Dũng mạnh để yêu thương (9)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 885 | Cật nhập lần cuối: 6/25/2021 9:23:22 AM | RSS

Ba chiều kích của một cuộc đời hoàn tất

"Chiều dài, chiều rộng và chiều cao đều bằng nhau"
(Kh 21, 16)

Dũng mạnh để yêu thương (9)Sống lưu đày tại đảo Patmos, thánh Tông Đồ Gioan không còn được hưởng một sự tự do nào khác, ngoài tự do suy tư. Ngài suy nghĩ về nhiều điều. Về trật tự chính trị của thời Cổ Đại, về sự bất toàn bi thảm của nó cũng như các bất công khủng khiếp mà nó gây nên. Ngài suy nghĩ về Giêrusalem cũ, với lòng đạo đức hão cũng như tính vụ hình thức của nó. Nhưng khi nhìn về quá khứ đen tối, khả dĩ làm suy sụp tinh thần, thánh Tông Đồ cũng có một thị kiến về một cái gì đó vừa mới lạ, vừa vĩ đại. Ngài thấy thành Giêrusalem mới, thánh thiện từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống. Thành Giêrusalem mới là một thành toàn hảo, rạng rỡ như buổi bình minh sau đêm tối dày đặc chứa đầy bất toàn. Thành không được xây dựng dang dở, nghiêng lệch, nhưng hoàn tất trong mỗi chiều kích và tất cả mọi chiều kích. Mô tả thành Giêrusalem mới, thánh Gioan viết: "Chiều dài, chiều rộng và chiều cao đều bằng nhau" (Kh 21, 16). Thành thánh của Thiên Chúa không phải là một công trình kiến trúc mất cân đối, với một bên là các tháp canh tức là các nhân đức, và bên kia là các hố sâu tức các tật xấu. Nhưng, trái lại, thành thánh được xây dựng hoàn tất về mọi mặt.

Đối với nhiều người, sách Khải Huyền là một sách lạ lùng, thường làm họ bối rối, và người ta cũng thường gạt nó ra một bên, vì có quá nhiều điều bí ẩn, khó hiểu trong đó. Nhưng bên dưới ngôn ngữ đặc trưng của thánh Gioan và tính biểu tượng khải huyền, ta khám phá ra nhiều sự thật vừa sâu xa, vừa làm ta thêm phấn khởi. Khi mô tả thành thánh mới của Thiên Chúa, thánh Gioan muốn mô tả nhân loại ý tưởng và nói rằng cuộc đời hoàn hảo phải là một cuộc đời trọn vẹn, hoàn tất về mọi mặt.

Một cuộc đời không hoàn tất hay chỉ hoàn tất một phần - dầu là của một cá nhân hay của một tập thể - luôn có cái gì đó làm ta phải lo ngại, xót xa. Ta thường khó mà nói rằng một con người nào đó là một con người vĩ đại mà không cần phải xác định thêm một số điều, để nhận định của ta đúng với sự thật. Vì thế các nhận định của ta thường kèm theo từ 'nhưng'. Cựu Ước nói rằng "Naaman là một người có thần thế, nhưng…". Từ 'Nhưng' nói lên điều bi thảm của cuộc đời ông. "Nhưng ông mắc bệnh phong" (2 V 5, 1). Có biết bao cuộc đời phải mô tả theo cách này.

Hy Lạp đã là một quốc gia vĩ đại, đã để lại cho nhân loại một kho tàng to lớn về sự khôn ngoan, với các đại thi sĩ như Eschyle, Sophocle và Euripide, với các đại triết gia như Socrate, Platon và Aristote. Hy Lạp đã là một quốc gia vĩ đại, nhưng… 'Nhưng' ở đây, nhấn mạnh sự kiện bi thảm là, trong thực tế, Hy Lạp chỉ là một chính thể quý tộc dành cho một số ít người hơn là một chính thể dân chủ dành cho mọi người. 'Nhưng', ở đây, cũng nói lên sự kiện đáng ghê tởm là tổ chức thành-thị-quốc-gia của Hy Lạp lại đặt nền tảng trên chế độ nô lệ.

Nền văn minh Tây Phương là một nền văn minh lớn, đã để lại cho thế giới một kho tàng kỳ diệu về triết học, nghệ thuật, kể từ thời Phục Hưng; cuộc cách mạng kỹ nghệ là khởi đầu của một tiến trình phát triển dẫn con người tới chỗ phồn vinh về đời sống vật chất. Nền văn minh Tây Phương là một nền văn minh lớn, nhưng… 'Nhưng', ở đây, nhắc ta nhớ lại các bất công, các tai họa của chế độ thực dân, của một nền văn minh đã để cho phương tiện về mặt vật chất lấn át các mục tiêu về mặt tinh thần.

Nước Mỹ là một quốc gia vĩ đại, với bản Tuyên Ngôc Độc Lập trong đó phẩm giá con người được xác nhận một cách rõ ràng nhất, ít có thể hiểu sai nhất. Nước Mỹ đã xây dựng những cây cầu vượt biển, những ngôi nhà chọc trời, thu ngắn khoảng cách bằng cách phát minh ra máy bay, v.v… Nước Mỹ là một quốc gia vĩ đại, nhưng… 'Nhưng', ở đây là tình trạng nô lệ mà hơn hai mươi triệu người da đen phải chịu suốt hơn hai trăm năm: các người nam người nữ này mất hết quyền sống, tự do và hạnh phúc. 'Nhưng', ở đây, cũng còn là chủ nghĩa duy vật thực tiễn, quan tâm đến sự vật nhiều hơn các giá trị đích thực.

Và, như vậy, mọi khẳng định của ta về tính vĩ đại đều không kèm theo một dấu chấm hết, tượng trưng cho sự hoàn tất, nhưng lại kèm theo một dấu phẩy, nói lên các giới hạn đau buồn. Nhiều nền văn minh lớn chỉ lớn về một số mặt. Nhiều con người vĩ đại chỉ vĩ đại trong một số lãnh vực và tỏ ra yếu kém, hèn nhát trong một số mặt khác.

Nhưng cuộc đời phải mạnh mẽ và hoàn tất về mọi mặt. Một cuộc đời hoàn tất có ba chiều kích như đã được nói đến trong sách Khải Huyền:

* Chiều dài của cuộc đời là tiến trình các nỗ lực của mỗi người để đạt tới các mục tiêu và các tham vọng cá nhân, là mối quan tâm của mỗi người mưu cầu hạnh phúc và thành công cho chính mình.

* Chiều rộng của cuộc đời là mưu cầu hạnh phúc cho người khác.

* Chiều cao của cuộc đời là hướng đi lên tới Thiên Chúa.

Một cuộc đời hoàn tất thật sự là một tam giác đều. Ở một góc đáy là cá nhân con người; ở fo1c đáy đối diện là tha nhân; ở góc đỉnh là Thiên Chúa. nếu không có sự phát triển đồng đều của mỗi cạnh tam giác, thì không thể có được một cuộc đời hoàn tất.

I

Trước hết, ta hãy nói về chiều dài của cuộc đời, nghĩa là mối quan tâm của mỗi cá nhân để phát huy các khả năng của mình. Theo một nghĩa nào đó, đây là chiều kích có tính cách vụ lợi của cuộc sống. Nhưng cũng có một mối quan tâm về chính bản thân mình vừa hợp lý vừa lành mạnh. Rabbi Josua Liebman nói rằng ta phải yêu mình một cách đúng đắn trước khi có thể yêu người khác một cách thích hợp. Nhiều người đã rơi vào vực thẳm của định mệnh tức là sống theo cảm xúc, chỉ vì họ không biết yêu mình một cách lành mạnh.

Mỗi người phải biết quan tâm đến mình và cảm thấy có trách nhiệm khám phá ra sứ mạng của mình trong cuộc sống. Mỗi con người bình thường đều được Thiên Chúa ban cho một việc gì đó để làm. Hẳn là có người nhận được nhiều nén bạc hơn người khác, nhưng Thiên Chúa không bao giờ để cho ai không có nén bạc nào cả. Trong ta có những khả năng sáng tạo và ta phải cần cù làm việc để khám phá ra chúng.

Ai đã hiểu được điều mình phải làm thì phải làm hết sức mình để thực hiện điều đó. Phải hành động như thể Thiên Chúa Toàn Năng đã gọi mình vào chính thời điểm này của lịch sử à cho chính công việc này. Không một ai đã có thể đóng góp lớn lao cho nhân loại mà lại không có ý thức cao về công việc phải làm và làm với quyết tâm cao. Không một ai có thể biến các khả năng của mình thành hành động mà không có sự năng động này thúc đẩy từ bên trong. Long Fellow đã viết: "Các đỉnh núi cao bị chinh phục bởi những con người vĩ đại, nhưng chúng không bị chinh phục dễ dàng; trong khi các bạn đồng hành ngủ say, thì họ tiến lên, vất vả nhọc nhằn trong đêm tối".

Bây giờ, tôi có thể ngỏ lời một cách đặc biệt hơn với các bạn trẻ được không? Chiều dài của cuộc đời là một lời mời gọi có một không hai. Các bạn đang theo học tại các trường khác nhau. Các bạn nên biết điều này: nếu giờ đây các cánh cửa của các trường học được mở rộng đón các bạn, thì, trong quá khứ, nó đã không bao giờ được mở ra cho cha mẹ các bạn. Các bạn có bổn phận bước qua cánh cửa này. Các bạn phải khám phá ra, càng sớm càng hay, các bạn sinh ra để làm công việc gì và không ngừng phấn đấu để đạt đỉnh cao nhất trong các lãnh vực khác nhau. Ông Ralf Waldo Emerson đã nói: "Nếu một người có khả năng viết một cuốn sách hay nhất, giảng một bài giảng hay nhất, hay làm được một cái bẫy chuột tốt hơn người hàng xóm, thì, dầu người ấy có cất chòi ở torng rừng rậm, thế giới cũng tìm ra lối vào đến tận cửa chòi ông ở". Điều này ngày càng trở nên hiện thực hơn. Các bạn đừng đợi đến ngày được giải phóng hoàn toàn mới tích cực đóng góp cho quốc gia này. Hẳn là các bạn đang đứng trước một sự do dự tự nhiên - một sự do dự gây nên bởi các di sản mà các bạn thừa hưởng từ chế độ nô lệ, phân biệt chủng tộc, bởi các trường học kém chất lượng, bởi những con người xem các bạn như là "những công dân hạng hai". Nhưng các bạn phải quyết tâm gạt bỏ các chướng ngại do hoàn cảnh dựng lên. Điều khích lệ các bạn là đã có rất nhiều người da đen đã sống và làm việc trong những điều kiện vô cùng khó khăn nhưng đã trở thành những ngôi sao sáng chói, những con người thành đạt trong nhiều lãnh vực khác nhau. Một ví dụ cụ thể: Ralf J. Bunche là cháu của một nhà truyền giáo nô lệ những đã phấn đấu trở thành một nhà ngoại giao tài ba. Và còn biết bao con người đã sống và làm việc cũng đã thành công vượt bực như vậy. Điều này nhắc cho chúng ta nhớ rằng, chúng ta vẫn phải đóng góp một cái gì và đóng góp ngay từ bây giờ.

Từ khắp mọi nơi, chúng ta được mời gọi làm việc không nghỉ ngơi để thành đạt trong nghề nghiệp của chúng ta. Không phải mọi người đều có khả năng làm một công việc chuyên môn. Rất ít người đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật, khoa học. Còn đại đa số chúng ta được mời gọi trong các nhà máy, nơi đồng ruộng, ngoài đường phố. Nhưng không có một công việc nào tầm thường cả. Mọi công việc mưu ích cho nhân loại đều có giá trị, đều quan trọng và người làm công việc này phải phấn đấu làm một cách hoàn hảo nhất, không lùi bước trước khó khăn vất vả. Ai được mời gọi quét đường thì hãy quét như Michel-Ange vẽ, như Beethoven soạn nhạc, như Shakespeare viết kịch. Người ấy phải quét đường một cách hoàn hảo đến nỗi khách từ trời xuống hay từ tứ phương thiên hạ tuôn đến phải dừng chân lại và trầm trồ ca ngợi: "Đây là nơi sinh sống và làm việc của một người quét đường vĩ đại - một người đã hoàn thành một cách tốt đẹp nhất công việc mình phải làm". Đây cũng là điều Douglas Mallock muốn nói khi ông viết:

"Nếu bạn không thể là cây thông trên đồi cao,
thì hãy là cây nhỏ dưới thung lũng,
nhưng là cây nhỏ xinh đẹp nhất bên dòng suối mát.
Hãy là cây nhỏ nếu bạn không thể là cây đại thụ.
Nếu bạn không thể là con đường, thì hãy là lối đi,
nếu bạn không thể là mặt trời, thì hãy là những vì sao;
không phải vì vóc to dáng lớn mà bạn sẽ thắng.
Hãy là người tốt nhất, dầu bạn là ai".

Bạn hãy để tâm xem công việc nào thích hợp với bạn nhất và quyết tâm làm công việc ấy với tất cả sự hăng say bạn có thể có được. Làm việc như vậy đưa bạn đến việc thể hiện chính mình trong chiều dài của cuộc đời.

II

Một số người không bao giờ vượt qua được chiều dài của cuộc đời. Họ có thể là những cá nhân vượt trội, phát huy tối đa các khả năng của mình, nhưng lại giam hãm mình trong các ranh giới do mình đặt ra - những ranh giới khả dĩ làm cho họ bị tê liệt, chỉ vì họ quy tất cả về mình. Họ sống trong các ranh giới chật hẹp của các tham vọng và các ước muốn của họ. Cò gì bi thảm hơn khi thấy con người lún sâu và chết ngạt trong chiều dài của cuộc đời như vậy.

Nếu cuộc đời là một cuộc đời hoàn tất, thì ngoài chiều dài, còn có chiều rộng: đó là việc mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Người ta chưa thực sự học cho biết thế nào là sống, bao lâu chưa vượt ra ngoài các giới hạn của cá nhân, để đưa mắt nhìn đến các công việc của người khác, đến những gì liên quan đến mọi người. Một cuộc đời có chiều dài mà không có chiều rộng có thể ví được như một dòng sông không đổ vào biển cả, và, vì thế, trở thành ao tù nước đọng, không có sự sống, không có dòng nước trong mát. Để cuộc đời có được một ý nghĩa và một sức mạnh sáng tạo, mưu cầu lợi ích cá nhân phải kết hợp với mưu cầu lợi ích cho người khác.

Mô tả một cách tượng trưng cuộc phán xét chung, Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy Người dựa trên tiêu chuẩn nào để tách biệt chiên với dê: đó là điều ta làm cho người khác. Chúng ta sẽ bị tra hỏi không phải về số bằng cấp mà ta đã có được, nhưng về các việc chúng ta đã làm cho người khác. Chúng ta đã cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, cho kẻ mình trần áo mặc không? Chúng ta đã thăm nom kẻ đau yếu, đã đến thăm kẻ ngồi tù không? Đó là những câu hỏi mà Chúa của sự sống sẽ hỏi chúng ta. Chúng ta có thể nói: mỗi ngày là một ngày phán xét, bằng hành động và lời nói, bằng im lặng hay lên tiếng, chúng ta không ngừng viết vào trong Sách Sự Sống.

Ánh sáng đã đến trong thế giới và mỗi người phải quyết định bước đi trong ánh sáng tức là yêu thương người khác một cách sáng tạo hay trong bóng tối tức là sống ích kỷ, với tất cả sự tàn phá mà lối sống như vậy có thể gây nên. Đây chính là cuộc phán xét. Câu hỏi thường xuyên nhất, cấp bách nhất của cuộc đời chính là câu hỏi sau đây: "Chúng ta đã làm gì cho người khác?".

Thiên Chúa đã làm nên thế giới này và Người sẽ để cho mọi sự không diễn ra trôi chảy nếu mọi người không tích cực quan tâm đến chiều rộng của cuộc đời. 'Cái-là-tôi' sẽ không đạt được tầm vóc đích thực nếu không có 'cái-là'anh'. Con người sẽ không là mình mà không có những con người khác. Các nhà tâm lý xã hội cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể là những con người có tương quan với những con người khác. Cuộc sống là một mối tương quan và tất cả mọi người đều lệ thuộc vào nhau. Thế mà, chúng ta vẫn phải di chuyển trên một con đường được trải một lớp nhựa trơn trượt là tính ích kỷ vô độ, gây ra không biết bao nhiêu hỗn loạn! Các vấn đề bi thảm chúng ta phải đối phó trong thế giới ngày nay, nói lên sự bất lực của con người trong việc đưa thêm chiều rộng vào chiều dài của cuộc sống.

Chúng ta nhận thấy điều này một cách rõ ràng trong cuộc xung đột chủng tộc tại quốc gia chúng ta. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng chính là vì các người anh em da trắng chỉ biết đến chiều dài của cuộc đời: đặc quyền kinh tế, quyền lực chính trị, địa vị xã hội, điều mà hoặc gọi chung là "một phong cách sống". Chỉ cần họ thêm chiều rộng vào chiều dài, cái nhìn hướng tới người khác vào cái nhìn về mình, thì các cuộc cãi vả của chúng ta sẽ biến thành một bản giao hưởng ca ngợi tình huynh đệ đại đồng.

Trong lãnh vực quốc, chúng ta cũng nhận thấy rằng việc thêm chiều rộng vào chiều dài là một điều cần thiết. Vợ chồng chúng tôi đã có dịp viếng thăm Ấn Độ. Chúng tôi được thấy tận mắt nhiều điều làm chúng tôi hài lòng nhưng cũng lắm điều làm chúng tôi phải xót xa. Không xót xa sao được khi thấy 370 triệu người trên tổng số 435 triệu người Ấn chỉ có 70 đôla để sống hằng năm, không có phương tiện khám bệnh và chữa trị.

Các điều kiện sinh sống như thế lại chẳng liên quan gì đến chúng ta sao? Tại nước Mỹ, chúng ta có thể an tâm suy nghĩ như thế được không? Không, chắc chắn là không. Vận mệnh của chúng ta trong tư cách là một quốc gia cũng liên quan đến vận mệnh của Ấn Độ. Chừng nào tương lai của Ấn Độ hay của bất cứ quốc gia nào khác chưa được bảo đảm thì tương lai của chúng ta cũng chưa được bảo đảm. Chúng ta có bổn phận sử dụng các tài nguyên to lớn của chúng ta để giúp các nước đang trên đà phát triển. Chúng ta đã chẳng sử dụng ngân sách quốc gia để thiết lập các căn cứ quân sự thay vì để phát huy sự hiểu biết lẫn nhau đó sao?

Cuối cùng, chúng ta nhận thấy rằng tất cả mọi người đều lệ thuộc vào nhau, và, vì thế, liên quan với nhau trong cùng một tiến trình phát triển duy nhất. Chúng ta không thể tránh được điều này là chúng ta là những người giữ gìn người anh em chúng ta, do bởi các mối tương quan ràng buộc chúng ta với nhau. Không một dân tộc hay một cá nhân nào lại có thể sống trong sự cô lập. Chân lý này đã được nói lên bởi John Donne bằng những lời lẽ đầy sức thuyết phục sau đây:

"Không ai là một hòn đảo, tự đủ cho mình; mỗi người là một phần của một lục địa, một phần của một tổng thể. Nếu một phần đất bị biển cả cuốn đi, cả châu Âu sẽ bị thiệt thòi, dầu phần đất này chỉ là một mũi đất cao nhô ra biển hay lầu đài của một người bạn hoặc của chính mình. Mỗi con người chết đi là một mất mát cho tôi, vì tôi cũng là một phần của nhân loại. Vì thế, đừng bao giờ hỏi: "Hồi chương báo tử gióng lên cho ai?. Hồi chuông báo tử gióng lên cho bạn đó". (Bài suy niệm XVII)

Nhận ra mối dây liên kết mọi người thành một khối cũng như quan tâm tích cực hoạt động để mưu cầu hạnh phúc cho người khác, trong tinh thần huynh đệ đại đồng, đó chính là chiều rộng của cuộc đời con người.

III

Còn phải có một chiều kích thứ ba để cuộc đời là một cuộc đời hoàn tất: đó là chiều cao của cuộc đời, chiều đưa ta tới một cái gì cao hơn, một cái gì lớn hơn con người. Chúng ta phải vươn thẳng lên khỏi mặt đất à thề hứa sống trung thành với Đấng Vĩnh Cửu là nguồn cội và là nền tảng của mọi thực tại. Nếu chúng ta thêm chiều cao vào chiều dài và chiều rộng, thì chúng ta sẽ làm cho cuộc đời được hoàn tất viên mãn.

Trong cuộc đời, một số người không bao giờ đi xa hơn chiều dài. Một số khác cũng không bao giờ đi xa hơn chiều dài và chiều rộng gộp lại. Họ phát huy tối đa các khả năng của mình, họ thực sự quan tâm đến người khác. Nhưng, họ dừng tại đó. Họ bị gắn chặt với trái đất đến nỗi họ kết luận rằng con người là Thiên Chúa. Và họ tìm cách sống như thể không có trời.

Có nhiều lý do giải thích tại sao con người ngày nay không mấy quan tâm đến chiều kích thứ ba này. Một số người hoài nghi một cách chính đáng. Nhìn thấy tận mắt biết bao điều ác về thể lý cũng như tinh thần, họ tự hỏi: "Nếu có một Thiên Chúa tốt lành và toàn năng, thì tại sao Người lại cho phép tai họa và bất hạnh xảy đến với những người đáng lẽ ra không phải gánh chịu?". à vì không thể tìm được câu trả lời thích hợp cho câu hỏi này, họ đành chấp nhận thuyết bất khả tri. Một số người khác gặp khó khăn khi phải 'hòa giải' các khám phá thuộc phạm vi khoa học và lý trí với các tín điều tôn giáo thường tỏ ra không khoa học, cũng như với các quan niệm cổ truyền về Thiên Chúa.

Tuy vậy, tôi nghĩ rằng đa số các người khác thuộc về một loại thứ ab. Họ không phải là những người vô thần xét về mặt lý thuyết, nhưng lại là những người vô thần, xét về mặt thực tiễn. Họ không công khai tuyên bố chối bỏ Thiên Chúa, nhưng lại không ngừng tống khứ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ. Họ sống như thể không có Thiên Chúa. Rất có thể họ hành động như thế một cách vô thức. Họ không nói: "Thôi, lạy Chúa, con bỏ Chúa". Nhưng họ để mình bị lôi cuốn vào các công việc trần thế đến nỗi họ không còn biết mình bị ngọn sóng duy vật cuốn mất, bị giam hãm và ngụp lặn trong ao tù nước đọng của chủ nghĩa thế tục. Họ sống trong một môi trường mà giáo sư Sorokin gọi là "Một nền văn hóa của giác quan". Con người ngày nay chỉ tin vào các điều mà họ cảm nhận được nhờ năm giác quan của mình.

Nhưng cố gắng dùng thế giới đặt trọng tâm trên con người để thay thế cho thế giới đặt trọng tâm trên Thiên Chúa, cuối cùng, chỉ có thể làm cho con người cảm thấy thất vọng hơn. Reinhold Niebuhr đã nói: "Từ năm 1914, các biến cố bi thảm liên tục xảy ra như thể là phản bác các ảo tưởng hão huyền của con người thời đại ngày nay". Chúng ta đang lênh đênh trên đại dương của lịch sử như một con tàu không có địa bàn, không có người lái, không có phương hướng. Chúng ta nghi ngờ ngay cả các mối ngờ vực của chúng ta, và, cuối cùng, tự hỏi xem phải chăng đích thực có một sức mạnh thiêng liêng nào đó làm nền tảng cho thực tại.

Có những kinh nghiệm thiêng liêng mà chúng ta có thể chối bỏ về mặt lý thuyết, nhưng chúng ta lại không thể giải thích được, nếu chỉ đặt chúng trong phạm vi vật chất. Mặc dầu chúng ta tôn trọng trật tự tự nhiên, nhưng chúng ta vẫn luôn gặp phải một cái gì đó ở trên chúng ta, làm chúng ta phải tự hỏi rằng phải chăng sự sắp xếp tuyệt vời trong vũ trụ lại chỉ có thể là sự sắp xếp ngẫu nhiên của các nguyên tử và điện tử? Mặc dầu chúng ta tôn trọng một cách quá đáng các sự vật vật chất, nhưng vẫn luôn có một cái gì đó nhắc nhở chúng ta chúng ta về một thực tại vô hình. Ban đêm, chúng ta nhìn thấy các vì sao lấp lánh như những ngọn đèn sáng chói từ muôn thuở tô điểm bầu trời. Lúc đó, chúng ta nghĩ rằng chúng ta thấy tất cả, nhưng cũng có cái gì đó nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không thấy định luật vạn vật hấp dẫn đang làm cho các vì sao như đứng yên một chỗ. Chúng ta thán phục một ngôi đền thờ dâng kính Thiên Chúa, nhưng có một cái gì đó nhắc nhở cho chúng ta biết rằng, thực ra, chúng ta không thể nào nắm bắt hết ý nghĩa trọn vẹn của toàn bộ công trình kiến trúc này. Chúng ta không thể hiểu thấu ý định của vị kiến trúc sư đã thiết kế và xây dựng đền thờ này. Chúng ta cũng không bao giờ thấy hết tất cả tình yêu và lòng tin của những con người đã đóng góp góp công sức để hoàn thành công trình xây dựng này.

Các bạn và tôi, chúng ta nhìn nhau và mau chóng nói rằng điều chúng ta thấy về thân xác của chúng ta là tất cả những gì tạo thành chúng ta. Vào thời điểm này, các bạn thấy tôi đang giảng thuyết và các bạn kết luận ngay tức khắc rằng các bạn thấy Martin Luther Kinh. Nhưng các bạn phải nhớ rằng các bạn chỉ thấy thân xác của tôi - một thân xác tự nó không có khả năng lý luận và suy tư. Không bao giờ các bạn có thể thấy được cái 'tôi', cái làm cho tôi là tôi, cũng như không bao giờ tôi có thể thấy được cái làm cho bạn là bạn. Có một cái gì đó không thể nhìn thấy được mà ta gọi là nhân cách, và, ở bên kia hình dáng mà chúng ta có thể thấy được. Triết gia Platon đã có lý khi ông nói rằng điều có thể thấy được chỉ là cái bóng của điều không thể thấy được.

Thiên Chúa luôn ở trong vũ trụ của Người. Các thành tựu khoa học kỹ thuật không thể tống khứ Người ra khỏi không gian vi mô của nguyên tử cũng như không gian vĩ mô của vũ trụ rộng lớn giữa các dải ngân hà. Sống trong một vũ trụ mà các khoảng cách phải tính bằng tỷ năm ánh sáng, con người thời đại ngày nay cũng thốt lên như tác giả thánh vịnh xưa:

"Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
Muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm".

(Tv 8,4-5)

Tôi muốn động viên các bạn ưu tiên tìm kiếm Thiên Chúa, hãy để Thần Khí của Người xâm nhập lòng bạn. Để đối phó với các khó khăn và thử thách của cuộc đời, các bạn cần Thiên Chúa. Trước khi con thuyền của cuộc đời các bạn đến được bến cuối cùng, nó sẽ phải trải qua nhiều cơn bão dai dẳng, khó lường trước được, nhiều cơn lốc dữ dằn, phải đi qua nhiều vùng biển động mạnh đến nỗi làm cho các bạn sợ hãi. Nếu các bạn không có niềm tin vào Thiên Chúa - một niềm tin sâu xa và bền vững - thì các bạn sẽ không có đủ sức mạnh để đối phó với các trì trệ, các thất vọng, các thăng trầm, là những điều không thể tránh khỏi được. Không có Thiên Chúa, các cố gắng của chúng ta sẽ biến thành mây khói và các buổi bình minh của chúng ta sẽ trở thành đêm tối dày đặc. Không có Thiên Chúa, cuộc đời là một bi kịch thiếu một hướng tiến tới, thiếu những cảnh quyết định. Nhưng với Thiên Chúa, chúng ta có thể đi từ các thung lũng đầy biến động tới các đỉnh cao của sự bình an trong tâm hồn. Và, nhờ vậy, chúng ta có thể khám phá ra các vì sao rạng rỡ của niềm hy vọng trong đêm tối dày đặc của cuộc đời. Thánh Âutinh đã rất đúng khi nói: "Lạy Chúa, Ngài đã dựng nên chúng con cho Ngài và tâm hồn chúng con sẽ không tìm được bình an bao lâu chưa an nghỉ nơi Ngài".

Có một nhà truyền giáo lão thành và khôn ngoan đến diễn thuyết cho các học sinh tại một trường trung học. Sau bài giảng thuyết. Ông hỏi Robert - một học sinh trẻ, thông minh: "Này bạn, bạn có dự tính nào cho tương lai không?" - "Tôi sẽ theo học Trường Luật", Robert trả lời. "Và sau đó?", nhà truyền giáo hỏi. "Tôi sẽ cưới vợ, có con cái, lo làm ăn, hành nghề luật sư", Robert trả lời. "Và sau đó nữa, Robert?", nhà truyền giáo tiếp tục hỏi. "Tôi hy vọng kiếm được khá tiền với nghề luật sư; rồi tôi nghỉ hưu, dùng một số giờ rảnh rỗi để đi chu du khắp đó đây như tôi hằng luôn ao ước", Robert trả lời. "Và sau đó nữa?", nhà truyền giáo tiếp tục hỏi. "Tôi không còn có một chương trình nào nữa?", Robert trả lời. Nhà truyền giáo đưa mắt nhìn Robert - một cái nhìn đầy yêu thương, và quan tâm của người cha đối với con mình. Ông nói: "Này anh bạn trẻ, các chương trình của bạn thật quá ngắn hạn, chỉ kéo dài vỏn vẹn có 75 hay 100 năm là cùng. Bạn hãy có những chương trình đủ dài hạn để đưa Thiên Chúa vào đó, và đủ rộng lớn để bao gồm thời gian vĩnh cửu".

Đây là một ý kiến rất khôn ngoan. Tôi sợ rằng nhiều người trong số các bạn đang mò mẫm trong những chương trình đồ sộ về số lượng nhưng lại quá thu hẹp về chất lượng, trong những chương trình trải rộng theo chiều ngang của thời gian thay vì vươn lên theo chiều cao của vĩnh cửu. Tôi cũng muốn động viên các bạn hãy có những chương trình đủ lớn, đủ rộng để có thể thoát khỏi các xích xiềng của thời gian và các chướng ngại của không gian. Các bạn có gì, các bạn là gì hãy cống hiến cho Thiên Chúa của vũ trụ, Đấng không bao giờ thay đổi các ý định của mình.

Chúng ta tìm thấy Thiên Chúa này ở đâu? Ở trong một ống nghiệm? Hẳn là không. Ở đâu, nếu không phải là nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa của cuộc đời chúng ta. Đức Kitô giống Thiên Chúa, và Thiên Chúa giống Đức Kitô. Đức Kitô là Ngôi Lời đã trở nên người phàm. Người là ngôn ngữ của vĩnh cửu được dịch ra bằng các từ ngữ của thời gian. Nếu chúng ta muốn biết Thiên Chúa là gì và ý định của Người về nhân loại như thế nào, thì chúng ta phải quay về với Đức Kitô. Bằng cách gắn bó một cách tuyệt đối với Đức Kitô và đường lối của Người, chúng ta sẽ được thông phần vào hành vi kỳ diệu là hành vi tuyên xưng đức tin - một đức tin dẫn ta tới sự hiểu biết Thiên Chúa một cách đích thực.

Vậy, chúng ta phải kết luận như thế nào? Các bạn hãy yêu mình, nếu đó là mối quan tâm hợp lý và lành mạnh; các bạn đã nhận được lệnh truyền phải làm như thế; đó là chiều dài của cuộc đời. Các bạn hãy yêu tha nhân như chính mình; các bạn cũng nhận được lệnh truyền phải làm như thế; đó là chiều rộng của cuộc đời. Nhưng các bạn đừng bao giờ quên lệnh truyền thứ nhất, quan trọng hơn nhiều: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi" (Mt 22, 37); đó là chiều cao của cuộc đời. Chỉ bằng cách tích cực phát huy mỗi chiều trong số ba chiều kích của cuộc đời, các bạn mới có thể mong đợi sống một cuộc đời hoàn tất được.

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì, nhiều thế kỷ trước đây, trong một thị kiến, Người đã cho thánh Tông Đồ Gioan lên tận trời cao và thấy thành Giêsusalem mới, rực rỡ huy hoàng. Ước gì chúng ta cũng nhìn thấy được hàm ý của thị kiến và hăng hái lên đường tiến tới thành đô là cuộc đời hoàn tất, với chiều dài, chiều rộng, chiều cao đều bằng nhau. Chúng ta chỉ đích thực là mình một khi tiến tới thành đô này. Chỉ nhờ sự viên mãn này mà chúng ta có thể trở thành những con người đích thực của Thiên Chúa (1).

Martin Luther King
Nguyên tác: "La Force d'aimer", Ed. Casterman, Paris, 1965, tr.103-118

______________________

Chú thích: