Đức Giêsu Kitô - Đường hiện diện (2)
4. Đức Giêsu Huyền Nhiệm
Bí Tích Thánh Thể (Εὐχαριστία/ Eucharist) là bí tích huyền nhiệm vì Đức Giê-su là Thiên Chúa lại trở nên Của Ăn Của Uống cho con người. Hạn từ ‘Bí Tích Thánh Thể’ phát xuất từ tiếng Hy-lạp là Εὐχαριστία được hình thành bởi ‘εὖ’ (eu), nghĩa là ‘tốt’ (good) và ‘χαρίς’ (charis), nghĩa là ân sủng. Như vậy, theo mặt chữ, ‘Εὐχαριστία’ nghĩa là ‘ân sủng tốt lành’. Quả thực, Đức Giê-su là Ân Sủng của Thiên Chúa, Ân Sủng Bất Thụ Tạo (Gratia Increata/ Uncreated Grace/ Grâce Incrée) và là Nguồn của mọi ân sủng, nhờ đó, loài người được cứu độ (Rm 3,23-24; Ep 2,8-9). Εὐχαριστία thường được dịch là ‘tạ ơn’ (Thanksgiving) hay ‘cảm tạ’ (Gratitude). Ai tham dự và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể là tham dự vào hiến tế tạ ơn của Đức Giê-su trên thập giá nhân danh toàn thể gia đình nhân loại. Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong Bữa Ăn Cuối Cùng (the Last Supper) trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Trong Bữa Ăn này, Người cũng ban Giới Răn Mới, giới răn yêu thương (Ga 13,34). Đồng thời, Người cho các môn đệ biết rằng Người là Bạn của họ và không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,12-15).
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta biết rằng, sau khi làm Phép Rửa cho Đức Giê-su, thánh Gio-an Tẩy Giả nói với những người chung quanh: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,32-33). Khi suy niệm đoạn Tin Mừng này, thánh Au-gút-ti-nô khẳng định rằng Đức Giê-su là ‘tác nhân chính’ trong Bí Tích Rửa Tội, bởi vì Người ‘làm Phép Rửa trong Thánh Thần’. Thánh nhân viết: “Phê-rô có thể làm Phép Rửa, nhưng chính Đức Giê-su là Đấng làm Phép Rửa; Phao-lô có thể làm Phép Rửa, nhưng chính Đức Giê-su là Đấng làm Phép Rửa; Giu-đa có thể làm Phép Rửa, nhưng chính Đức Giê-su là Đấng làm Phép Rửa” (Augustine, Tractates on the Gospel of John 6.7). Thánh Phao-lô khẳng định như thế: “Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phao-lô sao? Tôi tạ ơn Thiên Chúa, vì tôi đã không làm phép rửa cho ai, trừ ông Cơ-rít-pô và ông Gai-ô. Như thế, không ai nói được rằng anh em đã chịu phép rửa nhân danh tôi” (1 Cr 1,13-15). Tương tự như vậy, chính Đức Giê-su cử hành Bí Tích Thánh Thể bởi vì khi cử hành bí tích này, nhân danh Đức Giê-su, vị chủ tế đọc lời của Người trước bánh và rượu trên bàn thờ ‘này là Mình Thầy… này là Máu Thầy’ (John Chrysostom, Homily on Judas' Betrayal 1.6). Chúng ta cần nhận diện bốn yếu tố chính yếu trong Bí Tích Thánh Thể: (1) bánh và rượu là hoa màu ruộng đất, (2) là lao công của con người, (3) dưới tác động thánh hóa của ơn Chúa Thánh Thần (vị chủ tế nhân danh cộng đoàn cầu xin ‘Ἐπίκλησις/ Epiklesis’ ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần) và (4) nhờ lời của Đức Giê-su, bánh và rượu trở thành Mình và Máu của Người.
Tham dự Bí Tích Thánh Thể là tham dự vào ‘Bữa Ăn Giao Ước Mới’, ‘Bữa Ăn vĩnh cửu trong thời gian’ bởi vì Bữa Ăn này cho phép con người trong thời gian được tham dự sự sống vĩnh cửu của Đức Giê-su. Các giao ước cũ giữa Thiên Chúa và Dân Người trong quá khứ qua đi, còn Giao Ước Mới được Đức Giê-su thiết lập tồn tại luôn mãi. Lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã báo trước: “Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an; đó sẽ là giao ước vĩnh cửu đối với chúng, Ta sẽ định cư chúng, cho chúng sinh sôi nảy nở ra nhiều và đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời” (Ed 37,26). Lời này trở nên hiện thực qua trình thuật của thánh Lu-ca về việc Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20). Thông thường, trong các hình thức tế tự có sự phân biệt rõ ràng (không thể thay thế được) giữa của lễ, bàn thờ và tư tế. Trong Bí Tích Thánh Thể, Đức Giê-su vừa là Của Lễ (Offering), vừa là Bàn Thờ (Altar), vừa là Thượng Tế (High Priest).
Hình ảnh Men-ki-xê-đê (מַלְכִּיצֶֿ֫דֶק) trong sách Sáng Thế báo trước về Đức Giê-su trong Tân Ước (St 14,17-20). Tác giả Thánh Vịnh 110 viết về Đấng Mê-si-a là Vua và Thượng Tế tương lai như sau: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Tv 110,4). Tên ông Men-ki-xê-đê (מַלְכִּיצֶֿ֫דֶק) nghĩa là ‘vua công chính’ và ông là vua Sa-lem nghĩa là ‘vua hòa bình’. Hình ảnh Men-ki-xê-đê trở thành hiện thực nơi Đức Giê-su bởi vì Người là Đấng Công Chính, đồng thời, Người là Vua Hòa Bình (Is 9,5; 1 Ga 2,1; 1 Pr 3,18; Ep 2,14). Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết về Men-ki-xê-đê như sau: “Ông [Men-ki-xê-đê] không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: Mãi mãi ông vẫn là tư tế” (Dt 7,3). Đồng thời, tác giả quảng diễn Đức Giê-su là Thượng Tế Tối Cao như sau: “Vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7,24-25). Đặc biệt, theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai… Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9,11-12).
Thánh Tô-ma A-qui-nô khẳng định rằng con người không thể tiếp cận Bí Tích Thánh Thể bởi con mắt xác thịt nhưng bởi con mắt đức tin (Thomas Aquinas, Summa Theologiae III, q.75, a.1). Trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an, Đức Giê-su nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 5,51). Người Do-thái tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52). Một số môn đệ Đức Giê-su cũng nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Sau đó, Đức Giê-su nhấn mạnh sự cần thiết của đức tin như là ân ban nhưng không của Thiên Chúa liên quan đến Bí Tích Thánh Thể (Ga 6,61-65). Trong Thông Điệp ‘Mầu Nhiệm Đức Tin’ (Mysterium Fidei, 1965), thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI trích lời của thánh Bô-na-ven-tu-ra (1221-1274) như sau: “Không có khó khăn nào về việc nhận thức Đức Ki-tô hiện diện trong bí tích qua dấu chỉ; khó khăn lớn nhất ở chỗ Người thực sự ở trong bí tích như Người ở trên trời. Và vì vậy, tin vào điều này đặc biệt có công phúc” (Mysterium Fidei 20).
Vào ngày 01.10.1264, qua Tông Sắc ‘Transiturus De Hoc Mundo’, Đức Giáo Hoàng U-ba-nô IV thiết lập Lễ Mình và Máu Đức Ki-tô. Ngài ủy quyền cho thánh Tô-ma A-qui-nô soạn thảo bản văn phụng vụ về Lễ này, trong đó có đoạn: “Ôi bữa tiệc thánh thiêng trong đó Đức Ki-tô được lãnh nhận: Tưởng niệm về cuộc khổ nạn của Người được thực hiện, tâm trí được đầy tràn ơn sủng và bảo chứng của vinh quang tương lai được tặng ban” [O sacrum convivium in quo Christus sumitur: Recolitur memoria passionis Eius, mens impletur gratia et futurae gloriae nobis pignus datur]. Chúng ta nhận diện ‘ba pha’ hay ‘ba thì’ trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể: (1) quá khứ: ‘Tưởng niệm về cuộc khổ nạn của Người được thực hiện’; (2) hiện tại: ‘Tâm trí được đầy tràn ơn sủng’ và (3) tương lai: ‘Bảo chứng của vinh quang tương lai được tặng ban’. Cũng trong Tông Sắc này, Đức Giáo Hoàng viết: “Vết thương sinh ra từ đâu thì từ đó cũng xuất hiện thuốc chữa và cái chết đã từ đâu mà xâm nhập thì sự sống cũng từ đó mà xuất phát”. Như vậy, Bí Tích Thánh Thể giúp mọi người nhận ra sự hiện diện của Đức Giê-su thật cao siêu, nhiệm mầu, vượt quá sự diễn tả của ngôn ngữ nhân loại và hiệu quả của bí tích này siêu việt mọi cảm quan của con người.
Bí Tích Thánh Thể hiện tại hóa Biến Cố Đức Giê-su trong hành trình trần thế mà cao điểm là Cuộc Vượt Qua (đau khổ, chết và phục sinh) của Người. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,14). Đặc biệt, tác giả cho mọi người biết rằng các hình thức hiến tế Cựu Ước được lặp đi lặp lại nhưng không có khả năng xóa bỏ tội lỗi. Trong khi đó, hiến tế của Đức Giê-su là hiến tế một lần cho tất cả (once-for-all sacrifice): “Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình” (Dt 9,26). Dưới nhãn quan của thánh Tô-ma A-qui-nô, Bí Tích Thánh Thể cao cả hơn các bí tích khác bởi vì đây vừa là bí tích (sacrament), vừa là hiến tế (sacrifice) mà Đức Giê-su thực hiện vì mọi người trong gia đình nhân loại (Thomas Aquinas, Summa Theologiae III, q.79, a.5). Quả thực, tất cả các bí tích đều có nghĩa ‘hiến tế’ nhưng hiến tế của Bí Tích Thánh Thể thật đặc thù và cao cả hơn các hình thức hiến tế nơi các bí tích khác trong đời sống Giáo Hội.
Công Đồng Tren-tô (1545-1563) khẳng định rằng sự hiện diện của Đức Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể là sự hiện diện đích thực (truly), thực sự (really) và bản thể (substantially), nghĩa là sự hiện diện trọn vẹn của Mình và Máu Đức Giê-su cùng với linh hồn và thần tính của Người (DS 1651). Trong khi đó, các hình thức hiện diện khác của Người không cùng tầm mức như vậy, chẳng hạn như sự hiện diện của Người trong Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Giải Tội, Xức Dầu Thánh, Truyền Chức Thánh và Hôn Phối. Trong các bí tích này, Đức Giê-su hiện diện theo nghĩa thiêng liêng (spiritual): Quyền năng và ân sủng của Người được trao ban cho người lãnh nhận và điều này phân biệt với bản thể (substance) của bánh và bản thể (substance) của rượu được biến đổi (transubstantiation) và trở nên Mình và Máu Người. Thánh Tô-ma A-qui-nô khẳng định: “Bí Tích Thánh Thể được hoàn thành trong việc thánh hiến chất thể, trong khi các bí tích khác được hoàn thành trong việc dùng chất thể để thánh hóa người lãnh nhận” (Thomas Aquinas, Summa Theologiae III, q.73, a.1). Trên bàn thờ, sau khi thánh hóa, người trần mắt thịt vẫn thấy bánh và rượu nhưng thực sự bánh và rượu đã biến đổi bản thể và trở thành Mình và Máu Đức Ki-tô. Dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, vị chủ tế đọc lại lời của Đức Giê-su, bánh và rượu trở thành Mình và Máu Người (Mysterium Fidei 49). Như vậy, quyền năng đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ vị chủ tế Thánh Lễ. Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng Lời Chúa đã sáng tạo muôn vật muôn loài từ hư vô. Trong Bí Tích Thánh Thể, Lời Chúa biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Ki-tô. Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta nhận thức rằng, xét về mặt lô-gích, việc làm cho một thực tại được hiện diện từ hư vô (ex nihilo/ out of nothing) khó hiểu hơn việc làm cho một thực tại đã hiện diện được biến đổi thành thực tại khác hoàn thiện hơn.
Khi đề cập tương quan giữa sự hiện diện của Đức Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể và các hình thức hiện diện khác, thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI viết: “Sự hiện diện này được gọi là ‘thật’ không phải để loại trừ ý tưởng rằng những sự hiện diện khác cũng ‘thật’ mà đúng hơn là diễn tả sự hiện diện tuyệt hảo, bởi vì sự hiện diện ở đây là thật [về bản chất] và qua đó, Đức Ki-tô hiện diện cách sung mãn và trọn vẹn, Thiên Chúa và con người” (Mysterium Fidei 39). Thánh nhân cũng giải thích rằng sẽ là sai lầm khi xem sự hiện diện của Đức Ki-tô trong Bí Tích Thánh Thể như là sự hiện diện trong thần khí của Đấng Phục Sinh ở khắp mọi nơi hay xem sự hiện diện của Người như là dấu chỉ hữu hiệu của sự liên kết với các tín hữu là các thành phần trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Người (Mysterium Fidei 39).
Sự hiện diện của Đức Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể phân biệt với các bí tích khác bởi vì trong bí tích này, Người hiện diện (1) nơi cộng đoàn tham dự, (2) nơi lời của Thiên Chúa được công bố và chia sẻ, (3) nơi thừa tác viên cử hành và (4) nơi bánh và rượu trở thành Mình và Máu Người. Quan sát tiến trình cử hành Bí Tích Thánh Thể, chúng ta nhận thức rằng sự hiện diện của Đức Giê-su trong bí tích này là ‘sự hiện diện tiệm tiến’ từ những hình thức chung nhất (hiện diện bởi quyền năng, ân sủng) tới hình thức huyền nhiệm nhất là sự hiện diện dưới hình bánh rượu được ‘biến đổi bản thể’ và trở thành Mình và Máu Người. Đây là sự hiện diện cụ thể đến nỗi con người có thể ‘cầm lấy mà ăn vì đó là Mình Thánh Người’, ‘cầm lấy mà uống vì đó là Máu Thánh Người’. Đây cũng là lý do giải thích tại sao Bí Tích Thánh Thể được gọi là ‘nguồn mạch’ và ‘chóp đỉnh’ của đời sống Ki-tô hữu và cũng là ‘nguồn mạch’ và ‘chóp đỉnh’ của đời sống Giáo Hội (LG 11).
Trong những thập niên hậu bán thế kỷ XX, một số thần học gia giới thiệu những hạn từ mới liên quan đến việc biến đổi của bánh và rượu trong Bí Tích Thánh Thể, trong đó ‘biến đổi mục đích’ (transfinalization) và ‘biến đổi ý nghĩa’ (transignification) là hai hạn từ đáng được chúng ta quan tâm nhất. Theo họ, bánh và rượu, sản phẩm của hoa màu ruộng đất và công lao của con người được tiến dâng trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần và lời của Đức Giê-su, mang mục đích mới và ý nghĩa mới. Họ cho rằng những hạn từ này có thể giúp các tín hữu ý thức hơn về sự hiện diện của Đức Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể. Tuy nhiên, trong Thông Điệp ‘Mầu Nhiệm Đức Tin’ (Mysterium Fidei), thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI tái khẳng định giáo lý về việc biến đổi bản thể (transubstantiation) của bánh và rượu, nghĩa là bánh và rượu trở thành Mình và Máu Đức Ki-tô. Do đó, khi được thánh hóa, bánh và rượu được biến đổi bản thể, nghĩa là không còn là bánh và rượu thông thường nữa nhưng trở thành những thực thể mới, mang mục đích mới và ý nghĩa mới nhằm nuôi dưỡng đời sống linh hồn của các tín hữu trong hành trình trần thế.
Giữa trần gian, con người luôn phải đối diện với nhiều nghịch cảnh, nghịch lý trong đời sống nội tại cũng như trong tương quan với anh chị em, tương quan với thế giới thụ tạo và nhất là tương quan với Thiên Chúa. Một mặt, chúng ta khẳng định rằng ngôn ngữ và biểu tượng trong các nền văn hóa của gia đình nhân loại luôn giới hạn để trình bày những gì liên quan đến Thiên Chúa. Mặt khác, ngoài ngôn ngữ và biểu tượng, con người khó có thể tiếp cận Thiên Chúa. Trong Bí Tích Thánh Thể, bánh và rượu sau khi thánh hóa trở thành Mình và Máu Đức Ki-tô thực sự chứ không phải là dấu chỉ nhắc nhở mọi người về sự hiện diện của Người trong mọi nơi mọi lúc hay giúp mọi người hướng về hành trình lịch sử của Người giữa gia đình nhân loại. Nói cách khác, khi nói rằng ‘này là Mình Thầy, này là Máu Thầy’, Đức Giê-su đồng hóa Người với bánh và rượu được thánh hóa. Người trần mắt thịt nhìn thấy bánh và rượu sau khi được thánh hóa vẫn trong tình trạng tự nhiên nhưng với con mắt đức tin, bánh và rượu đã trở thành Mình và Máu Đức Ki-tô. Ai lãnh nhận Người thì được hiệp nhất với Người, với nhau và với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Quả thực, biến đổi bản thể (substantial change) khác với việc biến đổi trong thế giới vật lý (physical change) mà con người có kinh nghiệm.
Thánh Phao-lô cho mọi người biết rằng ai thông phần Mình và Máu Đức Ki-tô thì nên một với nhau. Thánh nhân vừa đặt câu hỏi, vừa đưa ra câu trả lời cách mạch lạc như sau: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,16-17). Như tấm bánh được kết tinh bởi nhiều hạt lúa và như ly rượu được kết tinh bởi nhiều trái nho, các Ki-tô hữu tuy nhiều nhưng nên một với nhau. Trong Bí Tích Thánh Thể, họ nhận lấy Đức Ki-tô (Mình và Máu cùng linh hồn và thần tính của Người), đồng thời, nhận lấy ân sủng của Thiên Chúa cũng như nhận lấy hay hiệp thông với mọi thành phần trong Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô là Giáo Hội. Đó là lý do tại sao Bí Tích Thánh Thể thường được gọi là bí tích hiệp thông: Hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, với nhau và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Quả thực, chúng ta biết rằng từ buổi sơ khai của Giáo Hội, các Tông Đồ tụ họp cùng nhau và cùng với Đức Ma-ri-a cầu nguyện và cử hành Bí Tích Thánh Thể như trình thuật của tác giả sách Tông Đồ Công Vụ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Nhờ việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, các cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên đã ý thức về sự hiệp nhất nên một trong đức tin và trong đời sống hằng ngày: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32). Khi đề cập sự hiệp nhất trong Giáo Hội, thánh Síp-ri-a-nô viết: “Có một Thiên Chúa, và một Đấng Ki-tô; và Giáo Hội của Người là một, và đức tin là một; và một dân tộc, được kết hợp với nhau trong sự hiệp nhất vững bền của thân thể trong mối liên kết hòa hợp. Sự hiệp nhất này không thể bị phá vỡ, cũng như thân thể không bị chia cắt bởi sự tách rời các phần tử của nó” (Cyprianus, De Catholicae Ecclesiae Unitate 23).
Các Ki-tô hữu trở thành những chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô là Giáo Hội như lời của thánh Phao-lô: “Anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,27). Mỗi người được trao ban ơn gọi và đặc sủng phân biệt nhau nhưng tất cả chung mục đích là xây dựng Thân Thể: “Nếu anh em là thân thể Đức Ki-tô và là những chi thể của Người thì anh em sẽ thấy được mầu nhiệm của mình trên bàn tiệc của Chúa. Vâng, anh em nhận được mầu nhiệm của chính mình” (Augustine, Sermon 272). Thánh Au-gút-ti-nô dùng hình ảnh sống động sau đây để diễn tả tương quan giữa các Ki-tô hữu và Bí Tích Thánh Thể: “Khi bạn được trừ tà, theo một cách nào đó, bạn được xay xát (nghiền nát). Khi bạn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, bạn đã được làm ẩm (ủ ẩm). Khi bạn lãnh nhận ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, bạn được nướng lên. Hãy là những gì bạn thấy và lãnh nhận những gì bạn là” (Augustine, Sermon 272). Theo thánh Lê-ô Cả, cùng nhau cử hành Bí Tích Thánh Thể và lãnh nhận Mình và Máu Đức Ki-tô làm cho chúng ta ngày càng được biến đổi trong Người, nghĩa là chúng ta được nên một với Đấng mà chúng ta lãnh nhận (Leo the Great, Sermon 63,7).
Người tham dự Bí Tích Thánh Thể không dừng lại ở việc cử hành (celebration) mà còn ý thức về hiệu quả là gia tăng tinh thần bác ái (caritas/charity) trong cộng đoàn cũng như trong mọi hoàn cảnh sống của mình. Đó là một trong những lý do giải thích tại sao khi trình thuật Bữa Ăn Cuối Cùng (Last Supper), thánh Gio-an Tông Đồ không nhắc lại hy tế thập giá mà nhấn mạnh việc thực thi bác ái với anh chị em qua việc Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-17). Quả thực, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể cũng là cộng đoàn diễn tả tình yêu như được đề cập trong sách Tông Đồ Công Vụ: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,44-45) hay: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,46-47). Trong tác phẩm Hộ Giáo (Ἀπολογία/ Apología/ Apology), Tertullian (văn sĩ Ki-tô Giáo, 155–220) cho độc giả cảm nhận được đức tin và hành động can trường của các Ki-tô hữu thời Giáo Hội sơ khai: “Xem kìa, họ yêu thương nhau biết chừng nào, họ dám sẵn sàng chết cho nhau!” (Tertullian, Apology 39). Bí Tích Thánh Thể không kết thúc ở việc cử hành, không kết thúc ở việc bánh và rượu trở thành Mình và Máu Người, không kết thúc ở việc mỗi người lãnh nhận Mình và Máu Người mà còn hướng tới sự hiệp nhất nên một của những người tham dự, đồng thời, hướng tới mọi người trong gia đình nhân loại cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Điều này có nghĩa rằng cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể cũng là cộng đoàn sống và làm chứng cho Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho đến thời Người hiển trị như lời của thánh Phao-lô: “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết cho tới khi Người lại đến” (1 Cr 11,26).
5. Đức Giêsu Hiển Trị
Như đề cập ở trên, Đức Giê-su luôn hiện diện trong gia đình nhân loại cũng như muôn vật muôn loài trong mọi thời và khắp mọi nơi. Tuy nhiên, có ‘hai lần’ Người đến cách đặc biệt nhất là (1) nhập thể và (2) hiển trị, quang lâm (παρουσία/ parousia). Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, từ quang lâm có hai nghĩa chính là ‘hiện diện’ (presence) và ‘đến’ (coming). Từ này được sử dụng khá phổ biến từ thời Plotemy (305-30, trước Công Nguyên) tới tận thế kỷ thứ hai (sau Công Nguyên) để diễn tả cuộc viếng thăm của vua chúa hoặc hoàng đế ở một nơi nào đó. Trong tiếng Hy-lạp, từ này còn diễn tả sự hiện diện của sức mạnh thần linh nơi môi trường vạn vật. Trong Tân Ước, từ này chủ yếu dùng để diễn tả việc Đức Giê-su đến lần thứ hai trong uy linh, phân biệt với việc Người đến lần thứ nhất trong thân phận yếu hèn của con người. Từ này mang nghĩa cánh chung, diễn tả biến cố Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài trong Con Yêu Dấu của Người là Đức Giê-su. Các ký giả Tin Mừng (nhất là thánh Mát-thêu), các thư Phao-lô (nhất là hai thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca) và sách Khải Huyền trình bày khá rõ nét về việc Đức Giê-su hiển trị, quang lâm để phán xét kẻ sống và kẻ chết (Mt 24,1-14; Mc 13,24-27; 1 Tx 4,13-18; 1 Tx 5,23; 2 Tx 2,8; Kh 19,11-16; Kh 22,20).
Dưới nhãn quan mặc khải Kinh Thánh, Biến Cố Nhập Thể (Ἐνσάρκωσις/ Ensárkosis) và Biến Cố Cánh Chung (Ἔσχατον/ Eschaton) đi đôi với nhau và định dạng lẫn nhau bởi vì Đức Giê-su nhập thể cũng là Đức Giê-su cánh chung hay quang lâm và ngược lại. Biến Cố Đức Giê-su là biến cố một lần cho tất cả (once-for-all event), bao trùm quá khứ, hiện tại và tương lai của con người cũng như vạn vật. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận biến cố Đức Giê-su quang lâm trong toàn cảnh của chương trình Thiên Chúa sáng tạo, cứu độ và thánh hóa, chứ không chỉ trong ‘thời cuối cùng’ của vạn vật mà thôi. Quả thực, sự hiện diện của Đức Giê-su trong hành trình trần thế cũng có thể gọi là sự hiện diện của cánh chung, cánh chung hiện diện nhưng chưa hoàn thành (already and not yet/ déja-là et pas encore: ‘Already’, nghĩa là Đức Giê-su đã đến; ‘not yet’ nghĩa là Đức Giê-su sẽ đến).
Đức Giê-su hiển trị, quang lâm (parousia) thường được hiểu như là kết thúc của tiến trình thăng trầm lịch sử theo giời gian (χρόνος/ chronos) hơn là thời gian theo nghĩa biến cố hay cơ hội (καιρός/ kairos) đã, đang và sẽ hoàn thành trong tương lai. Quả thực, sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa gia đình nhân loại trong khoảng không gian, thời gian nhất định thật quan trọng. Tuy nhiên, dưới nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo, điều quan trọng hơn là chúng ta cần ý thức về sự hiện diện và hoạt động của Người theo nghĩa biến cố hay cơ hội (event or opportunity). Bởi vì, nhờ Người, gia đình nhân loại cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo bước sang trang sử mới, trang sử tái tạo, thánh hóa và cứu độ. Trong đó, con người và vạn vật được định hướng về thời viên mãn, thời hiển trị, thời quang lâm theo kế hoạch muôn thuở của Thiên Chúa.
Nhiều trình thuật Cựu Ước đã loan báo việc Đức Giê-su hiển trị, Đức Giê-su quang lâm, chẳng hạn như trong các Thánh Vịnh: “Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, trao công lý Ngài vào tay Thái Tử, để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn” (Tv 72,1-2); “Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn” (Tv 72,7) hay: “Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con. Từ Xi-on, Đức Chúa sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ” (Tv 110,1-2). Một số trình thuật trong các sách ngôn sứ cũng cho chúng ta nhận thức ngữ cảnh tương tự, chẳng hạn: “Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên” (Is 40,10) hay: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa” (Is 65,17). Sách ngôn sứ Đa-ni-en và Da-ca-ri-a cũng cho chúng ta biết về vương quyền của Đức Giê-su hiển trị, vương quyền vĩnh cửu và muôn dân muôn nước phải phụng thờ Người (Đn 7,13-14; Dcr 6,12-13).
Đức Giê-su đề cập việc Người hiển trị từ khá sớm trong hành trình loan báo Tin Mừng. Chẳng hạn, khi giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng, Người nói: “Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ” (Mt 13,41-43). Trong diễn từ về Chúa Con, Đức Giê-su nói: “Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó: Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28-29). Mặc dù từ quang lâm (parousia) không xuất hiện nhưng Đức Giê-su nói về việc Người sẽ trở lại hoặc Người thiết lập Vương Quốc Thiên Chúa. Những chủ đề như sự thật, hòa bình và công lý viên mãn được Người quảng diễn khi đề cập thời quang lâm của Người. Trong cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với vị thượng tế và những người trong Thượng Hội Đồng Do-thái: “Tôi nói cho các ông hay: Từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mt 26,64).
Trong các thư của thánh Phao-lô gửi các giáo đoàn, ngài luôn mời gọi mọi người quan tâm cùng đích của đời mình, nghĩa là quan tâm thời gặp gỡ Đức Giê-su quang lâm diện đối diện. Chẳng hạn, ngài viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Mỗi người theo thứ tự của mình: Mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1 Cr 15,23) hay: “Tôi tin chắc rằng Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm” (Pl 1,6). Ngài mời gọi các Ki-tô hữu gắn bó với giáo huấn ngài giảng dạy, đặc biệt, luôn sống trong tinh thần hoán cải, thanh tẩy tâm hồn, chịu đựng thử thách (1 Tm 6,14-15; 2 Tx 2,1-3; 2 Tx 2,8). Đồng thời, ngài mời gọi họ gắn bó với Lời Chúa và nên khí cụ phản chiếu ánh sáng Đức Giê-su giữa gia đình nhân loại mà ngài hằng trung tín loan báo cũng như vì đó mà ngài phải gánh chịu muôn vàn đau khổ, thử thách (Pl 2,15-18).
Tác giả sách Khải Huyền trình thuật lời của Đức Giê-su rằng Người là Đấng hằng sống đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết và đã phục sinh vinh hiển (Kh 1,17-18). Cảnh tượng thời Đức Giê-su quang lâm được tác giả sách Khải Huyền trình bày qua nhiều hình ảnh, chẳng hạn như: “Tôi thấy: Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta" (Kh 7,9-10) hay tác giả trình thuật lời Đức Giê-su quang lâm: “Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến, và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tùy theo việc mình làm. Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 22,12-13). Trích đoạn này cho chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su là tất cả bởi vì nhờ Người, muôn vật muôn loài được hiện diện, trong Người, muôn vật muôn loài được tồn tại và với Người, muôn vật muôn loài được biến đổi cách sung mãn trong thời Người hiển trị.
Đức Giê-su hiển trị, quang lâm cũng là Vị Thẩm Phán xét xử mọi người (Mt 25,31-46; Mc 8,34-38). Điều này đã được loan báo trong Cựu Ước, chẳng hạn: “Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người” (Tv 96,13) hay: “Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán” (Is 40,5). Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su tiếp tục triển khai chủ đề này và cho mọi người biết rằng lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước được ứng nghiệm. Chẳng hạn, khi trình bày điều kiện phải có để theo Người, Đức Giê-su nói: “Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16,27). Đặc biệt, trong bài giảng về thời cánh chung, Người nói: "Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25,31-32). Những trích đoạn này giúp chúng ta nhận thức rằng Người là Đấng ‘yêu thương vô cùng’, đồng thời, Người cũng là Đấng ‘công minh vô cùng’. Mọi người được mời gọi không ngừng suy niệm điều đó cũng như bao điều khác nữa trong nội dung mặc khải Ki-tô Giáo mà tâm trí con người khó có thể hiểu biết cách đầy đủ đường lối của Thiên Chúa được diễn tả cách sung mãn nơi Con Yêu Dấu của Người là Đức Giê-su.
Thánh Phao-lô trình bày khá chi tiết trong các thư của ngài về việc Đức Giê-su quang lâm là Vị Thẩm Phán xét xử (Rm 14,10-12; 2 Tx 1:7-10; 2 Tm 4,1). Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, ngài viết về việc xét xử như sau: “Công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa” (1 Cr 3,13-15). Dựa trên mặc khải Kinh Thánh, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI cũng như nhiều thần học gia hiện đại không ngừng quảng diễn rằng Đức Giê-su vừa là lửa thiêu đốt để thanh luyện, vừa là Thẩm Phán chí công, vừa là Đấng cứu độ (Mt 3,11; Lc 12,49; Ga 5,22-23; Lc 2,11). Theo đó, dưới cái nhìn của Người, mọi sự dối trá đều tan biến. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI nhấn mạnh rằng cuộc gặp gỡ với Người thiêu đốt chúng ta, biến đổi chúng ta, giải thoát chúng ta, cho phép chúng ta trở nên đích thực là chính mình (Spe Salvi 6). Sách ngôn sứ Ma-la-khi giúp mọi người hiểu thêm về điều này: “Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - Đức Chúa các đạo binh phán. Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt” (Ml 3,1-2). Trình thuật Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu và thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô cho mọi người biết rằng cuộc quang lâm của Đức Giê-su cũng là cuộc phán xét cuối cùng để phân biệt giữa tốt và xấu, lúa và cỏ lùng, người lành và kẻ dữ: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30); “Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5,10). Như vậy, chẳng có gì trong thế giới thụ tạo, trong gia đình nhân loại, trong tâm trí con người lại quá lạ lẫm hay ẩn giấu dưới cái nhìn của Đức Giê-su là ‘ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật’.
Mọi người được mời gọi đặt niềm tin tưởng vào chương trình của Thiên Chúa được Đức Giê-su thực hiện. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Khi chú giải câu này, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI quả quyết rằng đức tin không chỉ giúp con người hướng về những gì còn quá xa xôi hay hoàn toàn bị che khuất vắng bóng nhưng cho chúng ta ‘điều gì đó’ trong hiện tại và tạo nên ‘bằng chứng’ về những gì chưa thấy. Đức tin ‘kéo tương lai tới hiện tại’ và vì vậy nó không đơn thuần chỉ là điều ‘chưa có’. Chính sự tồn tại của tương lai làm thay đổi hiện tại, hiện tại được ‘đụng chạm’ bởi tương lai và như vậy, tương lai và hiện tại hòa tràn vào nhau trong thực thể có tên là con người (Spe Salvi 7). Quả thực, nhờ đức tin bén rễ trong đời sống, con người hướng về tương lai và thực thi những điều phù hợp hơn để tương lai ‘tham gia hiện tại’ trong mỗi giây phút đời mình. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Vậy, anh em đừng đánh mất lòng tin tưởng mạnh dạn của anh em; lòng tin tưởng đó sẽ mang lại một phần thưởng lớn lao. Anh em cần phải kiên nhẫn, để sau khi thi hành ý Thiên Chúa, anh em được hưởng điều Người đã hứa” (Dt 10,35-36). Đặc biệt, dưới nhãn quan Kinh Thánh, niềm tin và niềm hy vọng đi đôi với nhau và nhiều khi đồng nghĩa với nhau bởi vì người tin tưởng cũng là người hy vọng và ngược lại. Thánh Phê-rô mời gọi các tín hữu: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3,15). Đồng thời, thánh nhân mời gọi các tín hữu hãy trả lời với lương tâm ngay thẳng trong tinh thần hiền hòa, kính trọng (1 Pr 3,16-17).
Ai ý thức về việc Đức Giê-su quang lâm thì cũng ý thức về sự cần thiết để cộng tác với Người trong việc biến đổi bản thân trong hành trình trần thế này. Đặc biệt, ai kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su thì cũng kết hiệp mật thiết với Cha của Người như lời của Đức Giê-su trước khi bước vào cuộc khổ nạn (Ga 14,20-23). Quả thực, tất cả các hình thức phụng vụ trong đời sống Giáo Hội nhờ Đức Giê-su, với Đức Giê-su và trong Đức Giê-su đều hướng tới ba mục đích căn bản là (1) hoán cải, (2) thánh hóa (sanctification) và (3) tôn vinh (glorification) Thiên Chúa (Mt 11,27; Ga 4,23-24; Pl 2,10-11). Công Đồng Vatican II khẳng định: “Trong công cuộc vĩ đại tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa mọi người, Chúa Ki-tô hằng kết hiệp với Giáo Hội là hiền thê rất quý yêu và Giáo Hội kêu cầu Người như Chúa mình và nhờ chính Người phụng thờ Chúa Cha Hằng Hữu” (SC 7). Là Thiên Chúa thật và con người thật, Đức Giê-su luôn nhân danh toàn thể gia đình nhân loại để phụng thờ và tôn vinh Thiên Chúa hầu đem lại ơn cứu độ cho mọi người.
Biến Cố Đức Giê-su quang lâm vừa mang chiều kích cá nhân, vừa mang chiều kích tập thể, vừa mang chiều kích hoàn vũ, trong đó: (1) Cánh chung cá nhân (individual eschaton) liên quan đến mỗi người, (2) cánh chung tập thể (collective eschaton) liên quan đến mọi người trong gia đình nhân loại và (3) cánh chung hoàn vũ (universal eschaton) liên quan đến muôn vật muôn loài. Thánh Phao-lô trình bày như sau: “Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: Thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1,9-10). Đặc biệt, thời Đức Giê-su quang lâm, thời cánh chung cũng là thời mà những loan báo về Vương Quốc hay Triều Đại Thiên Chúa tỏ hiện sung mãn (Tv 145,13; Đn 7,14; Ge 2,1; Kb 3,3). Nói cách khác, thời Đức Giê-su quang lâm cũng là thời Nước Thiên Chúa vẹn toàn.
Theo thánh A-tha-na-xi-ô, Đức Giê-su đến lần thứ hai trong vinh quang để ban tặng hoa trái thập giá là sự phục sinh bất tử trong Vương Quốc Thiên Chúa cho những ai sống đời ngay lành (Athanasius, On the Incarnation of the Word 56.3). Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện cho ‘Nước Cha hiển trị’, nghĩa là Nước Thiên Chúa hiện diện và những giá trị của Nước Thiên Chúa được diễn tả nơi mọi chiều kích của cuộc sống con người, đặc biệt, trong thời cánh chung. Đức Giê-su khẳng định điều này trong bài giảng về thời cánh chung khi Người nói: "Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết. Và bấy giờ sẽ là tận cùng” (Mt 24,14). Thời cánh chung, thời Đức Giê-su quang lâm cũng là thời minh chứng rằng tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn mọi mãnh lực mà con người có thể kinh nghiệm, kể cả sự chết, như thánh Phao-lô khẳng định: “Tôi tin chắc rằng cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Đức Giê-su không ngừng gõ cửa tâm hồn mọi người và mời gọi mọi người sống tinh thần ‘tỉnh thức, cầu nguyện, tạ ơn’ trong mọi hoàn cảnh (1 Tx 5,18). Người đến ‘bất ngờ’, do đó, mọi người được mời gọi hãy kiên nhẫn, hãy sẵn sàng, hãy chờ đợi bằng việc vâng nghe huấn lệnh của Người (Mt 24,27; Mt 25,1-13; Lc 21,34-36). Thánh Gio-an Tông Đồ, Thánh Phê-rô và Phao-lô khuyên dạy các Ki-tô hữu luôn sống theo tinh thần đó (1 Ga 2,28; 2 Pr 3,13-14; Rm 13,11-12). Trong hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay” (Lc 12,35-36). Tương tự như vậy, trong bài giảng về thời cánh chung, Người nói: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,42-44). Lời Đức Giê-su trong sách Khải Huyền vang vọng lời của Người trong hành trình trần thế: "Đây, Ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ canh thức” (Kh 16,15). Đặc biệt, thánh Phao-lô giúp mọi người hiểu biết cụ thể hơn về thời Đức Giê-su hiển trị, quang lâm rằng: “Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô… Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,25-28). Như vậy, tiếng nói cuối cùng của con người và vạn vật không phải là tiếng nói của thần chết, của ma quỷ, thế gian, xác thịt nhưng là tiếng nói của Thiên Chúa tình yêu, hằng sống và hiển trị (Is 25,8; 2 Tx 2,7-8). Do đó, mọi người hãy gắn bó với Đức Giê-su và không ngừng thầm thĩ với Người: “Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!” (Kh 22,20).
Kết Luận
Những trình bày trên đây cho phép chúng ta kết luận rằng Đường Hiện Diện của Đức Giê-su thật nhiệm mầu. Do đó, không ai có thể liệt kê hay tóm lược các hình thức hiện diện của Người cách đầy đủ. Trong mọi hoàn cảnh, Người vừa hiện diện nơi mỗi thực thể của thế giới thụ tạo, vừa siêu việt mọi thực thể của thế giới này. Năm hình thức hiện diện của Đức Giê-su (hằng hữu, hiệp nhất, Hội Thánh, huyền nhiệm và hiển trị) mà chúng ta xem xét và diễn tả được xem là năm hình thức ‘hiện diện chính yếu’ của Người theo mặc khải Kinh Thánh. Cùng với các hình thức hiện diện khác, năm hình thức hiện diện này cho phép chúng ta có tầm nhìn đầy đủ hơn về nội dung đức tin Ki-tô Giáo cũng như chương trình tình yêu của Thiên Chúa đối với con người và muôn vật muôn loài.
Nhờ giáo huấn của Đức Giê-su mà chúng ta hiểu biết hơn về đời sống nội tại của Thiên Chúa toàn năng (omnipotence), toàn tri (omniscience), toàn hiện (omnipresence). Theo đó, Thiên Chúa duy nhất cũng là Thiên Chúa Ba Ngôi (Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần) và ngược lại. Ba Ngôi đồng bản thể và phân biệt về Ngôi Vị. Ba Ngôi thông hiệp với nhau cách sung mãn trong đời sống nội tại cũng như trong chương trình sáng tạo, cứu độ, thánh hóa con người và biến đổi muôn vật muôn loài. Trong đó, Đức Giê-su là Con Một của Chúa Cha, được sinh ra mà không phải được tạo thành. Người là Đấng hằng hữu cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nhờ Người, muôn vật muôn loài được hiện hữu, đồng thời, nhờ Người mà muôn vật muôn loài được tồn tại, sống động, biến đổi và hướng tới thành toàn trong thời cánh chung.
Đức Giê-su hiệp nhất, Đức Giê-su Hội Thánh (Giáo Hội) và Đức Giê-su huyền nhiệm (Đức Giê-su Thánh Thể) là ba hình thức hiện diện căn bản của Người trong lịch sử nhân loại. Với Biến Cố Nhập Thể, Người đã đến với gia đình nhân loại để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho mọi người, nhất là những người nghèo khó và phải gánh chịu muôn hình thức đau khổ thử thách. Là Thiên Chúa trong thân phận con người, Đức Giê-su đã trút bỏ chính mình và mang lấy tội lỗi của con người mà đưa lên cây thập tự. Người đã thông dự trọn vẹn phận người. Đặc biệt, Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết, sống lại và lên trời để ban ơn cứu độ cho con người và biến đổi vạn vật. Người đã thiết lập Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người để Giáo Hội tiếp tục diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người giữa muôn dân muôn nước. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại với mọi người trong gia đình nhân loại và trao ban sự sống vĩnh cửu cho con người.
Đức Giê-su hiển trị, quang lâm là niềm hy vọng cho con người cũng như vạn vật bởi vì Người là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Cùng Tận, đồng thời, Người là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo và là Trưởng Tử trong những người từ cõi chết sống lại. Người đã đổ máu đào cho con người và vạn vật hầu kiện toàn công trình sáng tạo, cứu độ và thánh hóa của Thiên Chúa. Người đã hiện diện khiêm hạ trong thân phận con người, đang hiện diện nhiệm mầu trong muôn vật muôn loài và sẽ hiện diện cách sung mãn trong thời hiển trị, quang lâm để biểu lộ quyền năng và tình yêu huyền diệu của Thiên Chúa. Thời Đức Giê-su hiển trị, quang lâm cũng là thời tàn lụi vĩnh viễn của các thế lực bóng đêm, của ma quỷ, thế gian, xác thịt. Đặc biệt, thời hiển trị, quang lâm của Người cũng là thời trời cũ đất cũ qua đi và trời mới đất mới tỏ rạng cho mọi người tin tưởng, yêu mến và thực thi thánh ý Thiên Chúa.
Ai ý thức về sự hiện diện của Đức Giê-su hằng hữu, hiệp nhất, Hội Thánh, huyền nhiệm và hiển trị thì cũng ý thức về sự hiện diện của Người nơi bản thân mình, nơi anh chị em đồng loại cũng như nơi vạn vật. Ai ý thức về sự hiện diện của Người thì cũng biết định hướng tâm trí mình theo giáo huấn của Người hầu mọi tư tưởng, lời nói và hành động đều mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân và cho anh chị em đồng loại. Với tâm trí thấm nhuần mặc khải Thiên Chúa và với con mắt đức tin chân thành, các Ki-tô hữu thâm tín rằng phẩm giá con người cao cả vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Hơn nữa, nhờ sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa dòng đời, con người không chỉ được khôi phục phẩm giá nguyên thủy đã bị tổn thương vì tội lỗi mà còn trở thành con cái Thiên Chúa trong hành trình trần thế hướng về Quê Hương vĩnh cửu. Ước gì lời của thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê luôn vang vọng trong cõi lòng của con cái gia đình nhân loại: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên
Nguồn: hdgmvietnam.com