CLB Hán Nôm: Chiết tự chữ Niệm
1. Nghĩa từ:
NIỆM 念 / 唸: Nghĩa gốc Hán:
NIỆM 念: 1. Nghĩ, nhớ. ‖ 2. tụng, đọc. ‖ Niệm 念 theo lục thư ở dạng hội ý 會意, thuộc bộ tâm 心 (lòng) biểu ý một phần + chữ kim 念 jīn (hiện tại) biểu ý một phần. Như vậy, niệm 念 có nghĩa là phải dùng tâm hiện tại (tâm 心 và kim 念) mà nghĩ, tránh trường hợp niệm 念 mà tâm lại nghĩ tưởng đến chuyện nơi khác hay lúc khác.
NIỆM 唸: tụng, đọc. ‖ Niệm 唸 theo lục thư ở dạng hình thanh 形聲, thuộc bộ khẩu 口 (miệng) biểu ý + chữ niệm 念 (suy nghĩ, tụng đọc) biểu âm. Như vậy, niệm 唸 có nghĩa là phải dùng tâm hiện tại (tâm 心 và kim 念) mà đọc (khẩu 口) hay nghĩ (niệm 念), tránh trường hợp niệm 唸 mà tâm lại nghĩ tưởng đến chuyện nơi khác hay lúc khác.
2. Giải thích từ:
– NIỆM 念 / 唸 theo góc nhìn của Phật giáo: Mặc dù niệm là tụng đọc nhưng Niệm Phật 念佛 là một phép tu thuộc Tịnh Độ Tông (1) 淨土宗 (Phật giáo đại thừa). Trong đó, niệm 念 là tưởng nhớ, niệm Phật 念佛 là tưởng nhớ đến danh hiệu Phật. Vì thế, khi niệm Phật phải tập trung tâm trí, ý nghĩ hướng về danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” hay “A Di Đà Phật” để hình dung tướng tốt và công hạnh của Phật. Phép niệm danh hiệu Phật là để chế ngự tâm 心. Phép niệm được thực hiện bằng cách đọc to hay đọc thầm nhằm giúp người niệm cảm nhận sự hiện diện của Phật A-di-đà và hai vị Bồ Tát tả hữu là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, cũng như biết trước được giờ chết của mình. Phật giáo nguyên thủy (Tiểu thừa) chú trọng tự lực – nhờ và chính sự tu tập của mình giác ngộ hoặc đốn ngộ, còn Phật giáo phát triển (Đại thừa) chú trọng tha lực – nhờ vào Phật lực để giải thoát cõi vô minh.
– NIỆM 念 theo góc nhìn của Công giáo:
+ Niệm theo nghĩa tụng đọc – còn gọi là khẩu niệm 口念, như: tụng niệm Môi Côi kinh 誦念玫瑰經 (phép lần chuỗi Mân Côi N 法吝𦀵玟瑰) – Phép lần chuỗi Mân Côi là cách nói bình dân để chỉ việc đọc Kinh Mân Côi, một hình thức cùng với Đức Mẹ cầu nguyện, suy niệm và chiêm ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu.
+ Niệm theo nghĩa nhớ tới, như: kỷ niệm tụng 紀念誦 (kinh tưởng niệm N 經想念).
Tưởng niệm là việc Hội Thánh nhớ lại Mầu Nhiệm Cứu Độ và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần làm cho mầu nhiệm ấy trở thành hiện thực (x. GLHTCG 1099). Trong phụng vụ, đặc biệt trong Thánh Lễ, việc tưởng niệm luôn quy chiếu về những lần Thiên Chúa can thiệp để cứu độ nhân loại (x. GLHTCG 1103). Qua Kinh Nguyện
Thánh Thể, Hội Thánh tưởng niệm hy tế cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô trên Thập Giá và việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly theo lệnh truyền: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cr 11, 24). Việc tưởng niệm không chỉ nhớ lại, mà còn làm cho Mầu Nhiệm Cứu Độ được biểu lộ trong hiện tại, vì Thiên Chúa vẫn tiếp tục hoạt động và ban ơn cứu độ cho con người. Lời tung hô sau phần truyền phép gợi lên cách rõ ràng cộng đoàn đang “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.
Kinh Tưởng Niệm là lời kinh qua đó Hội Thánh kính nhớ Cuộc Khổ Nạn, sự Phục Sinh; mong đợi sự Quang Lâm vinh hiển của Đức Kitô Giêsu; dâng Người lên Chúa Cha như hy lễhoà giải nhân loại với Ngài (x. GLHTCG 1354). Kinh Tưởng Niệm trong Thánh Lễ là: “Vì vậy, lạy Chúa, chúng con là tôi tớ Chúa, và toàn thể dân thánh Chúa, kính nhớ cuộc khổ hình hồng phúc, sự sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển của Đức Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con...”. Kinh này đi liền sau phần tường thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể.
+ Niệm theo nghĩa ngẫm nghĩ, như:
Suy niệm N 推念: nghĩ đi nghĩ lại về một điều. Suy niệm là việc dùng các khả năng suy tư, tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn để tìm hiểu các mầu nhiệm đức tin − đặc biệt là mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô − trong tinh thần cầu nguyện. Mục đích của suy niệm không phải là nghiên cứu, học hỏi hay hiểu biết về lý thuyết mà là để cho điều đã suy tư trong đức tin trở nên của riêng mình, đồng thời khơi dậy tâm tình yêu mến và củng cố ý muốn phụng sự Thiên Chúa (x. GLHTCG 2723). Suy niệm còn được gọi là suy gẫm, suy ngẫm, suy ngắm.
Chiêm niệm 瞻念. Chiêm niệm: ngắm nhìn và ngẫm nghĩ. Chiêm niệm là nhìn ngắm Chúa Giêsu trong đức tin, tham dự vào các mầu nhiệm của Người, lắng nghe Lời Chúa, và mến yêu Người trong thầm lặng (x. GLHTCG 2724). Chiêm niệm là một hồng ân Thiên Chúa ban tặng; là một tương quan Giao Ước Thiên Chúa thiết lập nơi đáy lòng con người; là sự hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh, qua đó, con người được làm cho trở nên “giống Thiên Chúa” (x. GLHTCG 2713). Đời sống chiêm niệm là một lối sống đặt nặng việc phụng sự Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hãm mình. Theo cách phân chia truyền thống thì đời sống chiêm niệm là lối sống của các hội dòng chuyên chiêm niệm như Biển Đức, Cát Minh, Xitô, Clara, v.v. Tu sĩ của các dòng này sống cách biệt thế gian với những sinh hoạt riêng và dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện, suy niệm, chiêm ngắm Chúa để kết hợp mật thiết và sâu thẳm với Người trong thinh lặng. Những hội dòng ấy luôn có một chỗ đứng nổi bật trong Nhiệm Thể Đức Kitô, vì thế dù nhu cầu tông đồ có khẩn thiết thế nào đi nữa thì cũng không thể kêu gọi các tu sĩ của các dòng chiêm niệm ra khỏi nếp sống của mình để cộng tác vào các công việc mục vụ khác nhau (x. GL 674). Tính tông đồ của đời sống chiêm niệm được thể hiện ngay trong việc âm thầm cầu nguyện và hy sinh hãm mình vì ích lợi của các linh hồn.
Phòng Học Vụ HVMV TGP
Nguồn: ttmucvusaigon.org
______________________
Chú thích:
(1) Tịnh độ tông là phái tu học nhằm được tái sinh tại Tây phương Cực lạc (nơi Phật A Di Đà tiếp dẫn theo Phật giáo Đại Thừa).