Hành chánh kiến theo Giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo
Mở đầu bài giảng Chánh kiến, Đức Thầy viết: “Phàm con người thường hay bị bản ngã lôi cuốn, trí mờ ám làm cho sai chạy ít nhiều sự thật”. Chữ phàm ở đây là chỉ định từ nói chung, bao quát, hễ là người tất nhiên không tránh khỏi “bị bản ngã lôi cuốn”.
Bản ngã là gốc của cái ta, cái tôi cá biệt, do kiến chấp “ngã và ngã sở” (của mình vì mình) … đối lập với “nhân” (người, kẻ khác). Từ đó mới sinh khởi tính lợi kỷ, tư thù nên lý trí bị mờ ám, khi suy nghĩ nói làm phải bị sai chạy ít nhiều sự thật. Đó gọi là tà kiến, trái với Chánh Kiến “Dòm thấy, xem đúng theo sự thật”. Khi đã bị bản ngã lôi cuốn sanh ra 3 hành trạng tà: “Khi vì thiếu sự sáng suốt, khi vì tư thù, khi vì lợi kỷ khiến cho con người không biết đường ngay nẻo thẳng nên sự phán đoán không công bình chánh đáng, làm cho kẻ khác chịu oan tình”.
- “Khi vì thiếu sự sáng suốt” là nguyên nhân cơ bản vốn có ở mỗi con người không phân biệt kẻ ngu người trí đều mắc phải ít hay nhiều. Phật dạy “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Đức Huỳnh Giáo Chủ dịch giải: “Các chúng sanh đều có như ta / Bị vô minh vọng tưởng vạy tà / Nên quay lộn ta bà cõi khổ”. Tất cả chúng sanh đều có sẵn tánh Phật (tánh thể linh mình tròn đầy sáng suốt như Phật) song vì bất giác vọng động trần lao tà tịch trong suy nghĩ, nói làm không đúng với sự thật tạo thành vô vàn nghiệp chướng bị luật nhân quả chi phối mà thọ báo khổ vui trong 3 cõi 6 đường. Có những sự khổ không phải do người hay do hoàn cảnh, mà do ở lòng Tà kiến gây ra. Chuyện người đi đêm giữa đường thấy rắn hoảng hốt la lên sự sợ hãi làm y khổ não, kịp có người giúp cho ngọn đuốc soi lại thấy rõ là sợi dây thừng sự khổ não trong lòng tự dưng tan biến.
Sơ giải về Tứ Diệu Đề, Đức Huỳnh Giáo Chủ viết: “Vì linh hồn chưa hoàn toàn tròn Đạo hạnh mà đắc quả vị nên còn phải đầu thai làm con người thế gian” đã làm người thế gian thế tất không tránh khỏi ít nhiều tà kiến. Nhắc lại lịch sử xưa - thời Hậu Lê, vụ án Lệ Chi Viên phải chờ đến 18 năm sau mới được giải oan đủ cho thấy tai hại của Tà kiến đến ngần nào. “Chuyện 2 đứa trẻ tranh cãi mặt trời gần - xa” Khổng Tử là bậc (vạn) thế sư biểu cũng không can dự.
- “Khi vì tư thù” tức sự thấy biết riêng ở góc độ nào đó rồi phán đoán thì làm sao đúng với sự thật được. Ca dao có câu: “Thương nhau trái ấu cũng tròn / Ghét nhau bồ hòn cũng méo”, “Thương nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười”, “Thương nhau thương cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”.
Ngày nay nhờ Internet - mạng thông tin toàn cầu - con người mới mở rộng thêm tầm nhìn, tuy nhiên cũng chưa hẳn 100% là sự thật, cho nên người xem phải vận dụng lý trí phân tích, phối kiểm suy xét một cách cẩn thận để tránh những nhận định sai lầm. Đức Thầy đã cho biết: “Ghét người thì kiếm chuyện dệt thêu / Thương viện lẽ thấp cao bào chữa”.
- “Khi vì lợi kỷ”. Kỷ là mình là ta, là cái tôi dục vọng mê lầm; cái gì lợi cho ta là đúng, cái gì bất lợi cho ta dẫu biết không đúng mà cũng viện dẫn cớ này lẽ nọ để ngụy biện bào chữa cho bằng được cái lợi cho mình dẫu oan khuất cho ai cũng mặc, sống theo lối sống chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, vị lợi; bo bo chấp giữ những thiển kiến sai lầm không dám hy sinh cái riêng để phụng sự cái chung cho đồng bào, quốc gia, nhân loại. Nói rộng hơn chỉ vì lợi ích cho gia đình mình, tổ chức mình, Tôn giáo mình…; chỉ biết cái hiện thực của cõi trần gian giả tạm, biết là giả tạm mà vẫn bảo thủ chặt chịa một cách mê lầm: “Chỉ biết mê man theo những vật nhỏ nhen mau tan mau rã, chỉ biết tin bướng làm càn, không tìm hiểu con đường giải thoát”.
Bởi 3 nguyên nhân nói trên mới có sai lầm “nhận không rằng có, nhận có rằng không, thấy tà nói chánh, gặp chánh tưởng tà” (Tứ Diệu Đề). Nếu là người có trách nhiệm cầm cân nẩy mực sẽ làm cho kẻ khác chịu oan tình rất đáng lưu tâm suy gẫm.
Đời là vở kịch trường thiên luôn tiếp diễn từng điệp khúc bi hài, cái đúng cái sai vẫn còn trong tương đối. Biết thế, không phải để vô tư điềm nhiên tọa thị phó mặc cho đời, cho vận mệnh rủi may. Nếu không có trách nhiệm với người thì cũng có bổn phận “của mình đối với mình… Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc đạo an bần xả thân tu tỉnh”.
Đức Huỳnh Giáo Chủ là bậc đại giác lẽ ra đã “ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần đặng chịu cảnh chê khen. Vì lòng từ ái chứa chan thương bách tính tới hồi tai họa…”. Vì “Thấy biển khổ đâu an lòng đặng, Xông thuyền ra cứu vớt sanh linh”, Ngài đã cứu khổ sanh linh cả hai mặt đạo, đời. Đạo thì khai mở tâm linh bằng con đường chánh giác. Đời thì cổ động lòng yêu nước của toàn dân, đứng lên quật khởi đấu tranh tháo gỡ xích xiềng nô lệ: “Nghiêng hai vai gánh nặng non sông / Vớt trăm họ lầm than bể khổ”. Còn chúng ta những tín đồ thuần thành phải nỗ lực học hỏi, nghiền ngẫm đến mức thấu hiểu để thực hiện bổn phận và trách nhiệm làm người đúng theo yêu cầu của đạo pháp.
Để tránh khỏi tà kiến Đức Thầy dạy tiếp: “Vì thế mục Chánh Kiến dạy ta phải đem hết trí năng truy cứu các sự rắc rối, cẩn thận xem xét tránh sự lạc lầm trong khi phê đoán bất cứ việc gì dầu của mình hay của kẻ khác”. Lời tục nói “Việc người sáng mà việc nhà thì quáng”, việc của người có khi chúng ta hiểu rõ hơn việc của mình bởi cái thấy biết khách quan không bị bản ngã (chủ quan) lôi cuốn, không bị tư thù, lợi kỷ chen vào; còn việc của mình hay có liên quan đến mình có khi mờ mịt, nếu không phản quan tự kỷ (soi xét lại chính mình) sẽ có cái thấy biết sai chạy lạc lầm. Đức Thầy dạy: “Ai ai phải rán xét mình, Nếu còn tánh xấu thì rinh ra ngoài”. Dẹp bản ngã, tư thù, lợi kỷ rất khó như khiêng đồ vật nặng nề, chữ “rinh” của Đức Thầy dùng ở đây thật là đắc thế. Vậy trước khi phê đoán bất cứ việc gì phải “cẩn thận xem xét”, phải “đem hết trí năng truy cứu… quan sát cực điểm” bằng tâm bình, tánh tịnh, bằng tư tưởng thanh cao thì sẽ tìm ra chân lý cả 2 mặt Đạo lẫn Đời:
“Trí linh mẫn nhìn xem các chuyện
Phải đừng cho lầm lạc nẻo tà
Dầu việc người hay việc của ta
Nên phán đoán cho tường cho tận
Tội với phước xét coi nhiều bận
Mới khỏi lầm Tà kiến đem vào”
Điều thứ bảy trong Tám Điều Răn Cấm là qui giới tinh nghiêm trọng yếu, người trong Đạo phải ghi nhớ hành trì cho có được Chánh Kiến: “Điều thứ bảy:
Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay đạo đức, ta phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phán đoán việc ấy”, phần lớn sự sai lầm chánh kiến do thiếu suy xét hay không kịp suy xét, và có khi đã suy xét nhưng vì 3 lý do kể trên cũng bị sai lầm.
“Ác thứ mười đoạn chót mê si
Nguyên tăm tối từ hồi vô thỉ
Màn vô minh che mờ căn trí
Nên thường khi nhận ngụy làm chơn”
Vô minh tuy vô thỉ nhưng sẽ hữu chung nếu hành giả cố công tu tập từng bước gột rửa vô minh bằng công phu trau dồi trí huệ: “Mài gươm trí cho tinh cho khiết / Dứt tâm trần kiếm chữ sắc không”, hay là “Nếu ai mà biết chữ tu trì / Tâm bình tịnh được thì phát huệ”. Vô minh là nhân là duyên, là quả tương tác tương tạo của mỗi chúng sanh còn luân hồi sanh tử “Muốn diệt cái vô minh, trước phải điêu luyện khối tinh thần cho mạnh mẽ đặng tự lập con đường rõ ràng, duy nhất của mối đạo mình đang học để lấy đó làm cương mục mà bài trừ những thành kiến, cố chấp, thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu ngạo, tật đố, gièm siểm, dua nịnh, ích kỷ, tư tâm, sự gây gổ, mê đắm trong bể dục tình và sự phiền não nó làm cho náo loạn cõi lòng. Nên bài trừ được nó rồi trí huệ tất mở mang vậy”.
“Kiếm huệ dứt xong rồi quả báo
Lo gì cửa Phật chẳng chen vào”
Chen vào cửa Phật là “Nhập tri kiến Phật” (vào cái thấy biết giác ngộ như Phật) là đã phục hồi được chơn tánh linh minh mầu nhiệm thường tịch, thường chiếu, từ đó 4 đức Từ, Bi, Hỷ, Xả được khởi dụng thi vi mà không bị lạc lầm Tà kiến. Thường bất biến ở tự tâm mà tùy duyên tại ngoại để làm hết các việc từ thiện, tránh được các ác kiến, thường trong sạch ở tấm lòng ung dung tự tại. Nếu chưa được như thế, ít ra trước khi phê đoán việc gì cũng cần phải quan sát cực điểm, xét đoán tận tường. Được vậy mới lần lần dẹp được bản ngã, nuôi lớn trí huệ cho có cái thấy biết rõ ràng minh bạch phán đoán ngay thẳng công bình.
Hành giả còn đang trong vòng tu tập muốn hành đạt được chánh kiến không phải chỉ một sớm một chiều, phải gắng gổ công phu tinh tấn lâu bền từ lúc nhập môn cho đến lúc xác thân trả về cát bụi, không lúc nào lơ đễnh.
“Đường Đạo lý chớ nên chán nản
Phải bền lòng tầm Phật trong tâm
Phật Tây Phương thiệt quá xa xăm
Phải tìm kiếm ở trong não trí”
Có tu hành pháp Chánh kiến sẽ “giúp cho ta hiểu biết các điều tục lụy trong trần, biết được lẽ nhiệm mầu tôn giáo, khiến ta xua đuổi các điều tà mị, bỏ các sự say mê trở về với đạo lý, thoát đọa hồng trần. Nó tránh cho ta tất cả sự giả dối và nhờ thế nên ta khỏi bị lạc lầm trong khi hành Đạo”.
“Đạo với lý từ đây nhiều chỗ
Phải lọc lừa cho kỹ mà nhờ…”
“Tà với Chánh còn đương trà trộn
Người muốn tu phải sớm lọc lừa”
Sứ mạng của các Tôn giáo cũng nhằm nâng cao sự nghiệp giáo dục và đào tạo cho mỗi cá nhân được thăng hoa đến toàn chân, thiện, mỹ. Mọi người đều được quyền tự do tùy duyên lựa chọn và thực hành theo tôn chỉ giáo lý của Tôn giáo mình đang học để ứng dụng vào đời góp phần xây dựng xã hội công bằng hạnh phúc yên vui. Chứ không phải để lập thành kiến chấp riêng tư bởi lợi kỷ, tư thù, làm phân hóa khối đại đoàn kết toàn dân, làm suy yếu tiềm lực tự tồn của quốc gia dân tộc, bởi: “Nước mất thì cơ sở của đạo phải bị lấp vùi; Nước còn nền Đạo được phát khai rực rỡ”. Và cũng không có cái thấy biết riêng của quốc gia dân tộc mình mà làm phương hại đến các quốc gia dân tộc khác, cùng hướng tới tương lai xây dựng một thế giới đại đồng cho nhân loại bớt khổ đau, sớm được hạnh phúc yên vui hòa bình cộng lạc.
“Ấy là xong bốn biển hiệp một nhà
Không ganh ghét dứt câu thù hận oán
Trên kẻ trí lấy công bình phân đoán
Dưới vạn dân trăm họ được im lìm…”
Đó là cảnh thái bình trong tương lai mà Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật giáo Hòa Hảo hằng mơ ước:
“Ước mơ cho được Đại đồng
Tràn trề khắp cả, Lạc Hồng thảnh thơi”.
Lê Văn Ân
Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn