Niềm hy vọng Kitô giáo trong doi song của người tín hữu (1)
Thánh Augustinô đã xác tín: “Dù ở bậc sống nào, người ta cũng không thể sống nếu không có ba nhân đức quan trọng: tin, cậy và mến”. Trong tính năng động không thể tách rời của ba nhân đức này, có thể nói rằng, niềm hy vọng định hướng và vạch ra mục tiêu cho đời sống của người tín hữu.
Cùng với Giáo hội hoàn vũ bước vào năm thánh 2025 với chủ đề: Những người lữ hành của niềm hy vọng. Niềm hy vọng là sứ điệp trọng tâm của năm thánh. Đối với mọi người, ước gì Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động và cá vị, Người là cánh cửa ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9), là niềm hy vọng của chúng ta (x. 1 Tm 1, 1) (1). Trong tâm tình đó, tác giả xin được gởi đến những người thành tâm bài viết: Niềm hy vọng Kitô giáo trong đời sống của người tín hữu, để cho thấy niềm hy vọng Kitô giáo luôn là một thực tại khả tín. Niềm hy vọng ấy luôn hướng tới tương lai đã được Kinh Thánh mạc khải và được Giáo hội cũng cố trong suốt chiều dài của lịch sử. Và đây cũng là lời tuyên xưng phát xuất từ cảm nghiệm mang tính cá vị của thánh Phaolô: “Tôi biết, tôi tin vào ai?” (2 Tm 1, 12). Song, thiết tưởng, mỗi người Kitô hữu cũng phải có một niềm xác tín mạnh mẽ như thế để biểu lộ đức tin, đức cậy và đức mến của mình vào Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong bối cảnh mà thế giới đang phải đối diện như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong sắc chỉ công bố năm thánh 2025: từ lo sợ, chán nản, cho đến nghi nhờ, rồi biết bao con người bị loại trừ, cô đơn và bị bỏ rơi... Mặc dù thế, niềm hy vọng Kitô giáo không bao giờ cho phép chúng ta sống trong thất vọng, vì chúng ta có Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần như bảo chứng tình yêu vĩnh cửu và tình yêu này được tuôn trào từ trái tim của Chúa Kitô bị đâm thâu trên thập giá (x. Rm 5, 10). Do đó, Thánh Augustinô đã xác tín: Dù ở bậc sống nào, người ta cũng không thể sống nếu không có ba nhân đức quan trọng: tin, cậy và mến (2). Trong tính năng động không thể tách rời của ba nhân đức này, có thể nói rằng, niềm hy vọng định hướng và vạch ra mục tiêu cho đời sống của người tín hữu. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện (Rm 12, 12). Đúng vậy, chúng ta phải tràn đầy niềm hy vọng (x. Rm 15, 13) để làm chứng một cách khả tín và hấp dẫn về đức tin và tình yêu trong lòng chúng ta; nhờ đó, chúng ta vui tươi trong đức tin, nhiệt thành trong đức mến. Nhưng, nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta là gì? Chúng ta cần suy tư về những lý do khiến chúng ta hy vọng (x. 1 Pr 3, 15) (3). Trước hết, niềm hy vọng Kitô giáo luôn được khởi đi từ việc tham dự cử hành phụng vụ. Tiếp đến, niềm hy vọng phải được thể hiện và nối dài trong đời sống hằng ngày. Cuối cùng, niềm hy vọng ấy thúc bách chúng ta hăng say trong sứ vụ loan báo Tin mừng đến cho tha nhân.
Cuộc đời của mỗi người là một cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc. Trong hành trình ân phúc đó, con người luôn ước mơ và khao khát đi tìm cho mình nhiều thứ để đạt được hạnh phúc ở trần gian này. Thế nhưng, những hạnh phúc ấy cuối cùng đều chóng qua và chìm vào dĩ vãng. Tuy nhiên, với đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo, con người vẫn có hạnh phúc thực sự, niềm hạnh phúc ấy không hệ tại ở một cái gì khác hảo huyền nhưng chính là Đức Kitô vì Người là cứu cánh, là đường là sự thật và sự sống (x. Ga 14, 6). Người là cánh cửa ơn cứu độ (x. Ga10,7.9), là niềm hy vọng của chúng ta (x. 1 Tm 1, 1). Chỉ khi con người gặp gỡ cách cá vị và ở thân tình với Đức Kitô, con người sẽ cảm nếm hạnh phúc viên mãn, niềm hạnh phúc đó được trãi dài trong cuộc sống khi chúng ta biết sống cho Chúa và tha nhân. Đặc biệt, khi con người tham dự tích cực vào các cử hành phụng vụ, sống hy vọng vào Chúa trong cuộc sống đời thường và hăng say trong sứ vụ loan báo Tin mừng đến cho tha nhân, con người sẽ được cảm nếm hạnh phúc Nước Trời ngay chính thực tại trần thế hôm nay.
I. NIỀM HY VỌNG TRONG PHỤNG VỤ CÔNG GIÁO
1.1 Trong các cử hành phụng vụ
Hiến chế Sacrosanctum Concilium - Phụng vụ thánh của Công đồng Vatican II số 10 viết: Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo hội. Khi tham dự các buổi cử hành phụng vụ nơi trần thế, chúng ta thực sự được cảm nếm trước phụng vụ trên trời, được cử hành trong thành thánh Giêrusalem, nơi chúng ta là những lữ khách đang tiến về, ở đó Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa như một thừa tác viên của cung thánh, của nhà tạm đích thực (x. Kh 21, 2; Cl 3, 1; Dt 8, 2); Chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh Thiên Quốc đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa: chúng ta hy vọng được thông phần và đoàn tụ với các thánh khi kính nhớ các ngài; chúng ta mong Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cho đến khi chính Người là sự sống chúng ta sẽ xuất hiện và chúng ta sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang mai sau (4).
1.2 Trong các bí tích
Các bí tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng thân thể Đức Kitô và sau cùng, thờ phượng Thiên Chúa. Khi cử hành các bí tích, Chúa Giêsu hiện diện nhờ quyền năng của Người, đến nổi, khi có ai cử hành bí tích rửa tội thì chính Chúa Kitô đang rửa tội. Người hiện diện trong lời của Người (5). Các bí tích là bảo chứng tình yêu mà Đức Kitô trao ban cho nhân loại, trong các bí tích, Hội thánh đã nhận được bảo chứng gia tài của mình, đã được dự phần vào đời sống vĩnh cửu, đang khi “trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Thánh Tôma Aquinô nói: Bí tích là dấu chỉ nhắc nhớ điều đã xảy ra trước nó, tức là cuộc khổ nạn của Đức Kitô, là dấu chỉ cho thấy điều được thực hiện nơi chúng ta nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tức là ân sủng, là dấu chỉ báo trước vinh quang tương lai (6). Cụ thể nhất là khi các tín hữu lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức là lúc lãnh nhận một bí tích của niềm hy vọng. Đồng thời, được gia nhập vào đoàn dân Thiên Quốc, nghĩa là Hội thánh và thông phần vào những điều thiện hảo tương lai. Nhờ các bí tích này, chúng ta đi vào chuyển động cánh chung như là chiếm hữu và hy vọng toàn thể được mạc khải nơi họ, cũng như ân huệ khởi đầu mà sách Tân ước nói đến. Trong nghi thức rửa tội chúng ta thấy diễn tả ý nghĩa của niềm hy vọng qua hai biểu tượng đó là áo trắng và nến cháy, nhắc đến một sự cam kết hướng đến đời sống vĩnh cửu (7). Nghi thức thêm sức cũng nói rất rõ ý nghĩa cánh chung của bí tích này; trong bản văn nghi lễ Coptic viết: dấu chỉ của Đức Kitô cho sự sống trường cửu (8) và Chúa Thánh Thần thúc đẩy các Kitô hữu hoạt động hướng đến triều đại của Đức Kitô (LG 4 và 48). Trong các bí tích, ta thấy bí tích Thánh Thể làm nổi bật chiều kích niềm hy vọng cánh chung hơn cả.
1.3 Trong bí tích Thánh Thể
Hiến chế Sacrosanctum Concilium - Phụng vụ thánh (1963) của Công Đồng Vatican II, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp Ecclesia De Eucharistia – Giáo hội từ bí tích Thánh Thể (2003). Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong tông huấn Sacramentum Caritatis - Bí tích tình yêu (2007) đề cập nhiều đến chiều kích niềm hy vọng của bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là bảo chứng cho vinh quang đời sau (9) mà chúng ta đang mong đợi. Thánh Thể thu tóm tất cả những gì mà trong lịch sử cứu độ Thiên Chúa đã làm và sẽ làm cho nhân loại. Sự hiện diện của Đấng Phục sinh và của mầu nhiệm vượt qua của Người; sự trông chờ Người trở lại như là yếu tố cốt yếu của cộng đoàn cánh chung. Lời tung hô của cộng đoàn sau lời truyền phép của linh mục “chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại” biểu lộ chiều hướng niềm hy vọng cánh chung của việc cử hành Thánh Thể (x. 1Cr 11, 26), cũng như việc tưởng nhớ trong các kinh nguyện Thánh Thể III và IV “đồng thời mong đợi người lại đến” và sau kinh lạy Cha “đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô”, tất cả kinh nguyện tạ ơn đều kết thúc với ý tưởng vinh quang; Thánh Thể là một sự hướng về cùng một mục đích, sự nếm trước niềm vui viên mãn mà Đức Kitô đã hứa (x. Ga 15, 11). Trong bí tích Thánh Thể, mọi sự đều diễn ra sự mong đợi đầy tin tưởng đó (10). Những ai rước mình và máu Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể không cần chờ đến đời sau mới đón nhận sự sống vĩnh cửu, nhưng họ đã chiếm hữu sự sống đó ngay đời này, như những hoa quả đầu tiên của sự viên mãn mai sau, sự viên mãn liên quan đến toàn thể con người. Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta nhận được bảo đảm là thân xác chúng ta sẽ được sống lại trong ngày tận thế (x. Ga 6, 54). Sự bảo đảm này bắt nguồn từ sự kiện thân xác Con Người được trao ban làm của ăn, là chính thân xác trong tình trạng vinh hiển sau khi sống lại. Với bí tích Thánh Thể, chúng ta như thể biết được bí mật của sự sống lại (11). Vì thế, thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã định nghĩa cách tuyệt vời: Thánh Thể như là linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết (12).
Bí tích Thánh Thể còn gợi lên, diễn tả và củng cố sự hiệp thông giữa chúng ta với Hội thánh trên trời. Đây là một khía cạnh của Thánh Thể đáng được nhấn mạnh. Khi cử hành hy tế của Con Chiên, chúng ta được liên kết với phụng vụ trên trời và trở nên thành phần của một đoàn đông đảo (x. Kh 7, 10). Quả thực, bí tích Thánh Thể là một thoáng hiện của Thiên đàng trên trái đất và là một tia sáng huy hoàng của Giêrusalem Thiên Quốc xuyên qua lớp mây mù của lịch sử và sự soi sáng cho cuộc hành trình của chúng ta. Bí tích Thánh Thể luôn thúc đẩy chúng ta tiến bước trong lịch sử và làm nảy sinh hạt giống của niềm hy vọng sống động trong những dấn thân hằng ngày để chu toàn nhiệm vụ (13) và ý thức trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới hôm nay (14). Như thế, việc loan truyền sự chết của Chúa cho đến khi Người lại đến đòi hỏi người Kitô hữu phải dấn thân, nhiệt huyết, biến đổi cuộc sống của mình và làm cho nó cách nào đó hoàn toàn trở thành Thánh Thể. Tựu trung, chiều kích niềm hy vọng cánh chung luôn gắn liền với bí tích Thánh Thể: Thánh Thể là bí tích của Chúa Giêsu phục sinh; là lương thực cho Hội thánh lữ hành, là thuốc trường sinh cho con người, giúp Kitô hữu thông phần bản tính Thiên Chúa, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, đồng thời loan báo trời mới đất mới (15). Chính vì thế, người tín hữu cần tham dự phụng vụ nhất là bí tích thánh thể cách sốt sắng, linh động với một tâm hồn trong sáng, ngay thẳng, đừng để lãnh nhận ơn Chúa cách vô ích.
1.4 Trong năm phụng vụ
Trong năm phụng vụ, chiều kích niềm hy vọng được nêu bật cách đặc biệt trong mùa vọng và phục sinh. Tuy nhiên, gốc rễ của sự chờ đợi cuộc quang lâm là lễ phục sinh. Trong đêm canh thức phục sinh, chúng ta trông mong Chúa Cứu Thế đến. Cụ thể qua các lời nguyện, chiều kích niềm hy vọng cánh chung nổi lên rõ rệt, trong đó khởi đi từ cuộc phục sinh của Đức Kitô và Chúa Thánh Thần được ban cho nhân loại như ân hồng ân của thời viên mãn để thực hiện canh tân vũ trụ, phụng vụ xin cho Hội thánh đạt tới sự viên mãn và hoàn tất. Ngoài ra, chiều kích niềm hy vọng còn được đề cao trong các Thánh lễ: Kính Chúa (Chúa Thăng Thiên, Đức Kitô Vua Vũ Trụ), lễ trọng kính tất cả các thánh và lễ kính các linh hồn đã qua đời. Đặc biệt, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, người là khởi đầu, là hình ảnh niềm hy vọng cánh chung và là niềm an ủi, hoa trái đầu mùa của thực tại tương lai mà Hội thánh đang trông mong hy vọng trong cuộc lữ hành trần thế. (x. Kinh tiền tụng lễ chính ngày).
1.5 Trong phụng vụ các giờ kinh
Chúa Kitô tiếp tục thực thi phận vụ tư tế qua chính Hội thánh của Người. Do đó, Hội thánh là cộng đoàn không ngừng chúc tụng Thiên Chúa và chuyển cầu cho phần rỗi thế giới. Đồng thời, Hội thánh còn tụ họp để cầu nguyện, tuyên xưng sự hiệp thông với Giêrusalem Thiên Quốc nhờ việc chúc tụng được dâng lên trong các giờ kinh nhật tụng (16). Qua việc dâng lên các lời kinh, Hội thánh ca hát và kết hợp với lời chúc tụng bất tận trên Thiên Quốc, và nếm hưởng sự chúc tụng được vang lên trước ngai Thiên Chúa và Con Chiên như sách khải huyền mô tả. Trong phụng vụ các giờ kinh, chúng ta biểu lộ và nuôi dưỡng niềm hy vọng ấy, chúng ta tham dự cách nào đó vào niềm vui của lời chúc tụng trưởng cửu và vào ngày không xế tàn (17). Trong các lời nguyện kinh chiều, chúng ta cầu xin và khẩn nài cho ánh sáng luôn trở về với chúng ta, và chúng ta xin Đức Kitô đến và ban cho chúng ta hồng ân ánh sáng vĩnh cửu. Trong giờ kinh tối, qua việc phó thác bản thân cho Chúa, trong khi nghỉ ngơi và sau khi tuyên xưng với ông Simêon lòng ước ao được gặp, được thấy, được ở với Người (18). Như vậy, niềm hy vọng Kitô giáo được bộc lộ rõ nét nơi vài lời nguyện, đặc biệt các lời nguyện kinh chiều mùa thường niên.
II. NIỀM HY VỌNGTRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
2.1 Sống chiều kích hy vọng qua việc cầu nguyện
Chúa Giêsu khi sống ở trần gian, bằng cung cách rao giảng và việc làm của Ngài, điều này chứng tỏ triều đại Thiên Chúa đã đến rồi, đặc biệt Người đã đập tan sự chết để chúng ta được tham dự vào cái chết và phục sinh của Người. Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới lãnh nhận bảo chứng của ơn cứu chuộc, đặc biệt là Thánh Thần. Chúng ta còn mang những vết tích của tội lỗi và sự chết, nên chúng ta trông mong được giải thoát hoàn toàn khỏi cảnh nô lệ đó (x. Rm 8,19-22). Như thế, thực tại cánh chung đã đến rồi, đã hoàn thành nhưng chưa kết thúc, vẫn còn giang dỡ để mở ra cho tất cả mọi người đón nhận với sự tự do của mình. Nước trời đang hiện trong Hội thánh nhưng chưa phải là tuyệt đối với quyền năng và vinh quang (x. Lc 21, 7). Nước này còn bị các thế lực sự dữ tấn công, mặc dù chúng đã bị đánh bại tận gốc rễ do cuộc vượt qua của Đức Kitô (19). Vì vậy, các Kitô hữu cần phải cầu nguyện như lời Đức Bênêđictô nói trong thông điệp về niềm hy vọng Kitô giáo: cầu nguyện được xem là trường của niềm hy vọng (20), để Đức Kitô mau lại đến (x. 2Pr 3,11-12). Hơn nữa, chúng ta cần làm đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi sự và mặc lấy binh giáp của Người để có thể đối phó và đứng trước những cạm bẫy của ma quỷ trong ngày đen tối (x. Ep 6,11-13). Thời gian hiện tại, theo Chúa là thời gian của ân sủng, thần khí và việc làm chứng, nhưng cũng là thời gian được ghi dấu bằn nổi khó khăn hiện tại và bằng sự thử thách của sự dữ, thời gian này không buông tha Hội thánh và khởi đầu cuộc chiến của những ngày sau cùng (21). Do đó, chúng ta phải sống trong tâm thế chờ đợi và tỉnh thức như lời Chúa nhắc nhở, để khi sự sống duy nhất của mỗi người ở trần gian này chấm dứt, chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người và được kể vào số những người được chúc phúc (x. Mt 25,31-46) (22).
2.2 Sống dấn thân và hy vọng vào Đức Kitô
Niềm hy vọng mang tính cách năng động nhờ được đặt trong mối tương quan cá vị với Đức Kitô. Qua việc dấn thân, chúng ta làm cho thế giới này năng động và nhân bản hơn để mở rộng cánh cửa đi vào tương lai. Cũng như sống dấn thân, đau khổ luôn đi liền với tính hiện sinh của con người. Nếu loại bỏ đau khổ, con người sẽ rơi vào một đời sống trống rỗng, mơ hồ và hụt hẩng. Thế nên, trong đau khổ con người tìm được ý nghĩa của nó nhờ kết hợp với cuộc thương khó của Đức Kitô. Bên cạnh đó, người Kitô hữu cần sống đức tin và hy vọng vào Đức Kitô, Đấng là đường là sự thật và sự sống (x. Ga 14, 6). Người là dung mạo đích thực và niềm hy vọng của chúng ta, chỉ có Người giải thoát và cứu độ chúng ta bằng tình yêu. Người là niềm hy vọng đích thực và vĩ đại, Người yêu thương chúng ta cho đến tận cùng, cho đến lúc viên mãn (x. Ga 13, 1; 19, 30). Ai đã được tình yêu này đụng chạm tới, thì sẽ bắt đầu cảm nghiệm cuộc sống đích thực là gì. Chúng ta bắt đầu cảm nghiệm lời nói về hy vọng mang ý nghĩa gì, lời mà chúng ta gặp trong nghi thức rửa tội: nhờ đức tin tôi mong chờ sự sống đời đời, sự sống đích thực, trọn vẹn và không bị hăm dọa, sự sống trong sự tròn đầy của nó. Đức tin đã mang lại cho cuộc sống một nền tảng mới mẻ, hầu trên đó con người xây dựng tương lai của mình không theo cách thế mà thế giới này coi là bảo đảm đang khi nó chỉ là thứ yếu. Niềm hy vọng Kitô giáo phải được xây dựng trên đức tin, nhờ vậy niềm hy vọng tìm thấy cho nó một sức bật bên trong chứ không phải là một thứ hy vọng bâng quơ bên ngoài. Chỉ với cái nhìn của niềm hy vọng trong đức tin, niềm hy vọng ấy mới tìm thấy cho nó trọn vẹn nội dung và một hướng đích. Tóm lại, niềm hy vọng Kitô giáo là hy vọng tương lai đang tới của Đức Kitô, tương lai ấy đã được mở ra cho chúng ta thấy trong biến cố phục sinh. Tương lai ấy vẫn còn tiếp tục được thành toàn vì nó vẫn còn đang được mong đợi, vẫn còn đang được chờ đợi trong hy vọng Trời Mới Đất Mới.
2.3 Hy vọng vào một cuộc sống hạnh phúc
Con người thời xưa và nay luôn đặt ra câu hỏi mang tính hiện sinh: tôi sống ở đời này để làm gì? Thiết nghĩ, câu trả lời nhiều người chọn nhất là: được sống hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ở đây là hạnh phúc nào? Hạnh phúc có hệ tại ở chỗ thỏa mãn nhu cầu vật chất hay một điều gì khác? Đối với chúng ta, câu trả lời cuối cùng là cuộc sống hạnh phúc chỉ có thể đời sống mai hậu. Chúng ta hy vọng không khác gì hơn là được sở hữu điều này. Chúng ta đang trên đường lữ hành của niềm hy vọng không vì một điều gì khác hơn là điều duy nhất đó (23). Tuy nhiên, ngay khi ở đời này, chúng ta có thể nếm hưởng phần nào nhờ con đường Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã dạy. Bài giảng Bát Phúc thanh luyện chúng ta khỏi những ảo tưởng về hạnh phúc giả tạo và vạch ra cho chúng ta thấy con đường dẫn tới hạnh phúc chân chính. Tám Mối Phúc họa lại cho chúng ta chính bức chân dung của Đức Giêsu và mời gọi chúng ta chia sẻ con đường yêu thương qua việc từ bỏ mình để phục vụ tha nhân. Như vậy, niềm hy vọng vào cuộc sống hạnh phúc tuyệt đối mở ra cho chúng ta một cái nhìn về giá trị và ý nghĩa của cuộc đời, kể cả những khi gặp bế tắc, khó khăn trong cuộc sống. Niềm hy vọng này mang lại nghị lực cho chúng ta trong việc kiến tạo và xây dựng thế giới này, chuẩn bị cho công lý và hòa bình ngự trị, những nổ lực xây dựng thế giới sẽ không bị hủy diệt, nhưng được nâng cao trong Vương Quốc của Thiên Chúa.
2.4 Hy vọng Đức Kitô trở lại phán xét
Trong kinh Tin Kính vĩ đại của Công đồng chung Nicêa (325) và Constantinốp (381) có đoạn viết: “Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Như thế, ngay từ thời gian đầu, viễn ảnh cuộc phán xét đã ảnh hưởng trên người Kitô hữu ngay trong đời sống hằng ngày, như tiêu chuẩn để sắp xếp cuộc sống hiện tại, đồng thời cũng là hy vọng vào sự công chính của Thiên Chúa. Niềm tin và hy vọng vào Chúa Kitô không bao giờ chỉ nhìn lui, nhìn trên nhưng luôn nhìn ra phía trước, nhìn vào giờ công chính mà Chúa loan báo rất nhiều lần. Cái nhìn về phía trước đem lại cho đời sống đức tin Kitô giáo sức mạnh cuộc sống hiện tại (24). Vì thế, niềm tin vào cuộc phán xét chung thẩm được xem như môi trường học hỏi và thực tập của niềm hy vọng (25), và hình ảnh cuộc phán xét cuối cùng trước tiên không phải là hình ảnh kinh sợ, nhưng là hình ảnh hy vọng, có lẽ đối với chúng ta là hình ảnh hy vọng dứt khoát. Khi hướng về cuộc phán xét và quang lâm, chúng ta cảm nghiệm và lãnh nhận sự thống trị tình yêu của Người trên mọi sự xấu xa trong trần gian và trong con người, tâm hồn chúng ta. Dù vậy, ân sủng của Chúa giúp chúng ta can đảm, hy vọng và vững tin tiến đến gặp gỡ vị thẩm phán mà chúng ta biết Người là Đấng luôn là trạng sư của chúng ta (x. 1 Ga 2, 1) (26).
2.5 Hy vọng vào Vương quốc Thiên Chúa và được lên thiên đàng
Niềm tin vào Vương Quốc Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta luôn sống trong hy vọng. Trong lời kinh Chúa dạy - Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện: chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời. Thật vậy, bằng lời cầu nguyện của mình, người Kitô hữu luôn hy vọng cho triều đại Thiên Chúa luôn ngự đến. Chúng ta mong đợi trời mới đất mới nhưng cũng dấn thân xây dựng thế giới hiện tại và luôn cộng tác cho Triều Đại Thiên Chúa qua cuộc sống sao cho tương hợp với lời giảng dạy của Đức Kitô. Các tín hữu thi hành bổn phận và trách nhiệm của mình với lòng tận tụy yêu mến để xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa ngay chính trần gian này, nhằm giúp con người thoát khỏi tất cả mọi sự dữ. Tuy vậy, chúng ta đang sống trong Giáo Hội mới chỉ là mầm mống và khai nguyên của Vương Quốc Thiên Chúa ở trần gian. Vương quốc ấy chỉ hoàn tất trong ngày tận thế, ngày Chúa đến lần thứ hai. Người sẽ thiết lập vĩnh viễn của Vương Triều Thiên Chúa, nơi đó không còn sự chết, tang tóc kêu than và đau khổ nữa vì những điều cũ đã biến mất (x. Kh 21, 1.4) (27), nhưng là nơi của sự công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần (28); Vương Quốc Thiên Chúa là hồng ân, vĩ đại và tốt đẹp là câu trả lời cho niềm hy vọng Kitô giáo (29); Vương Quốc của Người không phải là thế giới bên kia thật ảo tưởng thuộc về một tương lai không bao giờ đến; Vương Quốc của Người hiện diện, nơi Người được yêu mến và nơi tình yêu của Người đến với chúng ta. Chỉ có Vương Quốc Thiên Chúa mới đem lại cho chúng ta sự kiên vững trong một thế giới tự bản chất là bất toàn, luôn thay đổi nhanh chóng mà không đánh mất sức bật của niềm hy vọng vào Chúa và vương quốc của Người (30).
Trong kinh “trông cậy” và phần kết của Kinh Tin Kính, chúng ta hy vọng vào ngày sau hết được Thiên Chúa cho lên thiên đàng, được hưởng hạnh phúc đời đời. Quả thật, thiên đàng và cuộc sống đời đời là mục đích tối hậu và niềm hy vọng của các Kitô hữu mà các tín hữu cần hướng về. Để có sự sống đời đời, chúng ta cần phải dấn mình vào một niềm tín thác thực sự, nói như Đức Bênêđictô XVI nói: đó là niềm tin vào Thiên Chúa, chỉ có đức tin là chìa khóa đem lại cho chúng ta sự sống đời đời. Đồng thời, sự sống đời đời dành cho những ai khước từ mọi sự (x. Mc 10,29-30), lắng nghe và thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Nơi đó, chúng ta được ở với Đức Kitô và nhìn thấy Ngài, bởi vì nơi đâu có Đức Kitô, ở đó có Nước Trời (31). Nhưng, chúng ta có thể nói gì về đời sống vĩnh cửu? Đó vẫn còn là một ẩn giấu đối với chúng ta, vẫn còn là điều chưa biết (32), vẫn được giữ lại trong niềm hy vọng về một thực tại mới mẻ.
(còn tiếp)
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Đình Lương, Giáo phận Bà Rịa
Nguồn: giaophanxuanloc.net
_________
Chú thích:
(1) PHANXICÔ, Sắc chỉ công bố năm thánh 2025 - Spes Non Confundit, SỐ 1.
(2) PHANXICÔ, Sắc chỉ công bố năm thánh 2025 - Spes Non Confundit, SỐ 2.
(3) PHANXICÔ, Nt, SỐ 18.
(4) Hiến chế Sacrosanctum Concilium, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam., dg., nxb. Tôn giáo, Hà nội, 2012, số 8.
(5) Hiến chế Sacrosanctum Concilium, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam., dg., nxb. Tôn giáo, Hà nội, 2012, số 7.
(6) Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam., dg., nxb. Tôn giáo, Hà nội, 2010, số 1130 trích bởi Tôma Aquinô, Summa Theologiae, III, q. 60, a. 3,c: ed. Leon.12,6.
(7) JESUS CASTELLANO CERVERA, O.C.D, Cánh chung luận và phụng vụ, trong thời sự thần học, Hi Vọng, Học Viện Đa Minh, số 69, 2015, tr. 129.
(8) JESUS CASTELLANO CERVERA, O.C.D, Cánh chung luận và phụng vụ, trong thời sự thần học, Hi Vọng, Học Viện Đa Minh, số 69, 2015, tr. 129.
(9) Hiến Chế Sacrosanctum Concilium, sđd., số 47.
(10) GIOAN PHAOLÔ II, Thông Điệp Bí Tích Thánh Thể, 2003, số 18.
(11) GIOAN PHAOLÔ II, Thông Điệp Bí Tích Thánh Thể, 2003, số 18.
(12) Ad Ephesios, 20: PG 5, 661.
(13) GIOAN PHAOLÔ II, Thông Điệp Bí Tích Thánh Thể, 2003, số 20.
(14) Hiến Chế Gaudium et Spes, số 39.
(15) LM PHAN TẤN THÀNH, Đời sống tâm linh IX, bí tích tình yêu, Học Viện Đa Minh, 2011, tr. 324 -326.
(16) X. Hiến Chế Sacrosanctum Concilium, sđd., số 83.
(17) JESUS CASTELLANO CERVERA, O.C.D, nđd., tr. 133.
(18) Quy chế tổng quát phụng vụ các giờ kinh, số 16; 39; 70.
(19) Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 671.
(20) BÊNÊDICTÔ XVI, Thông điệp Spe Salvi, Augustinô Nguyễn Văn Trinh., dg., 2007. số 32-34.
(21) Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 672.
(22) Hiến Chế Lumen Gentium, số 48.
(23) BÊNÊDICTÔ XVI, Thông điệp Spe Salvi, Augustinô Nguyễn Văn Trinh., dg., 2007, số 11.
(24) BÊNÊDICTÔ XVI, Thông điệp Spe Salvi, Augustinô Nguyễn Văn Trinh., dg., 2007. số 41.
(25) BÊNÊDICTÔ XVI, Thông điệp Spe Salvi, Augustinô Nguyễn Văn Trinh., dg., 2007, số 41-48.
(26) BÊNÊDICTÔ XVI, Thông điệp Spe Salvi, Augustinô Nguyễn Văn Trinh., dg., 2007, số 47.
(27) Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1044.
(28) Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2819.
(29) BÊNÊDICTÔ XVI, Thông điệp Spe Salvi, Augustinô Nguyễn Văn Trinh., dg., 2007, số 35.
(30) BÊNÊDICTÔ XVI, Thông điệp Spe Salvi, Augustinô Nguyễn Văn Trinh., dg., 2007, số 31.
(31) Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1025 trích bởi thánh Ambrosio, Expositio Evangelii Secundum Lucam, 10,121:CCL 14, 379 (PL 15,1927).
(32) Sắc lệnh Truyền giáo Ad Gentes, số 9.