, tầng mười bốn là tầng mười ba". Những nỗi sợ hãi phi lý như thế là người ta suy yếu về tinh thần, phải nhớn nhác ban ngày và bị ám ảnh ban đêm.

Người có tinh thần bạc nhược thì luôn sợ thay đổi. Họ cảm thấy an toàn trong tình trạng vốn có, và cái mới lạ luôn làm họ sợ hãi gần như một cách bệnh hoạn. Đối với họ, đau khổ lớn nhất là phải thay đổi cách suy nghĩ. Người ta kể lại rằng một người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc miền Nam đã nói: "Giờ thì tôi thấy rằng xóa bỏ kỳ thị chủng tộc là điều không thể tránh được. Nhưng tôi cầu xin Thiên Chúa đừng để điều này xảy đến trước ngày tôi nhắm mắt lìa đời". Người có tinh thần bạc nhược luôn muốn kéo dài thời gian hiện tại và giam hãm sự sống trong các giới hạn "trước sao, sau vậy".

Tinh thần bạc nhược cũng thường luôn xâm nhập lãnh vực tôn giáo. Có khi người ta đã quyết liệt chống lại một chân lý mới. Có khi, bằng các chiếu chỉ và các sắc dụ, các tòa án dị giáo và các vạ tuyệt thông, Giáo hội đã tìm cách ngăn cản chân lý, dựng lên một bức tường cản lối người đi tìm chân lý. Người có tinh thần bạc nhược thì xem việc nghiên cứu Sách Thánh theo phương pháp phê bình lịch sử và ngữ học như là tội phạm thượng, xem lý trí như là vận hành của một khả năng hư hỏng. Người có tinh thần bạc nhược thì sửa lại "Tám mối phúc thật": "Phúc thay ai ngu dốt, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa".

Tinh thần bạc nhược cũng thường dẫn người ta đến chỗ nghĩ rằng khoa học và tôn giáo chống đối nhau. Đây là điều hoàn toàn sai. Có thể có chống đối giữa các đạo hữu yếu kém về tinh thần và các nhà khoa học kiên vững về tinh thần, nhưng giữa khoa học và tôn giáo thì không thể có chống đối. Lãnh vực tôn giáo và lãnh vực khoa học thì khác nhau, phương pháp cũng khác nhau. Khoa học nghiên cứu tôn giáo giải nghĩa; khoa học cho con người có được sức mạnh là sự hiểu biết, tôn giáo cho con người có được sự tự chủ, tức là sự khôn ngoan. Khoa học chủ yếu quan tâm đến sự kiện, tôn giáo chủ yếu quan tâm đến giá trị. Khoa học và tôn giáo không phải là hai đối thủ, nhưng bổ sung cho nhau. Khoa học không để cho tôn giáo rơi vào chủ nghĩa phi lý và mê tín dị đoan. Tôn giáo giữ cho khoa học không lún sâu vào chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa hư vô.

Chúng ta không nhìn phải đâu xa để thấy được các hiểm họa do tinh thần bạc nhược đem lại. Các nhà độc tài sử dụng nó để đẩy con người đến chỗ phạm những tội ác man rợ không thể tưởng tượng nổi trong một thế giới văn minh. Adolf Hitler đã nhận thấy rằng các người ủng hộ ông đều là những người có tinh thần bạc nhược: "Đối với đám đông, tôi khích động đối với một số ít, tôi vận dụng lý trí". Trong cuốn Mein Kampf, Hitler tuyên bố: "Với những lời lẽ khôn khéo, được lặp đi lặp lại, tôi có thể làm cho người tin rằng thiên đàng là địa ngục và địa ngục là thiên đàng… Tôi càng nói dối, thì điều được nói lên lại càng dễ được chấp nhận".

Tinh thần bạc nhược là một trong những nguyên nhân căn bản tạo nên thành kiến về chủng tộc. Người có tinh thần kiên vững luôn xem xét sự kiện trước khi đưa ra kết luận; tóm lại, họ "hậu xét". Người có tinh thần bạc nhược đưa ra kết luận trước khi xem xét sự kiện đầu tiên; tóm lại, họ "tiền xét" và rơi vào thiên kiến. Thành kiến về chủng tộc dựa trên những nỗi sợ hãi không có cơ sở, những nghi kỵ và hiểu lầm. Có những người tinh thần bạc nhược đến nỗi dễ dàng tin vào tính trổi vượt của người da trắng và tính thấp kém của người da đen, mặc dầu các nghiên cứu của các nhà nhân chủng học đã chứng minh rõ ràng ý kiến trên đây hoàn toàn sai. Có những người tinh thần bạc nhược đến nỗi cho rằng phân biệt chủng tộc sẽ tồn tại vì các người da đen không thể đạt tới mức trung bình về học vấn, thể lực và tinh thần. Các người này không đủ sáng suốt để nhận thấy rằng mức độ thấp kém của người da đen đã được đặt định bởi những người phân biệt chủng tộc. Họ không biết rằng thật là điều sai lầm về mặt lý luận và cũng là điều không thể biện minh được khi dùng các hậu quả bi thảm do nạn kỳ thị chủng tộc gây nên để duy trì tệ đoan này. Nhiều nhà chính trị miền Nam biết quá rõ ràng các cử tri là những người mắc chứng bệnh tinh thần bạc nhược. Các nhà chính trị này đã dã tâm đưa ra các lời tuyên bố dối trá, các chân lý nửa vời và tạo nên những nỗi sợ hãi bất thường, những ác cảm bệnh hoạn trong cộng đồng người da trắng không được giáo dục đến nơi đến chốn đến nỗi họ đã có những hành vi đê tiện và bạo lực mà một người bình thường không thể có.

Chúng ta không có gì nhiều để hy vọng bao lâu chúng ta không trở nên những người có tinh thần kiên vững để thắng được các thành kiến, các chân lý nửa vời và sự ngu dốt. Trong thế giới ngày nay, tinh thần bạc nhược là món đồ xa xỉ mà chúng ta không thể cho phép mình sử dụng. Một quốc gia hay một nền văn minh tiếp tục sản xuất ra những con người có tinh thần bạc nhược thì chỉ chuốc lấy cái chết mà thôi.

II

Nhưng chúng ta không chỉ giữ cho tinh thần kiên vững. Tin mừng còn đòi hỏi chúng ta phải có con tim dịu hiền. Không có con tim dịu hiền, thì tinh thần kiên vững sẽ trở nên lạnh lùng, xa cách và cuộc sống sẽ là một mùa đông dài giá lạnh, không có mùa xuân dịu mát và mùa hè ấm áp. Còn gì bi thảm hơn khi một con người đã vươn tới đỉnh cao là tinh thần kiên vững lại rơi xuống vực thẳm là con tim chai đá. Người có con tim chai đá thì chẳng bao giờ yêu thương thực sự mà chỉ biết đi theo con đường thực dụng, đánh giá người khác theo mức độ họ có thể đem lại lợi ích cho bản thân mình. Người có con tim chai đá thì chẳng bao giờ cảm nhận được thế nào là vẻ đẹp, thế nào là tình bạn chân chính, vì con tim của họ quá lạnh lùng để có thể yêu thương người khác, quá vị kỷ để có thể chia sẻ niềm vui nỗi buồn của người khác. Người có con tim chai đá là một hòn đảo mà không một mối dây yêu thương nào nối kết nó với lục địa là cộng đồng nhân loại. Người có con tim chai đá thì không biết cảm thương, xúc động trước nỗi bất hạnh của người anh em mình, mỗi ngày bắt gặp những con người cùng khổ nhưng lại không thực sự nhìn thấy họ. Người có con tim chai đá bỏ ra nhiều tiền của để làm công tác từ thiện nhưng lại không biết trao tặng tình thương.

Người có con tim chai đá không bao giờ xem con người như con người, nhưng như một đồ vật, một bánh xe trong một cỗ máy không ngừng vận hành. Trong công nghiệp, người khác là một cánh tay; trong cư dân đô thị, người khác là một ngón tay; trong guồng máy chiến tranh gây chết chóc, người khác là một quân số của một tiểu đoàn. Tóm lại, người có con tim chai đá làm con người mất hết nhân phẩm và cuộc sống mất hết phẩm chất.

Đức Giêsu thường chỉ cho chúng ta thấy các đặc điểm của con người cón con tim chai đá. Người giàu có ngu ngốc bị kết án không phải vì tinh thần không kiên vững nhưng chủ yếu vì con tim không dịu hiền. Đối với ông, cuộc sống là một cái gương trong đó ông chiêm ngưỡng mình, thay vì là một cái cửa sổ cho phép ông nhìn thấy người khác. Người giàu có ngu ngốc chịu cực hình trong âm phủ không phải vì ông có nhiều của cải, nhưng vì ông không có con tim dịu hiền để nhìn thấy Lazarô và ông cũng đã không cố gắng vượt qua vực thẳm giữa ông và người anh em.

Đức Giêsu nhắc lại cho chúng ta biết rằng một cuộc sống tốt đẹp phải kết hợp hai yêu tố: khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Khôn như rắn mà không đơn sơ như bồ câu là thiếu hăng say, hèn nhát và ích kỷ. Đơn sơ như bồ câu mà không khôn như rắn là bạc nhược, sống theo tình cảm và không có mục đích rõ ràng. Chúng ta phải kết hợp hai yếu tố trái ngược rõ nét nhất này nơi bản thân mình.

Là người da đen, chúng ta phải kết hợp tinh thần kiên vững và con tim dịu hiền nếu chúng ta muốn tiến bước trên con đường dẫn tới tự do và công lý. Trong chúng ta, những người có tinh thần bạc nhược thì nghĩ rằng cách thức tốt nhất để đối phó với áp bức chính là thích nghi với áp bức. Họ chấp nhận cam chịu áp bức. Khi dẫn đưa con cái Israel thoát khỏi ách nô lệ người Ai Cập để được sống tự do trong Đất Hứa, ông Môsê đã nhận thấy rằng không phải bao giờ các người nô lệ cũng sẵn sàng đón nhận người giải thoát mình. Họ thà chấp nhận làm nô lệ hơn là lên đường để rồi phải chịu những nỗi bất hạnh khác, như Shakespeare đã nhận định. Họ ưa thích"các nồi thịt tại Ai Cập" hơn là các khó khăn của cuộc giải thoát. Hèn nhát là một đặc điểm của tinh thần bạc nhược. Hỡi các bạn, người da trắng tại miền Nam và tại nơi khác sẽ không bao giờ tôn trọng chúng ta, nếu chúng ta chấp nhận bán rẻ tương lai của con cái chúng ta để đổi lấy một chút thoải mái cho cuộc sống hiện tại. Hơn nữa chúng ta phải học để biết rằng chấp nhận một cách thụ động một hệ thống xã hội bất công tức là cộng tác với hệ thống đó và, như vậy, là đồng lõa với sự dữ rồi vậy.

Và trong chúng ta, cũng có những con tim chai đá muốn sử dụng vũ lực và hận thù để chống lại kẻ thù. Vũ lực chỉ đem lại những chiến thắng chóng qua, tạo nên nhiều vấn đề xã hội mới hơn là giải quyết vấn đề tận gốc rễ. Vì thế, bạo lực không đem lại bình an lâu dài. Nếu chúng ta sa chước cám dỗ tức là sử dụng vũ lực trong cuộc chiến giành tự do, thì tôi xác tín rằng các thế hệ tương lai sẽ trải qua một đêm dài u ám và đau buồn, vì chúng ta đã để lại cho họ một cũng đảo điên, hỗn loạn. Có một lời luôn vang vọng trong dòng thời gian, từ đời này qua đời khác, đó là lời Đức Giêsu nói với mỗi một Simon Phêrô trong chúng ta đang bị khích động: "Hãy xỏ gươm vào bao". Trong lịch sử, có biết bao quốc gia bị tàn phá, tiêu diệt, chỉ vì đã không tuân lệnh Đức Giêsu truyền dạy.

III

Trong cuộc đấu tranh giành tự do, còn có một con đường thứ ba: đó là đấu tranh bất bạo động, vừa kết hợp tinh thần kiên vững và con tim dịu hiền, vừa tránh được tính bất động của tinh thần bạc nhược cũng như tính chua cay của con tim chai đá. Tôi xác tín rằng đây chính là đường hướng hành động chúng ta phải theo trong cơn khủng hoảng phân biệt chủng tộc hiện nay. Hành động bất bạo động, chúng ta vừa có thể chống lại hệ thống xã hội bất công, vừa yêu thương những con người tạo nên hệ thống này. Chúng ta phải đấu tranh quyết liệt để được hưởng các quyền công dân, nhưng chúng ta cũng đừng để bị đánh giá là hạng người sử dụng những phương thế đê tiện, dối trá, hận thù và bạo lực để đạt được mục tiêu mong muốn.

Tôi cũng không muốn kết thúc mà không áp dụng những gì tôi nói ở đây cho Thiên Chúa. Thiên Chúa chúng ta thờ là Đấng Cao Cả, vì Người là Đấng có tinh thần kiên vững và con tim dịu hiền. Người là Đấng vừa nghiêm khắc vừa hiền hậu. Sách Thánh luôn sẵn sàng đề cao phẩm tính này hay phẩm tính kia của Thiên Chúa. Người là Đấng có tinh thần kiên vững trong phán quyết công minh cũng như trong cơn thịnh nộ. Người là Đấng có con tim dịu hiền trong tình thương cũng như trong ân sủng. Hai cánh tay của Thiên Chúa luôn rộng mở: một cánh tay mạnh mẽ để dẫn dắt chúng ta thẳng bước lên con đường công chính; một cánh tay dịu hiền để dùm bọc chúng ta trong tình thương của Người. Một mặt, Thiên Chúa là Đấng Công Chính luôn trừng phạt Israel mỗi khi Dân tỏ ra cứng lòng; mặt khác, Thiên Chúa là Người Cha luôn tha thứ và cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui khi thấy đứa con hoang đàng trở về.

Tôi vui mừng thì Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa có tinh thần kiên vững và con tim dịu hiền. Nếu Thiên Chúa chúng ta thờ chỉ là Đấng có tinh thần kiên vững, thì Người sẽ là một Thiên Chúa xa cách, lạnh lùng, ngự trị tại một nơi nào đó trên chốn trời cao để ngắm nhìn thế sự thăng trầm. Thiên Chúa sẽ là "động cơ không cần khởi động", biết mình nhưng không thương người. Nhưng nếu Thiên Chúa chúng ta thờ chỉ là Đấng có con tim dịu hiền, thì Người sẽ là một Thiên Chúa ủy mị nhu nhược, không thể hành động khi mọi sự đi lệch hướng, đồng thời kiểm soát công trình Người đã tạo dựng. Người sẽ chỉ là một Thiên Chúa dễ thương, muốn dựng nên một thế giới tốt đẹp nhưng lại tỏ ra bất lực trước quyền uy của sự dữ. Nơi Thiên Chúa, con tim không chai đá, tinh thần không bạc nhược. Nơi Thiên Chúa, tinh thần đủ kiên vững để vượt trên thế giới; con tim để dịu hiền để ở trong thế giới. Người không để chúng ta phải "mồ côi cô độc" trong cuộc đấu tranh của chúng ta. Người tìm kiếm chúng ta trong cảnh tối tăm của cuộc đời, chịu đau khổ với chúng ta và tha thứ cho chúng ta trong thân phận bi đát của những đứa con hoang đàng.

Đôi khi chúng ta cần biết rằng Thiên Chúa là Đấng Công Chính. Khi các người khổng lồ là các bất công tỉnh giấc và xuất đầu lộ diện khắp mặt đất này, chúng ta cần biết rằng có một Thiên Chúa Toàn Năng Hùng Mạnh có thể tiêu diệt và làm chúng khô héo như cỏ ngoài đồng. Khi các nỗ lực bền bỉ nhất của chúng ta không thể chận đứng các đợt sóng là áp bức bạo tàn, chúng ta cần biết rằng, trong vũ trụ này, có một Thiên Chúa Mạnh Mẽ Vô Song, hoàn toàn tương phản với con người hữu hạn yếu hèn. Nhưng cũng có những thời điểm chúng ta cần biết rằng Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, khi chúng ta mất hút trong giông tố bão bùng, trong sương mù giá lạnh, khi tội lỗi lôi cuốn chúng ta đến một miền xa lạ để tiêu diệt chúng ta và, ở đó, chúng ta cảm thấy lạc lõng bơ vơ, thì chúng ta cần biết rằng có Ai Đó đang yêu thương, đùm bọc chúng ta và ban cho chúng ta một cơ hội để quay trở về. Khi những ngày đen tối và những đêm kinh hoàng ập tới, chúng ta có thể vui mừng vì nơi Thiên Chúa, công lý và tình thương được kết hợp hài hòa và sáng tạo. Vì thế, Thiên Chúa có thể dẫn chúng ta từ những thung lũng tăm tối của cuộc đời đến những nẻo đường chan hòa ánh sáng, tràn đầy hy vọng và, nhờ vậy, cuộc đời chúng ta được hoàn tất (1).

Martin Luther King
Nguyên tác: "La Force d'aimer", Ed. Casterman, Paris, 1965, tr. 13-23

_________________

Chú thích:

(1) Martin Luther King: "Un esprit ferme et un coeur tendre" trong "La Force d'aimer" Ed. Casterman, Paris, 1965, trong 15-24. Tóm tắt.

* Bài liên quan:

DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG (1)