Đức Giêsu Kitô - Đường củng cố đức tin (2)
(tiếp theo)
2. Đức Giê-su củng cố đức tin của các môn đệ
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca cho chúng ta biết rằng khi thuyền chở Đức Giê-su và các môn đệ lênh đênh trên Biển Hồ Ga-li-lê thì một trận cuồng phong ập tới. Các môn đệ hoảng hốt đánh thức Đức Giê-su và nói với Người rằng tất cả sẽ chết mất! Người thức dậy và “ngăm đe sóng gió, sóng gió liền ngừng và biển lặng ngay” (Lc 8,24). Người nói với các môn đệ: "Đức tin anh em ở đâu? Các ông hoảng sợ, kinh ngạc và nói với nhau: Vậy người này là ai mà ra lệnh cho cả sóng gió, và sóng gió phải tuân lệnh?" (Lc 8,25). Đồng hành cùng Đức Giê-su và chứng kiến nhiều việc kỳ diệu Người thực hiện nhưng các môn đệ vẫn luôn sợ hãi khi phải đối diện với những biến cố bất thường. Đức tin của họ vào Đức Giê-su còn mong manh, phai nhạt, yếu kém. Đó là lý do tại sao Người không ngừng giúp họ trưởng thành hơn trong đức tin để có thể thích nghi với những nghịch cảnh mới hầu cộng tác với Người trong việc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Thánh Lu-ca cũng trình thuật rằng, sau khi giảng dạy các môn đệ tránh xa những gì làm cớ cho người khác vấp phạm cũng như cách thức sửa lỗi anh em, các môn đệ nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con. Chúa đáp: Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,5-6). Lời của Đức Giê-su về ‘lòng tin lớn bằng hạt cải’ có nghĩa gì vậy? Thưa, Đức Giê-su không nói đến đức tin về ‘số lượng’ hay ‘khối lượng’ (quantity) nhưng về ‘phẩm tính’ hay ‘chất lượng’ (quality). Người dùng hình ảnh hạt cải để nói về đức tin nhưng điều Người truyền đạt không phải là kích cỡ đức tin (size of faith) mà là lòng tin (heart of faith). Chúng ta cũng không thể lượng định để so sánh đức tin người này với người khác bởi vì đức tin là hồng ân Thiên Chúa ban tặng với sự cộng tác chân thành của con người. Do đó, chúng ta có thể cảm nghiệm được ‘nồng độ đức tin’ của chúng ta qua mức độ thông hiệp của chúng ta với Thiên Chúa, với anh chị em và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo.
Các môn đệ Đức Giê-su theo Người trong khoảng thời gian khá dài nhưng đức tin của họ cũng dễ lung lay, sai lạc như nhiều người khác, nhất là khi phải đối diện với những bất an, đau khổ, cùng cực. Đó là lý do tại sao trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với Phê-rô, vị Tông Đồ Trưởng: “Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,31-32). Như vậy, Đức Giê-su cho Phê-rô biết rằng Người cầu nguyện cho ông có đức tin vững mạnh để ông vừa kiên vững với đức tin, vừa nâng đỡ đức tin của các anh em khác nữa. Lời nói và hành động của Đức Giê-su giúp chúng ta ý thức rằng đức tin vừa có tính cá vị, vừa có tính cộng đoàn, đồng thời, vừa có tính quy tụ, vừa có tính lan tỏa. Không chỉ Đức Giê-su nâng đỡ đức tin các môn đệ mà các môn đệ được mời gọi nâng đỡ đức tin cho nhau hầu mọi người được đứng vững trước những thử thách trong cuộc sống trên bình diện cá nhân cũng như các hình thức cộng đoàn mà họ hiện diện và hoạt động.
Trong Bữa Ăn Cuối Cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su an ủi các môn đệ, củng cố đức tin của họ, chẳng hạn, Người nói: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3). Người cũng cho họ biết rằng ai tin vào Người thì có thể làm những việc Người làm và còn làm những việc lớn lao hơn nữa (Ga 14,12); Người không để họ mồ côi: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Đặc biệt, Người hứa gửi Đấng Bảo Trợ, là Thần Khí sự thật từ nơi Chúa Cha đến để tiếp tục đồng hành với họ. Thần Khí sẽ củng cố đức tin của họ, dạy dỗ họ mọi điều và nhắc nhở họ về những điều Người đã cho họ biết (Ga 14,26; Ga 15,26).
Khi các môn đệ nói với Đức Giê-su: “Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến” (Ga 16,30). Đức Giê-su trả lời: "Bây giờ anh em tin à? Này đến giờ và giờ ấy đã đến rồi, anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (Ga 16,31-32). Khi các môn đệ cho rằng họ tin vào Người và sống chết với Người thì Người cho họ biết rằng đức tin của họ chưa đủ vững chắc để trung thành với Người đến cùng. Họ sẽ bỏ chạy tán loạn trong cuộc thương khó của Người vì sợ hãi hay sợ liên lụy. Người củng cố đức tin của họ: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Như vậy, Đức Giê-su không bao giờ mất kiên nhẫn với các môn đệ, cho dù họ kém tin hay hiểu biết phiến diện về chương trình Thiên Chúa được Người thực hiện. Đức Giê-su hứa ban bình an cho họ, sự bình an mà thế gian không thể ban tặng hầu giúp họ vượt qua những yếu đuối của bản thân trong hành trình theo Người (Ga 14,27).
Sau khi phục sinh, Đức Giê-su còn ở lại với các môn đệ khoảng 40 ngày. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô cho chúng ta biết Đức Giê-su phục sinh hiện ra với Kê-pha, với nhóm Mười Hai, với hơn năm trăm anh em một lượt, với Gia-cô-bê, với tất cả các Tông Đồ và với chính Phao-lô (1 Cr 15,6-8). Câu hỏi đặt ra là: ‘Tại sao Đức Giê-su phục sinh ở lại với các môn đệ?’ Thưa, tại vì Người muốn củng cố đức tin của họ và đồng hành cùng họ trong việc loan báo Tin Mừng. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô cũng cho chúng ta biết Đức Giê-su phục sinh khiển trách các môn đệ vì họ chậm tin: “Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy” (Mc 16,14). Trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca cũng cho chúng ta biết tương tự: “Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: Ở đây anh em có gì ăn không?" (Lc 24,41). Họ đưa cho Người khúc cá nướng và Người ăn trước mặt họ (Lc 24,42-43).
Khi đức tin của các môn đệ Đức Giê-su ngày càng được củng cố cũng là khi đức tin trở thành nguồn lực hữu hiệu cho phép các ngài thực thi những điều cao trọng nhân danh Người. Chẳng hạn, các môn đệ nguyên là những người ‘thấp bé nhẹ cân’, rụt rè nhút nhát, yếu đuối mọn hèn trong xã hội Do-thái nhưng với đức tin được củng cố, họ trở nên những người can trường trong việc loan báo Tin Mừng và minh chứng cho Tin Mừng bằng cuộc đời đượm tình bác ái yêu thương cũng như luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho vĩ nghiệp mà Đức Giê-su đã thực hiện. Với tâm trí không ngừng chiêm ngắm hành trình trần thế của Đức Giê-su, nhất là Biến Cố Vượt Qua của Người, cùng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, họ đã trở thành những môn đệ và tông đồ trung tín trong việc diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su giữa dòng đời. Như vậy, đức tin của các môn đệ mong manh nhưng với Đức Giê-su và trong Chúa Thánh Thần, đức tin đó trở nên mạnh mẽ, năng động và cho phép họ cộng tác với Đức Giê-su, với Chúa Thánh Thần để làm cho ‘danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’.
IV. ĐỨC TIN TRONG ĐỜI SỐNG CÁC KI-TÔ HỮU
1. Đức tin được trao ban và củng cố
Ki-tô hữu là người được ‘sinh lại’ trong đức tin nhờ Bí Tích Rửa Tội mà Đức Giê-su loan báo và minh chứng trong hành trình trần thế của Người. Trong cuộc nói chuyện với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su bảo ông: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí” (Ga 3,5-6). Trước khi về trời, Đức Giê-su căn dặn các môn đệ thực thi sứ mệnh của Người là ‘làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ (Mt 28,19). Các môn đệ đã trung tín thực thi giáo huấn của Người. Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ viết: “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin” (Cv 6,7). Khi Phao-lô và Xi-la được giải thoát khỏi tù ngục cách lạ lùng, viên cai ngục hỏi các ngài: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu độ? Hai ông đáp: Hãy tin vào Chúa Giê-su, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ” (Cv 16,30-31). Thánh Phao-lô viết thư cho người môn đệ trẻ Ti-mô-thê: “Gửi anh Ti-mô-thê, người con tôi đã sinh ra trong đức tin. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, ban cho anh ân sủng, lòng thương xót và sự bình an” (1 Tm 1,2). Ngài cũng viết cho người môn đệ trẻ Ti-tô: “Tôi gửi lời thăm anh Ti-tô, người con tôi thực sự sinh ra trong cùng một đức tin chung” (Tt 1,4).
Đức tin của các Ki-tô hữu trở thành hiện thực khi họ nhận ra sự cần thiết phải gắn bó với Đức Giê-su để luôn hoán cải và liên đới với anh chị em trong cộng đoàn đức tin cũng như sống tình bác ái với mọi người. Biến Cố Đức Giê-su trong hành trình trần thế là Biến Cố ‘một lần cho tất cả’ nhưng đức tin của các Ki-tô hữu không phải ‘một lần cho tất cả’. Đức tin đó cần luôn được tái xác nhận, trình bày và áp dụng trong đời sống. Nói cách khác, đức tin của các Ki-tô hữu cần phải được chăm sóc, nuôi dưỡng, ‘nắng che gió chống’, để ngày càng được lớn lên, bằng không đức tin đó sẽ xuống cấp, mai một, lụi tàn. Giữa lòng thế giới, các Ki-tô hữu luôn đối diện với muôn vàn thử thách làm cho đức tin ‘dễ bị lay chuyển’. Tuy nhiên, thử thách cũng là dịp làm cho đức tin của các Ki-tô hữu ngày càng trưởng thành hơn như thánh Gia-cô-bê viết: “Đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,3-4). Do đó, các Ki-tô hữu được mời gọi không ngừng hướng về Đức Giê-su để nhờ Người, với Người và trong Người, đức tin của mình ngày càng được kiên vững và trổ sinh hoa thơm trái ngọt.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các Ki-tô hữu lại cần Đức Giê-su củng cố đức tin? Thưa, tại vì ma quỷ, thế gian, xác thịt và nhiều hình thức cám dỗ khác luôn ‘tìm mồi cắn xé’ làm cho tâm hồn các Ki-tô hữu xao xuyến, lung lạc (1 Pr 5,8). Giữa biển đời đầy phong ba bão táp, nếu con người không được Đức Giê-su nâng đỡ phù trì thì không thể đứng vững được. Đó là lý do tại sao Đức Giê-su đặt câu hỏi: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8). Đặc biệt, trong thế giới hôm nay, đức tin của các Ki-tô hữu phải đối diện với nhiều hình thức bóng tối, chẳng hạn như bóng tối của chủ nghĩa tiêu thụ (consumerism), chủ nghĩa tương đối (relativism), chủ nghĩa duy lý (rationalism). Quả thực, tự thân, con người khó có thể thực thi giáo huấn của Đức Giê-su và sống theo thánh ý Thiên Chúa cách trung tín.
Dưới nhãn quan của tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa” (Dt 12,2). Đức Giê-su, Đấng khai mở (Ἀρχηγός/ Pioneer) và Đấng kiện toàn (Τελειωτής/ Perfecter) lòng tin hay đức tin, nghĩa là Người khơi dậy đức tin chân chính trong tâm hồn con người và đưa đức tin đó tới mức vẹn toàn khi con người được kết hiệp với Thiên Chúa cách viên mãn. Lời của tác giả thư gửi tín hữu Do-thái vọng lại lời của tác giả sách Khải Huyền về Đấng là An-pha (Α/ Ἄλφα) và Ô-mê-ga (Ω/ ὦμεγα) là Khởi Nguyên (Ἀρχὴ) và Tận Cùng (Τέλος, Kh 21,6). Tương tự như vậy, lời của tác giả thư gửi tín hữu Do-thái vọng lại lời của thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê rằng Đức Giê-su vừa là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo (Πρωτότοκος πάσης κτίσεως, Cl 1,15), vừa là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống lại (Πρωτότοκος ἐκ τῶν νεκρῶν, Cl 1,18). Quả thực, Đức Giê-su là Đấng khai mở đức tin cho con người để con người có thể tiến về nơi cực thánh của Thiên Chúa như tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Thưa anh em, nhờ máu Đức Giê-su đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt 10,19-20). Đồng thời, Đức Giê-su cũng là Đấng kiện toàn đức tin của con người, nghĩa là cho phép con người chiêm ngưỡng Thiên Chúa, Đấng mà con người hằng khao khát mong mỏi bao lâu còn rong ruổi giữa trần thế. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái khuyên dạy rằng nhờ các chứng nhân đức tin: “Chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta” (Dt 12,1).
Đức Giê-su luôn mời gọi các Ki-tô hữu hãy noi gương Người mà củng cố đức tin cho nhau. Trong Giáo Hội sơ khai, thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba vừa loan báo Tin Mừng, vừa củng cố đức tin cho những người mới nhập Đạo: “Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa" (Cv 14,22). Thánh Phao-lô chỉ dạy các Ki-tô hữu: “Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình” (Rm 15,1). Thánh nhân chia sẻ với các tín hữu Cô-lô-xê: “Tuy xa cách về thể xác, nhưng tôi vẫn ở với anh em về tinh thần, và vui mừng thấy anh em giữ hàng ngũ và vững tin vào Đức Ki-tô” (Cl 2,5). Trong thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh nhân viết: “Chúng tôi đã phái anh Ti-mô-thê, người anh em của chúng tôi và cộng sự viên của Thiên Chúa trong việc loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô; anh đến để làm cho anh em được vững mạnh, và khích lệ đức tin của anh em” (1 Tx 3,2).
Đức tin là ánh sáng soi đường cho con người. Ánh sáng đó có thể lớn lên theo năm tháng và trở thành ngọn lửa bừng cháy luôn mãi. Tuy nhiên, ánh sáng đó cũng có thể tàn lụi khi phải đối diện với muôn hình thức bóng tối của thế gian. Chính ánh sáng đức tin củng cố đời sống con người và làm cho đời sống con người ngày càng được phong phú hơn. Tuy nhiên, khi ánh sáng đức tin tàn lụi cũng là khi đời sống con người phải đối diện với những khó khăn, chán chường, không lối thoát. Trong Thông Điệp đầu tiên của mình mang tên là ‘Ánh Sáng Đức Tin’ (Lumen Fidei, 2013), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Đức tin không phải là ánh sáng xua tan bóng tối của chúng ta, nhưng là ngọn đèn dẫn bước chúng ta trong đêm và đủ cho cuộc hành trình” (Lumen Fidei 57). Điều này có nghĩa rằng chúng ta luôn phải đối diện với nhiều thách đố, nhiều khó khăn trong hành trình đức tin của mình: Những khó khăn nảy sinh trong đời sống cá nhân, trong các hình thức cộng đoàn hay nhiều hình thức khó khăn khác trong thế giới thụ tạo. Trong tác phẩm Pensées, Blaise Pascal (1623-1662) viết: “Trong đức tin, có đủ ánh sáng cho những ai muốn tin và có đủ bóng tối để làm mù mắt những ai không tin” hay: “Có đủ ánh sáng cho những ai mong muốn nhìn thấy và có đủ bóng tối cho những ai có khuynh hướng ngược lại.”
2. Đức tin và các nhân đức chính yếu
Đức tin, đức cậy và đức mến: Trong các thư của mình, thánh Phao-lô nhiều lần quảng diễn tương quan giữa đức tin, đức cậy (hy vọng) và đức mến (tình yêu), chẳng hạn như ngài viết cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: “Chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ” (1 Tx 5,8). Lịch sử Giáo Hội luôn đề cao tương quan của ba nhân đức đối thần này, chẳng hạn như Công Đồng Vatican II xác quyết: “Noi gương Công Đồng Trentô và Vaticanô I, Công Đồng này muốn trình bày giáo lý chân thực về mạc khải của Thiên Chúa và lưu truyền mạc khải ấy, để khi nghe công bố ơn cứu độ, toàn thể nhân loại tin theo, để nhờ tin mà hy vọng, và nhờ hy vọng mà yêu mến” (DV 1). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Đức tin mà không có đức cậy và đức mến, sẽ không kết hợp trọn vẹn người tín hữu với Đức Ki-tô và không làm cho họ trở nên chi thể sống động trong Thân Thể Người” (GLGHCG 1815). Cũng theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Cùng với ơn công chính hóa, Thiên Chúa ban cho chúng ta đức tin, cậy và mến, và ơn biết phục tùng thánh ý Chúa” (GLGHCG 1991). Đặc biệt, trong Thông Điệp ‘Ánh Sáng Đức Tin’, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đề cao sự liên kết hòa hợp giữa ba nhân đức trong cuộc lữ hành của các Ki-tô hữu hướng về cánh chung như sau: “Được đan kết cách tuyệt diệu, đức tin, đức cậy và đức mến là động lực của đời sống Ki-tô hữu hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa” (Lumen Fidei 7).
Đức tin và đức mến: Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng khi chúng ta tin tưởng vào ai thì yêu thương người đó. Đồng thời, đức tin càng năng động, mạnh mẽ bao nhiêu thì tình yêu càng chân thực, sắt son, vững bền bấy nhiêu. Quả thực, chúng ta không thể nói rằng chúng ta yêu mến Thiên Chúa khi chúng ta không đặt đức tin của chúng ta nơi Người. Thánh Phao-lô viết: “Quả thật, trong Đức Ki-tô Giê-su, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6). Đức tin của các Ki-tô hữu là đức tin vào tình yêu của Thiên Chúa được tỏ bày nơi Đức Giê-su, Đấng xuống thế làm Người, sống thân phận con người, giống con người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết và phục sinh vì con người. Đặc biệt, Người ở cùng với mọi người trong gia đình nhân loại cho đến tận thế, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể. Chính tình yêu của Đức Giê-su đã làm cho đức tin của các môn đệ được vững mạnh. Trong thư gửi Ti-mô-thê, thánh Phao-lô viết: “Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người” (1 Tm 1,14). Ngài căn dặn Ti-mô-thê: “Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy” (2 Tm 1,13).
Đức tin và đức cậy: Khi Đức Giê-su nâng đỡ đức tin của những ai theo Người cũng là khi họ được phù trì nâng đỡ. Nói cách khác, khi Đức Giê-su nâng đỡ đức tin các tín hữu cũng là khi Người gia tăng hy vọng và làm cho các tín hữu có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Dưới nhãn quan của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI, đức tin và hy vọng định nghĩa lẫn nhau hay hòa trộn trong nhau, đức tin và hy vọng có thể thay thế cho nhau (Spe Salvi 2). Do đó, ai hy vọng chân thành thì người đó cũng có đức tin tinh tuyền và ai có đức tin tinh tuyền thì người đó cũng hy vọng chân thành. Thánh Phao-lô khuyên dạy tín hữu Cô-lô-xê: ”Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi nghe loan báo Tin Mừng. Tin Mừng này đã được rao giảng cho khắp thiên hạ, và tôi, Phao-lô, tôi đã được trở nên người phục vụ Tin Mừng” (Cl 1,23). Ngài viết thư cho các tín hữu Rô-ma: “Kinh Thánh nói: Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng” (Rm 10,11). Thánh Phê-rô mời gọi các tín hữu: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3,15). Đặc biệt, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1).
Đức tin và sự công chính: Đức tin và sự công chính liên hệ mật thiết với nhau, chẳng hạn, khi rao giảng cho người Do-thái, thánh Phao-lô nói: “Trong khi anh em không thể được giải thoát khỏi tội lỗi mà trở nên công chính nhờ tuân giữ Luật Mô-sê, thì nhờ Người [Đức Ki-tô], mọi kẻ tin đều được nên công chính” (Cv 13,38-39). Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết: Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1,17); “Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10); “Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin” (Gl 3,24). Đặc biệt, thánh Phao-lô khuyên dạy tín hữu Ê-phê-xô: “Hãy đứng vững: Lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa” (Ep 6,14-17). Nhờ tin vào Đức Giê-su, các tín hữu có thể sống công chính thánh thiện giữa thế giới đầy giông tố bão bùng. Nói cách khác, ai ở lại trong đức tin vào Đức Giê-su thì sống công chính nhờ luôn ý thức về sự quan phòng của Thiên Chúa và thực thi thánh ý Người như Đức Giê-su đã minh chứng và thực thi trong hành trình trần thế của Người.
Đức tin và sự vâng phục: Đức tin giúp con người vâng phục Thiên Chúa, nghĩa là con người biết nhìn nhận những yếu đuối bất toàn của mình và thực thi giáo huấn của Người. Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết: “Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa” (Rm 16,26). Khi con người vâng phục Thiên Chúa cũng là khi con người biết luôn ý thức về việc định hướng tư tưởng, lời nói và việc làm của mình theo thánh ý Người. Đặc biệt, khi con người vâng phục Thiên Chúa cũng là khi con người nhận ra lòng thương xót của Người đối với bản thân mình cũng như anh chị em đồng loại và muôn vật muôn loài. Viết thư cho các tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô quả quyết: “Chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Đức Ki-tô. Chúng tôi sẵn sàng sửa trị mọi kẻ bất tuân, một khi anh em đã hoàn toàn vâng phục” (2 Cr 10,4-6). Như vậy, đức tin tinh tuyền và vững mạnh giúp con người ngày càng biết phó thác hơn, tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa hơn và thực thi thánh ý Thiên Chúa cách trọn vẹn hơn trong cuộc sống mình.
Đức tin và lý trí: Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa; vì thế, những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có” (Dt 11,3). Điều này có nghĩa rằng đức tin mở đường và cho phép con người lĩnh hội những điều mà với lý trí tự nhiên mình không thể tiếp cận hay vươn tới. Tuy nhiên, ‘cái biết’ nhờ đức tin phân biệt với ‘cái biết’ qua các hình thức trung gian khác, chẳng hạn như ‘cái biết’ nhờ giác quan, ‘cái biết’ nhờ loại suy, ‘cái biết’ nhờ các dấu chỉ. Hai não trạng khá phổ biến của con người trong lịch sử nhân loại về tương quan giữa đức tin và lý trí là ‘duy tín’ (fideism) và ‘duy lý’ (rationalism). Mặc khải Ki-tô Giáo không có chỗ cho những quan điểm ‘duy’ (-ism) như vậy. Đức tin và lý trí hay mặc khải của Thiên Chúa và trí khôn của con người không chống lại nhau nhưng hỗ trợ nhau và giúp con người nhận diện rõ hơn về các thực tại. Một trong những nhân vật đặc biệt giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về tương quan giữa đức tin và lý trí là thánh Au-gút-ti-nô (354-430). Tư tưởng của thánh nhân về tương quan này như sau: ‘Intellege ut credas, crede ut intellegas’, nghĩa là ‘hiểu để tin, tin để hiểu’ (St. Augustine: Sermo 43, 79: PL 38, 257-258. Cf. John Paul II, Redemptor Hominis 19). Còn thánh An-sen-mô (1033-1109) định nghĩa thần học như sau: Thần học là Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết (fides quaerens intellectum - faith seeking understanding). Thánh nhân còn khẳng định: "Tôi không tìm hiểu biết để tin, nhưng tôi tin để hiểu biết. Tôi cũng tin rằng khi tôi không tin, tôi sẽ không hiểu biết" (St. Anselm, Proslogium, Chapter I). Đức tin giúp con người không chỉ ‘thông minh hơn’ mà còn ‘khôn ngoan hơn’ trong việc tiếp cận, đánh giá, lượng định các thực tại để có được cái nhìn đúng đắn hơn về thế giới quanh mình. Toát Yếu Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Dù đức tin vượt lên trên lý trí, nhưng không bao giờ có mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học, vì cả hai đều có cùng một cội nguồn là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa ban ánh sáng lý trí và đức tin cho con người” (TYGLGHCG 29). Mở đầu Thông Điệp ‘Đức Tin và Lý Trí’ (Fides et Ratio, 1998), thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Đức tin và lý trí như đôi cánh nhờ đó tâm hồn con người vươn tới sự chiêm ngưỡng chân lý” (Fides et Ratio 1). Theo ngài, đức tin và lý trí tiếp cận thực tại theo những cách thức khác nhau hầu giúp con người có được cái nhìn và cảm thức đúng đắn hơn về các thực tại cũng như tương quan giữa chúng, đặc biệt, nhờ đức tin và lý trí, con người có thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa là Chân Lý Tối Hậu cũng như Nguyên Nhân và Cứu Cánh của con người và muôn vật muôn loài.
3. Hoa trái của đức tin
Đức tin của các Ki-tô hữu là đức tin nhập thể (incarnational faith) đặt trên nền tảng Biến Cố Đức Giê-su giữa gia đình nhân loại. Do đó, ‘đức tin có hình có dạng’ của các Ki-tô hữu cần được thể hiện trong mọi môi trường sống của con người và làm cho các môi trường đó được thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa mà Đức Giê-su diễn tả trong hành trình trần thế của Người. Cụ thể là Ki-tô hữu không chỉ quan tâm đến việc tuyên xưng đức tin (confession of faith) mà còn có bổn phận đối với đức tin (commitment of faith). Nói cách khác, đức tin cần phải đi đôi với việc làm, bằng không, đức tin đó vẫn luôn trừu tượng. Thánh Gia-cô-bê viết: “Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26). Đức tin và việc làm ‘định nghĩa cho nhau’ và ‘giải thích cho nhau’. Thánh Phao-lô viết: “Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6,10); “Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không có đức tin” (1 Tm 5,8). Tương tự như vậy, trong thư gửi anh Gai-ô, thánh Gio-an viết: “Anh thân mến, anh hành động theo đức tin trong mọi việc anh làm cho các người anh em, dù họ là những người xa lạ” (3 Ga 1,5).
Như được đề cập ở trên, đức tin Ki-tô hữu là ‘đức tin vào’, nghĩa là dõi theo Đức Giê-su, hành động theo lời Đức Giê-su giữa những bấp bênh, biến đổi không ngừng của thế sự. Đức tin của các Ki-tô hữu luôn sống động bởi vì đức tin đó là động lực giúp con người hướng về Thiên Chúa để thiết lập tương quan mật thiết với Người, với anh chị em và với muôn vật muôn loài. Nhờ đức tin, con người ngày càng trưởng thành hơn trong hành trình bước theo chân Đức Giê-su để phục vụ anh chị em mình. Nghĩa là các Ki-tô hữu đến với anh chị em như Đức Giê-su đã đến, yêu anh chị em như Đức Giê-su và phục vụ anh chị em như Đức Giê-su đã phục vụ. Nói cách khác, nhờ đức tin, các Ki-tô hữu có thể thiết lập các tương quan lành mạnh và thực thi thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình.
Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng đức tin chân thành đem lại hiệu quả lớn lao là làm cho con người ‘trở thành người hơn’, nghĩa là làm cho phẩm giá con người ngày càng được tôn trọng và thăng tiến. Với đức tin, con người biết tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Con người có thể nhận diện rõ hơn sự quan phòng của Người đối với bản thân mình cũng như với anh chị em và muôn vật muôn loài. Sự trưởng thành trong đức tin dẫn tới sự trưởng thành các chiều kích khác của cuộc sống hầu làm cho con người được phát triển toàn diện. Đức tin chân thành giúp con người biết cộng tác với ơn thiêng Thiên Chúa ban tặng hầu làm cho tâm trí mình được trong sáng hơn để có thể nhận ra những dấu chỉ của Người, đọc được những dấu chỉ đó và thực thi theo những dấu chỉ đó cách trung tín nhất.
Đức tin cho phép con người biết chấp nhận, biết ôm lấy, biết cảm thông với những gì xem ra trái ngược, bất thường, vô lý. Đức tin giúp con người phát triển khả năng đón nhận sự đa dạng, khả năng đón nhận sự khác biệt hay khả năng đối diện với nghịch cảnh. Chẳng hạn, đức tin giúp con người không ngạc nhiên trước sự kiện lúa và cỏ lùng cùng tồn tại trong một thửa ruộng; người tốt và kẻ xấu cùng đi với nhau; người thánh thiện và kẻ bất lương cùng sống trong một cộng đoàn. Đức tin cho phép con người nhận thức rằng nơi thánh thiện nhất trong môi trường thế giới thụ tạo vẫn luôn có sự hiện diện của nhiều thế lực bóng tối. Đức tin giúp con người không ngạc nhiên khi trong các môn đệ Đức Giê-su lại có Giu-đa. Đức tin giúp con người hiểu rằng không ai thánh thiện đến nỗi không cần được biến đổi, cũng không ai tội lỗi đến mức nằm ngoài ‘biên giới' lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức tin giúp con người có tâm thức bao dung rằng ai cũng có khả năng biến đổi nếu họ biết cộng tác với Thiên Chúa và anh chị em mình cho một tương lai tốt đẹp hơn. Đức tin giúp con người có tầm nhìn vượt qua những sự vật, hiện tượng, biến cố xem như tất định, chóng qua, không lối thoát, chẳng hạn như nhận xét của tác giả sách Giảng Viên: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: Một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây… một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy… một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hòa” (Gv 3,1.2.4.8). Đức tin giúp con người ý thức, cảm nhận và thực thi theo kết luận cuối cùng của tác giả sách Giảng Viên: “Hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người, vì Thiên Chúa sẽ đưa ra xét xử tất cả mọi hành vi, kể cả những điều tiềm ẩn, tốt cũng như xấu” (Gv 12,13-14).
Trong tác phẩm Tự Thuật, thánh Au-gút-ti-nô chia sẻ kinh nghiệm đức tin, kinh nghiệm hoán cải của ngài là nhờ đọc thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma. Đặc biệt, hai câu đánh động ngài nhất là: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14). Ngài kể rằng khi đọc xong hai câu này, ngài không đọc thêm nữa, bởi vì dường như có ánh sáng an toàn thấm nhập trái tim ngài, đồng thời, mọi nghi ngờ tan biến (St. Augustine, The Confessions, Book VIII,12,29). Đối với thánh nhân, nhờ Đức Giê-su, với Đức Giê-su và trong Đức Giê-su, con người vừa là thành phần của ‘thành đô Thiên Chúa’ (de civitate Dei/ the city of God) vừa là thành phần của ‘thành đô trần thế’ (de civitate terrena/ the earthly city). Thành đô Thiên Chúa thì vĩnh cửu, siêu việt, còn thành đô trần thế thì tạm thời, bất ổn. Con người được mời gọi sống trong thành đô trần thế như là sự chuẩn bị cho thành đô Thiên Chúa. Con người sống trong không gian, thời gian với lòng tin tưởng rằng mình sẽ được tham dự thành đô Thiên Chúa viên mãn với điều kiện là hiệp nhất nên một với Đức Giê-su và sống theo những giá trị của thành đô Thiên Chúa mà Đức Giê-su loan báo và minh chứng trong hành trình trần thế của Người. Dưới nhãn quan của Công Đồng Vatican II, nhất là ‘Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay’, nhờ Đức Giê-su, thành đô Thiên Chúa và thành đô trần thế liên hệ mật thiết với nhau bởi vì Đức Giê-su là Thiên Chúa nhưng đã trở nên người phàm, mang lấy những yếu tố trần thế, những yếu tố của thế giới thụ tạo. Nhờ đó, con người được cứu độ và vạn vật được biến đổi theo thánh ý Thiên Chúa (GS 58.82).
Đức tin của các Ki-tô hữu nảy sinh từ Biến Cố Đức Giê-su giữa gia đình nhân loại. Biến cố này vẫn tiếp tục hiện diện và hoạt động cho đến thời cánh chung khi Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài trong Đức Giê-su. Do đó, những ai nhìn nhận Đức Giê-su là Thầy và là Bạn của mình thì được mời gọi loan báo Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại. Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giê-su phục sinh làm cho thánh Phao-lô trở thành sứ giả của Người. Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh nhân viết: “Tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin” (Rm 1,16). Đặc biệt, thánh nhân đề cao sự cần thiết trong việc loan báo Tin Mừng cho mọi người: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng!” (Rm 10,14-15). Các Ki-tô hữu được mời gọi cộng tác với Đức Giê-su, cộng tác với ơn Thiên Chúa, hầu làm cho đức tin mà mình đón nhận được lan tỏa theo gương các chứng nhân Tin Mừng như lời thánh Phao-lô: “A-pô-lô là gì? Phao-lô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban” (1 Cr 3,5). Việc loan báo Tin Mừng không chỉ cho những người chưa lãnh nhận đức tin mà còn cho những người đã lãnh nhận đức tin nhưng lại chối bỏ đức tin, những người đã lãnh nhận đức tin nhưng đức tin sai lạc, những người đã lãnh nhận đức tin nhưng đức tin hời hợt, những người đã lãnh nhận đức tin nhưng thờ ơ lãnh đạm với đức tin của mình.
KẾT LUẬN
Con người thật nhỏ bé giữa vũ trụ bao la, vô cùng vô tận. Những hiểu biết của con người về bản thân, về anh chị em, về muôn vật muôn loài thật hạn chế so với những gì chưa biết. Tận đáy lòng, không ai thỏa mãn với những gì trong không gian, thời gian; những gì chóng qua, tạm bợ. Con người biết rằng muôn vật muôn loài đều phải đối diện với cảnh hư nát, tàn lụi. Đặc biệt, con người biết rằng không ai trong gia đình nhân loại hay quyền lực nào trong vũ trụ có thể cứu mình khỏi chết. Những ưu tư về bản thân, về gia đình nhân loại, về các tương quan trong xã hội cũng như giữa vạn vật không ngừng nảy sinh trong tâm hồn con người. Đặc biệt, sự khao khát về chân, thiện, mỹ tuyệt đối không ngừng thôi thúc con người tìm kiếm câu trả lời. Đức tin cho phép con người tiếp cận những thực tại mà kinh nghiệm và trí khôn của mình không thể vươn tới. Đức tin cho phép con người kết nối đất với trời, hữu hình với vô hình, giới hạn với vô biên, thời gian với vĩnh cửu, sự chết với sự sống.
Đối với các Ki-tô hữu, đức tin là ân sủng của Thiên Chúa ban tặng cho con người và là ‘lời con người’ đáp lại ‘lời Thiên Chúa’. Nhờ đó, con người vâng phục Thiên Chúa và thực thi thánh ý Người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình. Trọng tâm của đức tin Ki-tô Giáo đặt nền tảng trên Đức Giê-su, Con Yêu Dấu của Thiên Chúa. Nhờ Người và trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa đã sáng tạo, cứu độ, thánh hóa con người cũng như muôn vật muôn loài. Đức Giê-su đã sống thân phận con người như chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Người đã loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, nâng đỡ những người đau thương, giải thoát những người bị giam cầm bởi các thế lực sự dữ. Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết, phục sinh và lên trời. Đồng thời, Người ở lại với mọi người trong gia đình nhân loại cho đến tận thế, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể để con người được tham dự sự sống đời đời ngay trên hành trình trần thế này. Đức tin Ki-tô Giáo mời gọi mọi người biết cộng tác với Thiên Chúa và với nhau trong việc hoán cải bản thân dựa trên những tiêu chuẩn và giá trị của Nước Thiên Chúa để được hiệp nhất nên một với Người trong hành trình tiến về Quê Hương vĩnh cửu.
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng Người là Đường (Ga 14,6). Những trình bày trên đây cho phép chúng ta kết luận rằng Đường Đức Giê-su là Đường Củng Cố Đức Tin. Bởi vì, qua việc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa và thực thi những phép lạ, chẳng hạn như chữa bệnh, trừ quỷ, hồi sinh kẻ chết hay tha tội, Đức Giê-su tỏ bày lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa đối với mọi người. Đồng thời, Người khơi dậy, củng cố đức tin và giúp mọi người có động lực hướng về những gì cao thượng, tốt đẹp, viên mãn trong khi phải đối diện với muôn hình thức bấp bênh, đau khổ, thách đố của cuộc sống thường ngày. Đường Củng Cố Đức Tin của Đức Giê-su vẫn luôn hiện diện và hoạt động giữa gia đình nhân loại cho đến tận thế qua Giáo Hội mà Người thiết lập. Nhờ ánh sáng đức tin, mọi người vững bước trong tình yêu và hy vọng vào tương lai xán lạn khi Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài trong Đức Giê-su, Con Yêu Dấu của Người. Hiệp lòng với các môn đệ Đức Giê-su trong hành trình theo Người loan báo Tin Mừng, chúng ta thân thưa với Người: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con" (Lc 17,5). Nhờ đó, lời của Người đối với thánh Tô-ma trong Tin Mừng trở nên hiện thực nơi chúng ta: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29).
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên
Nguồn: hdgmvietnam.com