Đạo Mẫu (3)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 8355 | Cật nhập lần cuối: 2/28/2016 3:11:04 PM | RSS

(tiếp theo)

Ở phần trên, chúng tôi cố gắng hệ thống lại điện thần của Đạo Mẫu Tứ Phủ mang tính chung và ước lệ nhất. Tuy nhiên, với các địa phương thì trên cái khung chung đó, sự sai biệt mang sắc thái địa phương là một thực tế hiển nhiên. Nói chung, điện thần và phối tự trong các đền Mẫu ở Nam Bộ không có mấy sai biệt (ở đây chỉ nói đền thờ Mẫu Tứ Phủ, còn các đền thờ khác Mẫu khác như Bà Đen, Bà Chúa Xứ thì không thuộc hệ thống này) so với các đền thờ Mẫu ở Bắc Bộ. Có chăng trong điện thần ta thấy có thêm một số các vị Thánh địa phương, như lê Văn Duyệt, được coi như là một vị Thánh hàng Quan, có vai trò trừ ma tà như Quan Tuần, Đức Thánh Trần ở ngoài Bắc. Bà Chúa Xứ cũng có lúc giáng đồng trong các đền thờ Mẫu Tứ Phủ, được coi như vị Thánh Mẫu hàng Chúa (Chầu)...

Thánh Mẫu Thiên Ya Na

Điện thần ở Điện Hòn Chén, trung tâm thờ Mẫu ở Huế cũng như một số ngôi đền khác, về cơ bản vẫn là Thờ Mẫu Tứ Phủ, tuy nhiên sắc thái địa phương thì thể hiện rõ rệt hơn. Trước nhất, nếu như trong điện thờ Tam vị Thánh Mẫu, Mẫu Thượng Thiên hay Mẫu Liễu ngồi chính giữa, thì trong tất cả các đền ở Huế thay bằng Thánh Mẫu Ya Na, một nữ thần nguồn gốc Chăm (Mẹ Xứ Sở) đã bị Việt hóa. Hai bên tả và hữu của Mẫu Thiên Ya Na là Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn. Có một số ít ngôi đền, trong đó có Hòn Chén thì có ban thờ Thánh Mẫu Liễu cùng với Quế Hoa và Quỳnh Hoa được thờ thấp hơn phía trước Tam vị Thánh Mẫu đã kể trên. Hàng các vị Thánh Bà (hàng Chầu) được gọi theo tên : Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ: Đệ Nhất Kim Tinh thần nữ, Đệ Nhị Mộc Tinh thần nữ và Đệ Tam Thuỷ Tinh thần nữ, Đệ Tứ Hoả Tinh thần nữ và Đệ Ngũ Thổ Tinh thần nữ. Trong hàng thất thánh (7 vị Thánh) tương đương như hàng quan thì ở Huế có thờ Vua Đồng Khánh, nguyên là tín đồ Đạo Mẫu, là vị vua đầu tiên thừa nhận tính chính thống của Đạo Mẫu, người bỏ tiền của ra để xây dựng và tôn tạo các điện Mẫu ở Huế. Trong khá nhiều ngôi đền, điện, bên cạnh tượng Ngọc hoàng như các đền ngoài Bắc, thì thường có thêm tượng Quan Thế Âm, ban thờ Quan Thánh, thậm chí có nơi còn thờ Bản Thổ Thành Hoàng...

Như vậy là điện thần thờ Mẫu cao nhất ở Huế về cơ bản vẫn là Mẫu Tứ Phủ, nhưng vị Thánh Mẫu cao nhất, Thánh Mẫu Thiên Ya Na thì lại là kết quả của sự giao thoa văn hóa Việt - Chăm. Thực ra, ở người Việt người Chăm, Khmer và nhiều dân tộc khác ở Việt Nam và Đông Á đều có nét văn hóa chung là tôn thờ nữ thần, tôn vinh vị thần cội nguồn của đất nước và dân tộc là Nữ thần, gọi là Thánh mẫu - Thần Mẹ. Nếu người Việt có Tam Toà Thánh Mẫu, Mẫu Liễu được tôn vinh là Mẫu Nghi Thiên Hạ, thì người Chăm có vị thần xứ sở Pon Nagar, Thiên Ya Na. Khi vượt sông Gianh vào đất Trung và Nam Trung Bộ, người Việt đã tiếp thu và Việt hóa nhiều yếu tố văn hóa Chăm, trong đó có vị Nữ thần Xứ sở, Bà Mẹ xứ sở của Chăm thành Mẫu của người Việt. Tục thờ Mẫu ở Hòn Chén và Tháp Bà (Nha Trang) chính là thể hiện quá trình hỗn hợp dung và giao lưu văn hóa đó.

*

Ở miền Bắc cũng như trong Nam, bên cạnh các đền thờ Mẫu thuộc hệ thống Tam toà Thánh Mẫu mà điện thần của nó chúng tôi đã giới thiệu ở trên, thì còn tồn tại một hình thức tín ngưỡng thờ Mẫu nằm ngoài hệ thống Mẫu Tứ Phủ (Tam Toà Thánh Mẫu), được gọi với những tên, như Bà Chúa (Bà chúa Xứ), Bà Đen hay Linh Sơn Thánh Mẫu, thờ Bà (Tháp Bà ờ Nha Trang) Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Động, Bà Thủy, Bà Hoả, Bà Thiên Hậu, Tống Hậu, các đền thờ Vương Mẫu (Mẹ Thánh Gióng), Quốc Mẫu (đền thờ Mẹ Âu Cơ) và Thánh Mẫu khác (Ỷ Lan Thánh Mẫu, Thiên Hậu Thánh Mẫu ...). Tuy là với những tên gọi khác nhau nhưng đều có nguồn cỗi từ tục thờ các nữ thần. Tuy nhiên, không phải nữ thần nào cũng thành Bà, thành Chúa và đặc biệt là thành Mẫu. Chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát một số đền thờ Mẫu cũng thuộc loại trên ở miền Bắc, như Đền thờ Vương Mẫu (Mẹ Thánh Gióng) ở Phù Đổng, đền thờ Ỷ Lan Thánh Mẫu ờ Dương Xá, Gia Lâm, đền thờ Tống Hậu Quốc Mẫu ở Nam Hà (Hải Hậu)... Trên cơ sờ những khảo sát như vậy, bước đầu có nhận xét sau:

- Việc thờ Mẫu kể trên nẩy sinh và phát triển trên cơ sở thờ Nữ thần, nó thuộc loại hình tín ngưỡng thờ thần mà có người gọi là Thần Đạo, một đạo mang bản sắc Việt Nam rõ rệt nhất. (6)

- Tuy không hoàn toàn thuộc lĩnh vực của Đạo Mẫu, Tam Phủ, Tứ Phủ, một biến thể của đạo giáo Việt Nam, nhưng giữa tục thờ Mẫu này và đạo Mẫu Tứ Phủ có những nền tảng chung (đều tôn thờ Nữ thần và thờ Mẫu), có sự thâm nhập và ảnh hưởng qua lại, trong đó nổi bật là tục thờ Mẫu - Nữ thần tiếp thu ảnh hưởng Mẫu Tứ Phủ, thể hiện qua điện thờ, nghi lễ thờ cúng, lên đổng và lễ hội. Sự giao lưu và hội nhập khá rõ nét giữa thờ mẫu - Nữ thần với Phật giáo dân gian, với Đạo giáo, các hình thức tín ngưỡng dân gian, kể cả một số tôn giáo khác.

*

Từ việc xem xét hệ thống điện thần đạo Mẫu và các thần tích của nó có thể rút ra một số nhận xét sau:

l. Hệ thống thần linh Tứ Phủ gồm các Thiên thần và nhân thần, là các vị thần linh đã từng là người trần thế hay có nguồn gốc Tiên, Thánh. Tuy nhiên, xu hướng trần gian hoá và lịch sử hoá là xu hướng chính trong quá trình thêu dệt nên thần tích các vị Thánh này. Vị Thánh Mẫu Liễu Hạnh ra đời chậm trễ nhất trong số các Thánh Mẫu, nhưng thần tích của Bà cũng được người đời trần thế hóa, địa phương hóa và lịch sử hóa một cách khá trọn vẹn, để từ đó Bà bước lên ngôi thứ cao nhất trong điện thần Tứ Phủ. Còn biết bao vị thần khác đều có nguồn gốc xuất thân, lý lịch nhập thể với bao công lao, kỳ tích, gắn liền với lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc, tạo cho nó trờ thành một biểu tượng của lòng yêu nước mang đầy tính tâm linh. Cũng chính vì thế họ đều là các phúc thần, có thể xua đuổi các tà mà, mang lại tài, lộc, sức khoẻ cho con người.

2. Các thần linh Tứ Phủ còn được phân thành một bên là các nữ thần và bên kia là nam thần, tuy thứ bậc chính của mỗi vị Thánh trong điện thần phụ thuộc vào việc họ thuộc hàng nào từ trên xuống dưới, như Thánh Mẫu - Vua Cha, các Quan, các Chầu, Ông Hoàng, các Cô Cậu hay thuộc phủ nào mà họ cai quản: Thiên phủ, Thuỷ phủ, Nhạc phủ hay Địa phủ. Về phương diện hữu thức là như vậy, nhưng nếu chúng ta đi sâu vào tầng vô thức thì việc phân chia trên lại bao hàm một ý nghĩa sâu xa nào đó.

Tuy là đạo thờ Mẫu, và Mẫu là vị thần có quyền năng sáng tạo tối thượng, nhưng trong điện thần, các vị thần vẫn chia thành dòng Cha và dòng Mẹ. Thánh Mẫu với các hoá thân trực tiếp là các Chầu và những người giúp việc là các Cô. Còn bên kia là Vua Cha và thuộc dòng Vua Cha là các quan, các Ông Hoàng và Cậu. Tất nhiên, sau này trong quan niệm dân gian, tuy Mẫu là một, là nhất thể nhưng lại hoá thân thành "tam vị Thiên, Địa, Thuỷ, hay Vua Cha cũng chỉ có một, sau lại chia thành Vua Cha Thuỷ phủ, Vua Cha Nhạc phủ, Vua Cha Thiên phủ, Vua Cha Địa phủ. Nhưng cuối cùng, thuỷ tổ của Thánh Mẫu vẫn là dòng Tiên, còn thuỷ tổ của Vua Cha vẫn là dòng Long Vương - dòng Rồng, mà cái đó người việt đã khái quát trong huyền thoại suy nguyên: Lạc Long Quân và Âu Cơ. Cũng bởi lẽ đó, hội thờ Đức Thánh Tiên Mẫu tức Giỗ Mẹ vào tháng ba, còn ngày hội Vua Cha tức giỗ Cha vào tháng Tám.

Một khía cạnh khác của giới tính các thần linh trong điện thờ Tứ Phủ là số lượng các vị Thánh trong mỗi hàng. Thuộc dòng Mẫu - Mẹ, ta thường thấy Tứ vị Thánh Mẫu, Tứ vị Chầu Bà, rồi cũng có thể tăng lên Bát vị Chầu Bà, thậm chí 12 vị Chầu. Đối với hàng Cô, ta cũng thường gặp các con số 4,6,8,12. Như vậy, thuộc dòng Thánh Mẫu, ta thấy số lượng các vị thần trong mỗi hàng làchẵn: 4,6,8,12. Còn với dòng Vua Cha, Nam thần, thì có Ngũ vị tôn Ông, rồi Thập vị Tôn Ông, Ngũ vị Ông Hoàng hay Thập vị Ông hoàng, tức là con số lẻ và bội số của nó, tức 5 và 10...

Có thể giải thích hiện tượng các con số này từ quan niệm dân gian về con số thiêng, trong đó con số lẻ là con số cơ (cố định) gắn với dương, đực, đàn ông, nam tính, còn con số chẵn là con số ngẫu (không cố định), gắn với âm, cái, nữ tính. Đây là những con số mang tính biểu tượng, thiêng liêng , thể hiện tính lưỡng phân lưỡng hợp giữa dòng vua Cha và các Nam thần, Thánh Mẫu và các Nữ thần đã đề cập ở trên.

3. Từ việc xem xét hệ thống điện thần, tên gọi mỗi vị thần linh, cách thức bài trí thờ cúng trong các đền, điện, ta thấy toát lên những biểu tượng mang ý nghĩa vũ trụ quan, nhân sinh quan sâu sắc. Trước nhất, điện thần Tứ Phủ là một mô thức vũ trụ thu nhỏ với hai cặp Thiên - Địa, Rừng Núi - Sông Nước (Sơn - Thủy), trong đó cặp Thiên - Địa (dương - âm, đực - cái) là cặp trụ cột của hệ thống Tứ Phủ. Cũng từ đây gắn với các quan niệm về tứ phương, ngũ phương, ngũ hành (Bà Mộc, Bà Thủy, Bà Hoả, Bà Kim, Bà Thổ). Trong một vũ trụ được quan niệm như vậy Mẫu - Mẹ, nữ tính thâu tóm quyền năng sáng tạo, sinh sôi và bảo trữ. Đó là một vũ trụ mang tính nhất nguyên (nguyên lý Mẫu) nhưng lưỡng cực" (âm - dương, nữ tính - nam tính).

Ở tầm vĩ mô, Tứ Phủ đồng nhất với vũ trụ, trời đất, còn ở tầm vi mô, Tứ Phủ lại mô phỏng như một gia tộc, theo quan niệm truyền thống nhân thân tiểu thiên địa. Hơn thế nữa, đó còn là một gia tộc đã dược cung đình hóa. Cao nhất có Cha - Mẹ, Vua Cha - Thánh Mẫu, có các quan, các Chúa, các Ông Hoàng, có các Cô, các Cậu ... Lễ tiết thì có tháng giỗ Cha , tháng giỗ Mẹ. Cô, Cậu đều là các vị thánh hiển linh từ những chàng trai, cô gái chết trẻ, mà không phải khó khăn lắm để có thể nhận ra một hình thức thờ Bà Cô, Ông Mãnh của bất cứ gia tộc, dòng họ nào.

Cung đình hóa một điện thần là điều dễ nhận biết nhất, thông qua cách thức bài trí, hệ thống xưng hô, trang phục của các linh tượng và của các vị Thánh khi giáng đồng. Đấy là chưa kể, các thần tích của khá nhiều vị Thánh đều được gắn cho các chức vị, nào là công chúa, hoàng tử của các triều đình kể từ thời Hùng Vương đến sau này, nào là các quan văn, quan võ lừng danh một thời. Cách bài trí nào "tam toà, "lục viện, y hệt triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Tất cả những cái đó đều nói lên một điều khi con người tạo ra thần thánh cho mình thì chính mô thức xã hội con người lại trờ thành hệ quy chiếu cho xã hội thần thánh.

(còn tiếp)

GS-TS Ngô Đức Thịnh

Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam

Nguồn: daomauvietnam.com

________________________

Chú thích:

6. Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1992, trang 110.

* Bài liên quan:

Đạo Mẫu (2)

Đạo Mẫu (1)

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...