Dũng mạnh để yêu thương (13)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 933 | Cật nhập lần cuối: 7/7/2021 2:44:45 PM | RSS

Phương thuốc chữa trị sợ hãi

"Tình yêu không biết đến sợ hãi
trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi
vì sợ hãi gắn liền với hình phạt
và ai sợ hãi
thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo".

(1Ga 4, 18)

Dũng mạnh để yêu thương (13)Trong những ngày tai họa dồn dập, bất công lan rộng, khó có con người nào lại không cảm thấy buồn phiền, lo âu, sợ hãi, vì sợ hãi luôn đeo bám chúng ta, như con chó theo sát gót chân, làm chúng ta phải tê liệt.

Khắp nơi, có những người nam và những người nữ đang phải đối phó với nỗi sợ hãi xuất hiện dưới nhiều hình thái kỳ lạ hoặc ẩn mình dưới những vỏ bọc khác nhau. Quá ám ảnh về tình trạng sức khỏe có thể suy sụp, chúng ta xem trong các triệu chứng không quan trọng những dấu hiệu hiển nhiên của căn bệnh. Quá lo âu về thời gian trôi qua quá mau, chúng ta uống đủ thứ thuốc hứa hẹn làm chúng ta luôn được trẻ trung. Khỏe mạnh, sung sức, nhưng chúng ta lại luôn cố gắng sao cho tinh thần khỏi suy sụp đến nỗi chúng ta trở thành những con người tự ti mặc cảm, bước đi không vững vàng, luôn cảm thấy bất an và đổ vỡ như sắp ập tới. Sợ hãi trước những gì cuộc sống có thể đem lại, một số người sống buông xuôi, nghiện ngập, trụy lạc. Một cách hầu như không ý thức, nhiều người để cho sợ hãi biến các buổi bình minh tươi sáng, thắm đượm tình yêu và bình an thành những buổi hoàng hôn ảm đạm, buồn thảm, làm suy sụp tinh thần.

Nếu không được khám phá, nhận diện, thì sợ hãi sẽ làm phát sinh đủ thứ sợ: sợ ở xa, sợ ở một mình, sợ nước, sợ bóng tối, sợ cô đơn và các thứ sợ khác, mà tiêu biểu là chứng sợ sợ hãi.

Xã hội chúng ta xem cạnh tranh là chủ yếu, vì thế, sợ hãi thường phát sinh từ các nguyên nhân thuộc lãnh vực kinh tế. Và, theo Karen Horney, đây chính là nguyên nhân phát sinh các vấn đề tâm lý trong thời đại chúng ta. Các chủ doanh nghiệp lớn thường lo lắng trước sự sụp đổ có thể xảy ra trong thị trường kinh doanh; các công nhân cũng thường lo lắng về viễn ảnh công ăn việc làm bị cắt giảm cũng như về các hậu quả của việc tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Chúng ta cũng nhận thấy rằng hiện nay các nỗi sợ hãi trong lãnh vực tôn giáo và bản thể học cũng đang có chiều hướng gia tăng, kể cả nỗi sợ hãi trước sự chết và sự hủy diệt con người. Thời đại nguyên tử đã có thể dẫn tới một thời kỳ phú túc, giàu có, nhưng nỗi ám ảnh của con người trước sự chết lại đạt tới mức độ bệnh hoạn. Cảnh tượng một cuộc chiến tranh nguyên tử đã làm hàng triệu con người phải thốt lên như Hamlet trong vở kịch của Shakespeare: "Tồn tại hay không tồn tại, đó là vấn đề!" Hãy xem cuộc chạy đua xây dựng các hầm trú ẩn, như thể chúng có thể cung cấp một nơi an toàn khi bom khinh khí phát nổ! Hãy xem lời lẽ tuyệt vọng của chúng ta khi thỉnh cầu chính quyền gia tăng con số các hầm trú ẩn! Nhưng các cố gắng của chúng ta để giữ "một thế quân bình dựa trên khủng bố" chỉ có thể làm chúng ta thêm sợ hãi và làm các quốc gia thêm lo âu trước một cuộc chiến tranh khốc liệt có thể xảy ra chỉ vì sai lầm của các nhà ngoại giao.

Nhận thấy rằng sợ hãi huy động và làm cạn kiệt năng lực con người, Emerson đã viết: "Kẻ nào một ngày không vượt qua được một nỗi sợ hãi, thì chưa học được bài học về cuộc sống".

Nhưng tôi không có ý định đề nghị chúng ta phải tìm cách loại bỏ hoàn toàn sợ hãi ra khỏi cuộc sống. Ngay cả khi con người có thể làm điều này, thì, trong thực tế, đây chính là điều mà chúng ta không nên ước muốn. Sợ hãi là hệ thống báo động cơ bản của cơ thể con người, báo trước cho biết các tai họa sắp xảy tới. Không có sợ hãi, con người sẽ không thể sống sót trong thế giới cổ xưa cũng như trong thế giới hiện đại. Hơn nữa, sợ hãi còn có một sức mạnh sáng tạo. Mỗi phát minh lớn, mỗi tiến bộ vượt bậc của trí tuệ đều xuất phát từ một ước muốn thoát khỏi một hoàn cảnh hay một tình thế làm chúng ta phải sợ hãi. Sợ bóng tối, chúng ta đã khám phá ra bí mật của điện năng; sợ đau khổ, chúng ta đã có những tiến bộ to lớn về y khoa; sợ ngu dốt, chúng ta đã thiết lập những hệ thống học đường hoàn chỉnh; sợ chiến tranh, chúng ta đã thành lập tổ chức Liên Hợp Quốc; Angelo Patri đã nhận định đúng khi nói: "Giáo dục là dạy cho con người biết sợ đúng lúc". Nếu mất khả năng sợ, thì con người cũng mất khả năng phát triển, phát minh, sáng tạo. Tóm lại, sợ hãi là điều bình thường, cần thiết và có sức sáng tạo.

Nhưng chúng ta phải nhớ rằng các nỗi sợ hãi bất thường luôn gây tác hại trong lãnh vực cảm xúc và gieo rắc rối loạn trong lãnh vực tâm lý. Để minh họa sự khác biệt giữa một nỗi sợ hãi bình thường và một nỗi sợ hãi bất thường, Freud nói đến một người cảm thấy sợ hãi bởi những con rắn trong rừng già nhiệt đới châu Phi và một người cảm thấy sợ hãi vì nghĩ rằng có những con rắn đang nằm dưới tấm thảm trong phòng. Các nhà tâm lý học nói rằng các trẻ bình thường sinh ra với hai nỗi sợ hãi mà thôi: đó là sợ té ngã và sợ tiếng động mạnh. Và chúng thủ đắc được các nỗi sợ hãi khác từ môi trường sống. Nhiều nỗi sợ hãi thuộc loại này chỉ là những con rắn ở dưới tấm thảm mà thôi.

Đây là thứ sợ hãi chúng ta thường nghĩ tới khi nói rằng chúng ta phải đây lui sợ hãi. Nhưng đây chỉ là một mặt của các vấn đề. Các nỗi sợ hãi bình thường bảo vệ chúng ta, còn các nỗi sợ hãi bất thường làm chúng ta tê liệt. Các nỗi sợ hãi bình thường cải tiến các điều kiện sống của cá nhân và tập thể; còn các nỗi sợ hãi bất thường không ngừng đầu đọc và tàn phá đời sống nội tâm chúng ta. Vấn đề không phải là triệt tiêu sợ hãi, nhưng kiềm chế và làm chủ sợ hãi. Làm thế nào để chúng ta có thể đạt được điều này?

I

Thứ nhất, chúng ta phải quyết tâm đối phó với các nỗi sợ hãi và thẳng thắn tự hỏi tại sao chúng ta sợ. Trong một mức độ nào đó, điều này sẽ cho phép chúng ta làm chủ sợ hãi. Chúng ta sẽ không bao giờ hết sợ khi lẫn tránh hay dẹp bỏ sợ hãi. Cang cố gắng phủ nhận hay dẹp bỏ sợ hãi, chúng ta chỉ làm tăng thêm các khó khăn trong tâm trí mà thôi.

Khi quyết tâm đối phó với các nỗi sợ hãi, chúng ta nhìn thấy rằng đa số chỉ là tồn tại của một nhu cầu hay một nỗi lo âu. Tỷ như chúng ta bị ám ảnh bởi sự chết và bởi hình phạt đời đời. Thật ra, trong quá khứ, chúng ta đã bị cha mẹ phạt bằng cách nhốt trong phòng kín hay bằng cách giả vờ bỏ rơi ta. Và, một cách vô thức, chúng ta đã để cho kinh nghiệm này bao trùm mọi thực tại của cuộc sống. Cũng có người mang mặc cảm bị miệt thị, hay bị xã hội bỏ rơi, và khám phá ra rằng, vào giai đoạn tuổi thơ, mình đã bị ruồng bỏ bởi một người mẹ quá vị kỷ, một người cha quá bận rộn với công việc. Thế là con người đó cảm thấy mình không thể thích nghi với cuộc sống, chán ghét cuộc sống.

Khi đưa các nỗi sợ hãi ra phân tích, xem xét rõ ràng, chúng ta nhận thấy rằng đa số chỉ là tưởng tượng chứ không có thật. Một số chỉ là những con rắn ở dưới tấm thảm.

Cũng cân nhắc lại rằng, các nỗi sợ hãi cũng thường phát sinh từ việc sử dụng không đúng trí tưởng tượng. Nếu chúng ta dám phơi trần các nỗi sợ hãi, có khi chúng ta lại phải phá lên cười. Và đây quả là một điều có ích. Một nhà phân tâm học viết: "Nhận thấy sợ hãi là nực cười tức là chữa lành sợ hãi và âu lo vậy".

II

Thứ hai, chúng ta có thể làm chủ sợ hãi bằng một trong các đức tính cao trọng nhất nơi con người: đó là lòng can đảm. Platon xem can đảm là một thành tố của linh hồn, một nhịp cầu nối kết lý trí và ước muốn. Aristote nghĩ rằng can đảm nói lên điều cốt yếu của bản tính con người. Thánh Tôma Aquinô xem can đảm là sức mạnh nội tâm có thể thắng mọi điều đe dọa làm tổn hại đến lợi ích lớn nhất.

Như vậy, lòng can đảm là khả năng tinh thần làm cho con người thắng được sợ hãi. Trái với lo âu, sợ hãi có một nội dung chính xác, có thể đối đầu, phân tích, chống trả và, nếu cần, chịu đựng được. Trong biết bao trường hợp, nội dung của sự sợ hãi lại chính là sự sợ hãi! Trong nhật ký của mình, Henry David Thorcau viết: "Không nên sợ điều gì cho bằng sợ hãi!" Nhiều thế kỷ trước đây, Epiclète đã viết: "Không phải sự chết hay tai họa nhưng chính là sợ tai họa và sợ chết làm cho ta khiếp sợ!" Lòng can đảm xác định nội dung của nỗi sợ hãi và cho phép chúng ta làm chủ được sự sợ hãi. Paul Tillich viết: "Can đảm là khẳng định mình 'bất chấp…' những điều làm ta không khẳng định được mình". Đó là khẳng định mình bất chấp sự chết, sự hư vô. Người can đảm đón nhận nỗi sợ hãi do sự chết đem đến để khẳng định mình và, nhờ vậy, tác động trên sự chết. Can đảm khẳng định mình đích thực là một phương thuốc chống lại sợ hãi, nhưng đây không phải là vì ích kỷ. Bởi lẽ, khẳng định mình vừa là yêu mình một cách lành mạnh, vừa là yêu người khác một cách đúng đắn. Một cách đầy thuyết phục, Erich Fromm đã cho chúng ta thấy rằng yêu mình đúng nghĩa và yêu người đúng nghĩa vừa lệ thuộc nhau, vừa bổ sung nhau.

Can đảm, quyết tâm không để mình bị đè bẹp bởi bất cứ điều gì, dù khủng khiếp đến đâu chăng nữa, đó là điều cho phép chúng ta đối đầu với bất cứ nỗi sợ hãi nào. Nhiều nỗi sợ hãi thật ra chỉ là những con rắn ở dưới tấm thảm. Khó khăn là một thực tại trong tất cả những gì dệt nên cuộc sống: hành động luôn kèm theo nguy hiểm; tai nạn xảy đến; bệnh tật đe dọa; và cái chết là một sự kiện có thực, vừa khó chịu vừa không thể tránh được trong kinh nghiệm của con người. Cuộc sống quả là điều bí ẩn; sự dữ và đau khổ luôn đeo bám chúng ta và chúng ta sẽ chẳng giúp gì được cho mình và cho người khác, nếu chúng ta không cố gắng chứng minh rằng không có điều gì có thể làm chúng ta phải khiếp sợ. Những gì đe dọa làm tê liệt cuộc sống, chúng ta phải đối đầu một cách can đảm với tất cả khả năng của một con người biết khẳng định mình, bất chấp khó khăn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải củng cố ý chí, vừa vững mạnh vừa sáng tạo, để có thể hy vọng ngay cả trong tuyệt vọng.

Can đảm và hèn nhát luôn đối nghịch nhau. Can đảm là vận dụng nội lực để tiến tới, bất chấp các chướng ngại và các hình ảnh khó khăn làm chúng ta phải sợ hãi; trái lại, hèn nhát là đầu hàng hoàn cảnh. Can đảm giúp chúng ta khẳng định đồng thời củng cố nhân cách; hèn nhát dẫn chúng ta đến lẫn trốn đồng thời hủy diệt nhân cách. Can đảm giúp chúng ta đường đầu với sợ hãi, đồng thời làm chủ sợ hãi; hèn nhát làm chúng ta sợ sợ hãi và để cho sợ hãu làm chủ chúng ta. Người can đảm không bao giờ đánh mất niềm vui trong cuộc sống, cho dù cuộc sống có thiếu vắng niềm vui; kẻ hèn nhát luôn để mình bị đè bẹp bởi các hoàn cảnh bất trắc của cuộc sống, đồng thời cũng để cho ý chí tồn tại bị xói mòn, hủy diệt. Chúng ta phải không ngừng xây dựng những con đê vững chắc là lòng can đảm để chống lại những đợt sóng dữ dội là các nỗi sợ hãi.

III

Thứ ba, chúng ta có thể làm chủ sợ hãi bằng tình yêu. Tân Ước dạy: "Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi" (1Ga 4, 18). Tình yêu hoàn hảo là tình yêu đã dẫn Đức Kitô đến thập giá, đã làm cho thánh Phaolô luôn bình thản khi bị bách hại. Tình yêu hoàn hảo không ươn hèn, bạc nhược, ướt át, nhưng tỏ ra hết sức can đảm khi đương đầu với sự dữ và đồng thời có một khả năng chịu đựng phi thường. Một tình yêu như vậy làm chủ thế giới, và dù ở trên đỉnh thập giá vẫn hướng thẳng lên trời.

Nhưng giữa tình yêu và các nỗi sợ hãi ngày nay như chiến tranh, nền kinh tế tăng trưởng thất thường, bất công xã hội, thử hỏi có liên quan gì với nhau không? Hận thù bắt nguồn từ sự sợ hãi và thuốc chữa căn bệnh hận thù, sợ hãi chính là tình yêu. Tình hình quốc tế ngày càng xấu đi chỉ vì sợ hãi: Liên Xô sợ Hoa Kỳ, Hoa Kỳ sợ Liên Xô; Trung Quốc sợ Ấn Độ, Ấn Độ sợ Trung Quốc; người Ả Rập sợ người Do Thái, người Do Thái sợ người Ả Rập. Sợ hãi cũng liên quan đến các cuộc xâm lăng, các cuộc chạy đua tìm ưu thế khoa học kỹ thuật và sức mạnh kinh tế của một quốc gia khác, cũng như đến trình độ và sức mạnh của chúng ta. Phải chăng sợ hãi đã không phải là một nguyên nhân chính gây nên chiến tranh đó sao? Chúng ta cho rằng chiến tranh là hậu quả của hận thù; nhưng nếu nhìn kỹ, chúng ta nhận thấy tiến trình sau đây: trước hết là sợ hãi, rồi đến hận thù, chiến tranh và, cuối cùng, là hận thù sâu xa hơn. Nếu thảm họa chiến tranh nguyên tử ập xuống trên thế giới, thì nguyên nhân không hẳn bởi vì một quốc gia này hận thù một quốc gia khác, cho bằng một trong số trong các quốc gia sợ một quốc gia khác.

Con người thời đại ngày nay đã dùng những phương thế nào để đối phó với nỗi sợ hãi chiến tranh? Chúng ta đã vũ trang đến tận răng. Tây Phương và Đông Phương thi nhau chạy đưa vũ trang. Các chi phí quốc phòng đã đạt tới mức kỷ lục và sản xuất các vũ khí có sức hủy diệt kinh khủng là ưu tiên hàng đầu so với bất cứ công việc nào khác của con người. Các quốc gia tin tưởng rằng chạy đua vũ trang sẽ xua đuổi sợ hãi. Nhưng, hỡi ôi, khí giới tối tân chỉ làm họ thêm sợ hãi mà thôi. Trong những ngày đầy biến động, và sợ hãi này, một lần nữa, chúng ta phải nhớ lại lời xưa đã được viết ra: "Tình yêu hoàn hảo không biết đến sợ hãi". Điều có thể xua đuổi sợ hãi không phải là khí giới nhưng là tình yêu, là cảm thông và thành tâm được thể hiện bằng hành động và tổ chức. Chỉ có giải trừ vũ khí đặt nền tảng trên thành tâm mới có thể biến sự tin tưởng lẫn nhau thành hiện thực.

Cũng chỉ theo chiều hướng này mà các bất công xã hội mới được giải quyết. Phân biệt chủng tộc được nuôi dưỡng bởi nỗi sợ hãi phi lý, tỷ như sợ mất đặc quyền đặc lợi, địa vị xã hội, sợ các cuộc hôn nhân dị chủng và thích nghi với các hoàn cảnh mới. Người da trắng đã trải qua nhiều đêm mất ngủ, nhiều ngày không nghỉ ngơi để tìm cách chống lại các nỗi sợ hãi đang gặm nhấm họ. Một số người theo chính sách đà điểu, không dám nhìn thẳng vào vấn đề, không muốn biết đến vấn đề quan hệ chủng tộc và hậu quả của nó. Một số người khác tin tưởng rằng họ có thể vận dụng luật lệ và chủ trương huy động dân chúng chống lại các vấn đề chủng tộc. Một số người khác nữa nuôi hy vọng xóa tan sợ hãi bằng cách vô cớ tấn công và tiêu diệt người anh em da đen. Các phương thế này quả thật không có hiệu quả! Thay vì xóa bỏ sợ hãi, chúng ta chỉ làm sợ hãi tăng thêm, đến mức bệnh hoạn. Trốn tránh vấn đề, chống đối kịch liệt, sử dụng vũ lực, tất cả không thể xóa bỏ sợ hãi. Chỉ có tình yêu và thành tâm mới có thể xóa bỏ được sợ hãi mà thôi.

Nếu các người anh em da trắng phải chống lại sợ hãi, thì không chỉ một mình họ quyết tâm thực thi bác ái Kitô giáo mà còn cả các người anh em da đen cũng quyết tâm yêu thương các người anh em da trắng nữa. Sợ hãi trong cộng đồng người da trắng chỉ giảm bớt khi chúng tôi quyết tâm thực thi bác ái và bất bạo động. Một thiểu số người da trắng ý thức được tình trạng tội lỗi của mình nhưng lại sợ rằng nếu một người da đen lên nắm chính quyền thì sẽ hành động không một chút xót thương để trả thù các bất công mà cộng đồng người da đen đã phải gánh chịu trong nhiều năm tháng. Một người cha không ngừng ngược đãi con mình, bỗng nhận thấy đứa con giờ đây lớn mạnh hơn mình nhiều; thử hỏi đứa con sẽ dùng sức mạnh mới có được để đánh đập cha mình chăng?

Trước đây, người da đen là đứa con nghèo khổ, nhưng bây giờ đã trở thành lớn mạnh về mặt chính trị, văn hóa và kinh tế. Nhiều người da trắng sợ sẽ bị trả thù. Người da đen phải để cho họ thấy rằng họ không có gì phải sợ, vì cộng đồng người da đen chỉ muốn tha thứ và quên đi quá khứ. Người da đen phải thuyết phục người da trắng rằng mình đang tìm kiếm công lý cho bản thân cũng như cho người da trắng. Một phong trào cộng đồng người da đen quyết tâm thực thi bác ái và bất bạo động, đồng thời biểu dương sức mạnh một cách có kỷ luật, sẽ cho cộng đồng người da trắng thấy rằng nếu một phong trào như thế có chiếm được quyền lực, thì sẽ sử dụng quyền lực để xây dựng thay vì để trả thù.

Vậy đâu là phương thuốc chữa lành nỗi sợ hãi đối với sự hòa hợp chủng tộc? Chúng tôi biết phương thuốc ấy. Và Thiên Chúa giúp chúng tôi sử dụng phương thuốc ấy sao cho có hiệu quả. Tình yêu loại trừ sợ hãi.

Chân lý này không phải không liên quan đến các nỗi lo âu của mỗi người chúng ta. Chúng ta sợ người khác trổi vượt hơn mình còn mình thì phải thua kém. Sợ những người mà chúng ta coi trọng ý kiến lại chê bai khiển trách chúng ta. Đố kỵ, ghen ghét, thiếu tự tin, bất an, tự ti, tất cả đều phát sinh từ sợ hãi. Không phải vì ganh tị với người khác trước, rồi, sau đó, chúng ta sợ họ; nhưng chính vì chúng ta sợ họ trước và, chỉ sau đó, chúng ta mới ghanh tị với họ. Có phương thuốc nào có thể chữa lành nỗi sợ hãi đang làm ô nhiễm cuộc sống chúng ta không? Thưa rằng có. Đó là dấn thân thực thi bác ái. "Tình yêu loại trừ sợ hãi".

Hận thù làm cuộc sống thêm tê liệt; tình yêu làm cuộc sống thêm hài hòa. Hận thù làm cuộc sống thêm ảm đạm; tình yêu làm cuộc sống thêm tươi sáng.

IV

Thứ tư, đức tin thắng sợ hãi. Bình thường, sợ hãi phát sinh từ ý nghĩ cho rằng chúng ta có trong tay các phương tiện yếu kém và, vì thế, không có đủ khí giới cần thiết để chiến đấu trong cuộc sống. Có quá nhiều người cố gắng đối phó với các căng thẳng của cuộc sống với các phương tiện tinh thần yếu kém. Trong kỳ nghỉ hè tại Mêhicô, vợ chồng tôi có ý định ra khơi câu cá. Vì muốn tiết kiệm tiền bạc, chúng tôi đã thuê một con thuyền cũ kỹ, thiếu phương tiện, và xem đó là điều không mấy quan trọng. Cho đến lúc ở giữa biển khơi, cách bờ chừng mười hải lý, mây kéo đến, cuồng phong nổi lên, chúng tôi bắt đầu sợ, vì biết rằng con thuyền không có đủ phương tiện chống lại dông tố. Cũng có nhiều người lâm vào những hoàn cảnh tương tự như vậy. Dông tố dữ dội, con thuyền yếu kém, đó là nguyên nhân vì sao họ sợ hãi.

Khoa tâm học góp phần chữa trị những sợ hãi bất thường của chúng ta. Đây là một đóng góp lớn của Sigmund Freud. Phân tâm học xem xét các hành động xuất phát từ tiềm thức của con người và cố gắng khám phá để biết tại sao và bằng cách nào các năng lực căn bản của con người lại đi theo những con đường dẫn tới tâm bệnh. Phân tâm học giúp chúng ta quan sát nghiêm túc cái tôi nội tâm của chúng ta và khám phá ra những nguyên nhân làm phát sinh yếu kém và sợ hại. Nhưng nhiều vấn đề thuộc loại này lại liên quan đến một lãnh vực mà sự giúp đỡ của các nhà phân tâm lại tỏ ra vô hiệu, trừ khi họ là những người có một đức tin tôn giáo mãnh liệt. Thật vậy, khó khăn của chúng ta phát sinh từ cố gắng muốn đối phó với sợ hãi mà không cậy dừa vào đức tin. Chúng ta đường đầu với những sóng gió của cuộc đời với những con tàu trang bị thiếu thốn về mặt tinh thần. Một trong số các bác sĩ và các nhà phân tâm học lỗi lạc tại nước Mỹ đã nói: "Phương thuốc duy nhất mà chúng ta biết được để chữa trị sợ hãi, đó là đức tin".

Một đức tin tôn giáo tích cực sẽ không làm chúng ta ảo tưởng rằng chúng ta sẽ không phải chịu nhọc nhằn, đau khổ, rằng mọi việc sẽ luôn tiến hành thuận lợi, dễ dàng. Trái lại, một đức tin như vậy làm cho chúng ta có được một sự quân bình nội tâm để đối phó với các căng thẳng, các gánh nặng và các nỗi sợ hãi không thể tránh được, đồng thời bảo đảm rằng vũ trụ này đáng chúng ta tin tưởng và Thiên Chúa luôn quan tâm đến nó.

Còn vô tín ngưỡng lại muốn chúng ta nghĩ rằng mình chỉ là những đứa trẻ mồ côi mất hút trong vũ trụ không cùng đích, không hiểu biết. Một viễn ảnh như thế chỉ có thể triệt tiêu lòng can đảm, xói mòn các năng lực của con người. Trong cuốn Tự Truyện, Tolstoi đã viết như sau về nỗi cô đơn trống vắng trước ngày ông trở lại:

"Trong cuộc đời tôi, có một giai đoạn trong đó mọi sự hình như hoàn toàn sụp đổ. Nền tảng của các xác tín bắt đầu rạn nứt và tôi cảm thấy mình tan vỡ thành từng mảnh. Trong cuộc đời tôi, không có một ảnh hưởng nào thuận lợi, không có Thiên Chúa. Vì thế, mỗi tối, trước khi đi ngủ, tôi phải xem có sợi dây thừng nào không, kẻo đang đêm tôi có thể treo cổ lên xà nhà. Tôi cũng không còn đi săn bắn nữa. Sợ rằng tôi có thể mau chóng kết thúc cuộc đời cùng cực của tôi".

Cũng như bao người khác, vào giai đoạn này của cuộc đời, Tolstoi thiếu một sự nâng đỡ xuất phát từ niềm xác tín rằng vũ trụ này được hướng dẫn bởi một Đấng Nhân Ái mà tình yêu rộng lớn ôm ấp toàn thể nhân loại vào lòng mình.

Tôn giáo làm chúng ta xác tín rằng chúng ta không đơn độc trong vũ trụ vô biên và bấp bênh này. Bên dưới và bên trên các đụn cát không ngừng chuyển động của thời gian, các bấp bênh làm cho ngày thêm đen tối, các thăng trầm làm cho đêm thêm mịt mù, bên trên và bên dưới các điều đó, có một Thiên Chúa khôn ngoan và yêu thương. Thế giới này không phải là biểu hiện bi thảm của hỗn mang vô nghĩa, nhưng là vận hành kỳ diệu của một vũ trụ có tổ chức: "Thiên Chúa dùng khôn ngoan đặt nền cho trái đất, dùng hiểu biết thiết lập các tầng trời" (Cn 3, 9). Con người không phải là một làn khói bốc lên từ một đống lửa âm ỉ, nhưng là một con người được Thiên Chúa tạo dựng "không thua kém thần linh là mấy" (Tv 8, 6). Trên cả thời gian, có Thiên Chúa Độc Nhất Vĩnh Cửu, Đấng dùng sự khôn ngoan mà hướng dẫn, sức mạnh mà bảo vệ và tình yêu mà gìn giữ chúng ta. Tình yêu bao la của Người chứa đựng và nâng đỡ mỗi người chúng ta như biển cả chứa đựng và nâng đỡ mỗi giọt nước nơi mỗi đợt sóng dâng cao. Với tình yêu đầy tràn, Thiên Chúa luôn đến với chúng ta và sẵn sàng ban cho chúng ta vô vàn ân huệ trong mỗi thăng trầm của cuộc sống. Ai tìm được sự nâng đỡ như vậy, thì có thể vững tâm tiến tới trên các nẻo đường của cuộc sống mà không phải gánh chịu nhọc nhằn vì quá bi quan hay sợ hãi.

Tôn giáo cũng cho chúng ta câu trả lời đối với nỗi sợ hãi đang dằn vặt biết bao người. Chúng ta hãy mạnh dạn đối phó với nỗi sợ hãi do bom nguyên tử gây nên, với niềm tin tưởng rằng chúng ta không bao giờ vượt ra ngoài vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Chết là điều không thể tránh được đối với mọi người: vua chúa cũng chết như người hành khất, người trẻ cũng như người già, người thông thái cũng như người dốt nát. Chúng ta không có gì phải sợ trước cái chết. Từ tinh vân ban đầu, Thiên Chúa đã cho xuất hiện hành tinh chúng ta và, qua các thế kỷ, hướng dẫn hành trình của con người, thì chắc chắn Thiên Chúa cũng dẫn đưa chúng ta từ đêm tối của cái chết đến bình minh xán lạn của cuộc sống vĩnh cửu. Ý muốn của Thiên Chúa thì quá hoàn hảo; ý định của Thiên Chúa thì quá rộng lớn để có thể thu hẹp trong thời gian và trong các ranh giới của địa cầu. Cái chết không phải là tai họa tột đỉnh. Tai họa tột đỉnh là tách mình ra khỏi tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta đừng đua nhau tìm kiếm những an toàn nơi các hầm trú ẩn. Chỉ một mình Thiên Chúa là nơi trú ẩn an toàn nhất cho chúng ta.

Đức Giêsu biết rằng không có gì tách con người ra khỏi tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghe Người nói:

"Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che dấu mà sẽ không được tỏ lộ… Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một đồng xu phải không? Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ". (Mt 10,26.28-31)

Đối với Đức Giêsu, con người không phải là con tàu bỏ đi, trôi dạt trên dòng đời. Con người là con của Thiên Chúa. Đấng Tạo Hóa đã quan tâm đến chim trên trời, tóc trên đầu chúng ta, thế thì có phải là phi lý không khi cho rằng Thiên Chúa sẽ đưa cuộc sống con người xa tình yêu bao la của Người? Vững tin rằng Thiên Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta sẽ là một trợ lực lớn lao trước các nỗi sợ hãi bệnh hoạn của chúng ta. Vững tin như vậy giúp chúng ta ý thức được giá trị của mình trong vũ trụ mà chúng ta là một thành phần và trong đó chúng ta có một ngôi nhà để sinh sống.

Trong phong trào tẩy chay xe buýt tại Montgomery, bang Alabana, một trong số những người tham gia hăng say nhất lại là một phụ nữ da đen, già cả, mà chúng tôi thường gọi một cách thân thương với cái tên là "Má Pollard". Má rất nghèo, không được học hành, nhưng rất thông minh và am hiểu tận tường ý nghĩa của phong trào đấu tranh cho người da đen khởi xướng. Sau nhiều tuần lễ Má phải đi bộ, người ta hỏi Má có mệt mỏi không. Má trả lời: "Chân thì có (mệt), nhưng tinh thần thì không".

Tôi bị bắt giữ và nhận được nhiều cú điện thoại đe dọa mạng sống trong một tuần đấu tranh gay go căng thẳng. Vào chiều thứ Hai sau đó, tôi ngỏ lời với dân chúng tại một buổi họp. Tôi cố gắng tỏ ra bình tĩnh, can đảm, nhưng thực sự tôi rất mệt mỏi và sợ hãi. Sau buổi họp, Má Pollard đứng đợi tôi trước cửa nhà thờ và nói: "Lại đây con". Tôi bước tới và ôm Má vào lòng. Má hỏi: "Có cái gì không ổn phải không? Chiều nay con giảng nghe sao đó!". Tôi cố ý trấn tỉnh và trả lời: "Thưa Má, không. Mọi sự đều ổn cả mà!" Nhưng Má nhìn tôi và nói: "Đừng dối Má nghe. Má biết có chuyện không ổn. Có phải là mọi người đã không làm như ý con? Hay đám da trắng đang gây rắc rối?". Không đợi tôi trả lời, Má nhìn thẳng vào đôi mắt tôi và nói: "Má biết là không phải mọi người đều ủng hộ con". Lúc ấy khuôn mặt Má trở nên rạng rỡ và Má bình tĩnh, tự tin nói với tôi: "Cho dù mọi người không ủng hộ con, thì Thiên Chúa sẽ ủng hộ con".

Kể từ cái đêm buồn thảm năm 1956 ấy, Má Pollard đã vào Nước Trời, nơi rạng ngời vinh quang Thiên Chúa. Còn tôi, không ngày nào tôi được yên ổn: ngày cũng như đêm, gian truân khốn khó đeo bám tôi, nghiền nát tôi, thể xác cũng như tinh thần. Tôi phải cố gắng tập trung hết sức mình để đối phó với dông tố do kẻ thù gây nên. Nhưng, năm tháng trôi qua, lời nói đơn sơ và đầy thuyết phục của Má Pollard luôn đem lại cho tôi ánh sáng và bình an, luôn giúp tôi đi đúng hướng: "Thiên Chúa sẽ ủng hộ con".

Đức tin biến cuồng phong thành gió mát, thất vọng thành hy vọng. Thế hệ trước đây, trên tường nhà của các người sùng đạo, người ta đọc được khẩu hiệu sau đây:

Sợ hãi gõ cửa,
Đức tin mở cửa:
chẳng thấy ai hết!

Một khẩu hiệu đáng được ghi khắc vào tâm trí chúng ta vậy. (1)

Martin Luther King
Nguyên tác: "La Force d'aimer", Ed. Casterman, Paris, 1965, tr.155-170

___________________

Chú thích:

(1) Martin Luther King: "Antidotes de la peur" trong "La Force d' aimer", Casterman 1965, ttrg.179-193. Tóm tắt.

* Bài liên quan:

DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG (1)

DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG (2)

DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG (3)

DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG (4)

DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG (5)

DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG (6)

DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG (7)

DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG (8)

DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG (9)

DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG (10)

DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG (11)

DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG (12)