Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI (37)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 70 | Cật nhập lần cuối: 7/3/2024 9:42:13 PM | RSS

Giao ly ve cau nguyen cua Duc Benedicto XVI (37)Vì thế, trong lời cầu nguyện, chúng ta hãy rộng mở tâm hồn mình ra với Chúa để Người có thể đến cư ngụ trong sự yếu đuối của ta, để biến đổi sự yếu đuối đó thành sức mạnh cho Tin Mừng.

Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 13.06.2012, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 37: Sự yếu đuối, việc chiêm niệm, và sức mạnh của lời cầu nguyện, (2Cr 12,1-10). Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Giáo hoàng.

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 13 tháng 06 năm 2012

Việc gặp gỡ hàng ngày với Chúa và việc lãnh nhận các Bí tích cho phép rộng mở tâm trí chúng ta cho sự hiện diện của Chúa, những lời nói và hành động của Người. Theo cách diễn tả qua lối ẩn dụ (metaphor), thì cầu nguyện không chỉ là hơi thở của linh hồn, nhưng đó cũng còn là ốc đảo đem lại sự bình an, nơi chúng ta có thể kín múc nguồn nước dưỡng nuôi cuộc sống thiêng liêng và biến đổi sự hiện hữu của chúng ta. Và Thiên Chúa lôi kéo chúng ta tới với Người, và làm cho chúng ta trèo lên núi của sự thánh thiện, để ta luôn gần gũi Người hơn, bằng cách cống hiến cho chúng ta những ánh sáng và ủi an trên đường đời.

Đó là kinh nghiệm cá nhân mà thánh Phaolô nói tới trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, chương 12, mà dựa trên bức thư này, hôm nay tôi muốn dừng lại để suy tư. Trước những người phản đối sự hợp pháp trong công tác tông đồ của mình, thánh nhân đã không kê khai những cộng đoàn ngài đã thành lập, hay những hành trình mà ngài đã trải qua; thánh nhân cũng không giới hạn vào việc nhớ lại những khó khăn và những sự chống đối mà ngài đã phải đương đầu để loan báo Tin Mừng; nhưng thánh nhân chỉ nói tới tương quan của mình đối với Chúa, một mối tương quan thật sâu sắc, để trở nên một nét đặc thù cả trong những lúc xuất thần, cả những lúc chiêm niệm sâu xa nữa (x. 2Cr 12, 1). Vì thế, thánh Phaolô đã không vênh vang về những điều mình đã làm, về sức mạnh, về những hoạt động, và về những thành công của mình, nhưng thánh nhân đã tự hào về những hành động mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi thánh nhân và ngang qua thánh nhân.

Quả thật, với một sự e thẹn lớn, thánh Phaolô tường thuật lại giây phút, trong đó thánh nhân sống kinh nghiệm đặc biệt vì đã bị bắt cóc đem lên tới tầng trời thứ ba trong “vườn” của Thiên Chúa. Thánh nhân nhớ lại rằng 14 năm trước khi ngài gửi Thư này thì thánh nhân “đã bị bắt cóc đem đi, lên tới tầng trời thứ ba” (2Cr 12, 2), ngài đã nói như thế. Với ngôn ngữ và cách thế Phaolô kể lại điều mà ngài không thể diễn tả ra được, thánh Phaolô nói về sự kiện này trong ngôi thứ ba; ngài quả quyết rằng, có một người bị bắt cóc và được đưa tới “vườn” của Thiên Chúa, tới thiên đàng. Việc chiêm niệm thật là sâu xa mà thánh Tông đồ cũng không nhớ lại được nội dung của mặc khải đã nhận được, nhưng lại nhớ rõ ngày và hoàn cảnh, trong đó Chúa đã nắm bắt thánh nhân một cách hầu như hoàn toàn, Chúa đã lôi kéo thánh nhân đến với mình, như chính Chúa đã thực hiện trên đường Đamát, dẫn tới cuộc trở lại của thánh nhân (x. Pl 3, 12).

Thánh Phaolô tiếp tục kể, khi nói rằng chính vì không để cho mình có thái độ kiêu ngạo vì sự cao cả của các mặc khải mà mình đã nhận được, nên ngài phải mang nơi mình một “cái dằm” (2Cr 12, 7), một sự khổ đau, và cầu khẩn sức mạnh của Đấng Phục Sinh để được giải thoát khỏi những kẻ mà Thần dữ sai đi, ngài cầu xin cho thoát khỏi cái dằm đau đớn trong xác thịt. Thánh nhân suy tư, ba lần ngài đã cầu xin Chúa một cách thật tha thiết, xin Chúa giải thoát mình khỏi thử thách này. Và trong tình trạng này mà qua việc chiêm ngắm Thiên Chúa một cách sâu sắc, trong đó thánh nhân “đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại” (2Cr 12, 4), Phaolô đã nhận được sự đáp trả cho lời cầu khẩn của mình. Đấng Phục Sinh hướng về Phaolô và nói với ông một lời thật rõ ràng và làm cho ông an tâm rằng: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối(2Cr 12, 9). Lời giải thích của Phaolô về những lời này có thể làm cho ta sửng sốt, nhưng là một mặc khải, cho biết Phaolô đã hiểu được ý nghĩa thế nào là một Tông đồ của Tin Mừng. Quả thế, thánh nhân kêu lên như sau: “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,9b-10), nghĩa là Phaolô không khoe khoang về các hành động của mình, mà tự hào về hành động của Đức Kitô, chính Đức Kitô đang hoạt động trong sự yếu đuối của Phaolô.

Chúng ta còn phải dừng lại một giây phút về sự kiện này, khi chúng xảy ra trong những năm mà Phaolô sống trong thinh lặng và trong sự chiêm niệm, trước khi bắt đầu vượt qua bên Tây phương để loan báo về Đức Kitô, để thái độ rất khiêm nhường sâu xa và tín thác trước việc Thiên Chúa tỏ mình ra, đó cũng là điều nền tảng cho việc cầu nguyện của chúngta, và cho đời sống của chúng ta, cho mối tương quan với Thiên Chúa và với những yếu đuối của ta.

Trước tiên, thánh Tông đồ đã nói về những yếu đuối nào? “Cái dằm nơi thân xác” nghĩa là gì? Chúng ta không biết điều đó, và thánh nhân cũng không nói ra điều này, nhưng thái độ của thánh nhân làm cho ta hiểu được rằng, mỗi khó khăn trong việc đi theo Đức Kitô, và trong việc sống chứng tá của mình về Tin Mừng, để có thể vượt qua được, khi mở con người mình ra trong sự tín thác vào hành động của Đức Kitô. Phaolô ý thức rất rõ về việc mình chỉ là “một tôi tớ vô dụng” (Lc 17, 10) – không phải mình đã làm được những điều trọng đại, nhưng là chính Đức Kitô – thánh nhân chỉ là “một chiếc bình sành” (2Cr 4, 7) mà trong đó Thiên Chúa đã đặt để sự phong phú và quyền năng Ân Sủng của Người. Trong giây phút cầu nguyện có tính cách chiêm niệm sâu xa này, thánh Phaolô hiểu một cách rõ ràng rằng, làm sao có thể đương đầu và sống từng phút giây, nhất là giữa các đau khổ, khó khăn, bách hại. Trong những phút giây đó, Phaolô đã cảm nhận được sự yếu đuối riêng của mình, thì đó chính là lúc Thiên Chúa bày tỏ quyền năng của Người, Đấng không hề bỏ rơi, không để con người sống trong cô độc, nhưng Thiên Chúa đã trở nên sức mạnh đỡ nâng cho con người.

Đúng thế, Phaolô đã muốn được giải thoát khỏi “cái dằm” này hơn, khỏi đau khổ này hơn; nhưng Thiên Chúa nói: “Không thể được, vì điều này cần thiết cho ngươi. Ngươi có đủ ơn để chống lại và để thực hiện điều mà ông phải làm. Điều này cũng có giá trị với chúng ta. Chúa không giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, nhưng giúp chúng ta nên trưởng thành trong các đau khổ, trong các khó khăn, trong các cuộc bách hại. Vì thế Đức tin nói cho chúng ta rằng, nếu chúng ta ở trong Thiên Chúa thì “dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới(x. 2Cr 4, 16). Thánh Tông đồ truyền đạt cho các tín hữu tại Côrintô và cả cho chúng ta rằng: “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời(2Cr 4, 17). Thực tế, nói theo kiểu nhân loại, gánh nặng của các khó khăn không có nhẹ nhõm, nhưng lại rất nặng nề; nhưng trong khi đương đầu với chúng trong tình yêu của Thiên Chúa, với sự cao cả của việc được Thiên Chúa Yêu thương, thì gánh nặng này xem ra nhẹ nhõm, khi biết rằng mức độ của vinh quang sẽ không thể cân xứng, vì vinh quang này còn lớn lo hơn. Vì thế, theo mức độ chúng ta kết hiệp với Đức Kitô tăng thêm và lời cầu nguyện của chúng ta nên sâu đậm hơn, thì cả chúng ta cũng đi vào trong cái điều chính yếu và chúng ta hiểu rằng không phải là quyền năng các phương tiện chúng ta có, không phải do các nhân đức của chúng ta, không phải các khả năng của chúng ta, mà Nước của Thiên Chúa được thực hiện, nhưng là chính Thiên Chúa thực hiện các điều kỳ diệu, qua chính những yếu đuối của chúng ta, trong sự không tương xứng về phía chúng ta với trách vụ được trao phó cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải có sự khiêm nhường để không đơn thuần tín thác vào chính chúng ta, nhưng phải làm việc, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, trong vườn nho của Chúa, trao phó chúng ta cho Chúa như là những chiếc “bình bằng sứ”.

Thánh Phaolô nhắc tới hai mặc khải đặc biệt đã thay đổi tận căn đời sống của mình. Mặc khải thứ nhất – chúng ta biết điều này – đó là câu hỏi làm đảo lộn trên đường đi Đamát: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?”(Cv 9, 4), câu hỏi đã làm cho Phaolô khám phá ra và gặp được Đức Kitô sống động và hiện diện, và làm cho Phaolô cảm nhận ra lời mời gọi của mình nên Tông đồ của Tin Mừng. Mặc khải thứ hai là những lời mà Đức Kitô nói với Phaolô trong kinh nghiệm về cầu nguyện chiêm niệm, mà chúng ta đang suy tư: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Chỉ đức tin, việc tín thác vào hành động của Thiên Chúa, vào lòng nhân lành của Thiên Chúa, Đấng không hề bỏ rơi chúng ta, đó mới là bảo đảm cho hoạt động một cách vô ích. Như vậy Ơn của Chúa là sức mạnh theo sát thánh Phaolô trong những cực nhọc lớn lao để loan truyền Tin Mừng và con tim của thánh nhân đi vào trong con tim của Đức Kitô, khi trở nên sức dẫn đưa người khác về với Đấng chết và sống lại vì chúng ta.

Vì thế, trong cầu nguyện, chúng ta hãy rộng mở tâm hồn mình ra với Chúa để Người có thể đến cư ngụ trong sự yếu đuối của ta, để biến đổi sự yếu đuối đó thành sức mạnh cho Tin Mừng. Và điều này cũng có nhiều ý nghĩa ngay trong từ Hy Lạp, từ mà thánh Phaolô dùng diễn tả việc ở lại này của Chúa trong tính nhân loại yếu đuối; thánh nhân dùng từ episkenoo, mà chúng ta có thể dịch là “đặt cái lều của mình”. Chúa tiếp tục đặt cái lều của Người trong chúng ta, cắm lều ở giữa chúng ta: đó là mầu nhiệm Nhập Thể. Chính Ngôi Lời Thiên Chúa, đã đến ở lại trong nhân tính của chúng ta, muốn ở lại trong chúng ta, dựng lều của Người trong chúng ta, để soi sáng và biến đổi cuộc sống của chúng ta và thế giới.

Việc chiêm niệm sâu xa với Thiên Chúa được Phaolô cảm nghiệm, gợi lại sự chiêm ngắm mà các môn đệ thực hiện trên núi Tabor, khi các ông thấy Đức Giêsu biến đổi hình dạng của Người và chiếu sáng ra, thì ông Phêrô đã nói với Chúa: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Mc 9, 5). “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng” (Mc 9, 6),thánh Máccô đã viết thêm như thế. Chiêm ngắm Đức Kitô là một điều vừa thật hấp dẫn vừa thật đáng sợ: hấp dẫn vì Chúa lôi kéo chúng ta tới với Người và bắt cóc con tim chúng ta hướng về nơi cao hơn, đem nó tới chân trời cao xa, ở đó chúng ta cảm thấy sự bình an, vẻ đẹp của tình yêu của Chúa; đáng sợ vì bị vạch trần con người yếu đuối của chúng ta ra, vạch trần sự bất xứng nơi chúng ta, chịu khó nhọc để chiến thắng Thần Dữ đang lừa dối cuộc đời ta, chịu cái dằm găm cả vào trong xác thân ta. Trong khi cầu nguyện, trong khi hằng ngày chiêm ngắm Đức Kitô, chúng ta nhận được sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa, và chúng ta cảm thấy rằng, những lời của thánh Phaolô nói với các tín hữu Rôma: “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Trong một thế giới trong đó có nguy cơ là chúng ta chỉ tín thác vào tính hữu hiệu và quyền lực của các phương tiện con người, thì trong thế giới này, chúng ta được kêu gọi để tái khám phá ra và làm chứng cho quyền năng của Thiên Chúa được truyền đạt cho chúng ta trong lời cầu nguyện, cùng với việc cầu nguyệnđó, mỗi ngày chúng ta lớn lên trong việc hòa hợp đời sống chúng ta với đời sống của Đức Kitô, như Phaolô nói: “Người đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn, nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Cả chúng tôi nữa, trong Đức Kitô, chúng tôi cũng mang thân phận yếu hèn, nhưng cùng với Người, chúng tôi sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa để xử sự với anh em”(2Cr 13, 4).

Các bạn thân mến, trong thế kỷ vừa qua, Albert Schweitzer, một nhà thần học Tin Lành và đoạt giải Nobel Hòa Bình, đã quả quyết rằng: “Thánh Phaolô là một nhà thần bí và không là gì khác hơn là nhà thần bí”,nghĩa là một con người thực sự say mê Đức Kitô, và như thế, Phaolô đã sống kết hợp với Đức Kitô, để có thể nói rằng: chính Đức Kitô sống trong tôi. Khoa thần bí của thánh Phaolô không chỉ thiết lập trên các biến cố khác thường mà thánh nhân đã trải qua, nhưng cũng trên mối tương quan hằng ngày và sâu sắc với Đức Kitô, Đấng đã luôn nâng đỡ thánh nhân với Ân Sủng của Người.

Khoa thần bí không làm Phaolô xa rời các thực tại, trái lại, đã cho ông sức mạnh để mỗi ngày sống cho Đức Kitô, và xây dựng Giáo hội cho tới tận cùng thế giới. Việc sống kết hợp với Thiên Chúa không làm xa rời trần thế, nhưng cho chúng ta thực sự có sức mạnh để ở lại trong Thiên Chúa theo cách thế phải hành động như một người sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian.

Vì thế, cả trong đời sống cầu nguyệncủa chúng ta, cũng có thể có những giây phút đặc biệt thẳm sâu, mà trong đó chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Chúa sống động hơn, tuy nhiên, chính sự bền chí thì quan trọng hơn, quan trọng là sự trung tín trong mối tương quan với Thiên Chúa, nhất là trong những lúc khô khan, nguội lạnh, khổ đau, mà Thiên Chúa thì xem ra như vắng mặt. Chỉ khi chúng ta có được tình yêu của Đức Kitô thúc bách, chúng ta mới có thể đương đầu với mọi nghịch cảnh, như Phaolô đã xác tín rằng, chúng ta có thể làm được tất cả nhờ Đấng ban sức mạnh cho ta (x. Pl 4, 13). Vì thế, khi chúng ta càng dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện, thì chúng ta càng nhận thấy rằng, đời sống ta được biến đổi, và sẽ được nên sinh động nhờ sức mạnh cụ thể của tình yêu của Thiên Chúa.

Như đã xảy ra như thế với thánh Têrêsa Calcutta, trong việc chiêm ngắm Chúa Giêsu, và chính trong những thời gian dài Mẹ cảm thấy thực sự khô khan, sau cùng Mẹ cũng tìm thấy lý do và sức mạnh không thể tin được, để nhận ra Chúa hiện diện nơi những người nghèo khó và những người bị bỏ rơi, mặc cho thể trạng của Mẹ có yếu ớt mảnh khảnh mấy đi chăng nữa. Như tôi đã nói, việc chiêm ngắm Đức Kitô trong đời sống chúng ta không làm cho chúng ta nên xa lạ khỏi thực tế, trái lại, làm cho ta càng tham dự vào các biến cố của con người nhiều hơn nữa, bởi vì khi Đức Kitô lôi kéo chúng ta đến cùng Người trong lúc chúng ta cầu nguyện, thì cũng cho phép chúng ta trở nên hiện diện và gần gũi mọi người anh chị em chúng ta hơn, trong tình yêu của Người.

Bản dịch của Giuse Phan Văn Phi
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
Nguồn: hdgmvietnam.com

* Bài liên quan:

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (31)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (32)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (33)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (34)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (35)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (36)

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...