Dũng mạnh để yêu thương (12)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 949 | Cật nhập lần cuối: 7/5/2021 9:41:47 AM | RSS

Điều mà Thiên Chúa có thể làm được

"Xin kính dâng
Đấng có quyền phép
gìn giữ anh em khỏi sa ngã…"

(Gđ 24)

Dũng mạnh để yêu thương (12)Kitô giáo xác tín rằng trong vũ trụ có một Thiên Chúa Toàn Năng hoạt động trong thiên nhiên và trong lịch sử. Cựu Ước và Tân Ước đã nhiều lần nhấn mạnh điều này. Về thần học, đây là vấn đề quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa. Thiên Chúa chúng ta thờ không phải là một Thiên Chúa yếu đuối hay một Thiên Chúa bất toàn. Người có thể đẩy lui những chống đối dữ dội như sóng biển, san bằng những bất công cao ngất như ngọn núi. Niềm tin Kitô giáo là một chứng tá hùng hồn về quyền năng của Thiên Chúa.

Thế nhưng, lại có người cố gắng thuyết phục ta rằng chỉ có con người mới toàn năng. Và cũng chẳng có gì mới lạ khi ta thấy họ dùng vũ trụ quy nhân để thay thế vũ trụ quy thần. Dưới hình thái như hiện nay, cố gắng này bắt đầu với thời kỳ Phục Hưng, sau đó, với học thuyết duy lý, và rồi đi đến kết luận rằng Thiên Chúa chỉ là một trang vô ích trong cuốn agenda của cuộc đời. Cũng vào thời kỳ này, và, sau đó, trong cuộc cách mạng công nghiệp, có người đặt lại vấn đề xem Thiên Chúa có thể dùng được vào chuyện gì nữa không. Phòng thí nghiệm thay thế thánh đường; nhà khoa học chiếm chỗ ngôn sứ. Cùng với Swinburne, nhiều người cất tiếng đồng ca: "Vinh danh Con Người trên trời, vì Con Người làm chủ mọi sự".

Các tín đồ của tôn giáo quy nhân này xem các tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật như lời biện minh cho niềm tin của họ. Khoa học kỹ thuật tiếp tay cho con người: kính viễn vọng và truyền hình tăng thêm sức mạnh của tiếng nói và đôi tai; xe hơi, máy bay cho phép đôi chân có được những bước dài; các dược phẩm tăng thêm tuổi thọ của con người. Tất cả các thành công kỳ diệu này lại không thể chứng minh được quyền năng của con người đó sao?

Nhưng, hỡi ôi! Có cái gì đó đã làm sụp đổ niềm tin của những con người xem phòng thí nghiệm là "thánh đường mới chứa đầy hy vọng" của nhân loại. Cái công cụ hôm qua được ca tụng, tôn vinh thì hôm nay lại gieo rắc chết chóc trong vũ trụ, đe dọa đưa nhân loại tới chỗ diệt vong. Con người không thể tự cứu mình và thế giới. Nếu không được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, khoa học kỹ thuật sẽ trở thành một con quái vật tiêu diệt sự sống trên khắp mặt đất.

Nhưng cũng có những yếu tố khác làm ta phải đặt lại vấn đề quyền năng của Thiên Chúa. Sự dữ tràn lan đưa thế giới vào "cơn hấp hối"; bão tố tàn phá nhà cửa, ruộng đồng khắp nơi trên mặt đất; các thứ bệnh tật khác nhau, chẳng hạn như bệnh tâm thần bẩm sinh, làm cho cuộc sống con người chỉ còn là một chuỗi ngày buồn thảm; các cuộc chiến tranh khốc liệt cho thấy tính man rợ của con người đối với con người. Chúng ta tự hỏi: tại sao tất cả những điều bất hạnh này lại có thể xảy ra, nếu Thiên Chúa có sức ngăn cản chúng? Vấn đề này, tức là vấn đề sự dữ, luôn dày vò tâm trí con người. Tôi chỉ có thể khẳng định điều này là đa số sự dữ mà ta phải chịu chính là do sự điên rồ và ngu dốt của con người cũng như do việc con người sữ dụng không đúng sự tự do của mình. Ngoài điều này ra, tôi chỉ biết nói thêm rằng luôn có một bóng tối nhiệm mầu nào đó liên quan đến Thiên Chúa. Điều mà vào thời điểm này được xem như một điều bất hạnh, cũng có thể có một mục đích nào đó mà trí tuệ chúng ta không sao dò thấu được. Vì thế, cho dù sự dữ hiện diện rộng khắp và hoài nghi có thể trỗi dậy mãnh liệt trong tâm trí chúng ta, thì chúng ta vẫn từ chối không đánh mất niềm tin của mình: Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng.

I

Trước hết, chúng ta phải ghi nhận rằng Thiên Chúa có khả năng giúp đỡ không gian vô tận của vũ trụ vật lý. Ở đây cũng vậy, người ta thường cố gắng thuyết phục chúng ta rằng con người mới là người chủ đích thực. Các máy bay phản lực cho phép con người vượt qua trong mấy phút những khoảng cách mà xưa phải mất nhiều công sức và thời gian mới vượt qua được. Các phi thuyền đưa các phi hành gia vào không gian với vận tốc cực nhanh. Như thế, phải chăng Thiên Chúa đã bị thay thế trong công việc làm chủ trật tự vũ trụ này?

Nhưng để khỏi kiêu căng quá độ, ta hãy đưa mắt ngắm nhìn vũ trụ bao la. Như thế, ta sẽ mau chóng nhận ra rằng các dụng cụ do tay con người làm ra còn di chuyển quá chậm so với vận hành của hệ mặt trời mà Thiên Chúa đã dựng nên. Ví dụ, trái đất quay chung quanh mặt trời với một vận tốc mà phi cơ phản lực bay nhanh nhất cũng sẽ trễ hơn 70.000 dặm, ngay trong giờ bay đầu tiên. Trong bảy phút vừa qua, ta đã vượt qua hơn 8.000 dặm trong không gian. Hay ta thử xem mặt trời; trái đất quay chung quanh mặt trời một năm vòng tròn, đo được 940.000.000 km, với vận tốc 107.000 km/giờ hay 2.570.000 km/ngày. Ngày mai, cũng vào giờ này, ta sẽ ở cách nơi đây 2.570.000 km. Mặt trời xem ra gần trái đất, nhưng lại cách xa 150.000.000 km. Sáu tháng sau, ta sẽ ở bên kia mặt trời, cách mặt trời 150.000.000 km. Và một năm sau, trái đất quay trọn một vòng chung quanh mặt trời, ta sẽ lại ở vào điểm ta đang ở bây giờ. Vậy, khi ngắm nhìn không gian vô tận mà ta phải dùng đơn vị năm ánh sáng để đo khoảng cách của các vì sao, và khi biết rằng các thiên thể di chuyển với vận tốc không thể tưởng tượng được, thì ta buộc phải nhìn xa hơn con người, và một lần nữa phải nhìn nhận rằng quả thật Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng.

II

Ta cũng phải ghi nhận rằng Thiên Chúa có quyền năng để thống trị sự dữ, tức là nhìn nhận rằng sự dữ là một thực tại. Kitô giáo không bao giờ xem sự dữ là một ảo ảnh, một lệch lạc xét về tinh thần con người; nhưng xem sự dữ là một sức mạnh, một thực tại khách quan. Nhưng đồng thời, Kitô giáo cũng khẳng định rằng sự dữ mang nơi nó mầm mống sự hủy diệt chính mình. Lịch sử mô tả các sức mạnh của sự dữ bành trướng như vũ bão, nhưng sau đó, bị đánh bại bởi các sức mạnh của công lý. Trong thế giới tinh thần, cũng có một quy luật, lặng lẽ, mắt phàm không thấy được, tương tự như các quy luật trong thế giới vật chất: đó là sự sống chỉ phát triển theo một hướng được đặt định trước. Các Hitler hay các Mussolini cũng chỉ có một thời cầm quyền, đạt tới vinh quang, nhưng để rồi tàn lụi, héo khô như cỏ đồng nội.

Trong tác phẩm "Những người khốn khổ", Victor Hugo mô tả trận Waterloo như sau:

"Napoléon đã có thể thắng trận này không? Chúng ta trả lời rằng "Không". Vì Wellington? Vì Blucher? Không. Vì Thiên Chúa… Napoléon đã bị tố cáo đến tận trời cao và ngày tàn của hoàng đế đã được định. Hoàng đế cản trở Thiên Chúa. Waterloo không phải là một trận địa, mà là sự thay đổi của thế trận trong vũ trụ…".

Waterloo là một biểu tượng: mọi Napoléon đều bị kết án; mọi thế lực quân phiệt được nhắc nhở cho biết rằng qua các giai đoạn lịch sử, sức mạnh không tạo nên quyền, và sức mạnh của gươm giáo không thể nào thắng được sức mạnh của tinh thần.

Một hệ thống chính trị được biết đến dưới cái tên là chế độ thực dân, đã thống trị châu Phi và châu Á. Nhưng quy luật vô hình thầm lặng của sự sống đã bắt đầu hành động. Như thủ tướng Mc. Millan đã nói: "Gió đã bắt đầu đổi chiều". Các đế quốc thực dân hùng mạnh đã sụp đổ như những lâu đài bằng cát, và các quốc gia mới, độc lập đã bắt đầu xuất hiện như những ốc đảo trong sa mạc khô cằn là sự bất công. Trong thời gian mười lăm năm, cuộc đấu tranh giành độc lập đã dâng lên như ngọn thủy triều tại châu Phi và châu Á, giải thoát hơn 1.500.000 người khỏi ách nô lệ thực dân.

Tại quốc gia chúng ta, một chế độ bất công, bất nhân, được biết đến dưới cái tên là chế độ phân biệt chủng tộc, cũng đã làm nhục người da đen trong suốt gần hai thế kỷ, tước đoạt hết mọi quyền họ được hưởng: quyền được sống, sống tự do và hạnh phúc. Chế độ phân biệt chủng tộc là một tai họa đối với người da đen và là một nỗi ô nhục đối với nước Mỹ. Nhưng "gió đã bắt đầu đổi chiều" trên trường quốc gia cũng như trên trường quốc tế. Các biến cố xảy đến, kế tiếp nhau và cuối cùng chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc. Ngày nay, chúng ta xác tín rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã chết. Vấn đề còn lại là tính sổ chi phí đám tang.

Những thay đổi to lớn này không chỉ liên quan đến lãnh vực chính trị và xã hội, nhưng còn đánh dấu sự tiêu diệt của các chế độ phát sinh từ bất công, được nuoio6 dưỡng bằng bất bình đẳng và cậy dựa vào bóc lột. Chúng nói lên sự tàn lụi không thể tránh được của bất cứ chế độ nào đặt nền tảng trên các nguyên lý không phù hợp với các quy luật đạo đức của vũ trụ. Khi các thế hệ mai sau nhìn lại các ngày đen tối mà chúng ta đã sống, họ sẽ nhận thấy rằng Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử để giải thoát con người. Họ cũng sẽ nghiệm thấy rằng Thiên Chúa đã làm việc qua trung gian của những con người đã nhận thức được rằng một quốc gia nửa nô lệ nửa tự do không thể nào tồn tại được.

Các sự dữ trong lịch sử, Thiên Chúa luôn có thể thắng được, chế ngự chúng được. Đôi khi, chúng ta thất vọng vì thấy các tiến bộ tỏ ra quá chậm chạp trong việc xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc, vì Chính Quyền Liên Bang tỏ ra quá thận trọng. Đây là lúc chúng ta phải lấy lại can đảm và củng cố niềm tin vào Thiên Chúa Toàn Năng. Trên con đường khó khăn tiến tới tự do, chúng ta không còn đơn độc. Có Thiên Chúa đồng hành với chúng ta. Thiên Chúa đã đặt để ngay trong vũ trụ này những quy luật đạo đức tuyệt đối. Chúng ta không thể thách đố chúng cũng như không thể hủy bỏ chúng. Nếu chúng ta không tuân theo chúng, thì chúng sẽ tiêu diệt chúng ta. Các sức mạnh của sự dữ có thể tạm thời thắng sự thật, nhưng, cuối cùng, sự thật sẽ chiến thắng sự dữ. Thiên Chúa chúng ta là Đấng Toàn Năng. Thật đúng như lời James Russell Lowell đã nói:

"Sự Thật được đưa lên máy chém,
Dối Trá được đặt ngồi trên ngai.
Nhưng máy chém lại điều khiển tương lai
và, phía sau điều bí ẩn, khôn dò,
Thiên Chúa luôn có mặt
để bảo vệ những ai thuộc về Người".

III

Cuối cùng, chúng ta phải ghi nhận rằng Thiên Chúa có thể ban sức mạnh nội tâm giúp chúng ta đối phó với các thử thách và các khó khăn của cuộc sống. Trong cuộc sống con người, buồn phiền và đau khổ đè nặng trên đôi vai, kẻ thù tấn công như vũ bão; bình minh tươi sáng trở thành đêm tối dày đặc; hy vọng tiêu tan và ước mơ sụp đổ.

Kitô giáo không bao giờ bỏ qua các kinh nghiệm này. Chúng luôn xảy ra và không thể tránh được. Trong cuộc sống, có những ngày hè chứa chan ánh sáng và những đêm mùa đông giá lạnh; sau những ngày vui là những ngày buồn; sau những ngày lụt lội là những ngày hạn hán. Trong những ngày đen tối của cuộc sống, nhiều người cũng nói như Paul Laurence Dunbar:

"Một mẩu bánh mì và một góc để ngủ;
một phút để cười cho một giờ để khóc,
một chút niềm vui cho một suối nước mắt,
đừng bao giờ cười,
nếu không, đau khổ sẽ tăng gấp đôi,
đời là thế đó!"

Kitô giáo nhìn nhận rằng có những vấn đề làm ta phải đau khổ, có những nỗi thất vọng làm ta phải chao đảo. Nhưng, sau khi nhìn nhận như thế, Kitô giáo khẳng định rằng Thiên Chúa có thể ban cho ta sức mạnh để đối phó với các vấn đề và các nỗi thất vọng này. Thiên Chúa có thể ban cho ta sự quân bình nội tâm khả dĩ giúp ta đứng vững trong thử thách, sự bình an trong tâm hồn giữa cơn bão táp. "Đứng vững trong đức tin", đó là điều Đức Kitô chối lại cho các môn đệ. Người không ban cho ta của cải vật chất, bí quyết ma thuật khả dĩ làm cho ta không còn phải chịu đau khổ, bách hại, nhưng ân huệ quý giá nhất: "Thầy ban bình an cho các con" (Ga 14, 27). Đây là sự bình an vượt trên mọi hiểu biết.

Hình như có những ngày chúng ta không cần đến Thiên Chúa. Nhưng, cũng có những ngày bão táp nổi lên, thất bại buồn phiền nhận chìm chúng ta xuống tận đáy vực sâu. Trong những ngày như vậy, nếu đức tin chúng ta không kiên vững, thì cuộc sống sẽ tan vỡ thành từng mảnh, như con thuyền trong dông tố. Nếu có quá nhiều thất vọng trong thế giới, là vì chúng ta đã cậy dựa vào quá nhiều vị thần, hơn là vào Thiên Chúa. Chúng ta đã quỳ gối thờ lạy thần "Khoa Học" và đã nhận được bom nguyên tử, với các nỗi lo âu, sợ hãi mà khoa học không bao giờ có thể thoa dịu. Chúng ta thờ thần "Lạc Thú" và đã mau chóng nhận thấy rằng thú vui và cảm xúc là thứ chóng qua. Chúng ta đã thờ thần "Tiền Bạc" và nhận thấy rằng tiền bạc không mua được tình yêu, tình bạn và hạnh phúc. Hơn nữa, trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái, làm ăn lỗ lã, tiền bạc là thứ bấp bênh nhất. Các thần này qua đi, không có khả năng giải thoát chúng ta, bảo đảm hạnh phúc cho con người.

Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng. Tin vào Thiên Chúa, đó là điều chúng ta cần tái khám phá. Với niềm tin này, chúng ta có thể biến các thung lũng giá lạnh thành những con đường dẫn tới ánh sáng đem lại niềm vui và ánh sáng mới cho những ai đang ở trong tối tăm, buồn phiền. Trong số các bạn, có ai đang ở vào tuổi hoàng hôn của cuộc đời, đang sợ hãi khi phải trải qua cái mà thường được gọi là cái chết. Tại sao lại phải sợ hãi. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng. Có ai đang phải tuyệt vọng vì người thân phải chết, cuộc hôn nhân phải tan rã, đứa con trở thành hư hỏng, độc ác? Tại sao lại phải tuyệt vọng? Thiên Chúa có thể ban cho bạn sức mạnh để chịu đựng điều không thay đổi được. Có ai đang lo lắng vì sức khỏe yếu kém? Tại sao lại phải lo lắng? Cho dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn là Đấng Toàn Năng.

Để kết thúc, xin cho phép tôi nói lên kinh nghiệm của bản thân tôi. Hai mươi bốn năm đầu của đời tôi là những năm không có chuyện gì rắc rối. Cha mẹ tôi lo cho tôi ăn học, từ lớp này đến lớp khác, từ cấp trung học đến đại học. Chỉ khi tôi có phần nào trách nhiệm trong cuộc tẩy chay ôtô buýt tại Montgomery, là mọi chuyện trở thành rắc rối. Ngay sau khi phát động cuộc tẩy chay phản đối chế độ phân biệt chủng tộc trong dịch vụ chuyên chở công cộng, chúng tôi đã nhận được những lời đe dọa: lúc đầu thì thỉnh thoảng, sau đó thì mỗi ngày một tăng. Lúc đầu, tôi coi thường các lời đe dọa này; sau đó, tôi hiểu rằng tình hình trở nên nghiêm trọng. Tôi bắt đầu do dự và sợ hãi.

Sau một ngày làm việc căng thẳng, tôi đi ngủ trễ. Vợ tôi đã ngủ. Và tôi cũng bắt đầu đi vào giấc ngủ. Chính vào lúc này, điện thoại reo và có tiếng giận dữ ở đầu dây kia vọng đến: "Này thằng mọi da đen kia, chúng tao đã chán ngấy cái trò của mày. Từ nay đến cuối tuần sau, mày sẽ hối hận, vì đã đặt chân đến Montgomery". Tôi treo ống nghe và không còn ngủ được nữa. Sợ hãi ập xướng trên tôi. Tôi cảm thấy mọi sự như vậy đã là quá đủ rồi.

Tôi dậy và đi đi lại lại trong phòng. Cuối cùng, tôi vào nhà bếp, nấu nước pha càphê. Tôi sẵn sàng bỏ cuộc. Tôi cũng đã cố gắng tìm cách rời khỏi Montgomery mà không phải mất mặt. Mệt mỏi, mất hết can đảm, tôi quyết định chạy đến cùng Thiên Chúa. Tôi ngồi vào bàn, hai tay ôm đầu, gục đầu xuống và cầu nguyện lớn tiếng. Những gì tôi đã nói với Thiên Chúa đêm hôm đó, đến nay tôi còn nhớ rõ mồn một: "Con đã đến đây để đấu tranh cho điều con tin là chính nghĩa. Nhưng bây giờ, con sợ. Mọi người tìm đến với con để được hướng dẫn. Nếu con không có sức mạnh, không có lòng can đảm, thì họ cũng sẽ vấp ngã. Sức lực con đã cạn. Con không còn có gì nữa. Bây giờ, con không thể đương đầu với các khó khăn nữa".

Ngay vào lúc đó, tôi cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa một cách đặc biệt hơn bao giờ hết. Như thể, từ tận đáy lòng tôi, Người nói với tôi: "Hãy đứng dậy đấu tranh cho Công lý. Hãy đứng dậy đấu tranh cho Chân lý! Thiên Chúa sẽ luôn ờ cạnh ngươi!". Gần như tức khắc, sợ hãi rời bỏ tôi; do dự cũng biến mất. Tôi sẵn sàng đối phó với mọi khó khăn. Hoàn cảnh bên ngoài không thay đổi, nhưng Thiên Chúa đã ban cho tôi sự bình an trong tâm hồn.

Ba phút sau, ngôi nhà của tôi bị đánh bom sập. Điều làm tôi ngạc nhiên là tôi đón nhận tin này một cách bình tĩnh. Kinh nghiệm của tôi về Thiên Chúa đã làm tôi thêm can đảm và tin tưởng. Bây giờ, tôi biết rằng Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta sức mạnh nội tâm để đối phó với bão tố và khó khăn của cuộc đời.

Ước gì đây là điều mà chúng ta phải nói lên cho mọi người biết. Nhờ vậy, chúng ta sẽ có đủ cam đảm để đối phó với các hoàn cảnh bất trắc của tương lai. Đôi chân mệt mỏi của chúng ta được thêm sức mạnh để tiến tới thành đô tự do. Nếu mây đen bao phủ cuộc đời, và nếu cuộc đời chúng ta trở thành tối tăm hơn cả nghìn đêm tối, thì hãy nhớ rằng, trong vũ trụ, có một Sức Mạnh Toàn Năng, to lớn, độ lượng, mang tên gọi là Thiên Chúa: Người có thể mở ra cho chúng ta một lối đi khi không còn đường đi, biến các đêm tối hôm nay thành những ngày mai xán lạn. Đây là niềm hy vọng làm cho chúng ta trở thành những con người tốt hơn. Đây cũng là sứ mạng thúc đẩy chúng ta xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn vậy. (1)

Martin Luther King
Nguyên tác: "La Force d'aimer", Ed. Casterman, Paris, 1965, tr.143-153

_____________________

Chú thích: