Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (9)
(tiếp theo)
Chương bốn: Nguồn gốc lịch sử, bối cảnh chính trị và truyền thống tâm linh
C. Truyền thống đạo pháp và dân tộc.
Trong trào lưu đề kháng chống ngoại xâm và khai mở, phục sinh truyền thống tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc, xuất hiện một phong trào kiên trì nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong nhân gian Nam Bộ là phong trào tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương với hai ngọn cờ Tín Ngưỡng và ái Quốc.
Tín ngưỡng: đó là đạo Phật nhân gian, truyền thống, mang nặng màu sắc Tam Giáo.
Ái Quốc: đó là chống thực dân Pháp.
Người sáng lập Bửu Sơn Kỳ Hương là ông Đoàn Minh Huyên sinh năm 1807 tại làng Tòng Sơn, thuộc Gia Định thành. Năm 1849 tại làng ông nổi lên nạn dịch tả hoành hành giết người như rạ, ông đã giản dị dùng nước lạnh, giấy vàng chữa lành bịnh cho các nạn nhân và chận đứng được bịnh dịch tả. Dân chúng tin phục và tin rằng ông là Phật Thầy giáng phàm cứu dân. Sau đó ông đến định cư ở ngôi chùa Tây An, núi Sam, Châu Đốc nên được dân chúng tôn xưng là Phật Thầy Tân An.
Mang đặc tính tu hành theo đạo Phật bình dân và yêu nước, hay nói theo cách ngày nay là đạo Pháp và Dân Tộc, ông chủ trương học Phật, tu Nhân, thực hành giáo lý tứ ân, làm các điều lành, tránh các điều ác, cúng lạy, niệm phật tại gia đình, và tín đồ không cần xây chùa cao, tượng lớn, không cần tăng, ni, hình tướng, chỉ cần thờ một tấm trần điều với ba lễ vật đơn sơ là nước lạnh, nhang và bông hoa.
Với giáo lý và phương pháp tu hành giản dị, thích hợp căn cơ, trình độ của đại đa số nông dân hiền lành chất phác nên số tín đồ đến quy y thọ giới ngày càng đông, tạo thành một phong trào tôn giáo rộng lớn khắp miền Nam. Mỗi tín đồ, sau khi quy y, được cấp một "lòng phái" bằng giấy màu vàng, trên đó có in triện màu đỏ bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương. đó là những nét đặc biệt của đạo Phật, tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương tại miền Nam.
Phật Thầy Tây An mất năm 1856 để lại một số sấm giảng, mở đầu cho truyền thống truyền đạo bằng thơ của Bửu Sơn Kỳ Hương.
Sau đó xuất hiện một nhân vật không tên tuổi được tôn xưng là đức Phật Trùm, có tài trị bịnh, phép thần thông, tiếp nối truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương truyền đạo từ năm 1868 đến năm 1875.
Tiếp theo là ông Ngô Lợi, được tôn xưng là đức Bổn Sư, có tài chữa bịnh không cần dùng thuốc, lập làng An định, một chiến khu chống Pháp, dưới chân dãy Thất Sơn để quy tụ về làng khoảng 2.000 tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, tiếp tục truyền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương trong thời gian 1879-1890. Làng An định bị giặc Pháp tàn phá trong năm 1890.
Sau đó xuất hiện nhân vật không tên tuổi, được gọi là đức Sư Vải Bán Khoai, tác giả cuốn Sấm Giảng Người đời, tiếp nối rao truyền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương trong các năm 1901-1902 và cuối cùng là sự xuất hiện, ở một quy mô rộng lớn nhất, hiện đại nhất, của đức Huỳnh Giáo Chủ, tức Huỳnh Phú Sổ, khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo năm 1939 (Dật Sĩ & Nguyễn Văn Hầu, sđd, chương 1, 2, 3, 4).
Từ đức Phật Thầy Tây An đến đức Huỳnh Giáo Chủ, trải qua suốt 90 năm, là một giòng sinh mệnh Phật Giáo đặc thù Việt Nam và đặc biệt Nam Bộ nhưng nó không tách lìa, trái lại, là một phần bất khả phân ly của 2.000 năm Phật Giáo Việt Nam và 2.500 năm của Phật Giáo Thế Giới. So với rất nhiều tông phái Phật Giáo khác tại Việt Nam và trên thế giới, thì Bửu sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo có đặc chất và màu sắc Phật giáo rất rõ rệt và đậm nét, chưa kể là nó còn mang được tính chất trong sáng và truyền thống của đạo Phật.
D. Gốc rễ văn hóa và tâm linh của cuộc Nam Tiến: đạo Phật tại miền Nam.
Các vị minh quân khai sáng nhà Nguyễn, như tất cả những vị minh quân khác của các triều đại trước, đều tôn sùng đạo Phật, và đại đa số nhân dân đàng Trong đã tiếp nối truyền thống văn hóa, tâm linh của Tổ Tiên.
Điểm nổi bật của sự phát triển Phật giáo đàng Trong là sự hoằng pháp rất thành công của các danh tăng đến từ Trung Hoa như các thiền sư Viên Cảnh, Viên Khoan, Minh Hoằng, Giác Phong, Từ Lâm, Pháp Bảo, Pháp Hoa, Tế Viên, Nguyên Thiều, ... (thuộc phái thiền Lâm Tế), của quốc sư Hưng Liên và nhất là của thiền sư Thạch Liêm (thuộc phái thiền Tào động). Người đi xa nhất về phía Nam là thiền sư Tế Viên, khai sơn chủa Thập Tháp Di đà ở Bình định. ảnh hưởng quan trọng nhất của các tăng sĩ Trung Hoa trong việc hưng thịnh của Phật giáo đàng Trong có lẽ đến từ thiền sư Thạch Liêm, thầy của thiền sư Hưng Liên, người được chúa Nguyễn Phúc Chu tôn làm quốc sư. Thạch Liêm được chúa Nguyễn Phúc Chu mời đến Huế năm 1695 và cách đây đúng 300 năm, ông đã dạy Phật pháp như sau cho nhà lãnh đạo quốc gia: "Trai giới không phải chỉ để cho sạch miệng, sạch mình và sạch tư tưởng mà thôi đâu. Trai giới là làm cho quốc gia từ trên tới dưới được thanh lý chỉnh tề, không một người nào không ngồi đúng chỗ, không một việc nào chẳng giải quyết thỏa đáng: làm được như thế mới là sự trai giới viên mãn của một ông vua". Thiền sư Thạch Liêm còn đề nghị chúa Nguyễn Phúc Chu thực hiện trai giới bằng cách: "Trả tự do cho những người bi giam cầm oan ức, phóng thích bớt những tù nhân trong ngục thất, chẩn cấp cho những kẻ nghèo đói, tháo gỡ cho những người bị đè nén ép uổng, bãi bỏ bớt những luật lệ quá nghiêm khắc, dễ dãi cho người buôn thúng bán bưng và cho thợ thuyền". Chúa Nguyễn Phúc Chu đã nghe lời thầy và thực hiện những biện pháp trai giới cụ thể, thực tế, hợp lòng dân nầy.
(Nguyễn Lang, Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, q 2, t 239).
Trong việc hoằng pháp tại đàng Trong, một thiền sư Việt Nam đã có công rất lớn là thiền sư Liễu Quán. ông người Phú Yên, sinh năm 1670, đi tu từ lúc nhỏ với thiền sư Tế Viên, học đạo với nhiều vị danh tăng đương thời như các thiền sư Giác Phong, Thạch Liêm, Tử Dung. ông đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế và làm cho thiền phái nầy trở thành thiền phái của đa số Phật Tử đàng Trong (200 năm sau, Phật Thầy đã đến nương náu ở chùa Tây An, núi Sam, Châu đốc. Tây An Tự là một chùa thuộc dòng Lâm Tế). Người Việt Nam có công lớn không kém thiền sư Liễu Quán là chúa Nguyễn Phúc Chu, pháp danh Hưng Long, sinh năm 1675, tinh thông văn chương lẫn võ bị, lên ngôi chúa năm 17 tuổi, thọ ngũ giới và bồ tát giới với thiền sư Thạch Liêm năm 21 tuổi. Là một minh quân, ông hâm mộ đạo Phật. Chính ông là người tiếp nối sự nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng, cho đúc chuông chùa Linh Mụ nặng 3.285 cân. Những chữ khắc trên chuông, ngắn gọn, nhưng đủ để nói lên, mạnh, sâu, tấm lòng của một minh quân thương dân, yêu nước, và một phật tử thuần thành, hiểu đạo:
"Quốc Chúa đại Việt Nguyễn Phúc Chu, nối dòng Tào động Chánh Tông đời thứ ba mươi, pháp danh Hưng Long, đúc hồng chung này nặng 3.285 cân, an trí ở chùa Thiên Mụ Thiền Tự để vĩnh viễn cung phụng Tam Bảo. Cầu nguyện gió hòa mưa thuận, quốc thái dân an, chúng sinh trong pháp giới đều hoàn thành viên chủng trí".
Chính ông, năm 1714 đại trùng tu chùa Linh Mụ và khi hoàn thành, đã ở lại chùa một tháng, ăn chay, phát chẩn tiền và gạo cho người nghèo. (Nguyễn Lang, sđd, t 240-241).
Không những xây chùa, đúc chuông, ông còn áp dụng những biện pháp "trai giới" ngoạn mục, cũng như bản điều trần 18 điểm về việc trị nước theo tinh thần Phật giáo, mà sư phụ của ông là thiền sư Thạch Liêm đã đệ trình cho ông.
Khởi đi từ chúa Nguyễn Hoàng, được tiếp nối và làm cho hưng thịnh rực rỡ bởi chúa Nguyễn Phúc Chu, đạo Phật đã như một giòng sông lớn chảy thấm vào các vùng đất mới, cũng như được những di dân miền Trung mang vào đồng bằng sông Cửu Long như là một di sản quý giá của quê hương mà họ đã giã từ ra đi đế đến lập nghiệp trên mãnh đất Nam Bộ hiền hòa, phì nhiêu.
Vào thế kỷ thứ 18, khi các chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi đến các tỉnh cực Nam thì một số cao tăng cũng theo làn sóng di dân xây chùa, hoằng pháp, và không những thế còn đóng góp một phần quan trọng trong việc phò tá nhà Nguyễn phục hưng, sai khi bị Tây Sơn đánh bại, và thống nhất đất nước. ở đông Phố tức Gia định có thiền sư đạt Bổn từ Quy Nhơn vào lập chủa Thiên Trường năm 1755. Chính ở chùa nầy, 20 năm sau, năm 1775, Hòa Nghĩa đạo Lý tướng quân suy tôn đông Cung Thái Tử Nguyễn Phúc Dương lên kế nghiệp chúa Nguyễn để chống lại quân Tây Sơn (NL, sđd, t 207). Trước đó cũng đã có chùa Tập Phước, Giác Lâm đã được xây lên ở Gia định. Không những thế cùng thời đã có những ngôi chùa ở các tỉnh khác tại miền Nam như Biên Hòa, Tây Ninh, Hà Tiên...
Vào đầu thế kỷ thứ 19, năm 1802, chúa Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long thống nhất đất nước. Các vua Gia Long, minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã từ bỏ nền chính trị đạo đức, khoa dung độ lượng, thuần túy dân tộc, dựa trên chủ lực tinh thần, văn hóa Trung Hoa của triều đại nhà Thanh, dựa trên Khổng giáo. Tuy nhiên, vì công lớn lao của một số cao tăng đàng Trong trong việc yểm trợ nhà Nguyễn phục hưng đất nước nên các triều vua nầy cũng có đôi chút quan tâm nâng đỡ Phật giáo.
Nhưng vì không phải là Phật tử hiểu đạo nên sự hộ trì Phật Giáo của họ chỉ ở mức độ tín ngưỡng như xây chùa, đùc tượng . phong thưởng, trợ cấp ruộng đất...
Trong thời kỳ này, có các danh tăng như thiền sư Mật Hoằng, Liễu Thông, Viên Quang, đạo Thông, Viên Ngộ, Phước An... đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hoằng pháp tại Lục Tỉnh.
Sang đầu thế kỷ 20, các vị cao tăng Từ Phong, Chí Thanh, Huệ Quang, Khánh Anh, Tâm Thông, Hoằng Nghĩa, Huệ Tịnh... tiếp tục duy trì Phật pháp, thắp sáng ngọn đèn chánh Pháp tại Nam bộ trong đêm dài thống trị của thực dân Pháp.Chính từ đó, từ những ngọn lửa than hồng của dân tộc và đạo pháp, được giữ kính và lưu truyền một cách trân trọng trong chốn thiền môn, mà đã xuất hiện huy hoàng, bi tráng thế hệ Huỳnh Phú Sổ, thế hệ Thích Trí Quang, thế hệ Tuệ Sĩ, Mạnh Thát của hôm qua và ngày nay...
Lê Hiếu Liêm
Nguồn: phatgiaohoahao.net