Công giáo Hoa Kỳ tài trợ giúp thay thế chuông nhà thờ bị phá hủy bởi bom nguyên tử ở Nagasaki
Gần đến kỷ niệm 80 năm vụ đánh bom nguyên tử ở hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, các tín hữu Công giáo tại Hoa Kỳ đang giúp gây quỹ để thay thế chuông nhà thờ bị phá hủy trong vụ nổ Nagasaki.
Hai vụ thả bom hạt nhân của Hoa Kỳ, tại Hiroshima vào ngày 6/8/1945 và Nagasaki vào ngày 09/08 sau đó, đã khiến hai thành phố này gần như bị phá hủy hoàn toàn. Trong số các công trình bị phá hủy ở Nagasaki có Nhà thờ Chính tòa Urakami, ban đầu được hoàn thành vào năm 1925. Đây là nhà thờ Công giáo lớn nhất ở Đông Á vào thời điểm đó. Nhà thờ được xây dựng lại vào năm 1959.
Sau vụ đánh bom, những người Công giáo ở Nagasaki đã đào được một trong những chiếc chuông ban đầu của nhà thờ và lưu lại; hiện tại chuông được lắp đặt trong tháp chuông bên phải của nhà thờ được xây dựng lại.
Dự án Chuông Nagasaki
Tiến sĩ James Nolan, giáo sư xã hội học tại Williams College ở Williamstown, Massachusetts, nói với hãng tin CNA rằng ông đã dành “một khoảng thời gian đáng kể” ở Nagasaki trong khi viết và nghiên cứu một cuốn sách về phản ứng của cộng đồng Công giáo địa phương đối với vụ thả bom. Ông đã trò chuyện với một giáo dân tại Nhà thờ Urakami. Người này lưu ý rằng tháp chuông còn lại vẫn trống và nói rằng “sẽ thật tuyệt nếu những người Công giáo Hoa Kỳ tặng chúng tôi chiếc chuông cho tháp chuông bên trái”. Và ông Nolan đã bắt đầu dự án tặng chuông cho nhà thờ Urakami.
Việc gây quỹ cho Dự án Chuông Nagasaki được thực hiện thông qua Viện Thánh Kateri. Chiếc chuông đang được đúc tại một xưởng đúc ở St. Louis.
Theo ông Nolan, chi phí cho riêng quả chuông là 54.200 đô la và hiện tại họ đã gây quỹ được 37.000 đô la. Dự án này cũng sẽ chi trả tiền vận chuyển và lắp đặt quả chuông.
Ông cho biết Đức Tổng Giám mục Michiaki Nakamura của Nagasaki đã chúc lành cho dự án và muốn quả chuông được lắp đặt vào đúng ngày kỷ niệm 80 năm vụ thả bom, ngày 09.08.2025.
Ông Nolan nói thêm, 8.500 người Công giáo đã thiệt mạng trong vụ đánh bom Nagasaki; tuy nhiên, “phản ứng của họ là hòa bình, hòa giải và xây dựng lại cộng đồng của họ”.
Đức Tổng giám mục Nakamura đã nói với nhật báo Yomiuri Shimbun tuần vừa qua rằng dự án này sẽ tượng trưng cho cả cuộc xung đột hủy diệt và hy vọng cho tương lai. Ngài nói: “Những chiếc chuông sẽ vang lên để truyền tải thảm kịch của chiến tranh và mong muốn hòa bình”. (CNA 24.08.2024)
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi