Chữ và Nghĩa: "ăn chay" và "giữ chay"
Tháng 3 năm 2007, tôi có viết một bài giải thích hai thuật từ trai tịnh và chay tịnh, nay có người lại hỏi tôi có gì khác biệt giữa thuật từ “giữ chay” và “ăn chay”. Hai thuật từ này dùng rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, mà chúng ta ít để ý đến ý nghĩa khác biệt của nó. Vậy chúng ta tìm hiểu xem hai thuật từ này đồng nghĩa hay khác nghĩa.
1. Tìm hiểu việc ăn chay, giữ chay trong vài tôn giáo
a. Phật giáo:
Theo quan điểm bình dân, Phật tử ăn chay là vì muốn tránh quả báo luân hồi. Theo thuyết luân hồi, con người sau khi chết bị đày xuống địa ngục, sẽ bị đẩy làm ngã quỷ (ma đói), sau khi hối cải sẽ được làm súc sinh (loài vật), cuối cùng đầu thai trở lại làm người theo bánh xe luân hồi. Do đó, tu sĩ Phật Giáo hay nhiều Phật tử có thói quen ăn chay trường, tức là không ăn thịt và những thức ăn có máu, vì có thể sẽ ăn thịt người thân của mình trong kiếp súc sinh. Những ngày 1, 14, 15 và 30 âm lịch được coi là ngày mở cửa âm phủ, các linh hồn được tự do, những ngày đó Phật tử thường ăn chay [1].
Thực ra, trong Phật Giáo có hai trường phái chủ trương ăn chay khác nhau. Phật giáo Nam Tông, vì muốn giữ truyền thống khất thực của Đức Phật, thời Phật giáo Nguyên thủy, cho nên phái này chủ trương ăn chay theo cách ‘tam tịnh nhục’, nghĩa là những loại thịt nào mà mình không thấy người ta giết, không nghe tiếng kêu la của loài thú bị giết, hay không có sự nghi ngờ nào người khác vì mình mà giết, những loại thịt đó thì tỳ kheo được thọ dụng, không phạm giới. Thế nhưng, Phật giáo Bắc Tông (Đại Thừa ở Trung Quốc) thì không chấp nhận cách ăn chay này, họ quan niệm rằng ăn chay là không được ăn thịt cá, chỉ ăn các loại rau đậu…
Tuy nhiên, dù Nam Tông hay Bắc Tông, mục đích của việc ăn chay là nhằm tăng trưởng lòng từ bi, giảm bớt lòng sân hận, bằng cách tu tập không sát sinh, biết thương yêu người đồng loại và ngay cả các loài vật khác. Khi đã có lòng từ bi, không nỡ giết loài cầm thú, thì người ấy khó có thể giết người. Đó là lý do tại sao đức Phật đưa ra giới cấm: ‘không được sát sinh’. Giới này cũng chính là nhân tố để hình thành quan điểm ăn chay trong đạo Phật.
b. Hồi giáo:
Người Hồi giáo ăn chay vào khoảng tháng 9 (lịch Hồi giáo, gọi là tháng Ramadan). Trong tháng này, khi còn ánh sáng mặt trời, họ không được ăn và uống, đến đêm thì mới ăn. Cũng trong tháng này, con người phải tha thứ và sám hối, vợ chồng không được gần nhau vào ban ngày nhưng ban đêm vẫn có thể ân ái với nhau. Trẻ em và phụ nữ có mang không phải thực hiện Ramadan.
Đối với Hồi giáo: Ăn chay là "nhịn ăn, nhịn uống trước rạng đông đến hoàng hôn và quyết tâm diệt trừ những ham muốn tầm thường, chế ngự được sự đói khát, đè nén được dục vọng là làm chủ được thể xác, không còn bị nó sai khiến. Khi kềm chế được dục vọng là tinh thần tự giải thoát, ý chí được tự do, tâm hồn thanh thản, đây là điều kiện cần cho việc tịnh tâm, cầu nguyện và giúp thăng tiến về mặt tâm linh... "Ăn chay" là chấp nhận quy phục Allah, mọi giai tầng trong xã hội đều phải tuân thủ như nhau: Vua, quan, sĩ, nông, công, thương, binh, đều phải nhịn ăn đúng giờ, xả chay đúng giờ quy định... Hành động này thể hiện sự bình đẳng của nhân loại trước Allah."
Như vậy, mục đích việc ăn chay trong Hồi giáo là để chế ngự những ham muốn tầm thường, làm chủ bản thân, thăng tiến tinh thần.
c. Công giáo:
Đối với người Công Giáo, chay tịnh là một trong ba hành vi được khuyên làm nhiều nhất trong đạo (cùng với việc cầu nguyện và bố thí), tín hữu giữ chay để biểu lộ lòng sám hối, ăn năn, tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Việc chay tịnh bao gồm nhịn ăn (jejunium [2]) và kiêng ăn (abstinentia [3]) mà chúng ta quen gọi là "ăn chay" và "kiêng thịt".
- Việc nhịn ăn (ăn chay): Trong ngày chay chỉ được ăn một bữa no (chọn bữa nào cũng được), còn những bữa khác chỉ được ăn chút ít để bụng còn đói. Trong ngày chay không được ăn vặt như kẹo, bánh v.v,...
- Việc kiêng ăn (kiêng thịt): Cấm ăn thịt loài máu nóng (heo, bò, gà, vịt…) bao gồm thịt và tất cả những thứ khác như tim, gan, lòng... Nhưng được dùng các nước thịt và các đồ ăn có pha chất thịt, như cháo nước thịt. Được ăn cá và loài máu lạnh (như ếch, rùa, sò, cua, tôm). Ngày kiêng thịt cũng được phép dùng trứng và các sản phẩm từ sữa như bơ và phó mát [4]...
Qua việc chay tịnh, con người nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa, vì lúc không sử dụng lương thực Thiên Chúa ban, con người cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực mình: chay tịnh để tự hạ trước Thiên Chúa (xc. Tv 34,13; 68,11; Đnl 8,3) [5].
Ngoài việc nhịn ăn và kiêng ăn nói trên, người thực hành việc chay tịnh còn phải tránh xa tội lỗi và dục vọng, như gương của Chúa Giêsu “giữ chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4, 2) và thánh Luca nói rõ hơn “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả” (Lc 4, 2).
Ý nghĩa đầu tiên và cụ thể nhất của giữ chay là chế ngự: không ăn hoặc ăn ít hơn bình thường. Giữ chay không chỉ là một sự chế ngự có tính cách bên ngoài, nhưng còn phải xuất phát tự trong lòng. Nó phải được kèm theo một sự thay đổi lớn lao trong đời sống.
2. Nghĩa chữ ăn, giữ và chay
a. Ăn (chữ Nôm:咹): đt. (1) Đưa thực phẩm vào bao tử: Ăn cháo đá bát (không nhớ ơn), ăn chay (tránh dùng thịt cá và ngũ huân); (2) Đi kiếm thức ăn hoặc lợi nhuận: Ăn mày, ăn xin, ăn bám, ăn hại, ăn lương; (3) Thắng cuộc: Ăn con xe, ăn giải nhất, ăn non (vội rút lui khỏi cuộc đỏ đen sau khi chiếm được thắng lợi, vì sợ sắp tới vận xui); (4) Thích hợp tiếp nhận: Ăn cánh, ăn khách, ăn ảnh; (5) Thoả thuận: Ăn chịu, ăn gánh (ưng thuận gia nhập hội đoàn và đóng góp cho hội đoàn), ăn giá (số tiền được thỏa thuận giữa kẻ mua người bán); (6) Vui hưởng, ăn uống nhân một dịp gì: Ăn chơi, ăn diện, ăn Tết; (7) Nam nữ sống chung: Ăn nằm, ăn ngủ, ăn ở; (8) Thấm vào, dính vào, lan rộng ra: Giấy ăn mực, keo dán không ăn, ăn nên làm ra (công việc làm ăn có phần hanh thông), nước ăn chân (chân ngâm nước lâu bị hư da); (9) Lối cư xử và sinh sống: Ăn cháo đá bát (vô ơn bạc nghĩa), ăn cơm nhà vác ngà voi (làm công vụ mà không được lợi lộc gì); (10) Ngang với, giá trị tương đương: một đô la Mỹ ăn mười bảy nghìn đồng.
b. Giữ (chữ Nôm:佇, 拧, 貯): đt. (1) Cầm chắc trong tay, không để mất mát: Nắm giữ đầu dây; (2) Để cạnh mình, trong mình và quan tâm đến cho khỏi mất, khỏi chuyển sang người khác, khỏi thay đổi: Giữ chìa khoá; giữ hành lý, giữ độc quyền; (3) Làm cho dừng, ngừng lại, ở lại: Đắp bờ giữ nước; (4) Cản trở sự thay đổi: Giữ giá, giữ trật tự; (5) Hành động cách thận trọng, đề phòng thiệt thòi tai hại: Giữ kẽ (cư xử e dè trước người lạ), giữ ý (không dám nói cho hết tư tưởng thầm kín), giữ vệ sinh; (6) Đảm nhiệm một công việc hay chức vụ: Giữ chức giám đốc; (7) Tuân thủ theo yêu cầu của một công việc, trung thành với một niềm tin: Giữ đạo, giữ vững lập trường.
c. Chay (chữ Nôm齋, 斎): Trong bài “Trai tịnh hay chay tịnh” năm 2007 tôi đã phân tích chữ chay, chữ này là do chữ trai (齋, Hán Việt) chuyển sang, nên chay đồng nghĩa với trai. Chay nghĩa là: (1) Kiêng ăn vì lý do tôn giáo: Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối; (2) Kiêng thịt cá và ngũ huân (5 món nồng: hành, tỏi, hẹ, kiệu, ngò) vì lý do tôn giáo: Ăn chay trường; (3) Mời nhà sư tới cầu kinh cho người chết: Lập đàn chay; (4) Cây cho trái ngọt và mềm lại cho vỏ dùng để ăn trầu: Trái chay, vỏ chay; (5) Dầu thảo mộc dùng làm keo khi khô rất cứng: Trát dầu chay (hay đọc ra chai).
3. Nghĩa từ ăn chay, giữ chay
a. Ăn chay vốn là một từ bên Phật Giáo và đã được cha Alexandre de Rhodes giảng trong Từ điển Annam - Bồ Đào Nha - Latinh như sau: "Ăn chay. Đích thực có nghĩa là kiêng thịt và cá, nhưng bây giờ để chỉ sự ăn chay của những Kitô hữu. Ăn chay (jejunium) có nghĩa là giới hạn lượng lương thực được ăn vào những ngày cụ thể. Còn kiêng cữ (abstinentia) có nghĩa là từ bỏ một thức ăn khoái khẩu như thịt, cá, tôm…"
Ăn chay, theo nghĩa hẹp, là ăn uống có kiêng cử (Ví dụ: kiêng ăn thịt cá... đối với Phật tử, kiêng ăn ngoài bữa và giảm lượng thức ăn... đối với người Công Giáo, kiêng ăn uống ban ngày đối với người Hồi Giáo).
Ăn chay, theo nghĩa rộng, là thực hành việc khổ chế bằng cách kiêng cữ không chỉ về món ăn thức uống mà còn cả những phương tiện hưởng thụ và thỏa mãn khác [6]. Theo nghĩa này thì "ăn chay" không chỉ là việc ăn uống mà còn là một thái độ (tinh thần thống hối), một lối sống (khiêm cung, từ bỏ những thú vui chính đáng) nhằm biểu lộ lòng thống hối, tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô (theo Công Giáo) - mà ta quen gọi là "giữ chay".
b. Giữ chay là tuân thủ những yêu cầu về việc chay tịnh, giữ chay bao hàm ý nghĩa rộng hơn là ăn chay (theo nghĩa hẹp). Tương tự như khi chúng ta nói bổn phận "giữ ngày Chúa Nhật" thì rộng nghĩa hơn là bổn phận" dự (xem) lễ ngày Chúa Nhật" [7].
4. Kết luận
Thuật từ giữ chay là thuật từ riêng biệt của người Công Giáo, ngoài từ điển Công Giáo, các từ điển ngoài đời hầu như không có thuật từ này và nó cũng đúng với ý nghĩa của việc chay tịnh của người Công Giáo.
Mặc dù ăn chay có nghĩa rộng như đã nói trên, nhưng trong một số trường hợp, chúng tôi thấy nên dùng chữ giữ chay thay cho ăn chay thì thích hợp hơn, thí dụ:
- “Hôm ấy họ ăn chay cho đến chiều. Rồi họ dâng lễ toàn thiêu và lễ kỳ an lên trước nhan Đức Chúa” (Tl 20, 26).
- “Họ cử hành tang lễ, khóc lóc và ăn chay cho đến chiều để tỏ lòng thương tiếc vua Sa-un” (2Sm 1, 12).
- “Khi nghe những lời ấy, vua A-kháp xé áo mình ra, khoác áo vải bố bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và bước đi thiểu não” (1 V 21, 27).
- “Xin cha cứ đi tập hợp tất cả những người Do-thái ở Su-san lại. Xin bà con ăn chay cầu nguyện cho con. Suốt ba ngày đêm, đừng ăn uống gì cả. Con và các cung nữ cũng sẽ làm như thế” (Et 4, 16).
- “Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói” (Mt 4, 2).
- “Chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian, và việc đi biển từ nay thật nguy hiểm, vì ngày ăn chay đã qua rồi” (Cv 27, 9).
Cũng theo nghĩa này mà chúng ta thấy trong bản tiếng Việt Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1997) dùng chữ "giữ chay" thay vì "ăn chay" [8].
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
Nhịp Cầu Tâm Giao 4, NXB Phương Đông (3/2011), tr. 85-93.
-------------------------------------------------
Ghi chú:
[1] www.vi.wikipedia.org/wiki/%C4%82n_chay.
[2] Jejunium: (1) Chay = jẻne ; (2). Đói = faim; (3). Tính chất đất khô chồi = stérilité.
[3] Abstinere : (1) Kiêng, giữ; (2) Giữ xa, giữ khỏi.
[4] Lưu ý: Tuổi giữ chay: Từ 18 tuổi trọn đến hết 59 tuổi ; Tuổi kiêng thịt: Từ 14 tuổi trở lên ; Ngày buộc giữ chay và kiêng thịt : Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh.
[5] Xem Bài Giảng Chúa Nhật số 3-2007.
[6] "Fasting means self-mastery; it means being demanding with regard to ourselves; being ready to renounce things - and not just food - but also enjoyment and the various pleasures" (Sứ Điệp Mùa Chay 1979 của ĐTC Gioan Phaolô II, Số 2).
[7] "Điều răn thứ nhất: Vào các Chúa nhật và các ngày lễ buộc, các tin hữu buộc phải tham dự thánh lễ và tránh tất cả những công việc tự bản chất ngăn trở việc thánh hóa những ngày ấy". (Sách Giáo Lý HTCG số 2042).
[8] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của Ban Giáo Lý GP.TPHCM, 1997: Số 575, 1387, 1430, 1434, 2043, 2742.
------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo.
1. Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, NXB Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 1999.
2. Hoàng Phê (chủ biên), TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Viện Ngôn Ngữ Học, NXB Đà Nẵng, Hà Nội-Đà Nẵng, 2005.
3. Thiều Chửu, HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN, www.pagesperso-range.fr/dang.tk/langues/hanviet.htm.
4. Lê Văn Đức, TỰ ĐIỂN VIỆT NAM, nhà sách Khai Trí, Saigon, 1970.
5. Alexandre de Rhodes, TỪ ĐIỂN ANNAM-LUSITAN- LATINH (thường gọi Từ điển Việt-Bồ-La), nxb Khoa Học Xã Hội, Tp. HCM, 1991.