Đạo Khổng, Đạo Lão, Đạo Phật ở Việt Nam
II. Đạo Khổng, Đạo Lão, Đạo Phật ở Việt Nam
Quả là một vấn đề thật khó khăn và tế nhị khi nghiên cứu tìm hiểu tôn giáo người Việt trong tổng thể của nó. Khó khăn vì vấn đề thực phức tạp; tế nhị vì một số vấn đề đối với tôi còn mù tối, mà tôi nghĩ cái khó khăn này không phải bất cứ cho riêng ai.
Ở xứ này là cả một sự pha trộn hòa lẫn của nhiều hình thức thờ kính; bên cạnh những thực hành ma thuật man dã nhất, hoang sơ nhất lại là những thờ kính rất thanh cao mang nhiều ý niệm tuyệt vời cao cả. Loại thứ nhất cho đến nay rất ít được nghiên cứu, còn loại thứ hai thì ta thường khái quát theo khuôn sáo và nhiều khi không đáp ứng được với thực tại.
Ta thử tìm hiểu những tác giả đã nghiên cứu vấn đề này:
Louvet trong phần dẫn nhập phong phú của tác phẩm mình, Lịch sử tôn giáo của xứ Đông Dương (His-toire de la Conchinchine religieuse), đã viết: “Mọi hình thức tôn giáo ấy, mọi thực hành tín ngưỡng dị đoan ấy, trà trộn lẫn nhau, xen kẽ chồng chất vào nhau tạo thành một tổng thể hỗn hợp những hình thức mâu thuẫn khó lòng mà nhận ra được. Ai ai cũng tuân giữ… Những người uyên bác nhất, kể cả nhà vua, một mặt chỉ tuân chỉ theo lý trí và tin tưởng duy nhất vào các kinh điển của Khổng, cũng thờ Phật, thờ thần và khi cần cũng bói ma xem quẻ” (tr. 181)
Trong quyển Variétés tonkinoises là quyển sách tóm lượt chuẩn xác nhất mọi hình thái thể hiện của lối sống người Việt, tác giả Souvigné cũng phát biểu tương tự:
“Việc tôn kính đa thần của người Việt tạo thành một sự pha trộn thờ kính rất đa dạng: thờ ông bà tổ tiên hay vong linh của họ. Nơi thờ tự chính là từ đường cũng có thể đơn giản là một bàn thờ đặt ngay trong nhà ở; thờ Phật thì ở chùa; thờ thần và các quỉ ma thì ở đình hay am miếu; các nghi lễ tà thuật Lão giáo thì ở đền; Khổng Tử được thờ ở Văn miếu; thờ trời thờ đất thì lập đàn có tường bao quanh; vua đang tại ngôi thì được bái thờ ở bái đình dựng lên ở mỗi tỉnh v.v… (tr. 241)
Madrole, trong quyển hướng dẫn Nam Bắc Bộ giải thích tính cách hỗn tạp ấy như sau:
“Việc nghiên cứu tổ chức tôn giáo ở người Việt, cũng như về tổ chức hành chánh của họ, cho thấy một sự pha trộn hay chính xác hơn là một sự sát nhập, một tình huống đồng tồn tại những giá trị cổ truyền riêng của giống nòi với những hệ thống hoặc được du nhập hoặc bị áp đặt do nền thống trị của người Trung Hoa”.
Các tác giả trên trong lúc muốn xếp một thứ tự nào đó trong “bức khảm tôn giáo” này, theo cách nói của Souvigné, đã phân biệt ba tôn giáo chính mà danh từ Hán Nôm gọi là tam giáo, đó là Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Theo Souvigné thì ba tôn giáo ấy “thống lĩnh và lược tóm toàn bộ các tôn giáo khác”.
Cách nói ấy cũng chưa chính xác. M. Mandrole có lẽ đúng hơn khi cho rằng ở người Việt, “ta bắt gặp, bên trên tam giáo nêu trên, một tín ngưỡng về thần lành hay thần dữ, về sự bất tử của linh hồn; tín ngưỡng ấy ấn dấu sâu vào tâm trí quần chúng, bao trùm toàn bộ lý tưởng tôn giáo được biểu cảm ra bên ngoài chủ yếu và mọi lúc qua việc thờ kính tổ tiên”, và cần thêm là qua sự thờ kính quỉ thần nữa.
Trước hết chúng tôi cố gắng xếp phần nào đó thứ tự về các hình thức thờ kính đa dạng này, và khi có thể được giản lược riêng lẻ một số những thể tôn giáo phức tạp của tâm tình tôn giáo ấy.
Theo tôi, thật nhầm lẫn khi xem đạo Khổng là một tôn giáo, như nhiều người đã từng nghĩ thế. Tôi so sánh Khổng Tử như là thánh Thomas d’Aquin. Xin quý vị đừng phật lòng về sự so sánh của tôi. Nhà thần học nổi danh này đã cô đọng, trong hai bộ sách của mình, toàn bộ học thuyết Công giáo mà người đã rút ra được qua giáo huấn truyền thống của Giáo hội và qua các tác phẩm của các Giáo phụ và các nhà thần học trước đó. Lại nữa, Người còn đáng được xem như là nhà sáng lập một trường phái triết học. Cuối cùng thì tri thức và đức hạnh của Người đã khiến người ta phải tôn kính Người. Cũng thế, Khổng Tử không được xem như là nhà sáng lập tôn giáo. Khổng đã thành kính gom góp những tác phẩm các thế kỷ trước đó tiềm tàng những tín ngưỡng người xưa rồi viết thành vài tác phẩm lịch sử ghi lại những lễ nghi tôn giáo ngày trước rồi dạy cho các học trò của mình. Một vài vị trong số học trò ấy đã để lại cho hậu thế bằng văn bản những gì mà Khổng đã tin liên quan đến bản chất của vạn vật, bản chất của nhân sinh và các bổn phận ở dương gian này. Có thể xem Khổng như là tác giả các bộ tóm lược triết học và thần học ở Viễn Đông. Cũng không nên nhầm lẫn về chiều kích của việc so sánh này. Quả thật thì sách của người cũng không hoàn toàn đầy đủ, cũng còn rời rạc, chắp vá thậm chí cũng có chỗ còn sơ đẳng. Và quả thật là những gì ta tìm thấy được trong tác phẩm của Người hoặc của các đồ đệ đầu tiên liên quan đến tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng thì không phải là do Người nghĩ ra mà chỉ là những gì Người ghi nhận được từ những thời xa xưa trước đó.
Rồi đến lượt các học trò của Người. Các vị ấy đọc, phê bình, phân tích, sửa chữa, thêm bớt, mỗi người giải thích mỗi cách học thuyết của thầy cho tới Châu Hi, mà theo nhiều tác giả là người đã hoàn toàn tách ra khỏi tín ngưỡng ban sơ của Khổng và là người đã áp đặt được cách luận giải của mình như là một suy diễn tiếp nhận công khai duy nhất.
Cuối cùng, ta tìm được nơi Khổng Tử là một thánh nhân, một người hoàn thiện, người hoàn toàn thể hiện phù hợp với bản chất riêng của mình, cùng với nguyên lý phổ quát, người trợ lực trời và đất và do đó là người mà đức hạnh có phần sánh kịp đức hạnh của trời và đất. Và chính vì vậy mà Khổng Tử được tôn kính.
Nhưng không vì thế mà gọi học thuyết Khổng là một tôn giáo đúng nghĩa. Người ta tôn thờ Khổng, nhưng sự tôn thờ ấy nào có khác gì đâu việc tôn thờ vô vàn các thánh nhân trong nhiều thế kỷ qua, ở Việt Nam cũng như ở Trung Hoa, hoặc đã từng anh dũng chiến đấu hoặc đã từng an trị thái bình. Việc thờ kính Khổng Tử chẳng qua cũng giống như việc thờ kính các bậc vĩ nhân trong đạo thờ cúng tổ tiên ông bà và dĩ nhiên cũng như trong việc thờ kính thần thánh.
Hầu hết các tác giả khi cho đạo Khổng một tính chất gọi là tôn giáo náo đó đều đưa vào đó việc thờ Trời thờ Đất, thờ Thần Nông, thờ mùa màng, thờ vong linh các bậc tôn kính, thờ quỉ thần linh thiêng vạn vật và cuối cùng là chính việc thờ cúng ông bà. Hẳn rằng Khổng Tử đã từng đề cập đến tất cả những điều nêu trên trong các tác phẩm của mình. Nhưng như tôi đã từng khẳng định là ta không thể cho rằng Đức Khổng Tử là người sáng lập các việc thờ kính ấy, cũng như không thể xem Thomas d’Aquin là tác giả của tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi hay việc thờ kính Thánh Thể. Đúng là chúng ta thấy có nhiều hình thức thờ kính thần linh, đó là những siêu lực thiên nhiên hay vong linh nhân sinh, nhưng không thể đó là một tôn giáo do Đức Khổng lập ra. Việc thờ kính ấy đã có từ rất lâu trước thờ Khổng Tử. Đức Khổng có đề cập đến một số nhưng không phải là nêu ra được hết tất cả. Trước Người đã ngập tràn cả một tôn giáo lâu đời, mênh mang đó là tôn giáo thờ thần linh ma quỉ.
Điều mà chúng tôi luận về học thuyết Khổng Tử cũng chừng mực nào đó áp dụng cho đạo Lão. Để hiểu rõ trường hợp học thuyết Lão Tử, tôi xin được so sánh với môn phái thần bí rất thịnh hành ở những thế kỷ đầu của Giáo hội và nếu tôi không nhầm thì còn kéo dài cho tới thời Trung cổ. Một đằng thì học thuyết Kitô giáo được lưu truyền qua nhiều thế kỷ với tất cả bản chất tinh ròng của nó qua các văn bản của các Giáo phụ và qua các giáo huấn của Giáo hội cho đến lúc được thánh Thomas d’Aquin tổng hợp lại một cách tuyệt vời. Nhưng mặt khác cũng có những tâm trạng âu lo, bị chế ngự bởi những thèm khát điều kỳ diệu thiếu lành mạnh và thường không chính đáng, đã ngã sâu vào những tư biện hàm hồ và đắm mình trong những ma thuật kỳ quái phàm tục hoặc bạo tàn. Đó là thời kỳ Ngộ đạo thần bí.
Đạo Lão có lẽ là một phần của tôn giáo Trung Hoa còn mung lung mờ mịt. Tuy vậy, thoạt đầu, đó là một hệ thống triết học. Về thế giới, bản thể và nguyên thủy của nó, về con người, bản chất và bổn phận đã được Khổng Tử bằng một cách nào đó đưa ra một số giải thích; Lão Tử, nhà hiền triết Lão giáo, lại giải thích những nội dung trên bằng một cách khác. Về sau, chung quanh trục triết học ấy là cả một hệ thống những yếu tố dị đồng thuộc lãnh vực tôn giáo và nhất là ma thuật, tạo thành một lâu đài thần thánh, những hữu thể phi vật chất, những quyền lực thiên nhiên được nhân cách hóa hoặc các bậc vĩ nhân xa xưa được các thầy pháp, bà đồng kính tôn thờ cúng. Nhưng sự tôn thờ còn do những thúc đẩy hạ cấp tầm thường, gồm những loại hình trừ tà đuổi quỉ, niệm thần chú, bói toán, bùa mê yêu phép, những cách thức ma thuật nhằm đem đến cho chúng sinh khốn khổ hạnh phúc dưới mọi hình thức kể cả những hình thức thấp hèn nhất. Sinh, bệnh, tử, mất của, dịch bệnh gia súc, hạn hán, lụt lũ, tai họa dưới mọi hình thức, chọn hướng xem đất làm nhà hoặc lo phần huyệt mộ..., tóm lại mọi thứ liên quan đến con người, mọi ước mơ hy vọng, mọi thứ đáng kinh sợ đều gắn chặt vào sự thờ kính ấy và do đó thẩm nhập chiếm lĩnh tất cả.
Nhưng có thể xem đó là một tôn giáo riêng lẻ không? Tôi nghĩ rằng không. Quả thật là trong các hành vi thể hiện tôn giáo, cũng ngần ấy hữu thể siêu nhiên mà chúng ta đã đề cập đến khi nói về học thuyết của Khổng, đó là các siêu lực thiên nhiên được nhân hóa, đó là vong linh của những người đã khuất, rồi quỉ, thần hoặc ông bà tổ tiên. Điều mà ta gọi là đạo Khổng có thể được xem như là truyền thống cao quí và tinh ròng, như là một thể hiện tín ngưỡng xứng đáng với các đấng mà họ tôn thờ. Đạo Lão là một trào lưu lệch lạc của tình cảm tôn giáo. Nếu việc thờ Trời và ông bà tổ tiên đã từng xuất hiện trước Khổng Tử thì tôi cũng dám quả quyết rằng những thực hành huyền bí, ma thuật trong việc thờ kính quỉ thần cũng đã từng có trước Lão Tử. Cả hai đều là những kết thể của những yếu tố đã từng tồn tại trước đó chẳng khác nào như ta ngâm một vật thể vào trong một dung dịch và chung quanh lắng muối đang hòa tan trong nước.
Chúng ta phải tách bạch học thuyết Khổng và Lão. Đó không phải là một tôn giáo đúng nghĩa. Chẳng qua đó là những thể hiện ít nhiều khác nhau của cùng chính một tôn giáo, tôn giáo thờ quỉ thần mà đã được thể hiện sóng đôi trong cách thức cúng tế: nơi đây thì quả là một tôn giáo đúng nghĩa, nơi kia lại là một hình thức trà trộn ma thuật. Đạo Khổng, đạo Lão là hai “loại hình” nhưng tựu trung là một “thể loại” và do đó khi nghiên cứu phải lưu ý đến điểm tiếp cận và lưu ý đến những khác biệt của chúng.
Một cách cụ thể, ta có thể đặt câu hỏi: Người Việt có phải là những người theo Khổng giáo không? Tôi xin trả lời: “Về phương diện triết học là “có”, ở chỗ là Nho sĩ trí thức đều tuân theo hệ thống triết học trong các tác phẩm của Khổng và của các học trò của Người theo cách được chính thống công khai nhìn nhận ở Trung Hoa. Về phương diện tôn giáo, đối với câu hỏi trên, cũng khẳng định là “có” do sự việc là vào một số ngày nào đó trong năm họ thờ cúng Khổng Tử, thờ cúng các đồ đệ chính của Khổng, và nhất là đối với việc họ thờ cúng hoặc công khai, hoặc trong cuộc sống thường nhật các thần thánh tức là các siêu lực thiên nhiên được nhân cách hóa, vong linh các vĩ nhân và ông bà.
Đối với câu hỏi “Người Việt có phải là những người theo Lão giáo không?” Theo tôi, về phương diện triết học, câu trả lời là “không”, bởi vì quyển Đạo đức kinh chỉ vừa mới được biết đến ở xứ này. Về phương diện tôn giáo thì câu trả lời là “có”, ở chỗ là thường nhật người Việt đều chạy đến những thực hành bói quẻ là những phương thức ma thuật thờ kính quỉ thần và cầu cứu Lão Tử, người được cho là sáng lập ra Lão giáo.
Nhưng tôi muốn trở lại với câu trả lời là người Việt thờ cúng quỉ thần, đó là những hành vi tôn giáo thực sự và ta gặp Khổng giáo ở điểm đó, còn đối với các thực hành ma thuật huyền bí thì ở khía cạnh này Lão giáo có phần liên quan.
Còn lại là vấn đề Phật giáo (1). Người Việt có phải là Phật tử không? Đối với phần đông người Âu đang ở Đông Dương thì chẳng nghi ngờ gì cả. Họ thông thường chỉ đối lập Công giáo hay Phật giáo, nghĩa là nếu không phải Công giáo thì đó là Phật giáo. Các vị Thừa sai thì phân biệt chính xác hơn: lương, giáo (ngoại, đạo). Tuy vậy trả lời cho câu hỏi này lại còn tế nhị hơn nữa.
Trước hết đạo Phật không thể được xem như là một hệ thống kinh điển thờ kính quỉ thần như trong Khổng giáo; cũng chẳng phải là cả một chuỗi những thực hành lắm khi không lành mạnh trong chính việc thờ kính quỉ thần ấy như ở Lão giáo. Đạo Phật có những giáo lý, luân lý, lễ nghi thờ kính riêng, khác với việc thờ cúng quỉ thần và là một tôn giáo riêng biệt.
Có thể có nhiều người Việt không đồng ý với tôi về điểm này. Cứ lấy trường hợp một người dân Việt thuần túy làm ví dụ. Anh ta chẳng biết gì về đạo Phật cả, chẳng biết xuất xứ nguồn gốc, chẳng biết những cải cách đổi thay, chẳng biết gì về giáo lý của Phật. Anh ta vào chùa, thấy các tượng Phật và các thực thể trừu tượng bao quanh. Nào là các vị Bồ Tát, các ngài La Hán, chạm trổ sơn son; nào là ngài Quan Âm từ bi che chở. Nhiều khi anh ta lại quì gối trước cả các vị thần Lão giáo hay Khổng giáo đang cùng ở thuận hòa trong gian chùa Phật. Đó không phải là đạo Phật nguyên vẹn, rất khác xa với đạo Phật nguyên thủy. Hình như anh chàng người Việt cũng đương nhiên xếp một cách mơ hồ đạo này vào cùng số những đạo khác mà anh ta đã từng biết đến và vẫn còn tuân giữ. Anh ta cũng ít nhiều đồng hóa các vị Bụt với các thần thánh trong đạo Lão. Đối với anh ta, cứ dựa vào cái mình thấy được, thì đạo Phật ở một số khía cạnh nào đó cũng có những điều giống với việc thờ cúng quỉ thần.
Những việc lẫn lộn trong thực tế chẳng thay đổi gì bản chất sự việc. Đạo Phật khác hẳn tự cơ bản với Khổng giáo hay Lão giáo.
Sau khi đã xét đến các đặc điểm, ta thử trả lời cho câu hỏi mà tôi đã đặt trên đây: Người Việt có phải là Phật tử không?
Ta có thể so sánh Phật giáo và hoàn cảnh của nó ở Việt Nam với những loài cây họ dương xỉ biểu sinh, loài Ổ rồng hoặc Ổ rồng nhị dạng (Platycerium) bám mọc trên những cây đại thụ trên rừng núi Trường Sơn. Chúng bám trên vỏ của thân cây mà không hề chọc thủng vỏ của nó.
Một thí dụ khác: Ở Marseille có một đền thờ Chính thống giáo Hy Lạp. Giả như có một phụ nữ bình dân, Công giáo, chồng hoặc đứa con vừa mới chết. Khi đi ngang qua cửa nhà thờ thấy một cây thánh giá, đúng là một nhà thờ rồi, bà vào, quì gối trước bàn thờ, tham dự lễ và cũng có thể bà sẽ xin giáo phụ một thánh lễ cho người quá cố. Không ai có thể cho rằng người đàn bà dân quê ấy đang hành đạo Chính thống giáo cả. Cho dù bà có tiếp tục một cách thành tâm lui tới ngôi nhà thờ Chính thống giáo ấy, nhưng không vì thế mà bà trở thành một tín đồ Chính thống giáo.
Người Việt đối với Phật giáo cũng vậy.
Người Việt còn thành tâm với Phật hơn cả người phụ nữ nói trên đối với Chính thống giáo. Quả vậy, tại Việt Nam, gần như làng nào cũng có chùa Phật. Hàng năm ít nhất là một hai lần chức sắc làng đến cúng lễ. Nhiều nơi, ở tỉnh lỵ nhỏ bé thì ít chứ ở vùng ven cố đô hay thành thị thì rất nhiều chùa được lễ bái bởi các cộng đoàn sư tăng. Quần chúng đến cúng lễ, thỉnh thoảng lại mời sư về nhà hành lễ. Những người giàu sang không ai là không muốn được các sư đưa tiễn đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng những biểu hiện ấy chẳng qua như loài cây biểu sinh bám ngoài thân vỏ. Đạo Phật như vẫn ở bên ngoài, bên ngoài đời sống tôn giáo thâm sâu, bên ngoài linh hồn người Việt. Đạo Phật là một Quốc giáo, được công khai nhìn nhận và được Nhà nước bảo trợ. Người Việt cũng tuân giữ nhưng nói chung thì không phải đông đảo quần chúng là Phật tử thật sự. Theo tôi, ở các làng xã thôn bản xa xôi thì hầu như phần lớn người Việt chẳng hành đạo thực sự gì cả khi sống cũng như khi chết.
Nếu ở Pháp, dù mỗi làng đều có nhà thờ, mà phần đông cư dân khi sống cũng như khi chết chẳng bao giờ cầu nguyện với Chúa, chẳng bao giờ lãnh một bí tích nào của Giáo hội, thì còn có cho rằng người Pháp là Công giáo không?
Dĩ nhiên cũng có nhiều sắc thái. Người du khách chỉ suy đoán khi thấy những chùa đền tấp nập vùng quanh huế mà có những nhận xét khác với người am tường về những vùng xa xôi, nơi rất ít hoặc thậm chí không có những người hành đạo thực sự. Vùng châu thổ Bắc Bộ thấm nhuần ảnh hưởng Phật giáo hơn ở Trung Kỳ. Người ta vừa mới cho xuất bản quyển Tang lễ; trong sách này có chỗ nhầm lẫn khi nói về Phật giáo ở xứ này.
Qua những suy luận trên, ta có thể trả lời cho nghi vấn đặt ra trên đây. Người Việt có đúng là Phật tử không? “Đúng” trong thực tế, ở chỗ là đạo Phật được Nhà nước bảo trợ nên chùa chiền có khắp nơi, quần chúng hoặc công khai, hoặc âm thầm lui tới cúng lễ. Nhưng một cách chính thức thì câu trả lời là “Không”. Ta không thể xếp người Việt vào các dân tộc Phật giáo được, bởi vì đời sống tôn giáo thực sự còn xa lạ với đông đảo quần chúng và thậm chí đối với những người ít nhiều đang hành đạo thì cũng chẳng hiểu thâm sâu các giáo lý và đạo đức của nhà Phật là bao.
Có thể nói một cách khác là người Việt lễ bái Phật như thể là một phần thứ yếu của cùng một việc thờ kính thần thánh mà họ luôn luôn trung thành tuân giữ.
Cho đến nay chúng ta đã cố gắng xác định tôn giáo người Việt là tôn giáo nào. Họ có hai tôn giáo: Một tôn giáo chính là tôn giáo thờ thần thánh. Tôn giáo này lại có hai loại đối tượng để thờ kính: hoặc là thờ những siêu lực thiên nhiên được nhân hóa, hoặc là thờ linh hồn người chết và tôi cho đây là việc thờ kính các bậc anh hùng, các cô hồn, ông bà tổ tiên. Loại tôn giáo này lại có hai cách thể hiện: có tính cách tôn giáo như trong trường hợp Khổng giáo nói chung, hoặc có tính cách ma thuật như trong trường hợp Lão giáo.
Bên cạnh tôn giáo chính ấy có một tôn giáo thứ hai, đó là Phật giáo.
Phật giáo là một tôn giáo ngoại lai từ Trung Hoa du nhập đến. Liệu người Việt có biến đổi học thuyết hay việc lễ bái “Đại thừa” không? Nếu có thì tầm mức nó như thế nào và bản chất ra làm sao? Đó là những vấn đề mà chưa ai nghiên cứu.
Đạo Khổng và đạo Lão cũng có những yếu tố du nhập nếu ta dựa vào những gì công khai chính thức hoặc dựa vào văn bản. Nhưng như tôi đã từng dẫn chứng, cả hai tôn giáo này đặt cơ bản trên một tiềm lực xa xưa của tôn giáo tôn thờ thần thánh có phần riêng biệt của nòi giống Việt. Đâu là tầm mức của tôn giáo sơ khai ấy? Hòa trộn vào những yếu tố du nhập như thế nào? Đó là những vấn đề còn tăm tối đối với những ai thiện chí kiếm tìm nghiên cứu.
Leopold Cadiere
Trích “Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành Tôn giáo người Việt”
NXB Thuận Hóa, 2010, tr. 44-53
_____________________
Chú thích:
(1) Phần này tiếp theo sau phần nghiên cứu đã xuất bản năm 1913 về Phật giáo ở Việt Nam; ở đây chúng tôi không chú trọng đến phong trào đổi mới và rất phong phú trong các thực hành tôn giáo trong những năm gần đây, hoặc ở đông Dương, hoặc ở Bắc Hà và Trung Kỳ.