Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI (44)
Thiên Chúa, mà trước mặt Người, thánh nhân đã ngã ra như chết, thì thật tuyệt vời biết bao. Người là bạn của cuộc sống thánh nhân, và Người đặt tay trên đầu thánh nhân.
Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 05.09.2012, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 44: Lời cầu nguyện trong sách Khải Huyền phần thứ nhất (Kh 1,4-3,22). Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Giáo hoàng.
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
TIẾP KIẾN CHUNG
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 05 tháng 09 năm 2012
Tôi muốn tiếp tục đề tài “trường học cầu nguyện” mà tôi đang chia sẻ với anh chị em, và bây giờ nói về cầu nguyện trong Sách Khải Huyền, mà như anh chị em đã biết, đó là cuốn sách cuối cùng của Tân Ước. Nó là một cuốn sách khó hiểu, nhưng rất phong phú. Nó cho chúng ta tiếp xúc với lời cầu nguyện sống động và hứng khởi của cộng đoàn Kitô hữu, quy tụ với nhau “vào ngày của Chúa” (Kh 1, 10): quả thật, bản văn đã mở ra tiền đề căn bản này.
Một người đọc trình bày một sứ điệp mà Chúa đã trao cho thánh sử Gioan. Có thể nói rằng, người đọc và cộng đoàn là hai tác nhân chính trong việc triển khai của cuốn sách. Ngay từ lúc đầu, một lời chào hỏi vui mừng được gửi cho họ: “Phúc thay người đọc, phúc thay những ai nghe những sấm ngôn đó” (Kh 1, 3). Một tấu khúc cầu nguyện phát sinh từ cuộc đàm thoại không gián đoạn này, và phát triển qua rất nhiều hình thức khác nhau cho đến cuối cuốn sách. Qua việc lắng nghe người đọc trình bày sứ điệp, và qua việc nghe cùng quan sát cộng đoàn đáp lại, lời cầu nguyện của họ có vẻ trở thành lời cầu nguyện của chúng ta.
Phần thứ nhất của sách Khải Huyền (Kh 1,4-3,22), qua thái độ của cộng đoàn đang cầu nguyện, trình bày ba giai đoạn liên tục. Giai đoạn thứ nhất (Kh 1,4-8) gồm có một cuộc đàm thoại, trường hợp duy nhất trong Tân Ước, diễn ra giữa cộng đoàn vừa tụ họp và người đọc, là người nói với họ bằng một lời chào chúc lành: “cho anh em sủng và bình an” (Kh 1, 5). Người đọc tiếp tục nhấn mạnh đến nguồn gốc của lời cầu chúc này: nó bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi: từ Chúa Cha, từ Chúa Thánh Thần, từ Đức Giêsu Kitô, cùng dấn thân vào việc thực hiện chương trình sáng tạo và cứu độ dành cho nhân loại. Cộng đoàn lắng nghe, và khi họ nghe đến danh Đức Giêsu Kitô thì họ đã nhảy mừng lên và họ nhiệt tình đáp lại bằng cách dâng lên lời cầu nguyện khen ngợi sau đây: “Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen!” (Kh 1,5b-6). Cộng đoàn, được bao bọc bởi tình yêu Đức Kitô, cảm thấy được giải thoát khỏi xiềng xích tội lỗi và tự tuyên bố là “vương quốc” của Đức Giêsu Kitô, hoàn toàn thuộc về Người.
Cộng đoàn nhận ra sứ vụ cao cả được trao phó cho mình qua phép Rửa: là mang sự hiện diện của Thiên Chúa đến cho trần gian. Và kết thúc cuộc cử hành chúc tụng bằng cách một lần nữa nhìn lên Đức Giêsu, và với lòng hăng say đang gia tăng, nhìn nhận rằng “vinh quang và uy quyền” để cứu độ nhân loại cũng thuộc về Người. Từ “Amen” cuối cùng kết thúc bài thánh thi chúc tụng Chúa Kitô. Bốn câu đầu tiên này đã hàm chứa một sự phong phú của những dấu chỉ dành cho chúng ta. Chúng cho chúng ta biết rằng việc cầu nguyện của mình, trước hết và trên hết, phải bao gồm việc lắng nghe Thiên Chúa nói với mình. Bị tràn ngập với quá nhiều lời, chúng ta không mấy quen nghe, và đặc biệt là đặt mình vào tình trạng thinh lặng bề trong và bề ngoài để chú ý đến điều mà Thiên Chúa muốn nói với mình. Những câu này cũng dạy chúng ta rằng lời cầu nguyện của chúng ta, thường chỉ đầy những lời cầu xin, thay vì đáng lẽ phải đầy những lời chúc tụng Thiên Chúa vì tình yêu của Ngài, vì hồng ân của Đức Giêsu Kitô, Đấng mang lại cho chúng ta sức mạnh, hy vọng và ơn cứu độ.
Một can thiệp mới của người đọc sau đó nhắc cho cộng đoàn, là cộng đoàn được tình yêu của Đức Kitô nắm giữ, về cam kết của họ trong việc hiểu ý nghĩa của sự hiện diện của Người trong cuộc đời của họ. Ông nói: “Kìa, Người ngự đến giữa mây trời, và mọi mắt sẽ thấy Người, kể cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ than khóc vì Người” (Kh 1, 7a). Sau khi được đưa lên Trời trong một “đám mây”, biểu tượng của sự siêu việt (x. Cv 1, 9), Đức Giêsu Kitô sẽ trở lại cùng một cách như Người đã lên Trời (x. Cv 1, 11b). Khi ấy, tất cả các dân tộc nhận ra Người và, như thánh Gioan nhắn nhủ trong Tin Mừng thứ tư rằng: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37). Họ sẽ suy nghĩ về tội lỗi của họ, là lý do của việc đóng đinh Người trên thập giá, và như những người đã trực tiếp tham dự vào việc ấy trên đồi Calvê, “họ sẽ đấm ngực” (Lc 23, 48), cầu xin Người tha thứ, để theo Người trong cuộc sống, và như thế, chuẩn bị cho sự hiệp thông trọn vẹn với Người trong lần trở lại sau hết của Người. Cộng đoàn suy niệm về sứ điệp này và thưa “Amen” (Kh 1, 7b). Với lời thưa “Vâng”, họ bày tỏ sự hoàn toàn chấp nhận tất cả những gì được truyền đạt cho họ, và họ cầu xin rằng điều ấy thực sự có thể trở thành sự thật. Chính lời cầu nguyện của cộng đoàn, là lời suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa, được thể hiện cách cao vời trên Thập giá, và yêu cầu họ phải sống trung thực như những môn đệ của Đức Kitô. Sau đó có sự đáp trả của Thiên Chúa: “Ta là Alpha và là Ômêga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1, 8). Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải như khởi điểm và cứu cánh của lịch sử, đón nhận và để tâm đến lời cầu nguyện của cộng đoàn. Với tình yêu, Người đã, đang và sẽ hiện diện tích cực trong các biến cố của loài người cho tới ngày sau hết. Lời cầu nguyện thức tỉnh trong chúng ta ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống và trong lịch sử; và sự hiện diện của Chúa đỡ nâng, hướng dẫn và trao ban niềm hy vọng cho chúng ta, cả giữa sự tối tăm của vài biến cố nhân loại. Ngoài ra, mỗi một lời cầu nguyện, cả lời cầu nguyện trong thanh vắng triệt để nhất, cũng không bao giờ lẻ loi và cằn cỗi, mà là nhựa sống dưỡng nuôi cuộc đời Kitô hữu ngày càng dấn thân và trung thực hơn.
Giai đoạn thứ hai của lời cầu nguyện của cộng đoàn (Kh 1,9 -22) tiếp tục đào sâu mối tương quan với Đức Giêsu Kitô: Chúa tỏ mình ra cho chúng ta thấy, Người nói, Người hành động, và cộng đoàn, gần gũi Người hơn bao giờ hết, lắng nghe, trả lời và đón nhận. Trong sứ điệp mà người đọc đã trình bày, thánh Gioan nhắc đến một trong những kinh nghiệm riêng của chính ngài về một cuộc gặp gỡ Đức Kitô: thánh nhân đang ở trên đảo Patmos vì “đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giêsu” (Kh 1,9) và là “ngày của Chúa” (Kh 1,10a), ngày Chúa Nhật, ngày cử hành cuộc Phục Sinh. Thánh Gioan “đã xuất thần” (Kh 1, 10a). Thánh Gioan đã được Thánh Thần nắm lấy, thấm nhuần, canh tân, và làm triển nở khả năng tiếp nhận Chúa Giêsu mời gọi thánh nhân hãy viết. Lời cầu nguyện của cộng đoàn từ từ trở thành một thái độ chiêm niệm được nhấn mạnh bởi những động từ “nhìn thấy”, “xem”: nghĩa là cộng đoàn chiêm niệm điều mà người đọc đề ra, nội tâm hóa nó và biến thành của riêng mình.
Thánh Gioan nghe thấy “một tiếng lớn như thể tiếng kèn” (Kh 1, 10b): Tiếng nói truyền cho thánh nhân gửi một sứ điệp “đến bảy Giáo hội” (Kh 1, 11) ở Tiểu Á, và qua những Giáo hội ấy đến tất cả các Giáo hội ở mọi thời đại, cùng các mục tử của họ. Cụm từ: “một tiếng lớn như thể tiếng kèn”, được trích từ sách Xuất Hành (x. Xh 20, 18), nhắc lại việc Thiên Chúa hiện ra với ông Môsê trên núi Sinai, và ám chỉ tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng phán ra từ trời cao, từ sự siêu việt của Người. Ở đây nó được áp dụng cho Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh nói với cộng đoàn đang cầu nguyện từ vinh quang của Thiên Chúa Cha. Khi quay lại “để coi tiếng ai nói” (Kh 1, 12), thì thánh Gioan thấy “bảy cây đèn bằng vàng, và ở giữa những cây đèn có ai giống như Con Người” (Kh 1,12-13), một thuật ngữ đặc biệt quen thuộc với thánh Gioan, ám chỉ chính Đức Giêsu. Thánh Gioan trông thấy bảy cây đèn vàng với nến cháy sáng, ở giữa có một người giống như “Con Người”, là từ ngữ ám chỉ chính Đức Giêsu Phục Sinh, ở giữa Giáo hội, và mặc phẩm phục của vị Thượng Tế trong Cựu Ước, Người thực hiện chức năng tư tế làm trung gian hòa giải với Chúa Cha.
Trong sứ điệp biểu tượng của thánh Gioan mà tiếp theo đó có một sự tỏ hiện rạng ngời của Đức Kitô Phục Sinh, với những đặc tính của Thiên Chúa mà chúng ta tìm thấy trong Cựu Ước. Thánh Gioan nói về “tóc trắng như len trắng, như tuyết” (Kh 1, 14), tượng trưng cho sự vĩnh cửu của Thiên Chúa (x. Đn 7, 14) và sự Phục Sinh. Một biểu tượng thứ hai, đó là lửa, mà trong Cựu Ước, thường được gán cho Thiên Chúa để ám chỉ hai thuộc tính: thứ nhất là sức mạnh sự ghen tương tình yêu của Người linh hoạt giao ước của Người với nhân loại (x. Đnl 4, 24). Người ta có thể đọc đựơc chính sức mạnh cháy nóng tình yêu ấy trong cái nhìn của Đức Giêsu Phục Sinh: “mắt Người như ngọn lửa hồng” (Kh 1, 14a). Đặc tính thứ hai là khả năng chiến thắng sự dữ “như ngọn lửa thiêu” không thể kìm hãm được (Đnl 9, 3). Vì vậy, ngay cả “đôi chân” của Đức Giêsu trên đường đương đầu và tiêu diệt sự dữ, tỏa sáng “như đồng đỏ trong lò” (Kh 1, 15). Rồi giọng nói của Đức Giêsu Kitô như “tiếng nước lũ” (Kh 1, 15c), có vẻ như tiếng ầm vang của “vinh quang Thiên Chúa của Israel” đang di chuyển về phía Giêrusalem, được ngôn sứ Êdêkien nói đến (x. Ed 43, 2). Còn ba yếu tố biểu tượng tiếp theo cho thấy những gì mà Đức Giêsu Phục Sinh đang làm cho Giáo hội Người: Người giữ Giáo hội cách vững chắc trong tay hữu của Người – một hình ảnh rất quan trọng: Đức Giêsu gìn giữ Giáo hội trong tay Người, Người nói với Giáo hội bằng quyền năng thấu suốt của một thanh kiếm sắc bén, và Người tỏ bày sự rạng ngời của thiên tính của Người cho Giáo hội: “mặt Người tỏa sáng như mặt trời chói lọi” (Kh 1, 16). Thánh Gioan bị lôi cuốn bởi kinh nghiệm tuyệt vời này của Chúa Phục Sinh, đến nỗi cảm thấy mình đuối sức và ngã xuống như một người chết.
Sau kinh nghiệm này của mặc khải, thánh Tông đồ đã thấy Đức Giêsu ở trước mặt mình, Người đã nói với thánh nhân, trấn an, đặt bàn tay trên đầu thánh nhân, tỏ lộ căn tính của mình như là Đấng chịu đóng đinh đang Phục Sinh, và trao cho thánh nhân nhiệm vụ truyền một sứ điệp đến các Giáo hội (x. Kh 1,17-18). Thiên Chúa, mà trước mặt Người, thánh nhân đã ngã ra như chết, thì thật tuyệt vời biết bao. Người là bạn của cuộc sống thánh nhân, và Người đặt tay trên đầu thánh nhân. Và như thế, đó cũng sẽ là điều dành cho chúng ta: chúng ta là bạn hữu của Đức Giêsu. Vì thế, sự mặc khải của Thiên Chúa, của Đức Kitô Phục Sinh, sẽ không là điều khủng khiếp; nhưng sẽ là một cuộc gặp gỡ với một người bạn hữu. Tuy nhiên, cộng đoàn cùng thánh Gioan cảm nghiệm giây phút đặc biệt của ánh sáng trước mặt Chúa, trong sự hiệp nhất với kinh nghiệm của cuộc gặp gỡ hàng ngày với Chúa Giêsu, và nhờ đó mà nhận ra sự phong phú của việc được tiếp xúc với Chúa, là Đấng làm tràn đầy mọi không gian của cuộc sống.
Trong giai đoạn thứ ba và cuối cùng của phần thứ nhất của Sách Khải Huyền (Kh 2-3), người đọc đề ra một sứ điệp bảy phần trong đó Đức Giêsu nói ở ngôi thứ nhất. Nói với bảy Giáo hội ở Tiểu Á trong vùng Êphêxô, Đức Giêsu mở đầu với tình trạng cụ thể của mỗi Giáo hội, và sau đó mở rộng đến các Giáo hội ở mọi thời đại. Đức Giêsu lập tức đi vào tâm điểm của tình trạng của mỗi Giáo hội, bằng cách nhấn mạnh đến ánh sáng và bóng tối cùng trình bày chúng với một lời mời gọi khẩn cấp: “Hãy hối cải” (Kh 2,5.16; 3,19c); “cái gì ngươi đang có, hãy nắm chắc” (Kh 3, 11), “hãy làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu” (Kh 2, 5); “hãy nhiệt thành và hối cải ăn năn!” (Kh 3, 19b). Lời này của Đức Giêsu, nếu nghe bằng đức tin, bắt đầu có hiệu quả ngay lập tức: Giáo hội trong cầu nguyện, qua việc đón nhận Lời Chúa được biến đổi. Tất cả các Giáo hội phải chăm chú lắng nghe Chúa, bằng cách mở lòng ra với Chúa Thánh Thần như Đức Giêsu xin với sự nhấn mạnh khi lặp lại lệnh truyền này bảy lần: “Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh” (Kh 2,7.11.17.29; 3,6.13.22). Cộng đoàn lắng nghe sứ điệp và nhận được sự khích lệ để ăn năn, hối cải, kiên trì, lớn lên trong tình yêu, và định hướng lộ trình của mình.
Các bạn thân mến, Sách Khải Huyền trình bày cho chúng ta một cộng đoàn hiệp nhất trong cầu nguyện, vì chính trong cầu nguyện mà chúng ta càng ngày càng cảm nghiệm được sự hiện diện của Đức Giêsu ở giữa chúng ta và trong chúng ta. Càng cầu nguyện nhiều và tốt hơn với lòng kiên trì, với lòng sốt sắng, thì chúng ta càng trở nên giống Người, và Người thật sự đi vào cuộc đời chúng ta và hướng dẫn chúng, ban cho chúng niềm vui và sự bình an. Và chúng ta càng biết, càng yêu mến và theo Đức Giêsu nhiều, thì chúng ta càng cảm thấy sự cần thiết phải dành thì giờ cầu nguyện với Chúa, vì thế sẽ nhận được sự thanh thản, hy vọng và sức mạnh trong đời sống chúng ta.
Bản dịch của Giuse Phan Văn Phi
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
Nguồn: hdgmvietnam.com
* Bài liên quan:
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (41)