Đức Giêsu Kitô - Đường loan báo Tin Mừng (2)
(tiếp theo)
3.3 Sứ mệnh Giáo hội Loan báo Tin mừng
Thánh Phao-lô mời gọi các Ki-tô hữu không ngừng nỗ lực trong việc loan báo Tin Mừng. Thánh nhân viết cho các tín hữu Rô-ma: “Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng!” (Rm 10,13-15). Là Ki-tô hữu nghĩa là người loan báo Tin Mừng. Năm động từ mà các Ki-tô hữu cần quan tâm ở đây là kêu cầu, tin, nghe, rao giảng, sai đi. Thánh Phao-lô viết theo thứ tự từ kết quả tới nguyên nhân, từ kêu cầu tới sai đi, từ hoa trái của Tin Mừng tới việc cần thiết phải loan báo Tin Mừng. Ý thức về căn tính, đời sống và sứ mệnh của mình, qua dòng thế kỷ, Giáo Hội luôn mời gọi con cái cộng tác với nhau hầu làm cho Tin Mừng thấm đượm mọi ngõ ngách của đời sống con người.
Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, sau khi nhắc lại việc Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể, thánh Phao-lô viết: “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11,26). Điều này có nghĩa rằng cộng đoàn chia sẻ Lời Chúa, cộng đoàn chia sẻ Mình và Máu thánh Đức Giê-su cũng là cộng đoàn loan báo Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại. Nói cách khác, hiệu quả của việc chia sẻ Lời Chúa và hiệp thông trong Bí Tích Thánh Thể là thực thi sứ mệnh Đức Giê-su ủy thác. Tiếp tục tư tưởng truyền thống, khi diễn giải tương quan giữa Giáo Hội và Bí Tích Thánh Thể, trong Thông Điệp ‘Giáo Hội Từ Bí Tích Thánh Thể’ (Ecclesia de Eucharistia, 2003), thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Bí Tích Thánh Thể xây dựng Giáo Hội và Giáo Hội làm nên Bí Tích Thánh Thể” (Ecclesia de Eucharistia 26). Như hai môn đệ trên đường trở về Em-mau được Đức Giê-su phục sinh chia sẻ Lời Chúa và sau khi nhận ra Người ‘bẻ bánh’ thì đã trở về Giê-ru-sa-lem hiệp hoan với các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể cũng phải thực thi việc loan báo Tin Mừng như vậy.
Giáo Hội lữ hành là cộng đoàn những người loan báo Tin Mừng như lời của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: “Tất cả những người đã được rửa tội, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội hay trình độ hiểu biết đức tin ra sao, đều là những tác nhân của công cuộc loan báo Tin Mừng. Sẽ không đủ nếu chỉ hình dung một kế hoạch loan báo Tin Mừng do những người chuyên môn thực hiện, trong khi phần còn lại của các tín hữu chỉ là những người tiếp nhận thụ động” (Evangelii Gaudium 120). Trong Tông Huấn ‘Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ’ (Gaudete et Exsultate, 2018), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Việc chia sẻ Lời Chúa và cử hành Thánh Thể với nhau đẩy mạnh tình huynh đệ và làm cho chúng ta trở thành một cộng đoàn thừa sai thánh thiện” (Gaudete et Exsultate 142). Như đề cập ở trên, Công Đồng Vatican II khẳng định: ‘Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải loan báo Tin Mừng’. Do đó, mọi hoạt động loan báo Tin Mừng luôn phải được đặt trong bối cảnh cộng đoàn Giáo Hội cùng nhau đến với mọi người. Điều này có nghĩa rằng không có hoạt động loan báo Tin Mừng nào chỉ mang tính cá nhân hay phe nhóm nào đó. Quả thực, khi sai các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su căn dặn họ ra đi theo hình thức cộng đoàn (Mc 6,7-13; Lc 10,1-2).
Nếu căn tính của Giáo Hội Đức Giê-su là loan báo Tin Mừng thì căn tính của con cái Giáo Hội cũng là loan báo Tin Mừng. Như vậy, Ki-tô hữu không thể là người ‘hữu danh vô thực’, mang danh Đức Giê-su nhưng không phải là Ki-tô hữu như Đức Giê-su mong muốn. Do đó, là con cái Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô, mọi người được mời gọi đóng góp phần mình trong việc loan báo Tin Mừng. Dĩ nhiên, mỗi người với mỗi hoàn cảnh khác biệt nhau được mời gọi loan báo Tin Mừng theo cách thức của mình. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Mỗi Ki-tô hữu là một nhà loan báo Tin Mừng trong mức độ mà họ đã gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô Giê-su: Chúng ta không còn nói rằng mình là ‘môn đệ’ và ‘nhà loan báo Tin Mừng’ riêng rẽ, mà đúng hơn, chúng ta luôn là ‘môn đệ loan báo Tin Mừng’” (Evangelii Gaudium 120).
Lịch sử Giáo Hội cho chúng ta biết sau thời các Tông Đồ, các Ki-tô hữu tiếp tục diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội bằng tình yêu chân thành và điều này làm cho những người không cùng niềm tin thán phục. Thực vậy, Tertullian (văn sĩ Ki-tô Giáo, 155–220) cho chúng ta biết ‘dân ngoại’ vô cùng cảm kích trước ‘tình yêu lạ lùng’ của cộng đoàn Giáo Hội thời sơ khai thể hiện (Tertullian, Apology 39). Cũng là con người với nhau ‘tại sao các Ki-tô hữu lại yêu thương nhau, giúp đỡ nhau, hiệp nhất nên một với nhau như vậy?’ Đâu là động lực đã và đang biến đổi tâm hồn họ? Vì ai mà họ có thể chết cho nhau? Ai là hy vọng mà họ nhắm tới? Đâu là viễn cảnh mà họ mong đợi? Quả thực, loan báo Tin Mừng bằng tình yêu là cách loan báo hữu hiệu nhất bởi vì tình yêu luôn là ‘mẫu số’ hay ‘ngôn ngữ’ chung’ của mọi người trong gia đình nhân loại giữa những khác biệt về chủng tộc, truyền thống, văn hóa hay phương thức xã hội.
Để có thể loan báo Tin Mừng cách hiệu quả, Giáo Hội được mời gọi ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống mình, đồng thời, luôn sẵn sàng minh chứng cho điều Giáo Hội loan báo bằng chính đời sống của con cái Giáo Hội như lời của Công Đồng Vatican II: “Điều có thể làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa hơn cả là đức ái huynh đệ của các tín hữu như họ đồng tâm nhất trí cộng tác cho đức tin Tin Mừng và tỏ ra họ là dấu chỉ hiệp nhất” (GS 21). Cũng theo Công Đồng Vatican II, “Giáo Hội được Chúa Ki-tô sai đi trình bày và thông ban tình yêu Thiên Chúa cho hết mọi người và mọi dân tộc, nhận thức rằng mình còn phải thực hiện công việc truyền giáo bao la” (AG 10). Trong bài giảng bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa (26.10.2008), Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI nhắc nhở mọi người rằng toàn bộ lề luật của Thiên Chúa gói gọn trong từ ‘yêu’. Đồng thời, ngài chỉ rõ sự cần thiết của việc diễn tả lời của Thiên Chúa mà các Ki-tô hữu loan báo trong hành động yêu thương. Bởi vì, đây là cách thức duy nhất làm cho Tin Mừng trở nên đáng tin cậy cho dù vẫn còn đó những khiếm khuyết của người loan báo Tin Mừng, người đón nhận và sống theo Tin Mừng.
Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI viết rằng Tin Mừng cần được loan báo bằng chứng tá qua việc thấu hiểu, chấp nhận, chia sẻ đời sống với người khác, nỗ lực vì những điều trân quý, hy vọng vào những điều cao thượng. Ngài nhấn mạnh rằng: “Qua chứng tá không lời này, những Ki-tô hữu này khơi dậy những câu hỏi không thể cưỡng lại trong lòng những ai chứng kiến cách họ sống: Tại sao họ lại như thế? Tại sao họ sống theo cách này? Điều gì hay ai là nguồn cảm hứng cho họ? Tại sao họ lại ở giữa chúng ta? Một chứng tá như thế đã là một sự loan báo thầm lặng về Tin Mừng, và là một sự loan báo rất mạnh mẽ và hiệu quả. Đây là hành động khởi đầu của việc loan báo Tin Mừng” (Evangelii Nuntiandi 21). Ngài còn khẳng định: “Con người thời nay sẵn lòng lắng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy và nếu họ lắng nghe các thầy dạy thì đó là vì những thầy dạy ấy là những chứng nhân” (Evangelii Nuntiandi 41). Đối với thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI, chứng tá bằng hành động luôn là điều không thể thiếu được trong việc loan báo Tin Mừng. Tư tưởng và cách thức nhìn nhận của thánh nhân không chỉ đúng vào thời của ngài mà còn đúng trong mọi thời đại. Hơn ai hết, Đức Giê-su là Mô Mẫu chứng nhân và thầy dạy cho bất cứ ai, trong bất cứ lãnh vực nào.
Dưới nhãn quan của Công Đồng Vatican II, sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo Hội luôn là sứ mệnh mời gọi mọi người ý thức hơn về phẩm giá cao quý của con người (GS 22). Điều này có nghĩa rằng Tin Mừng Đức Giê-su cho phép con người sống xứng đáng với phẩm giá con người trong đời sống xã hội, đồng thời, cho phép con người được chung hưởng sự sống Thiên Chúa. Nói cách khác, Tin Mừng của Đức Giê-su là Tin Mừng vừa cho phép con người được ‘phát triển toàn diện’ về đời sống thể chất và tinh thần trong hành trình trần thế, vừa giúp con người vững tâm trong hy vọng rằng qua những biến chuyển của thời cuộc, con người được kết hiệp vĩnh cửu với Thiên Chúa là Nguồn Gốc và Cùng Đích của mình trong Nước Trời.
IV. THEO ĐỨC GIÊ-SU - ĐƯỜNG LOAN BÁO TIN MỪNG
4.1 Tân Loan báo Tin mừng
Trong Bữa Ăn Cuối Cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng Người là Đường (Ga 14,6). Quả thực, Đường Đức Giê-su trong hành trình trần thế là Đường Loan Báo Tin Mừng. Lịch sử Giáo Hội cho chúng ta nhận thức rằng việc loan báo Tin Mừng để mời gọi mọi người theo Đường Đức Giê-su luôn phải đối diện với những thực tại đa diện. Sự cần thiết trong việc đổi mới phương thức loan báo Tin Mừng được quan tâm cách đặc biệt sau Công Đồng Vatican II. Chẳng hạn, vào năm 1968, tại Medellin, Colombia, các Giám Mục Châu Mỹ La-tinh (CELAM) nhấn mạnh điều đó. Như đề cập ở trên, một trong những khái niệm khá phổ biến trong những thập niên cuối thế kỷ XX đến nay là ‘tân loan báo Tin Mừng’ (new evangelization/ nouvelle évangélisation). Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II sử dụng khái niệm ‘tân loan báo Tin Mừng’ lần đầu tiên trong bài giảng nhân dịp viếng thăm Ba-lan (09.6.1979): “Công cuộc tân loan báo Tin Mừng đã bắt đầu như thể đó là lời loan báo mới, mặc dù thực tế nó vẫn luôn là lời loan báo từ trước đến nay. Thánh Giá vươn cao trên thế giới đang xoay chuyển”. Khái niệm ‘tân loan báo Tin Mừng’ trở nên phổ biến trong Giáo Hội qua diễn văn của thánh nhân trong dịp các Giám Mục Châu Mỹ La-tinh họp tại Port-au-Prince, Haiti (09.3.1983). Trong đó, khái niệm ‘tân loan báo Tin Mừng’ không nhắm đến việc ‘làm mới nội dung’ nhưng ngài mời gọi con cái Giáo Hội ‘làm mới việc loan báo Tin Mừng’ với nhiệt huyết, phương pháp và cách thể hiện.
Trọng tâm của việc tân loan báo Tin Mừng là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa trong thân phận con người, đem ơn cứu độ cho mọi người trong gia đình nhân loại. Nội dung của việc loan báo Tin Mừng không thay đổi nhưng cách thức loan báo Tin Mừng cần quan tâm đến bối cảnh truyền thống, văn hóa, tôn giáo của mọi người. Mục đích của tân loan báo Tin Mừng là sao cho Tin Mừng Đức Giê-su đem lại hiệu quả tốt hơn hầu giúp mọi người nhận ra Người là Đường duy nhất dẫn đưa mọi người đến cùng Thiên Chúa. Thánh Phao-lô viết: “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: Đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi” (1 Tm 2,5-6). Cũng theo thánh Phao-lô: “Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,10-11).
Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II quả quyết rằng Tin Mừng Đức Giê-su là duy nhất nhưng cần được loan báo với năng lực, tinh thần mới cũng như ngôn ngữ, biểu tượng phù hợp với tâm thức của người đương thời trong các nền văn hóa. Trong Thông Điệp ‘Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế’ (Redemptoris Missio, 1991), thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Thiên Chúa đang mở ra trước Giáo Hội những chân trời của nhân loại được chuẩn bị đầy đủ hơn để đón nhận hạt giống Tin Mừng. Tôi cảm nhận rằng thời điểm đã đến để dồn tất cả năng lực của Giáo Hội vào công cuộc tân loan báo Tin Mừng và sứ mệnh ad gentes [đến với muôn dân]. Không một tín hữu nào trong Đức Ki-tô, không một tổ chức nào của Giáo Hội có thể trốn tránh bổn phận tối thượng này: Loan báo Đức Ki-tô cho mọi dân tộc” (Redemptoris Missio 3). Quả thực, tiến trình toàn cầu hóa đòi hỏi Giáo Hội cần quan tâm hơn cách thức mới mẻ trong việc loan báo Tin Mừng hầu đem lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển con người toàn diện để kiến tạo nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống của xã hội loài người.
Chương trình Thiên Chúa được thực hiện qua Biến Cố Đức Giê-su là chương trình một lần cho tất cả (once and for all). Tuy nhiên, tân loan báo Tin Mừng không phải là một lần cho tất cả bởi vì Tin Mừng Đức Giê-su luôn gặp gỡ những cơ hội cũng như thách thức mới không ngừng nảy sinh trong các môi trường truyền thống, văn hóa, xã hội của gia đình nhân loại. Các môn đệ chân chính Đức Giê-su không bao giờ nghĩ rằng mình được bao bọc cách an toàn bởi những quy chuẩn hay luật lệ bất biến. Đặc biệt, các môn đệ Đức Giê-su luôn ý thức rằng đặc ân Ki-tô hữu không làm cho mình trở thành những thực thể miễn nhiễm những bấp bênh của thế sự. Quả thực, không có cách thức đầy đủ, rõ ràng, duy nhất có thể áp dụng cho mọi hoàn cảnh hầu thực thi công cuộc tân loan báo Tin Mừng hiệu quả bởi vì mỗi sắc tộc, mỗi nền văn hóa, mỗi hình thức xã hội đều có những đặc trưng riêng. Do đó, tân loan báo Tin Mừng luôn đòi hỏi nỗ lực đặc thù nơi mỗi sắc tộc, nền văn hóa và hình thức xã hội.
Công Đồng Vatican II khẳng định: “Hoạt động loan báo Tin Mừng không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là biểu lộ hoặc bày tỏ ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần thế và trong lịch sử thế trần” (AG 9). Trong Thông Điệp ‘Thiên Chúa Là Tình Yêu’ (Deus Caritas Est, 2005), Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI viết: “Trở thành Ki-tô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao cả nhưng là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người, mang lại cho cuộc sống chân trời mới và hướng đi quyết định” (Deus Caritas Est 1). Ki-tô hữu là người lĩnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy nhân danh Chúa Ba Ngôi, được đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su và được mời gọi loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại. Để được như vậy, các Ki-tô hữu cần ý thức về lời của Thiên Chúa trong đời sống và sứ mệnh của bản thân mình giữa gia đình nhân loại.
Việc loan báo Tin Mừng được thực hiện theo nhiều cách thức các nhau. Chúng ta có thể khẳng định rằng mọi tư tưởng, lời nói, hành động của các Ki-tô hữu đều là loan báo Tin Mừng, chẳng hạn, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Cầu nguyện cho người mà chúng ta đang giận dữ là một bước tiến tốt đẹp tiến về phía tình yêu và là một hành động loan báo Tin Mừng” (Evangelii Gaudium 101). Tương tự như vậy, chúng ta có thể nói rằng mong muốn những điều tốt đẹp cho người khác là loan báo Tin Mừng; đau với nỗi đau của người khác là loan báo Tin Mừng; kiên nhẫn chịu đựng người khác là loan báo Tin Mừng; sẵn lòng giúp đỡ người khác là loan báo Tin Mừng; quan tâm đến những người dễ bị tổn thương là loan báo Tin Mừng; thông cảm với tha nhân là loan báo Tin Mừng; nhìn nhận mọi người là anh chị em trong Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian là loan báo Tin Mừng.
Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trình bày về ba tình trạng căn bản của việc loan báo Tin Mừng trong bối cảnh mới (Redemptoris Missio 33): (1) Những nơi Tin Mừng chưa được biết đến hoặc thiếu cộng đoàn Ki-tô hữu với đức tin kiên vững để có thể loan báo Tin Mừng, Giáo Hội cần thực thi sứ mệnh ‘đến với muôn dân’ (ad gentes) theo đúng nghĩa; (2) các cộng đoàn Ki-tô hữu trưởng thành, sống và làm chứng cho Tin Mừng cách hiệu quả, Giáo Hội cần chăm sóc mục vụ tận tình, nghĩa là đồng hành và hướng dẫn các Ki-tô hữu và (3) những nơi Tin Mừng đã bám rễ sâu nhưng dần mai một khi các tín hữu không thực thi sứ vụ của mình, không có cảm thức về Giáo Hội hay sự cần thiết phải loan báo Tin Mừng, Giáo Hội cần thực thi tân loan báo Tin Mừng (new evangelization) hoặc tái loan báo Tin Mừng (re-evangelization). Những điều thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II quan sát, đúc kết, hướng dẫn đáng được Giáo Hội quan tâm trong mọi hoàn cảnh.
Loan báo Tin Mừng cũng chính là loan báo lòng Chúa thương xót. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Một số nhà thần học khẳng định rằng lòng thương xót là thuộc tính và sự hoàn thiện cao cả nhất của Thiên Chúa, và Kinh Thánh, Truyền Thống, cùng toàn bộ đời sống đức tin của Dân Chúa cung cấp những bằng chứng đặc biệt về điều này” (Dives in Misericordia 13). Lòng Chúa thương xót chính là tình yêu Thiên Chúa diễn tả trong thế giới thụ tạo từ sáng tạo đến cánh chung. Đặc biệt, lòng Chúa thương xót được diễn tả cách cụ thể trong hành trình trần thế của Đức Giê-su. Nói cách khác, nơi Đức Giê-su, lòng Chúa thương xót ‘có hình có dạng’. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Giáo Hội phải xem đây là một trong những nhiệm vụ chính yếu của mình -ở mọi giai đoạn lịch sử và đặc biệt là trong thời đại ngày nay- để loan báo và đưa vào đời sống mầu nhiệm của lòng thương xót, được tỏ lộ cách tuyệt hảo nơi Chúa Giê-su Ki-tô” (Dives in Misericordia 14). Lòng Chúa thương xót thật cao cả, nhiệm mầu, vượt quá mọi hiểu biết của trí khôn con người bởi vì lòng Chúa thương xót tha thứ tội lỗi, khôi phục tâm hồn con người bị biến dạng vì tội lỗi, làm cho phẩm giá con người ngày càng được tăng trưởng. Điều này được thể hiện trên thập giá khi Đức Giê-su chịu chết với trái tim bị đâm thủng, máu cùng nước chảy ra. Đây là hình ảnh quán xuyến tâm hồn những ai gắn bó mật thiết với Đức Giê-su trong hành trình trần thế của mình.
Để có thể loan báo Tin Mừng cách hiệu quả, người loan báo Tin Mừng cần ý thức rằng mình loan báo Đức Giê-su chứ không phải loan báo bản thân mình; loan báo Tin Mừng Đức Giê-su chứ không phải tin thất thiệt của mình; động lực và tinh thần loan báo Tin Mừng là Chúa Thánh Thần chứ không phải là ‘thần khí nhuốm màu tội lỗi’ của mình. Đặc biệt, người loan báo Tin Mừng cần ý thức rằng khi mình không thể cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần trong việc loan báo Tin Mừng thì ít ra mình không phải là chướng ngại ngăn cản Tin Mừng Đức Giê-su đến với người lãnh nhận theo muôn vàn cách thức khác. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết: “Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Trong thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân viết rằng: "Anh em là bức thư của Đức Ki-tô" (2 Cr 3,3). Mỗi Ki-tô hữu phải là bức thư của Đức Giê-su cho người khác, bức thư sống động, bức thư thấm nhuần Thần Khí của Người. Mỗi Ki-tô hữu phải là một bức thư để ai đọc bức thư này thì nhận ra Đức Giê-su là Đấng mà họ cần gặp gỡ, tiếp xúc và cảm nhận tình yêu vô điều kiện của Người, Đấng nhân danh Thiên Chúa chí thánh đến với mọi người trong gia đình nhân loại tội lỗi.
4.2 Hội nhập văn hóa như là Loan báo Tin mừng
Từ ‘hội nhập văn hóa’ (inculturation) được Joseph Masson (1908-1998), thần học gia Dòng Tên, người Bỉ, sử dụng lần đầu tiên trong bài viết ‘L'Église ouverte sur le monde/ Giáo Hội mở ra với thế giới’, xuất bản trong tạp chí ‘Nouvelle Revue Théologique’ (84 N0 10 1962). Theo Joseph Masson: “Aujourd'hui, alors que, tout justement, l'exigence se fait plus urgente d’un catholicisme inculturé d’une façon polymorphe” [“ngày nay, yêu cầu về việc Giáo Hội Công Giáo hội nhập văn hóa cách đa dạng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”]. Từ ‘hội nhập văn hóa’ (inculturé) được sử dụng trong câu này là phân từ quá khứ đóng vai trò như một tính từ. Từ ‘hội nhập văn hóa’ (tiếng La-tinh: inculturatio) với nghĩa thần học được sử dụng tại Tổng Công Nghị Dòng Tên lần thứ 32 vào năm 1975.
Trong văn kiện chính thức của Giáo Hội Công Giáo, từ hội nhập văn hóa (inculturatio/ inculturation) được thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II sử dụng trong Tông Huấn ‘Catechesi Tradendae’ (1979) về việc dạy Giáo Lý trong thời đại chúng ta. Đặc biệt, trong Thông Điệp ‘Slavorum Apostoli’ (1985: Về hai thánh Sy-ri-lô và Mê-tô-đi-ô, các Tông Đồ của người Slav), thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Công cuộc loan báo Tin Mừng mà họ thực hiện như những người tiên phong trên vùng lãnh thổ của các dân tộc Slav bao hàm mô hình của điều mà hôm nay được gọi là ‘hội nhập văn hóa’ – nghĩa là việc nhập thể Tin Mừng vào các nền văn hóa địa phương và đồng thời đưa các nền văn hóa này vào đời sống của Giáo hội” (John Paul II, Slavorum Apostoli 21). Ở đây, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trình bày khái niệm ‘hội nhập văn hóa’ (inculturation) như là ‘nhập thể’ (incarnation). Chúng ta có thể thêm rằng hội nhập văn hóa còn bao gồm sự tích hợp những gì tao nhã, chân thật, tốt lành trong tiến trình thích nghi (adaptation), chuyển dịch (translation), bản địa hóa (indigenization), bối cảnh hóa (contextualization), hấp thụ văn hóa (enculturation) và tiếp biến văn hóa (acculturation) nữa.
Chúng ta có thể hiểu hội nhập văn hóa trong bối cảnh loan báo Tin Mừng là hội nhập đức tin Ki-tô Giáo vào các nền văn hóa mới. Trong đó, đức tin không bị biến dạng, các yếu tố tốt đẹp của văn hóa được bảo toàn và con người được thừa hưởng sức sống mới nhờ sự kết hợp thâm sâu và lành mạnh giữa đức tin và văn hóa. Điều này có nghĩa rằng tiến trình hội nhập văn hóa sinh hoa kết quả tốt đẹp khi sự gặp gỡ giữa đức tin và văn hóa nảy sinh thực thể mới (a new reality) cho phép con người sống xứng đáng hơn với phẩm giá cao quý của mình là được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi trở thành con cái Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su, Đấng từ ‘môi trường văn hóa trời’ đến với ‘môi trường văn hóa người’ để biến đổi và siêu thăng ‘môi trường văn hóa người’ hầu mưu cầu lợi ích cho mọi người.
Tin Mừng Đức Giê-su là Tin Mừng cho mọi người, trong mọi thời và khắp mọi nơi. Loan báo Tin Mừng trong bối cảnh hội nhập văn hóa là điều kiện cho phép con người hòa giải với Thiên Chúa và với nhau bởi vì tất cả đều là anh chị em trong cùng Gia Đình Thiên Chúa như lời của thánh Phao-lô: “Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su” (Ep 2,19-20). Hội nhập văn hóa vừa làm cho Tin Mừng đến với văn hóa, vừa làm cho văn hóa trở nên khí cụ đón nhận và thông truyền Tin Mừng cho mọi người. Văn hóa trở thành phương tiện làm cho Tin Mừng được hình thành trong tâm hồn những người được định dạng bởi văn hóa trong tiến trình phát triển nhân cách của họ. Nhờ tiến trình hội nhập văn hóa đúng nghĩa, những người đón nhận Tin Mừng Đức Giê-su không lo sợ phải từ bỏ văn hóa của mình hay bị cưỡng bách tiếp nhận nền văn hóa ngoại lai, xa lạ nào đó.
Mặc dù từ ‘hội nhập văn hóa’ (inculturation) xuất hiện muộn màng vào những thập niên hậu bán thế kỷ XX, tiến trình hội nhập văn hóa đã diễn ra trong chương trình mặc khải của Thiên Chúa giữa gia đình nhân loại. Chẳng hạn, sự hình thành các sách Kinh Thánh là tiến trình hội nhập văn hóa giữa mặc khải của Thiên Chúa và các nền văn hóa quanh vùng Địa Trung Hải. Việc loan báo Tin Mừng ngay từ thuở sơ khai của Giáo Hội cũng như việc hình thành nội dung đức tin Ki-tô giáo là tiến trình hội nhập văn hóa. Việc sử dụng tiếng Hy-lạp trong Bản Bảy Mươi (Septuaginta/ LXX/ Septuagint), bản dịch Kinh Thánh Do-thái (the Hebrew Bible) và một số sách khác là tiến trình hội nhập văn hóa. Sự hình thành Kinh Tin Kính và giáo lý Chúa Ba Ngôi cũng được xem là tiến trình hội nhập văn hóa, chẳng hạn: Những từ như yếu tính (οὐσία/ ousia), bản tính (φύσις/ physis), ngôi vị (ὑπόστασις/ hypostasis) từ văn hóa Hy-lạp được sử dụng để diễn tả nội dung trọng tâm của đức tin Ki-tô Giáo. Trong Thông Điệp ‘Đức Tin và Lý Trí’, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Khi lần đầu tiên tiếp xúc với các nền văn hóa lớn, Giáo Hội không thể từ bỏ những gì mà Giáo Hội đã đạt được từ việc hội nhập văn hóa trong thế giới tư tưởng Hy-La” (Fides et Ratio 72).
Tiến trình hội nhập văn hóa để đem Tin Mừng đến với muôn dân cần quan tâm ba lớp văn hóa (three layers of culture), đó là: (1) Lớp văn hóa cho phép Tin Mừng được hình thành: Tin Mừng được hình thành bởi sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, chẳng hạn như Do-thái, Hy-lạp, La-tinh; (2) lớp văn hóa của người loan báo Tin Mừng: Những người loan báo Tin Mừng sinh ra, lớn lên chịu ảnh hưởng của văn hóa địa phương nơi mình hiện diện, đồng thời, chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nữa trong quá trình giao tiếp; (3) lớp văn hóa của người đón nhận Tin Mừng: Những người đón nhận Tin Mừng vốn làm quen và được định dạng bởi các yếu tố văn hóa cũng như các thực thể khác trong nền văn hóa của họ. Do đó, người loan báo Tin Mừng cần phải học hỏi nhiều để có thể hiểu biết ‘nội dung Tin Mừng’, ‘nội dung các nền văn hóa’ cũng như sự giao thoa giữa Tin Mừng và các nền văn hóa. Câu hỏi: ‘Làm sao để ‘nhân’ hay ‘cốt lõi’ của Tin Mừng (the core of the Gospel) có thể bén rễ trong các nền văn hóa mới?’ vẫn luôn là câu hỏi trọng tâm trong việc đem Tin Mừng đến với các nền văn hóa của gia đình nhân loại. Việc loan báo Tin Mừng đem lại hoa trái khi có được sự hòa hợp giữa Tin Mừng và các yếu tố nảy sinh từ các nền văn hóa.
Dưới nhãn quan của thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI, Tin Mừng không đồng hóa với bất cứ nền văn hóa đặc thù nào. Tuy nhiên, mọi người trong gia đình nhân loại đón nhận Tin Mừng qua lăng kính văn hóa mà mình thụ hưởng. Mặc dù không sử dụng hạn từ ‘hội nhập văn hóa’ (inculturation), thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI chỉ ra mối liên hệ sâu đậm giữa Tin Mừng và văn hóa. Ngài viết: “Sự tách biệt giữa Tin Mừng và văn hóa quả là một thảm trạng của thời đại chúng ta cũng như của những thời đại trước. Do đó, phải dồn mọi nỗ lực để tiến tới sự loan báo Tin Mừng một cách rộng rãi, đúng hơn phải loan báo Tin Mừng mọi nền văn hóa. Chúng phải được cải hóa nhờ tiếp xúc với Tin Mừng, nhưng sẽ không có tiếp xúc nếu Tin Mừng không được công bố” (Evangelii Nuntiandi 20). Trong diễn văn tại Lễ Thành Lập Hội Đồng Giáo Hoàng Về Văn Hóa (20.05.1982), thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói: “Một đức tin mà không trở thành văn hóa là một đức tin không được đón nhận trọn vẹn, không được suy tư thấu đáo, và không được sống một cách trung tín”. Còn Đức Hồng Y Joseph Ratzinger (Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI) khẳng định rằng không có hình thức đức tin trần trụi, bản thân đức tin là văn hóa, đức tin mà không trở thành văn hóa thì đức tin đó không đáng sống (Joseph Ratzinger, Christ, Faith and the Challenge of Cultures (1993), FABC 78).
Các Ki-tô hữu loan báo Tin Mừng với niềm xác tín rằng Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hoạt động trong các nền văn hóa như lời của thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI: “Chúa Thánh Thần họat động trong mỗi nhà truyền giảng Tin Mừng, nếu họ để Người chiếm hữu và hướng dẫn, Người đặt nơi môi miệng họ những lời mà một mình họ không thể tìm ra, đồng thời sửa soạn tâm hồn của những người nghe để họ mở rộng đón nhận Tin Mừng và nước trời đang được loan báo” (Evangelii Nuntiandi 75). Đặc biệt, theo ngài: “Không có Thánh Thần, công khó chuẩn bị kỹ lưỡng nhất của nhà rao giảng cũng không mang lại được gì. Không có Người, các biện luận vững chắc nhất cũng bất lực đối với trí óc con người. Không có Người, những lược đồ xã hội và tâm lý soạn thảo kỹ lưỡng nhất cũng mau mất hết giá trị” (Evangelii Nuntiandi 75). Quả thực, Chúa Thánh Thần, nhờ Người, Tin Mừng được hình thành cũng là Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các nền văn hóa, nơi những người loan báo Tin Mừng cũng như nơi những người đón nhận, sống và làm chứng cho Tin Mừng trong hoàn cảnh cụ thể của họ.
4.3 Đối thoại liên tôn như là Loan báo Tin mừng
Hành trình trần thế của Đức Giê-su là hành trình đối thoại với con người thuộc mọi tầng lớp. Người đối thoại với dân Do-thái, với một số sắc dân trong miền Pa-lét-tin, với những người Rô-ma. Cách thức đối thoại của Người là ‘hình mẫu’ cho mọi hình thức đối thoại trong gia đình nhân loại. Chẳng hạn, trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp, Đức Giê-su không bắt đầu với những chuyện cao siêu, chẳng hạn như giới thiệu căn tính của Người: ‘Tôi là Ngôi Hai Thiên Chúa’, ‘Tôi là Đấng hằng hữu’, ‘Tôi được sinh ra từ trước muôn đời’, ‘Tôi vừa là Thiên Chúa, vừa là con người’. Người mở đầu cuộc đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri bằng việc xin chị nước uống, nghĩa là bắt đầu với việc thông thường nhất. Dần dần, Người đề cập tình trạng tâm hồn người phụ nữ và qua đó giúp người phụ nữ biến đổi tâm hồn và nhận ra căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người. Đặc biệt, Đức Giê-su đã biến đổi nhãn quan của người phụ nữ Sa-ma-ri cũng như nhiều người khác về việc phụng tự Thiên Chúa. Cụ thể là việc phụng tự Thiên Chúa không lệ thuộc vào vị trí địa lý nhưng là phụng tự trong thần khí và sự thật (Ga 4,23). Người phụ nữ múc nước ở giếng mà luôn khát cho đến khi gặp Đức Giê-su, Đấng cho chị ‘nước hằng sống’. Thánh Gio-an trình thuật rằng: “Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: Ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm” (Ga 4,39).
Trở về với nội dung mặc khải Ki-tô Giáo và lịch sử Giáo Hội, Công Đồng Vatican II nhìn nhận đối thoại với các tôn giáo khác như là phương cách loan báo Tin Mừng hữu hiệu. Dưới nhãn quan của Công Đồng Vatican II, luôn có những ‘hạt giống Lời Chúa’ tiềm ẩn nơi các nền văn hóa, truyền thống, tôn giáo cũng như các hình thái xã hội trong gia đình nhân loại. Đó là lý do tại sao việc loan báo Tin Mừng luôn đi đôi với việc nhận diện ‘hạt giống Lời Chúa’ giữa muôn dân nước: “Phải lấy làm sung sướng và kính cẩn mà khám phá ra những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn trong họ” (AG 11). Trong Tuyên Ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Ki-tô Giáo (Nostra Aetate, 1965), Công Đồng Vatican II nhận định: “Các tôn giáo khác trên hoàn cầu đều cố công làm cho tâm hồn con người thoát khỏi những băn khoăn bằng nhiều phương thế khác nhau, bằng cách vạch đường chỉ lối, tức đề xướng những giáo thuyết và luật sống cũng như những lễ nghi phụng tự” (NA 2).
Đặc điểm chung của mọi người trong gia đình nhân loại là tìm kiếm chân lý (sự thật), không chỉ là chân lý thực nghiệm, chân lý triết học hay lô-gích mà còn là chân lý tôn giáo. Theo Công Đồng Vatican II, “Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo [Ấn Giáo, Phật Giáo]” (NA 2). Giáo Hội cũng nhìn nhận việc đối thoại liên tôn (interreligious dialogue) là dịp để những người không cùng niềm tin tìm kiếm chân lý, nhận diện chân lý, sống theo chân lý trong hành trình trần thế của mình. Theo Công Đồng Vatican II: “Do bản tính tự nhiên thúc đẩy, cũng như do bổn phận luân lý đòi buộc, con người phải tìm kiếm chân lý, nhất là chân lý liên quan đến tôn giáo. Họ cũng phải tin theo chân lý đã nhận biết, và hướng dẫn toàn thể đời sống mình theo những đòi hỏi của chân lý” (Digitatis Humanae 2). Dù dưới bất cứ hình thức hay hoàn cảnh nào, chân lý luôn là nguồn phát xuất mọi thiện hảo trong gia đình nhân loại cũng như trong thế giới thụ tạo. Thánh Phao-lô quả quyết rằng “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Công Đồng Vatican II khẳng định: “Qua bao thế kỷ Giáo Hội luôn hướng tới sự viên mãn của chân lý Thiên Chúa, cho đến khi lời Chúa được hoàn tất nơi chính Giáo Hội” (DV 8). Do đó, mọi người được mời gọi mở rộng lòng mình cho chân lý. Dưới nhãn quan của thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI, sứ điệp Tin Mừng là chân lý. Đây là sứ điệp đáng cho các môn đệ của Đức Giê-su toàn tâm toàn ý loan báo và nhiệt thành dõi theo đến cả hy sinh tính mạng của mình (Evangelii Nuntiandi 5).
Đối thoại liên tôn là điều cần thiết để giúp Giáo Hội và các tôn giáo khác tìm kiếm những điểm chung trong tinh thần hiểu biết cũng như tôn trọng sự thật và tự do. Theo Công Đồng Vatican II: “Quyền tự do tôn giáo đặt nền tảng trên chính bản tính con người, chứ không phải trên thái độ chủ quan của con người” (Digitatis Humanae 2). Cũng theo Công Đồng Vatican II: “Giáo lý về tự do tôn giáo bắt nguồn từ Mạc Khải của Thiên Chúa, nên người Ki-tô hữu càng phải thành kính tuân theo” (Digitatis Humanae 9). Do đó, đối thoại cho phép mọi người vừa là chứng tá, vừa khám phá niềm tin của nhau. Đối thoại là điều kiện không thể thiếu được trong sứ mệnh trần thế của Giáo Hội. Do đó, câu hỏi không phải là ‘Giáo Hội cần phải đối thoại liên tôn hay không?’ mà là ‘Giáo Hội cần phải đối thoại liên tôn như thế nào?’. Quả thực, đối thoại liên tôn không phải là chọn lựa của Giáo Hội nhưng thuộc về sứ mệnh của Giáo Hội. Nói cách khác, đối thoại liên tôn như là hình thức đặc biệt trong việc loan báo Tin Mừng.
Dựa trên tư tưởng của thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trong bài phát biểu của ngài tại Phiên Họp Toàn Thể của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Đối Thoại Liên Tôn (Pontifical Council For Inter-Religious Dialogue), tài liệu ‘Đối Thoại và Loan Báo’ của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Đối Thoại Liên Tôn (Dialogue and Proclamation, 1991) tóm lược bốn hình thức đối thoại căn bản như sau: (1) Đối thoại cuộc sống (dialogue of life): Mọi người sống với nhau trong tinh thần cởi mở, thân thiện và cùng nhau quan tâm đến các vấn đề đương thời; (2) đối thoại hành động (dialogue of action): Mọi người hợp tác với nhau, cùng nhau hành động cho sự phát triển con người; (3) đối thoại trao đổi thần học (dialogue of theological exchange): Những người chuyên môn tìm hiểu và chia sẻ gia sản tôn giáo mình cũng như của người khác và (4) đối thoại kinh nghiệm tôn giáo (dialogue of religious experience): Cùng nhau chia sẻ về mặt thiêng liêng, chẳng hạn như cầu nguyện, chiêm niệm, đức tin, hy vọng hướng về Thiên Chúa hay Đấng Tuyệt đối (Dialogue and Proclamation 42).
Đối với Giáo Hội tại Á Châu, kể từ năm 1970, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) giới thiệu ba hình thức đối thoại chính yếu (the Triple Dialogue): (1) Đối thoại với người nghèo, (2) đối thoại với các nền văn hóa và (3) đối thoại với các tôn giáo. Trong đó, đối thoại với người nghèo bằng cách liên đới với những người đối diện với muôn hình thức tổn thương, đau khổ, bị bỏ rơi bởi vì Tin Mừng Đức Giê-su là ‘Tin Mừng cho người nghèo khó’; đối thoại với các nền văn hóa bằng cách loan báo Tin Mừng cho các nền văn hóa hay hội nhập văn hóa (inculturation) sao cho sự gặp gỡ giữa Tin Mừng và văn hóa đem lại lợi ích cho mọi người sống trong nền văn hóa đó; đối thoại với các tôn giáo bằng cách sống hòa hợp với anh chị em không cùng niềm tin; cùng nhau hành động cho sự phát triển con người; chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo cho nhau với niềm xác tín sâu xa rằng những gì chân thực, lành thánh, tốt đẹp thì gặp gỡ nhau bởi vì tất cả đều xuất phát từ cùng một nguồn nhằm định hướng con người về Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối.
Trong Thông Điệp ‘Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế’, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nhận xét rằng có nhiều người chủ trương việc loan báo Tin Mừng là làm cho mọi người sống nhân bản hơn, trung thành hơn với tôn giáo của mình hay cổ vũ công lý, tự do, hòa bình, hòa hợp là đủ. Theo ngài, điều bị bỏ qua là mọi người ‘có quyền’ được nghe Tin Mừng của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Giê-su. Nhờ đó, họ có thể sống xứng đáng hơn với ơn gọi của mình (Redemptoris Missio 46). Như vậy, nhiệt tâm đối thoại liên tôn và loan báo Tin Mừng luôn đi đôi với nhau. Ở đây, việc loan báo Tin Mừng theo phương thức ‘giới thiệu’ hay ‘mời gọi hãy đến mà xem’ chứ không theo phương thức ‘lôi kéo’ hay ‘ép buộc bằng mọi giá’. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy việc đối thoại liên tôn luôn phải đương đầu với nhiều thách đố nảy sinh từ sự bất tương hợp không chỉ về những khía cạnh tôn giáo mà còn nhiều khía cạnh khác nữa trong môi trường sống đa diện của xã hội loài người.
5. KHÓ KHĂN TRONG VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG
Đức tin Ki-tô Giáo luôn phải đối diện với muôn vàn hình thức khó khăn trong việc đón nhận, sống và loan báo bởi vì đức tin này đặt nền tảng trên mặc khải cũng như được hình thành trong lịch sử nhưng siêu việt lịch sử, kinh nghiệm cũng như lý trí thuần lý của con người. Đức tin Ki-tô Giáo đặt trọng tâm ở biến cố Đức Giê-su phục sinh (1 Cr 15,14). Tuy nhiên, biến cố này chỉ có thể được nhận diện đầy đủ hơn khi con người ý thức về đau khổ và cái chết của Người trên thập giá. Quả thực, ai không thể cảm nhận được những diễn biến liên quan đến Đức Giê-su trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh thì cũng không thể cảm nhận được những diễn biến liên quan đến Người trong Ngày Chúa Nhật, ngày Người phục sinh vinh hiển. Thiên Chúa thông phần đau khổ với con người không chỉ trong hành trình trần thế lắm ngang trái, nhiều bấp bênh và muôn vàn thử thách mà còn thông dự vào vực thẳm sự chết của con người để giải thoát con người khỏi vực thẳm đó. Vốn dĩ là Thiên Chúa, Đức Giê-su là Đấng hằng sống nhưng vì yêu thương nhân loại, Người đã mang lấy thân phận phải chết. Người đã chết, đã an nghỉ trong lòng đất và đã phục sinh để đánh bại sự chết một lần cho tất cả hầu trao ban sự sống vĩnh cửu cho những ai tin tưởng, yêu mến và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Thánh Phao-lô viết: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (1 Cr 15,55-57).
Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su phải đương đầu với người Do-thái, chẳng hạn như các kinh sư, những người Pha-ri-sêu và các thế lực thuộc đế chế Rô-ma trong vùng Pa-lét-tin. Sau khi Đức Giê-su chịu đau khổ, chịu chết, phục sinh và lên trời, các môn đệ Người phải đối diện với nhiều thách đố trong việc loan báo Tin Mừng. Chẳng hạn, thánh Phao-lô cho mọi người biết rằng vì loan báo Tin Mừng, ngài phải gánh chịu muôn thử thách như: Ở tù, chịu đòn, nhiều lần suýt chết, năm lần bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi, thực hiện nhiều cuộc hành trình; phải đối diện với nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi; nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; vất vả mệt nhọc, thức đêm, đói khát, nhịn ăn nhịn uống, chịu rét mướt trần truồng (2 Cr 11,23-27). Đồng thời, ngài cũng cho biết ngài đồng hình với những ai yếu đuối, vấp ngã, bận tâm vì Giáo Hội (2 Cr 11,28-28). Đặc biệt, ngài khẳng định rằng nếu phải tự hào thì ngài tự hào về những yếu đuối của mình (2 Cr 11,30).
Trong mười hai môn đệ được Đức Giê-su tuyển chọn, Giu-đa Ít-ca-ri-ốt bán Đức Giê-su và tự kết liễu đời mình. Ngoại trừ thánh Gio-an Tông Đồ, mười môn đệ khác đều chịu tử đạo để làm chứng cho Đức Giê-su và Tin Mừng của Người. Sau này, thánh Phao-lô cũng minh chứng cho Đức Giê-su và Tin Mừng của Người bằng cái chết tử đạo. Trong hành trình loan báo Tin Mừng, thánh nhân viết thư cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: “Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi” (1 Tx 2,8). Quả thực, các ngài đã thể hiện tình yêu cao cả nhất mà Đức Giê-su truyền dạy các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Từ khi được Chúa Giê-su thiết lập đến nay, Giáo Hội luôn phải đối diện với muôn hình thức khó khăn, gian khổ: Thời sơ khai, Giáo Hội phải đương đầu với nhiều thế lực bách hại thuộc các dân tộc quanh vùng Địa Trung Hải. Thời Trung Cổ, Giáo Hội phải đương đầu với nhiều hình thức lạc giáo cũng như ly giáo. Với Kỷ Nguyên Ánh Sáng, Giáo Hội phải đương đầu với những người coi tri thức như là phương tiện chính yếu cho sự tiến triển của con người. Thời hiện đại, Giáo Hội phải đương đầu với các triết thuyết và thể chế coi Giáo Hội như là thực thể nguy hại. Hiện nay, Giáo Hội phải đương đầu với nhiều hình thức chủ nghĩa chẳng hạn như chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ. Đặc biệt, sự xuất hiện của thế giới kỹ thuật số (the digital world) và thế giới ảo (the virtual world) cũng nảy sinh nhiều thách đố mới cho Giáo Hội trong việc loan báo Tin Mừng.
Trong bối cảnh hiện tại, vẫn còn đó những dân tộc trên thế giới nại đến truyền thống, tôn giáo, văn hóa của mình để đoạn tuyệt với việc lắng nghe và đón nhận Tin Mừng. Họ sẵn sàng loại trừ bất cứ những gì được xem là bất tương hợp với truyền thống, tôn giáo và văn hóa của họ. Họ không chỉ đóng cửa lòng mình trong việc đón nhận Tin Mừng mà còn xuyên tạc nội dung Tin Mừng mà các Ki-tô hữu loan báo. Hơn nữa, nơi một số dân tộc, người ta còn bách hại những ai loan báo Tin Mừng dưới bất cứ hình thức nào. Đối với họ, trở thành Ki-tô hữu đồng nghĩa với việc từ bỏ gia sản truyền thống, tôn giáo, văn hóa của tổ tiên. Trở thành Ki-tô hữu đồng nghĩa với việc trở thành những người xa lạ với bản sắc vốn có của mình. Nhiều khi trong cùng một đất nước hay vùng lãnh thổ với nhiều dân tộc: Có những dân tộc sẵn sàng đón nhận Tin Mừng, có những dân tộc chưa sẵn sàng, có những dân tộc chống đối, có những dân tộc dửng dưng, có những dân tộc bách hại công khai. Với Công Đồng Vatican II, Giáo Hội nhắn nhủ con cái mình: “Tất cả mọi người phải sẵn sàng tuyên xưng Chúa Ki-tô [tuyên xưng đức tin] trước mặt mọi người, và bước theo Người trên đường thập giá giữa những cuộc bách hại không hề thiếu vắng trong Giáo Hội” (LG 42). Do đó, sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo Hội không bao giờ vắng bóng khổ đau hay nghịch cảnh.
Theo Bộ Giáo Lý Đức Tin: “Sứ mệnh của các Tông đồ và sự tiếp tục trong sứ mệnh của Giáo Hội sơ khai vẫn là mô hình nền tảng cho công cuộc loan báo Tin Mừng mọi thời: Đó là sứ mệnh thường được ghi dấu bằng sự tử đạo, như lịch sử thế kỷ XX đã chứng minh” (Congregation for the Doctrine of the Faith [hiện tại là: The Dicastery for the Doctrine of the Faith], Doctrinal Note on Some Aspects of Evangelization (2007) 8). Trong diễn văn trước các tham dự viên của Đại Hội Toàn Thể thuộc Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Tân Loan Báo Tin Mừng (2011), Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI nói: “Loan báo Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới ngày nay phức tạp hơn so với quá khứ; nhưng sứ mệnh của chúng ta vẫn giống như vào buổi đầu lịch sử. Sứ vụ không thay đổi, và lòng nhiệt thành cũng như sự can đảm đã thúc đẩy các Tông Đồ và những môn đệ đầu tiên cũng không được thay đổi” (Address of His Holiness Benedict XVI to Participants in the Plenary Assembly of the Pontifical Council for Promoting the New Evangelization, 2011).
Khó khăn trong việc loan báo Tin Mừng không chỉ đến từ bên ngoài mà còn từ bên trong, từ con cái Giáo Hội nữa. Cụ thể là khi các Ki-tô hữu lãnh đạm, ‘không nóng cũng không lạnh’ với các nhân đức căn bản (tin, cậy, mến) cũng là khi họ không có khả năng sống và làm chứng cho Tin Mừng. Khi tư tưởng, lời nói và việc làm của các Ki-tô hữu đối nghịch với Tin Mừng thì họ không thể trở thành những chứng nhân cho Tin Mừng được. Do đó, việc loan báo Tin Mừng không chỉ hướng ngoại (ad extra) mà còn hướng nội (ad intra) nữa, nghĩa là khơi dậy lòng nhiệt huyết với Đức Giê-su và Tin Mừng của Người nơi các Ki-tô hữu. Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI nhận định rằng một trong những ngăn trở trong việc loan báo Tin Mừng là ‘sự thiếu nhiệt thành’. Theo ngài: “Điều này càng nghiêm trọng hơn vì nó xuất phát từ bên trong. Nó biểu hiện ở sự mệt mỏi, sự vỡ mộng, sự thỏa hiệp, sự thiếu quan tâm và trên hết là sự thiếu niềm vui và hy vọng” (Evangelii Nuntiandi 80).
Để có thể đối diện với muôn vàn khó khăn trong hành trình đón nhận, sống và loan báo Tin Mừng, các Ki-tô hữu cần ý thức hơn lời của thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Rô-ma: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10,9). Thánh nhân cũng viết rằng: “Tôi tin chắc rằng cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39). Đức tin và hy vọng vào Đức Giê-su cho phép các Ki-tô hữu có được tầm nhìn vượt qua những gì thuộc thế gian này, kể cả muôn vàn chông gai, đau khổ, sự chết. Nói cách khác, đức tin và hy vọng của các Ki-tô hữu được đan dệt bởi những đặc tính cánh chung (eschatological characteristics), nhờ đó, các Ki-tô hữu biết hướng về Quê Hương vĩnh cửu, về Đức Giê-su, Đấng đã nhập thể, chịu nhiều đau khổ, chịu chết, phục sinh và lên trời vinh hiển.
Kết luận
Sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa lòng trần thế đã được loan báo trong Cựu Ước và trở nên hiện thực trong Tân Ước. Để cứu độ nhân loại lầm than, khốn khổ vì tội lỗi cũng như hậu quả khôn lường của tội lỗi là sự chết, Đức Giê-su đã trút bỏ chính mình, trở nên người phàm giữa gia đình nhân loại. Trong hành trình trần thế, Người đã loan Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho mọi người. Người đã chữa bệnh, trừ quỷ, tha thứ tội lỗi, hồi sinh kẻ chết, công bố những tiêu chuẩn luân lý mới đặt nền tảng trên tình yêu để minh chứng rằng Người từ Thiên Chúa mà đến và Người là Thiên Chúa. Đặc biệt, Người đã chọn Nhóm Mười Hai và thiết lập Giáo Hội để tiếp tục chương trình trần thế của Người cho đến tận thế.
Là bí tích của Đức Giê-su và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn theo thánh ý Chúa Cha, Giáo Hội đồng hành với gia đình nhân loại. Loan báo Tin Mừng thuộc về bản chất của Giáo Hội: ‘Là Giáo Hội’ cũng có nghĩa ‘là loan báo Tin Mừng’ cho muôn dân muôn nước. Giáo Hội loan báo Tin Mừng với niềm xác tín rằng trong khi Tin Mừng của Đức Giê-su không thay đổi thì chính Tin Mừng đó đổi thay tư tưởng, lời nói và việc làm của con người, nghĩa là Tin Mừng thâm nhập, tạo năng lực mới và làm cho con người ngày càng sống xứng hợp hơn với phẩm giá cao quý của mình giữa môi trường thế giới thụ tạo. Mục đích của việc loan báo Tin Mừng là mời gọi mọi người đón nhận Đức Giê-su là Đấng cứu độ duy nhất của gia đình nhân loại, đồng thời, mời gọi mọi người hiệp nhất nên một với Người nhờ sống theo giáo huấn của Người.
Để Tin Mừng có thể thẩm thấu mọi chiều kích của xã hội loài người, Giáo Hội cổ vũ công cuộc tân loan báo Tin Mừng, nghĩa là loan báo với phương thức mới, động lực mới, nhiệt huyết mới cũng như ngôn ngữ và biểu tượng phù hợp với tâm thức của con người trong mọi thời đại. Các thực thể trong môi trường truyền thống, văn hóa và xã hội của gia đình nhân loại không ngừng biến đổi. Do đó, Giáo Hội được mời gọi không ngừng quan tâm cách thức loan báo Tin Mừng của mình sao cho sứ điệp cốt lõi của Tin Mừng luôn được duy trì giữa những đổi thay của bối cảnh, đồng thời, sứ điệp đó được hiện diện và nảy sinh kết quả tốt đẹp trong tâm hồn những người đón nhận. Đến với muôn dân, Giáo Hội luôn ý thức mình không chỉ là ‘Giáo Hội giảng dạy’ (teaching Church) mà còn là ‘Giáo Hội học hỏi’ (learning Church). Giáo Hội không ngừng mời gọi con cái mình tham gia tiến trình hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn để tìm hiểu và chia sẻ các giá trị Tin Mừng cũng như các giá trị văn hóa và tôn giáo của các dân tộc.
Giáo Hội luôn thâm tín rằng Đức Giê-su là Đường cho mọi người trong gia đình nhân loại và Đường của Người là Đường Loan Báo Tin Mừng về sự hiện diện và hoạt động của Nước Thiên Chúa giữa trần gian. Mọi người trong gia đình nhân loại được mời gọi đón nhận Đường Đức Giê-su, sống theo Đường Đức Giê-su và trở nên khí cụ của Đường Đức Giê-su cho anh chị em mình. Do đó, mệnh lệnh Đức Giê-su truyền cho các môn đệ xưa kia cũng là mệnh lệnh cho mỗi chúng ta hôm nay: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Điều này có nghĩa rằng Tin Mừng Đức Giê-su cần được loan báo trong mọi thời và khắp mọi nơi cho đến khi Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài trong Đức Giê-su của thời cánh chung, nghĩa là thời Người quang lâm, hiển trị. Đây chính là thời được thánh Phao-lô diễn tả: “Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết... Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,25-28).
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên
Nguồn: hdgmvietnam.com