Học hạnh Đức Quán Thế Âm
Nếu lắng nghe, ta sẽ nghe được ba mình, mẹ mình lúc nào cũng thì thầm nói thương mình, lo lắng cho mình. Thứ âm ba phát ra tận đáy sâu tâm hồn ấy mình không phải chỉ nghe bằng tai mà bằng cả mắt - đôi mắt nhìn thiệt sâu, và quan trọng là bằng tâm - với sự nhạy cảm, giao cảm của mình với ba mẹ.
Nếu nghe theo cách ấy và không ngừng nghe theo cách ấy thì mình sẽ không bao giờ hành xử tác tệ với bản thân mình, bằng cách nạp vào những thứ độc tố từ đoàn thực (thức ăn, uống) đến xúc thực (những thụ hưởng về tinh thần do tiếp xúc từ sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). Bởi, mình hiểu, nếu mình sử dụng những độc tố ấy thì mình sẽ tích lũy dần dần, đi đến ngộ độc và bệnh (cả thân lẫn tâm), nghĩa là mình sẽ khổ, sẽ đau, đồng nghĩa với việc sẽ làm khổ ba, khổ mẹ mình.
Cũng bằng sự lắng nghe như thế, mình cũng sẽ nghe được người mình thương, bạn bè mình cũng đang thầm mong ước mình có niềm vui, hạnh phúc. Tất nhiên, đó là niềm an-vui trong chánh pháp, với những giá trị thiện lành được mình tạo tác từ việc nhận diện con đường trung đạo, biết tiết chế bản thân chứ không phải vui trong tạp nham, cấu uế, những niềm vui sanh ra do thỏa mãn những ham muốn của thế gian, và ngập ngụa trong đó.
Khi ấy, mình sẽ không thể hành xử có lỗi với họ, vì mình biết họ sẽ buồn, thậm chí sẽ tổn thương vì mình, vì những điều mình làm.
Nếu lúc nào mình cũng niệm "thần chú": "Tôi biết ai đó thương tôi nhiều lắm nên tôi sẽ không nghĩ điều xằng bậy, nói điều bá dơ, bá láp và không làm điều xấu xí" thì mình cũng đang "tu" đó. Chữ tu mang ý nghĩa là mình đang sửa ý-khẩu-thân, chặn đứng tam nghiệp xấu ác mà rất có thể nó sẽ trỗi dậy khi mình thiếu sợi dây neo đậu tâm hồn là tình thương của ai đó dành cho mình, cũng như sự trân trọng mình dành cho người đó.
Và, nếu lắng nghe, hiểu, và thương nhau thiệt tình, thì mình sẽ không bao giờ "dám" làm điều trái khoáy dẫu khi mình làm người ấy cũng không biết, thậm chí suốt đời họ cũng không biết. Chữ lương tâm ngay lúc này sẽ được gắn như một nhãn mác vào những ai kịp dừng lại trước "barie" mang tên còn thương và tôn trọng người khác - ở chỗ mình còn biết nghĩ tới một ai đó, một điều gì đó thiêng liêng để giữ gìn. Đồng thời, đó cũng là biết nghĩ và thương chính mình, bởi, rồi một mai nào đó, dẫu bí mật mãi mãi không "bật mí" thì mình cũng cắn rứt khôn nguôi.
Do vậy, học hạnh Đức Quán Thế Âm, thực tập công hạnh lắng nghe và hiến tặng bằng an chính là ở chỗ như thế, nó vi tế nhưng thực tế đến vô ngần. Vì, nếu thuần thục, ta sẽ vừa "cứu" mình, vừa "cứu" người khỏi khổ, khỏi đau đó đa!
Lưu Đình Long
Nguồn: giacngo.vn