Dũng mạnh để yêu thương (1)
Tóm lược tiểu sử
Martin Luther King sinh ngày 15.01.1929, tại Atlanta, bang Georgia trong một gia đình gia giáo. Thân phụ ông là một Mục sư trong Giáo hội Tin Lành và là người nghiêm khắc. Ông đã giáo dục con cái về lòng tự trọng và ý thức về sự bình đẳng phẩm giá giữa người da đen và người da trắng. Chuyện kể rằng một lần kia thân phụ ông bị cảnh sát da trắng chặn xe lại và cất giọng xấc láo nói: "Thằng kia, xuất trình bằng lái". Ông đã chỉ vào Martin Luther King, lúc đó đang ngồi trong xe, và nói: "Có một thằng bé ở kia. Còn tôi, tôi là một người đàn ông. Tôi là Mục sư King".
Tuổi thơ Martin Luther King đã trải qua trong thời kỳ đen tối của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ, đặc biệt là tại miền Nam. Nhưng tất cả những điều đó không ngăn cản ông trên bước đường học vấn.
Là người hiếu học và thông minh, Martin Luther King đã được nhận vào Trường Cao đẳng Thần học Morehouse khi ông mới 15 tuổi. Chính tại ngôi trường này, ông đã từ bỏ ý định trở thành luật sư hay bác sĩ để trở thành một Mục sư. Sau đó, ông theo học Trường Thần học tại Chester, bang Pennsylvania, và Đại học Boston. Tại đây, ông đã lấy bằng Tiến sĩ Thần học.
Tại miền Bắc Hoa Kỳ, con đường danh vọng đang mở ra trước mắt ông và vợ ông là Coretta, vốn đang theo đuổi nghiệp ca hát. Nhưng ông đã từ bỏ tất cả và quay về với đồng bào miền Nam với mong muốn đem lại cho họ một điều gì đó. Ông đã chọn cho mình một công việc tại Montgomery, bang Alabama với vai trò lãnh đạo một cộng đồng Kitô hữu da đen.
Là một người đấu tranh không mệt mỏi chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, ông đã nói lên ước mơ sâu xa của mình: "Tôi ước mơ một ngày kia các con tôi được sống trên một đất nước mà chúng được đánh giá căn cứ vào phẩn giá con người chứ không phải vào màu da của chúng". Bằng diễn thuyết hùng hồn và hành động dũng cảm, ông đã khởi xướng một cuộc đấu tranh bất bạo động với mục đích xóa bỏ phân biệt chủng tộc tại Hòa Kỳ.
Năm 1964, ông được trao giải Nobel Hòa Bình. Dầu vậy, ông vẫn thường xuyên sống trong đe dọa và phỉ báng của những người da trắng quá khích. Trong cuộc đấu tranh của công nhân vệ sinh tại Memphis, gồm hầu hết những người da đen nghèo khổ, Martin Luther King đã bị bắn chết. Khi ấy, ông mới được 39 tuổi.
Tuần báo Time đã xếp ông vào số những nhân vật có ảnh hưởng lớn của thế kỷ XX và nhận định: "Nếu không có Martin Luther King và phong trào nhân quyền mà ông khơi dậy, thì miền Nam Hoa Kỳ cho đến nay có lẽ cũng giống như một Nam Phi dưới chế độ Apartheid".
Tại Hoa Kỳ, ngày nghỉ để tưởng niệm Mục su Martin Luther King đã được cựu Tổng thống Ronald Reagan đưa vào luật từ năm 1983, và được coi là "Ngày Phục Vụ Cộng Đồng".
Tại Washington, một đài tưởng niệm đang được xây cất gần nơi Mục sư Martin Luther King đọc bài diễn thuyết lịch sử Tôi có một giấc mơ. Đây là đài tưởng niệm đầu tiên dành cho một người Mỹ gốc châu Phi, và cũng là một bước tiến lớn trong nhận thức của Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ.
Quả đúng, như lời Hồng y Bernadin, Tổng Giám mục giáo phận Chicago, đã nói về Mục sư Martin Luther King: "Ông là một trong số những Mục sư và ngôn sứ lớn nhất của thời đại chúng ta vậy".
"Tôi không lưu tâm đến những người không thích điều mà tôi nói về đạo đức. Tôi không để ý đến những người chỉ trích tôi trong mục xã luận. Tôi không quan tâm đến những gì người da trắng hay người da đen phê bình tôi. Tôi sẽ gắn bó với điều tốt đẹp nhất. Trong một số tình huống, người nhát gan hỏi: "Có an toàn không?". Người thủ đoạn hỏi: "Có sáng suốt không?". Người tự phụ hỏi: "Có được ái một hơn không?". Và đã đến lúc một môn đệ trung thành của Chúa Giêsu phải có quan điểm không phải vì an toàn, sáng suốt hay được ưu ái mà chỉ bởi vì điều đó đúng". (Mục sư Martin Luther King)
Lời nói đầu
Mục sư Martin Luther King vừa nhận được Giải Nobel Hòa Bình năm 1964. Trong năm này, Tạp chí Time (Hoa Kỳ) đã bầu chọn ông là "Nhân vật Tiêu biểu năm 1964)" và Hiệp hội Công giáo cổ võ sự cộng tác giữa các chủng tộc cũng đã trao tặng ông "Giải John Kennedy 1964).
Ngày nay không ai là người không biết đến các hoạt động của Martin Luther King. Hiến pháp Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đã công nhận sự bình đẳng của mọi công dân thuộc các chủng tộc khác nhau. Mục sư Martin Luther King đã hoạt động một cách tích cực, có khi rầm rộ để sự bình đẳng này trở thành hiện thực trong thực tế đời sống. Nhưng điều làm cho Mục sư Martin Luther King được thế giới biết đến và ngưỡng mộ tiên vàn chính là tinh thần thúc đẩy ông hành động và phương pháp ông lựa chọn để đưa cuộc đấu tranh đến thành công.
Cách đây sáu năm, các người da trắng quá khích đã đặt bom phá hủy ngôi nhà của Mục sư Martin Luther King. Ông tuyên bố: "Chỉ có tình yêu Kitô giáo mới có thể đem lại tình huynh đệ đại đồng. Đấu tranh bất bạo động, đó là điều người ta sẽ chiếu theo đó mà xét xử chúng ta. Người dũng mạnh đích thực là người có thể đứng lên bảo vệ các quyền của mình mà không ăn miếng trả miếng".
Người ta nghĩ đến Gandhi… Và thật vậy, Martin Luther King là một môn đệ của Gandhi. Nhưng nhất là một môn đệ của Đức Kitô. Ông nói: "Tinh thần bất bạo động đến với tôi từ Sách Thánh và các lời giảng dạy của Đức Giêsu, còn cách thức hành động thì từ Gandhi".
Hành động của Martin Luther King được nuôi dưỡng bằng Tin mừng. Các cuộc họp đều bắt đầu bằng việc đọc Sách Thánh, cầu nguyện và hát thánh ca. Khi bất công, thất bại làm cộng đồng người da đen mất kiên nhẫn và căng thẳng tột độ, ông đã cố gắng làm hạ cơn sốt: "Hãy là những người hiếu hòa. Chúng ta muốn yêu thương kẻ thù. Hãy tỏ ra là những người tốt đối với họ. Hãy yêu thương họ và cho họ thấy chúng ta yêu thương họ… Điều chúng ta đang làm là điều chính đáng và Thiên Chúa đứng về phía chúng ta".
Hưởng ứng lời kêu gọi của Mục sư Martin Luther King, người da đen đã đấu tranh bất bạo động. Hàng ngàn người bị bắt giữ, giam cầm và cuối cùng buộc người da trắng phải công nhận các quyền của họ. Và họ tiếp nhận các quyền này với lòng can đảm và bình thản, cho dù có bị hăm dọa, khiêu khích.
Nhưng một chiến thắng như vậy đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều kiên nhẫn. Trong cộng đồng người da đen, tại Hoa Kỳ cũng như trên khắp thế giới, có nhiều người quá khích chủ trương sử dụng bạo lực và, như vậy, họ có thể lấn át Mục sư Martin Luther King và các bạn hữu của ông, nếu người da trắng kỳ thị chủng tộc tỏ ra quá ngoan cố.
Mọi Kitô chân chính sẽ ước mong cho phong trào bắt nguồn từ tinh thần Kitô giáo này sẽ mau chóng gặt hái được thành công. Chính Mục sư Martin Luther King đã xác định mục đích của Phong trào này như sau: "Đấu tranh bất bạo động không chỉ nhằm giành lại các quyền của chúng tôi mà còn tranh thủ được tình bạn của những người đã từ chối nhìn nhận các quyền ấy và đổi mới chính họ nhờ tình bạn, sự hiểu biết và mối dây liên kết với nhau, trong tinh thần Kitô giáo, trước mặt Thiên Chúa".
Cuốn sách này không mô tả các hoạt động của Mục sư Martin Luther King. Các bài suy niệm vừa sâu sắc vừa sát với các vấn đề thời sự cho chúng ta nhận ra nguồn sinh lực thúc đẩy ông hành động - một nguồn sinh lực phát sinh từ cuộc gặp gỡ giữa Tin mừng và một Kitô hữu thế kỷ XX. Trong cuốn sách này, viễn ảnh cũng được mở rộng: nếu vấn đề kỳ thị chủng tộc thường được đề cập đến, thì các vấn đề mà chúng ta phải đối phó trong thời đại ngày nay cũng được đặt ra trước lương tâm của những Kitô hữu: chiến tranh và hòa bình, bom nguyên tử, các vấn đề của các quốc gia chậm phát triển, vai trò của khoa học kỹ thuật, chủ nghĩa vật chất, nền kinh tế xã hội,… Thật vậy, trong cuốn sách này, Mục sư Martin Luther King mời gọi chúng ta đặt ra cho chính mình một câu hỏi căn bản: niềm tin vào Đức Kitô và Sứ điệp của Người có ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta - một ý nghĩa đích thực, cụ thể và trực tiếp liên quan đến cuộc sống?
Không ai sẽ ngạc nhiên khi thấy một linh mục Công giáo dịch các bài giảng thuyết của một Mục sư Tin Lành. Tình huynh đệ trong Đức Kitô còn sâu xa hơn các chia rẽ hiện có giữa các Giáo hội. Ở mức độ này và theo cách nhìn của tác giả, chỉ còn lại sứ điệp mà một Kitô hữu muốn gửi đến các Kitô hữu khác và tất cả mọi người thiện chí.
Khi dịch cuốn sách này, tôi hy vọng rằng tôi đã không phản bội Mục sư Martin Luther King… Ông đã do dự rất lâu khi cho phép xuất bản các bài giảng thuyết được biên soạn để đọc lớn tiếng cho công chúng nghe… Hiểu được sự do dự của tác giả cũng là hiểu được sự lo lắng của người dịch các bài giảng thuyết này… Tiên vàn tôi muốn chuyển tới các độc giả nói tiếng Pháp sứ điệp của Mục sư Martin Luther King, vì đây là một sứ điệp phải được tất cả mọi người nghe cũng như chính Tin mừng mà sứ điệp này là một tiếng vang vọng trung thành vậy. (1)
Martin Luther King
Nguyên tác: "La Force d'aimer", Ed. Casterman, Paris, 1965, tr. 4-12
_______________________
Chú thích:
(1) Lời nói đầu do Jean Bruls biên soạn trong Martin Luther King, Nguyên tác: "La Force d'aimer", Ed Casterman, Paris 1965, trang 9-11. Tóm tắt.