Đức Giáo hoàng chủ sự giờ cầu nguyện đại kết cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 28 | Cật nhập lần cuối: 10/12/2024 6:52:05 AM | RSS

Duc Giao hoang chu su gio cau nguyen dai ket cau cho cac Kito huu hiep nhatChiều tối thứ Sáu ngày 11.10.2024, tại Quảng trường các Thánh Tử đạo Tiên khởi trong nội thành Vatican, Đức Giáo hoàng đã chủ sự giờ cầu nguyện đại kết. Ngài nói rằng sự chia rẽ của chúng ta là một điều tai tiếng đối với thế giới và làm tổn hại đến việc rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo. Ngài mời gọi tập trung vào nền tảng chung của Phép Rửa chung, với một sứ mạng chung, bởi vì thế giới cần một chứng tá chung.

Ngày 11.10.2024 cũng là ngày kỷ niệm 52 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II, ngày mà theo Đức Giáo hoàng, “đánh dấu sự gia nhập chính thức của Giáo hội Công giáo vào phong trào đại kết”. Khẳng định rằng “sự hiệp nhất của các Kitô hữu và tính hiệp hành được kết nối với nhau”, “con đường hiệp hành là con đường đại kết, cũng như con đường đại kết là con đường hiệp hành”, dựa trên kinh nghiệm của Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành, Đức Giáo hoàng chia sẻ 4 đặc tính của sự hiệp nhất.

Hiệp nhất là một món quà không thể đoán trước được

Trước hết, Đức Giáo hoàng chia sẻ: “Hiệp nhất là một ân sủng, một món quà không thể đoán trước được. Nhân vật chính thực sự không phải là chúng ta mà là Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta hướng tới sự hiệp thông lớn hơn”; chúng ta phải đón nhận nó “mà không gây trở ngại cho sự Quan Phòng và không xét đoán trước những gợi ý trong tương lai của Chúa Thánh Thần”. Cha Paul Couturier thường nói rằng sự hiệp nhất Kitô giáo phải được cầu xin “như Chúa Kitô muốn” và “bằng những phương tiện mà Người muốn”.

Hiệp nhất là một cuộc hành trình

Điểm thứ hai, Đức Giáo hoàng nói: “Hiệp nhất là một cuộc hành trình”. “Nó phát triển trong việc phục vụ lẫn nhau, trong cuộc đối thoại trong cuộc sống, trong sự cộng tác của tất cả các Kitô hữu ‘làm nổi bật hơn khuôn mặt của Chúa Kitô tôi tớ’ (UR, 12). Nhưng chúng ta phải bước đi theo Thần Khí (xem Gal 5,16-25); hoặc, như Thánh Irênê nói, ‘một đoàn lữ hành của các anh chị em’”.

Hiệp nhất là hòa hợp

Đặc tính thứ ba, theo Đức Giáo hoàng, “hiệp nhất là hòa hợp”. Ngài nói: “Thượng Hội đồng đang giúp chúng ta khám phá lại vẻ đẹp của Giáo hội trong những khuôn mặt đa dạng của mình. Vì vậy, sự hiệp nhất không phải là sự đồng nhất, cũng không phải là kết quả của sự thỏa hiệp hay hành động cân bằng. Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu là sự hài hòa trong sự đa dạng của các đặc sủng được Thánh Thần khơi dậy để xây dựng mọi Kitô hữu (xem UR,4)”. Đức Giáo hoàng mời gọi: “Chúng ta cần bước đi trên con đường hiệp nhất nhờ tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô và đối với tất cả những người mà chúng ta được mời gọi phục vụ. Trên con đường này, chúng ta đừng bao giờ để những khó khăn ngăn cản mình!”.

Hiệp nhất là vì sứ vụ

Cuối cùng, “sự hiệp nhất của các Kitô hữu là cần thiết cho chứng tá của họ: sự hiệp nhất là vì sứ vụ”. “Xin cho tất cả nên một... để thế gian tin” (Ga 17, 21). Đức Giáo hoàng giải thích: “Đây là xác tín của các Nghị phụ Công đồng khi tuyên bố rằng sự chia rẽ của chúng ta ‘là một điều tai tiếng đối với thế giới và làm tổn hại đến mục đích thánh thiện nhất: việc rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật’ (UR, 1). Phong trào đại kết phát sinh từ ước muốn cùng nhau làm chứng, với những người khác và không xa cách nhau, hay thậm chí tệ hơn là chống lại nhau”. Về điều này, Đức Giáo hoàng nói rằng “Hôm nay chúng ta cũng bày tỏ sự xấu hổ vì gương xấu chia rẽ các Kitô hữu, gương xấu không cùng nhau làm chứng cho Chúa Giêsu”. (CSR_4416_2024)

Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...