ĐGH Phanxicô tiếp phái đoàn Liên đoàn Luther thế giới
Sáng thứ Năm ngày 20.06.2024, tiếp phái đoàn Liên đoàn Luther thế giới, Đức Giáo hoàng nhắc rằng “Chúa Giêsu Kitô là trung tâm của đại kết. Người là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa, và sứ mạng đại kết của chúng ta là làm chứng cho Người”.
Cuộc gặp gỡ diễn ra 25 năm sau ngày ký Tuyên ngôn chung chính thức giữa Công giáo và Tin Lành Luther, trong đó mục đích chung là “tuyên xưng Chúa Kitô trong mọi sự, Đấng duy nhất mà chúng ta có thể đặt trọn niềm tin tưởng, vì Người là trung gian duy nhất (xem 1 Tm 2,5- 6). Qua Người, Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần tự ban chính mình và tuôn đổ các hồng ân đổi mới mọi sự” (số 18).
Đức Thánh Cha khẳng định rằng việc ký kết Tuyên ngôn chung này, vào ngày 31.10.1999, là một dấu hiệu của hy vọng trong lịch sử hòa giải của các Giáo hội.
Năm Thánh 2025 và 1700 năm Công đồng Nixêa
Trong bài diễn văn, Đức Giáo hoàng đặc biệt nói đến chủ đề hy vọng khi hướng đến Năm Thánh 2025 sắp đến, cũng là chủ đề của các cuộc họp mới đây của phái đoàn Tin Lành Luther thế giới.
Một điểm quan trọng khác được Đức Giáo hoàng nhắc đến là kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nixêa mà các Giáo hội Kitô sẽ kỷ niệm vào năm 2025. Ngài nhắc lại cách đây 3 năm, ngài đã cùng một phái đoàn Liên đoàn Tin Lành Luther thế giới suy từ về dịp kỷ niệm sắp tới này. Và năm ngoái, trong Đại hội toàn thể của Liên đoàn ở Krakow, hai bên Công giáo và Tin Lành Luther đã nhấn mạnh trong một tuyên ngôn chung: “kinh Tin Kính Nixêa cổ xưa của Kitô giáo... tạo nên một mối liên kết đại kết đặt trọng tâm nơi Chúa Kitô”.
Điều này cũng đã được các tín hữu Công giáo và Tin Lành Luther ở Hoa Kỳ làm chứng tá 60 năm trước qua việc khẳng định rằng kinh Tin Kính tiếp tục bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta thực sự được cứu độ, bởi vì chỉ Thiên Chúa có thể cứu chuộc chúng ta.
Cuối bài nói chuyện, Đức Giáo hoàng mời gọi các Kitô hữu tiếp tục tiến bước cách tin tưởng như “những người hành hương hy vọng”.
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi