Hơn 7.500 ký giả đăng ký tại Phòng Báo chí Tòa Thánh để đưa tin về Mật nghị
Cha Álvaro Bayan, một linh mục Tây Ban Nha làm việc tại Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết thông thường, có khoảng 600 nhà báo được cấp phép thường kỳ tại Tòa Thánh, nhưng con số này đã tăng vọt trong thời gian gần đây. Theo cha, "hơn 7.500 nhà báo đã yêu cầu được cấp phép để đưa tin về cuộc bầu cử Giáo hoàng mới".
Các nhà báo này sẽ công bố với toàn thế giới, bằng hơn 20 ngôn ngữ, về người kế vị mới của Thánh Phêrô.
Tận dụng cơ hội loan báo về Chúa Kitô
Cha Bayan nhận xét về con số ký giả đông đảo này: "7.500 người thực sự có mặt ở đây để nói với toàn thế giới về những gì đang diễn ra. Đây là một con số ấn tượng khẳng định rằng Giáo hội quan trọng, theo cách này hay cách khác".
Đối với Cha Bayan, sự chú ý của giới truyền thông là một cơ hội: “Chúng ta, những người Công giáo, hoặc ít nhất là các linh mục, tu sĩ, những người tích cực hoạt động loan báo Tin Mừng, phải tận dụng sự bùng nổ này, sự chú ý của giới truyền thông, để làm cho danh Chúa Giêsu được biết đến nhiều hơn và tốt đẹp hơn”.
Thách đố về mặt hậu cần
Cha Bayan cũng cho biết, khi Đức cố Giáo hoàng nhập viện, khoảng 3.000 ký giả đăng ký theo dõi tình hình sức khỏe của ngài. Nhưng từ khi ngài qua đời và sau đó để đưa tin về Mật nghị, hiện tại đã có đến 7.500 ký giả và giới truyền thông đăng ký tại Phòng Báo chí Tòa Thánh. Đây thực sự là một thách đố về mặt hậu cần đối với Vatican.
Phòng Báo chí đã cung cấp hai phòng báo chí. Mỗi nơi đều có hơn 20 máy tính, phòng thu âm, phòng thu và khu vực dành riêng cho truyền hình.
Một trong những điều gây ấn tượng nhất với vị Cha Bayan là sự đa dạng của các nhà báo quốc tế tại Phòng Báo chí Tòa Thánh. Cha cho biết, "Có hơn 100 quốc gia. Việc khó là phải nêu tên những quốc gia không gửi nhà báo đến. Mọi châu lục đều có đại diện. Có lẽ một số quốc gia nổi bật nhất, như Úc, Sri Lanka, Ấn Độ, Việt Nam...".
Vẻ đẹp của truyền thống của Giáo hội
Ngoài nỗ lực tổ chức, Cha Bayan suy tư về sự tương phản giữa phương tiện truyền thông hiện đại, cho phép bất kỳ ai ghi lại chương trình phát sóng trực tiếp bằng điện thoại thông minh, và truyền thống của giáo hội: “Tôi bị ấn tượng bởi thực tế là Giáo hội vẫn tiếp tục làm những gì đã làm cách đây 500 năm: theo dõi bên lò sưởi, theo cùng một quy trình của Mật nghị. Đó là vẻ đẹp của nó: Giáo hội vẫn kiên định với các phong tục của mình và tiếp tục đưa tin như hiện tại”.
Cơn lốc truyền thông: thách thức và cơ hội
Sự liên tục này, giữa cơn lốc truyền thông, vừa là thách thức vừa là cơ hội. Cha Bayan nhận đinh: “Thế giới cần Thiên Chúa. Vấn đề là, tôi nghĩ thế giới nói bằng ngôn ngữ riêng của nó. Và có thể ngôn ngữ của nó khác. Chúng ta sẽ cần giáo dục lại ngôn ngữ đó, nhưng thế giới đang tìm kiếm Đức Giáo hoàng, nó đang tìm kiếm một khuôn mặt, nó đang tìm kiếm sự gần gũi, nó đang tìm kiếm một lời nói … hoặc nó đang tìm kiếm một ống khói”.
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi