Biển cả yêu thương xuất phát từ bản thân đến vạn loài

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 15 | Cật nhập lần cuối: 11/20/2024 9:33:13 AM | RSS

Bien ca yeu thuong xuat phat tu ban than den van loaiLama Tsomo, một bậc thầy tâm linh theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, đã chia sẻ về cách nuôi dưỡng và phát triển lòng trắc ẩn dành cho chính bản thân mình, ngay cả khi chúng ta cảm thấy không xứng đáng được nhận được tình yêu thương.

Có lần, Đức Dalai Lama đã rất ngạc nhiên khi các học giả phương Tây đã học Phật pháp lâu năm nói với ngài rằng hầu hết người phương Tây không chắc chắn rằng họ có yêu thương bản thân mình hay không. Bởi ngài vốn nghĩ rằng tất cả con người chúng ta đều yêu bản thân mình nhất, nhưng thật ra, không phải vậy. Trong nhiều trường hợp, người phương Tây phải vật lộn và dằn vặt khi những cảm xúc yêu thương và ưa mến bản thân sinh khởi.

Một vị Lama Tây Tạng khác, Mingyur Rinpoche, cũng không thể tưởng tượng được những gì các học viên phương Tây của thầy đang bàn luận xung quanh chủ đề này. Sau đó, thầy đã quyết tâm tìm hiểu vì cảm thấy rằng nếu không thực sự nhìn thấu được hiện tượng này một cách rốt ráo, thì thầy sẽ không thể giúp đỡ những học viên đó tiếp cận và đi sâu vào Phật pháp. Thầy quyết định ôm ấp một nhận định xấu về bản thân.

Mỗi ngày, trong lúc thiền định, Mingyur Rinpoche tập trung vào những lỗi lầm và thiếu sót của chính mình. Thầy tự nhủ rằng bởi vì những điều sai sót này nên bản thân rất vô dụng. Một ngày nọ, sau khi nuôi dưỡng trong tâm tất cả các loại suy nghĩ tiêu cực tương tự, thầy nhận ra rằng thầy ít yêu thương bản thân hơn và thực sự rất chán nản. Sau đó, thầy đã nhận ra: “Bây giờ thì tôi hiểu rồi! Nếu làm như vậy thì tôi cũng không thích bản thân mình. Thật tuyệt vời khi đã thấy được vấn đề này!”. Không cần phải nói, thầy đã quay trở lại phương pháp tu tập thông thường và nhanh chóng có được trạng thái vui vẻ của mình.

Người phương Tây thường tìm ra vô số lý do, cả vô tình lẫn cố ý, để đè nén tình yêu thương sâu sắc dành cho bản thân. Chúng ta có thể nghĩ rằng mình không xứng đáng được yêu thương, hoặc tin rằng chỉ khi bản thân hoàn hảo thì chúng ta mới đáng yêu. Tuy nhiên, không phải như vậy, việc tu tập lòng từ bi lại là một lộ trình ngược lại với những thói quen suy nghĩ này; phải yêu thương, đối xử tử tế và ấm áp với chính bản thân mình rồi mới lan tỏa tình thương ấy đến những người xung quanh.

Để bắt đầu thực hành điều này, bạn hãy khơi dậy những cảm xúc tích cực dành cho chính mình. Có thể làm điều này bằng nhiều cách khác nhau. Hãy sáng tạo, thay đổi cách tiếp cận để giữ cho những cảm xúc đó sống động và được duy trì hàng ngày. Bạn có thể tưởng tượng bản thân đang đứng trước mặt mình hoặc bên trong trái tim mình, như cách người ta thực hành thiền tonglen.

Chúng ta có thể nghĩ rằng mình không xứng đáng được yêu thương, hoặc tin rằng chỉ khi bản thân hoàn hảo thì chúng ta mới đáng yêu. Tuy nhiên, không phải như vậy, việc tu tập lòng từ bi lại là một lộ trình ngược lại với những thói quen suy nghĩ này; phải yêu thương, đối xử tử tế và ấm áp với chính bản thân mình rồi mới lan tỏa tình thương ấy đến những người xung quanh.

Sau đó, hãy nỗ lực để bao bọc bản thân bằng tình yêu thương ấm áp nhất. Có thể tình thương đó kéo đến theo từng đợt, bạn sẽ trải qua những cảm xúc sâu sắc bên trong tâm của chính mình, thậm chí đến rơi nước mắt. Nhưng cũng có thể bạn không thể ngay lập tức tiếp nhận tình thương quá nhiều và cần thời gian để xây dựng dần dần khả năng đón nhận đó.

Hãy nghĩ về bản thân như một sinh linh có tri giác, một đốm sáng trong đại dương kết nối tất cả mọi người mọi vật, với bản lai vốn thanh tịnh từ vô thỉ. Tất nhiên, bạn muốn được hạnh phúc. Tất nhiên, bạn không muốn đau khổ. Giờ đây, hãy bao bọc bản thân bằng tình thương cho chính mình: luôn hạnh phúc, luôn được an lành, không bao giờ phải chịu đựng khổ đau, dù chỉ một chút.

Khi thực hiện bài tập này, tôi tưởng tượng mình đang tự ôm lấy chính mình - ôm thật chặt, thật ấm áp. Đồng thời, tôi cảm thấy mình đang đón nhận cái ôm ấy, thực sự thư giãn và để tình yêu ngập tràn trong lòng. Truyền thống Theravada gọi đây là thực hành thiền rải tâm từ (metta). Với tất cả chúng sinh, bao gồm cả bản thân, bạn hãy gửi lời chúc: “Cầu mong bạn hạnh phúc. Cầu mong bạn khỏe mạnh. Cầu mong bạn an toàn. Cầu mong bạn được bình an”.

Khi bạn đã có được cảm giác yêu thương mạnh mẽ dành cho bản thân, hãy thử mở rộng nó ra đến những người khác. Bắt đầu với một người mà bạn cảm nhận được tình yêu thương. Hãy hình dung họ rõ ràng trước mắt bạn, bao bọc họ bằng vòng tay ấm áp của tình yêu thương. Sau đó, gửi đến họ những lời chúc như trên. Tiếp tục cho đến khi bạn cảm nhận tình yêu thương mãnh liệt như những con sóng dâng trào đến với người đó.

Tiếp tục thực hành này với vài người khác, dù là người quen biết hay chỉ là một người lạ bạn gặp trên tàu điện ngầm buổi sáng. Lúc này, dòng chảy yêu thương đã trở nên mạnh mẽ hơn.

Sau đó, hãy hướng tình thương này đến toàn bộ các nhóm sinh linh: trẻ em, bệnh nhân trong bệnh viện, nhân viên nhà hàng, rồi lan tỏa đến tất cả các loài động vật, kể cả côn trùng - bởi ngay cả con bọ cũng có cảm xúc.

Khi bạn đã sẵn sàng, hãy nâng tầm thực hành này bằng cách gửi tình yêu thương đến những người khiến bạn khó chịu. Trước khi ban rải đến tất cả chúng sinh, hãy nhớ rằng những người làm phiền bạn cũng là những sinh linh có tri giác, họ cũng đang cố gắng tìm kiếm hạnh phúc và tránh đau khổ bằng những cách mà họ cho là tốt nhất. Đức Phật đã dạy rằng hận thù không bao giờ xóa bỏ hận thù, chỉ có tình yêu thương mới có thể làm điều đó.

Đức Dalai Lama cũng đã chia sẻ một phương pháp khác là hãy biến kẻ thù thành bạn. Mặc dù không phải ai cũng dễ tiếp nhận điều này, nhưng nếu bắt đầu từ việc thay đổi cảm xúc và thái độ của bản thân đối với họ, thì chúng ta sẽ có cơ hội chấm dứt mâu thuẫn. Chúng ta chắc chắn có thể ngăn chặn sự căm ghét và thù hận trong trái tim mình, và điều đó đã là một bước tiến lớn. Giống như đạo sư của Ấn Độ Neem Karoli Baba từng nói: “Đừng bao giờ loại bỏ ai khỏi trái tim bạn, vì điều đó chỉ khiến trái tim của bạn trở nên chật hẹp hơn thôi”.

Bây giờ, hy vọng bạn đã có thể rải tình yêu thương đến tất cả chúng sinh mà không bị chướng ngại. Cảm giác của bạn thế nào so với lúc mới bắt đầu?

Hãy thử giữ một cuốn nhật ký bên chỗ thực hành thiền của bạn. Nếu bạn ghi lại một vài suy nghĩ sau mỗi buổi thực hành, điều đó sẽ giúp chúng trở nên thực tế hơn trong tâm trí bạn. Những suy nghĩ và cảm xúc bạn ghi lại ngày hôm nay sẽ trở thành kho báu khi bạn nhìn lại và cảm thấy trân quý hành trình tu tập của chính mình.

Bạn không cần phải ngưng sự thực hành này lại khi kết thúc buổi thiền. Hãy cố gắng duy trì thái độ tích cực này suốt cả ngày, và đối xử ấm áp với tất cả những ai bạn gặp. Như bậc thầy ở thế kỷ thứ VIII, Shantideva, từng nói trong tác phẩm Con đường của Bồ-tát: “Bất cứ khi nào bạn thấy người khác, hãy nhìn họ với trái tim rộng mở, đầy yêu thương.”

Phổ Tịnh dịch/Báo Giác Ngộ
Nguồn: giacngo.vn

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...