Chỉ hết đau khổ khi ta sống bình thường
Sống trên đời ai cũng mưu cầu hạnh phúc và không thích khổ đau, nhưng đâu là hạnh phúc thật sự? Có nhiều tiền của, danh vị cao, học thức rộng, tình yêu… có phải là hạnh phúc đích thực chưa? Một khi hoàn cảnh thay đổi, đến lúc ta không còn sở hữu nó nữa thì ta trở nên đau khổ tột cùng thậm chí có người liều mình tự sát. Đức Thầy cho biết: “Người ta quyên sinh vì tình yêu, vì lợi quyền, vì thất vận…”. Vậy muốn hết đau khổ ta phải sống như thế nào?
Một vị thương gia lập nghiệp từ tay trắng, sau kiếm được rất nhiều tiền nhưng vì buôn bán trong thời kỳ kinh tế không ổn định, cạnh tranh khốc liệt khiến anh lâm vào cảnh phá sản, nợ nần chồng chất. Nghĩ mãi không tìm ra cách giải quyết, anh ta bèn quyết định tự tử.
Vào lúc canh ba một đêm nọ, anh đến bên bờ sông dự định sẽ nhảy xuống nước tự vẫn.
Trong lúc nhìn khung cảnh xung quanh lần cuối, bỗng nhiên anh thấy một thiếu nữ đang ngồi khóc thảm thiết ở gần đó, động tánh hiếu kỳ anh đến bên cô gái hỏi:
- Có chuyện gì mà đêm hôm khuya khoắt cô ngồi khóc một mình ở đây?
Với giọng nghẹn ngào, cô gái buồn bã trả lời:
- Tôi bị người yêu ruồng bỏ, tôi không muốn sống nữa, bởi vì không có anh ấy tôi không sống nổi.
Vị thương gia lập tức nói:
- Ồ! Lạ nhỉ, sao lúc chưa có bạn trai, cô có thể tự sống được.
Vừa nghe xong, cô thức tỉnh, thầm nghĩ “Ừ nhỉ! Mình còn biết bao người đáng yêu quý hơn người ấy nhiều như: cha mẹ, anh em, bạn bè, còn nhiều ước mơ, hoài bão mà mình chưa thực hiện được… nên cô liền nín khóc và bỏ ngay ý định tự tử.
Vị thương gia nọ cũng chợt nhận ra rằng: “Khi chưa giàu có ta vẫn sống bình thường.”
Lúc đó cô gái quay sang hỏi vị thương gia:
- Đêm hôm lạnh lẽo như vậy, anh ra đây để làm gì?
Vị thương gia ậm ừ trả lời:
- Ừ… đâu có làm gì, chỉ là tản bộ chút vậy thôi”.
Vì chấp ngã và ngã sở nên khi vừa bị mất cái trước mắt mà hai người cho rằng thuộc về của mình, nên định quyên sinh. Nhưng nhờ duyên may chợt nhận ra:
Dù đã mất tất cả nhưng thực sự cũng chỉ bằng lúc ta chưa có mà thôi! Ta phải quyết tâm làm lại từ đầu. Nên tỉnh ngộ bỏ ngay ý định sai lầm. Thế sự thăng trầm, vinh hư được mất, có đó rồi mất đó có khác gì giấc mộng Nam Kha.
“Bồi hồi chợt tỉnh Nam Kha,
Đường danh nẻo lợi xem ra ích gì”.
Nếu ai quán chiếu được rằng có không, không có cũng là phù du thì hiện tại dẫu lâm vào tình thế “Bừng con mắt dậy thấy mình tay không” cũng chẳng đau khổ đến nỗi phải quyên sinh, vì đã có được sự bình tĩnh sáng suốt vượt qua một cách thản nhiên. Bởi xét cho cùng đau khổ như vậy cũng chỉ là vô minh và chỉ thiệt cho đời mạng của mình.
Con người sinh ra với hai bàn tay trắng, dù thành công hay thất bại thì cuối cùng cũng trở về cát bụi với hai bàn tay không, vậy thì sá gì với được mất, có không, vì vô thường vốn là bản chất của sự sống. Đó là phần vật chất. Về mặt tinh thần, tâm linh - theo quy luật nhân quả của nhà Phật - mỗi người trở về cát bụi sẽ mang theo tất cả những thiện, ác do chính mình đã tạo ra trong suốt quá trình sống: Là nghiệp nhân cho kiếp sau. Mọi thành bại, tốt xấu, nên hư, giàu nghèo, sang hèn… ở kiếp trước, kiếp này hay kiếp sau đều do chính mình tạo tác và thọ nhận. Đức Thầy dạy:
“Làm hết các việc từ thiện
Tránh tất cả điều độc ác
Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch”.
Chúng ta hiểu và hành y để có thể ứng xử hợp lẽ và bình thường trước mọi biến động của cuộc đời. Khổ đau hay hạnh phúc chẳng qua là sự cảm nhận của tâm thức theo duyên nghiệp.
Nhận biết và phấn đấu để sống theo chuẩn mực cư sĩ tại gia đúng như lời dạy của Đức Thầy là bổn phận của người tín đồ Phật giáo Hoà Hảo.
Đoàn Thị Mỹ Chi
Tạp chí Hương Sen số 25
Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn