Định lượng chữ Hiếu
Cách đây ít lâu, chuyên mục tư vấn trên báo điện tử Vietnamnet có đăng câu chuyện xoay quanh mối xung đột giữa cha mẹ và con cái.
Chuyện xoay quanh một cặp vợ chồng 2 con, thu nhập khoảng 30 triệu/tháng. Khi người mẹ chồng từ quê lên Sài Gòn chữa bệnh, anh con trai đã đề nghị bà ở lại với vợ chồng mình vì lo rằng nếu bà quay về quê sẽ khó cho con cái trong việc chăm sóc. Cô con dâu yêu cầu mẹ chồng đóng góp phí sinh hoạt 3 triệu/tháng và tuyên bố việc này là “hợp lý”. Anh chồng không đồng ý vì cho rằng mẹ là người nuôi anh khôn lớn, chưa kể đã từng bán đất ở quê để mua nhà cho vợ chồng anh an cư lạc nghiệp ở thành phố. Bất đồng xảy ra, trong lúc nóng giận, người chồng đã lỡ tát vợ một cái. Câu chuyện dừng ở đây, và người chồng mong tìm được lời khuyên để giải quyết tình huống trên một cách hợp lý…
Có nên “sòng phẳng” trong chữ Hiếu?
Cô con dâu trong câu chuyện trên đúng hay sai, có lẽ ai cũng rõ. Ở đây, nếu chỉ xét về phương diện “sòng phẳng” với người mẹ chồng, cô hoàn toàn không làm được điều đó.
Xin kể thêm một câu chuyện nữa về một đứa con mặc cả tiền bạc với mẹ mình cho những công việc thường ngày khi cậu được yêu cầu làm: cắt cỏ: 5 đô-la; dọn dẹp: 1 đô-la; đổ rác: 1 đô-la; học tập tốt: 5 đô-la; trông em: 25 xu... Và cậu nhận được câu trả lời nhẹ nhàng của mẹ cũng trên tờ phiếu tính tiền vào buổi tối hôm ấy: chín tháng mười ngày trong bụng mẹ: miễn phí; chăm sóc cầu nguyện khi con đau ốm, tiền học: miễn phí; nhiều đêm thức trắng không ngủ, đồ chơi, thức ăn, quần áo, và cả nước mắt của mẹ do con gây ra: tất cả đều miễn phí; và trên tất cả là tình yêu của mẹ dành cho con: cũng hoàn toàn miễn phí. Khi đọc những dòng chữ này, cậu bé đã xúc động và ghi: Mẹ sẽ được nhận lại đầy đủ, và không dám đòi tiền mẹ nữa.
Chúng ta có bao giờ tự đặt câu hỏi rằng mình đã “sòng phẳng” với cha mẹ chưa? Tôi e rằng chưa. Mà có lẽ chúng ta cũng chẳng bao giờ có thể “sòng phẳng” được trước công ơn của cha mẹ. Vì sao ư? Có người bạn tôi giải thích bằng những nghịch lý mà chúng tôi rất mong các bạn phản đối :
- Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là vô hạn, còn tình yêu của con cái dành cho cha mẹ chỉ là cái gì đó hữu hạn mà thôi.
- Con cái bị bệnh thì cha mẹ hết mình chăm sóc, cha mẹ bị bệnh thì con cái hỏi thăm qua loa và coi thế là đã đủ.
- Con cái tiêu tiền của cha mẹ thì xem đó là lẽ đương nhiên, còn cha mẹ tiêu tiền của con cái không dễ dàng như vậy.
- Đất đai, nhà của cha mẹ là đất đai, nhà của con cái, còn đất hay nhà của con cái thì không còn là của cha mẹ nữa.
Định lượng nào cho chữ Hiếu?
Từng có tranh luận về việc nên hay không “luật hóa” chữ hiếu, và có người to tiếng cho rằng điều này xúc phạm “giới làm con” vì xem họ như những kẻ thiếu trách nhiệm hay đạo đức. Nhưng ở Singapore hay Trung Quốc, người ta đã ghi vào luật về “quyền được cấp dưỡng, chăm sóc” của cha mẹ mà các con phải tuân thủ. Họ quy định cả mức tiền con cái phải chu cấp cho cha mẹ. Có người đặt vấn đề thay đổi mọi thứ theo văn hóa của Tây phương, mà ở đó cha mẹ và con cái có nghĩa vụ rạch ròi: cha mẹ nuôi con đến 18 tuổi, sau đó các con vay tiền nhà nước đi học tiếp và tự lo thân; về phần cha mẹ già, đã có an sinh xã hội lo, có nursing home. Khi cần thì nhấc điện thoại, dùng zalo, messenger hay facetime là có thể nhìn thấy nhau, rồi cũng như người nước ngoài: cứ Hello, Goodbye vài tiếng là xong!
Ở Việt Nam thì sao? Trong lịch sử pháp luật Việt Nam, hiếu đạo đã được quy định trong những bộ cổ luật. Nói đến chữ Hiếu trong luật pháp là nói đến quyền và nghĩa vụ của con cháu đối với cha mẹ, ông bà. Hai bộ cổ luật là Quốc triều hình luật (còn được gọi là Bộ luật Hồng Đức, Lê triều hình luật) thời Lê và Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long) thời Nguyễn đều có những chương về chữ Hiếu.
Ngay Điều 2, chương đầu tiên của Quốc triều hình luật (chương Danh lệ, quyển I) đã quy định bất hiếu là một tội trong “thập ác” (mười tội ác). “Bất hiếu là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo; nuôi nấng thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, vui chơi ăn mặc như thường...” Theo đó, khi ông bà, cha mẹ còn sống, con cháu phải tôn kính, phụng dưỡng, vâng lời, bảo vệ ông bà, cha mẹ, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt. Kế thừa các quy định của Quốc triều hình luật, Hoàng Việt luật lệ có nhiều quy định điều chỉnh về chữ Hiếu. Hoàng Việt luật lệ cũng xem bất hiếu là một trong “thập ác”. Trong bộ luật này, quy định xoay quanh các hành vi được xem là bất hiếu cũng gần giống như Quốc triều hình luật.
Hiện nay thì sao? Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 ghi nhận những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó quy định: “Con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ; cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà” (trích Khoản 4). Khoản 2 Điều 4 Luật này cũng quy định: “Cấm ngược đãi, hành hạ ông, bà, cha, mẹ…”. “Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ”.
Tiếc là chúng ta không quy định thành số tiền cụ thể cho những khoản trợ cấp mà chỉ ghi chung chung nên trong thực tế, nếu những đứa con không chu cấp cho cha mẹ thì cũng chẳng sao! Và nếu điều này xảy ra, có cha mẹ nào nỡ tố cáo con ruồng rẫy mình? Phần vì tự trọng, phần vì lòng thương yêu, họ đành im lặng dù lòng buồn tủi nhiều hơn giận!
Hiếu là vô lượng
Rõ ràng, tâm hồn con người được nuôi dưỡng bằng tình yêu từ cha mẹ và chúng ta phải đền đáp lại tình yêu ấy. Hay nói cách khác, hiếu hạnh là cội nguồn của văn hóa cá nhân và cộng đồng. Kinh Thi đã viết về “Hiếu đạo” như sau: “Phụ hề sinh giả, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực” (Cha sinh ta ra, mẹ bồng bế ta, thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo đáp ân sâu, khác nào trời cao không lường). Cho dù bạn là nguyên thủ quốc gia hay người nông dân chân lấm tay bùn thì cũng đều phải khắc ghi “chín chữ cao sâu” hay còn gọi là “Cù lao”: Sinh (đẻ ra), Cúc (nâng đỡ), Phủ (vuốt ve), Súc (nuôi cho bú mớm), Trưởng (nuôi cho khôn lớn), Dục (dạy dỗ), Cố (trông nom), Phục (xem tính tình mà bảo ban), Phúc (bảo vệ).
Theo giáo lý nhà Phật thì việc lập trật tự bình đẳng và sự bình an cho xã hội loài người, đoạn tận khổ đau, luôn lấy đạo Hiếu làm căn bản.
Hiếu tâm tức thị Phật tâm,
Hiếu hạnh vô phi Phật hạnh.
Một thông điệp ngắn nhưng đầy đủ: tâm hiếu tức tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.
Trong những bài pháp thuyết cho hàng đệ tử, Đức Phật từng tán thán công ơn to lớn, khó lòng đền đáp của cha mẹ:
“Có hai hạng người, này các Tỳ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến 100 tuổi. Như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho mẹ và cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dù tại đấy, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha...” (Tăng chi bộ I, 75).
Rồi Đức Phật giải thích, vì sao công ơn cha mẹ đối với con cái to lớn đến thế: “Vì rằng, này các Tỳ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này” (Tăng chi bộ I, 75).
Tiếc thay, ở đời, số người con hiếu thảo thường ít hơn số người con bất hiếu. Số người sống thuận với đạo lý thế gian và đạo Phật thường ít hơn là số người sống ngược với đạo lý thế gian và đạo lý nhà Phật. Chính vì vậy mà ở đời, số người bất hạnh có nhiều hơn số người hạnh phúc.
Khi nói về việc số người con bất hiếu ở đời quá nhiều, và số người con có hiếu ở đời quá ít, Đức Phật đã dùng ví dụ sinh động sau đây: “Rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay mà bảo các bậc Tỳ kheo: ‘Các người nghĩ thế nào, này các Tỳ-kheo! Cái nào là nhiều hơn, một ít đất Ta lấy trên đầu móng tay hay là quả đất lớn này?’.
Họ trả lời: ‘Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn này: còn ít hơn là một ít đất Thế Tôn lấy trên đầu móng tay...”.
Thế Tôn dạy: ‘Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Ít hơn là chúng sinh có hiếu kính với mẹ, và nhiều hơn là chúng sinh không hiếu kính với mẹ. Cũng vậy, ít hơn là chúng sinh có hiếu kính với cha, và nhiều hơn là chúng sinh không hiếu kính với cha...’”.
Ở một lăng kính rộng hơn, giáo lý nhà Phật dạy rằng: Đạo hiếu chính là lòng từ bi. Đạo hiếu của người Việt từ xưa có nét đặc thù riêng được đề cập trong Lục độ tập kinh, đâu phải chỉ thương cha, thương mẹ là đã làm tròn hiếu đạo của một con người, mà còn phải hướng cha mẹ về đường ngay nẻo chánh, giúp cha mẹ vượt qua sai lầm; giúp nghèo cứu đói, thương nuôi quần sinh, là đứng đầu của trăm hạnh.
Thế nên chữ Hiếu trong đạo Phật có phạm trù rộng lớn hơn so với những quan niệm của Nho giáo trước đây. Bản chất của hiếu là từ bi, không chỉ phụng dưỡng cha mẹ về mặt vật chất mà còn phải đánh thức tứ vô lượng tâm trong cha mẹ. Và một phương diện khác của đạo Hiếu của người Việt còn được đúc kết qua lời cha ông ta: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đó là giá trị nhân văn được kết tinh từ tâm hiếu thảo trong gia đình để rồi định danh cho tình đồng bào, đồng lòng thiết lập để mọi người ứng xử hiếu thuận trong mọi hoàn cảnh xảy ra, trong mọi điều kiện, môi trường sống, cùng nhau chia bùi sẻ ngọt, vượt qua mọi khó khăn, hướng tới hạnh phúc trong từng giai đoạn, từng thời khắc lịch sử của cả dân tộc.
Cũng vì thế, nên: Hiếu là vô lượng!
Nguyên Cẩn
Nguồn: giacngo.vn