Đôi nét về Ðạo Bửu Sơn Kỳ Hương
Hoàn cảnh lịch sử khi ra đời của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương vào giữa thế kỹ XIX (1849) là trong hoàn cảnh đất nước và xã hội cực kỳ rối ren từ Bắc vào Nam. Trong khi đó xã hội suy thoái, vua quan ngu dốt, bất tài, lại thêm nạn tham nhũng, bóc lột, sưu cao thuế nặng, triều đình kỳ thị chém giết tôn giáo: cấm đạo Gia Tô, cấm lập chùa thờ Phật. Nạn mất mùa, đói kém, kinh tế phá sản, các bệnh dịch hoành hành đã khiến nhiều cuộc khởi nghĩa và bạo động nổ ra khắp mọi nơi. Lợi dụng cơ hội này, thực dân Tây phương tác động bằng nhiều cách để gây rối loạn nhằm thực hiện ý đồ xâm lược. Trong điều kiện lịch sử như vậy, lòng dân ly tán, cố chống lại triều đình và bọn địa chủ mới đang phát triển.
Ở miền Bắc có các cuộc khởi nghĩa của nông dân và nho sĩ như : Phan Bá Vành năm 1826 (Thái Bình, Nam Định), Lê Duy Lương năm 1833 (Ninh Bình, Hưng Hóa), Nông Văn Vân năm 1833 (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang). - miền Nam có cuộc khởi nghĩa của Lê văn Khôi năm 1833. Thực chất đây là cuộc khởi nghĩa của nho sĩ, nông dân nghèo và dân tộc thiểu số chống lại nạn áp bức bóc lột của triều đình, bọn chủ đất và sự đô hộ của thực dân Pháp.
Người sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là ông Đoàn Minh Huyên, đạo hiệu Giác Linh, sinh năm 1807 ở làng Tòng Sơn, tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp) trong một gia đình nông dân. Ông học bình thường, đọc sách Phật từ lúc cón nhỏ. Ông lập đạo từ năm 1849, lúc ông đã ngoài 40 tuổi và nơi truyền đạo đầu tiên là đình làng Kiển Thạnh, tỉnh Long Xuyên. Thời điểm ông truyền đạo là năm nông dân mất mùa đói kém, nhiều nơi có giặc cướp nổi dậy, bệnh dịch lan tràn, dân chúng điêu linh. Ông vừa giảng đạo, vừa chữa bệnh bằng thuốc và nhiều người đã khỏi bệnh. Họ tin vào pháp thuật của ông. Do đó dân chúng tôn ông làm Phật thầy Tây An vì khi ông chữa bệnh tại Tây An cổ tự ở Châu Đốc, mọi người gọi ông là "Phật sống". Ông tự gọi đạo của ông là Bửu Sơn Kỳ Hương và có bài thơ truyền tụng:
Bửu ngọc quân minh thiên Việt nguyên
Sơn trung sư mạng địa Nam tiền
Kỳ niên trạng tái tân phục quốc
Hương xuất trình sanh tạo nghiệp yên.
và cho rằng Bửu Sơn Kỳ Hương lấy Thất Sơn là nơi xuất phát sẽ tỏa sáng năm châu bốn biển và lúc đó hòa bình thịnh vượng lâu dài. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương lấy tứ đại trọng ân làm nền tảng. Bốn ân lớn đó là:
- Ân tổ tiên cha mẹ.
- Ân đất nước.
- Ân tam bảo.
- Ân đồng bào, nhân loại.
Bửu Sơn Kỳ Hương khuyên mọi người học Phật tu nhơn (tu nhân, tích đức và niệm Phật).
Sau một thời gian truyền đạo, triều đình nghi ông nổi loạn nên ông bị Tổng Đốc An Giang bắt giam, sau đó ông được thả ra, nhưng ông vị bắt buộc phải tu tại Tây An cổ tự để triều đình dễ bề kiểm soát những hành động của ông. Sau bảy năm giảng đạo, năm 1856 Phật Thầy Tây An viên tịch tại Tây An cổ tự ở Núi Sam (Châu Đốc) và phần mộ ông nay còn ở đó.
Hai mươi tám năm sau khi ông mất (1884), triều đình Huế đầu hàng thực dân Pháp xâm lược, nhưng phong trào kháng Pháp trong nhân dân lại bùng lên mạnh mẽ ở Nam Bộ. Hầu hết các tín đồ của Bửu Sơn Kỳ Hương đều tham gia vào cuộc kháng chiến. Trong số những tín đồ đã có những người là lãnh tụ của cuộc kháng chiến như Trương Công Định (1862) tức Bình Tây Đại nguyên soái, Nguyễn Trung Trực (1861) - người anh hùng "Hỏa hồng Nhật Tảo", đốt cháy tàu chiến Espérance của quân xâm lược Pháp tại sông Nhật Tảo, Trần văn Thành (1867) khởi nghĩa tại vùng Láng Linh thuộc tỉnh An Giang. Thực dân Pháp có bọn tay sai giúp đỡ đã đàn áp tàn bạo. Sau khi phong trào kháng chiến chống Pháp tạm thời thất bại, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương lại được tiếp tục dưới hình thức giảng đạo trong nông dân vùng An Giang. Trong số những ông đạo có : Đức Phật Trùm năm 1868 tự nhận là hậu thân của Phật Thầy Tây An giáng thế, cho sử dụng lòng phái màu đỏ có dấu Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông Phật Trùm là người Khmer, đã truyền đạo sang cả đất Campuchia. Thực dân buộc tội ông làm loạn và bắt đi đày nhưng sau đó thả về. Ông mất tại núi Tà Lơn năm 1875.
Nguyệt San Giác Ngộ số 30-32 (9/1998)
Nguồn: cusi.free.fr