Lễ cúng Thần Nông trong các ngôi đình ở Nam bộ
Trong tín ngưỡng sơ khai của dân tộc Việt, đồng bào ta thờ thần trời, thần núi, thần sông, thần biển. Lúc bấy giờ cuộc sống của cộng đồng dân cư còn thưa thớt, con người lại phải đối mặt với bao nỗi lo, những hiểm nguy từ thiên nhiên. Cuộc sống của người Việt lúc bấy giờ chỉ là săn bắt, hái lượm. Do đó, chỉ một tiếng gió rít của khu rừng, một tiếng gầm của cọp dữ... cũng đủ làm cho người ta giật mình, lo sợ.
Về sau, khi con người bắt đầu biết trồng lúa thì cũng là lúc tục thờ thần lúa ra đời. Dần dà về sau, nhiều vị thần thuộc về nông nghiệp lần lượt xuất hiện: Thần nông là vị thần gắn bó chặt chẽ với nền nông nghiệp nước ta. Thần Nông được các cư dân nông nghiệp ở vùng đồng bằng Bắc bộ hình dung là một vị thần đầu đội mũ cánh chuồn và có các động tác như trong quá trình làm mùa. Thần Nông ngồi lom khom vào đầu xuân, rồi cúi đầu xuống, và cúi rạp vào vụ gặt mùa. Về nguồn gốc Thần Nông thì truyền thuyết cho rằng: Thần Nông là vị thần cai quản phương Nam và còn có tên khác là Viêm Đế - vua xứ nóng, vị thần này xuất hiện trong tâm thức dân gian vào thời đại đá mới, khi người Đông Nam Á phát triển mạnh nghề trồng lúa. Thần Nông là ông tổ 4 đời của Kinh Dương Vương, 5 đời của Lạc Long Quân và 6 đời của Hùng Vương thứ nhất.
Ngay từ buổi đầu hình thành làng xã, Thần Nông đã được đem vào đình làng thờ chung với Thành Hoàng. Trong các lễ hội đình làng ở Bắc bộ, người ta tổ chức rất long trọng lễ hạ điền vào đầu xuân. Trong lễ hội đó, người ta cử ra một vị bô lão có uy tín trong làng, đóng vai Thần Nông với mũ áo chỉnh tề, dẫn một số nông dân xuống đồng cày cấy mấy hàng lúa đầu tiên để lấy lệ.
Ở Nam bộ, Thần Nông cũng được thờ cúng ở đình làng và gắn với các lễ hội cúng đình. Người ta cúng Thần Nông bởi vị thần này theo quan niệm dân gian là vị thần trông coi lúa gạo, dạy dân cày cấy, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Bàn thờ Thần Nông được đặt trước sân đình, hoặc ở một góc sân đình, để lộ thiên, không mái che, chỉ gồm một bệ đất, có nơi người ta xây bục thờ bằng xi măng, trên đó có ghi dòng chữ “Nền Xã Tắc”, hoặc có nơi người ta xây miếu thờ, trong miếu có tấm bảng thờ ghi hai chữ “Thần Nông” bằng chữ Hán. Ở một vài nơi, do chiến tranh tàn phá, do mưa gió của thiên nhiên nên bục thờ Thần Nông không còn nữa, người ta cũng không xây mới mà cứ để như thế cúng.
Khi cúng, người ta trải chiếu ra, đặt thức cúng lên đó rồi cúng bái.
Thức cúng, ngoài hương đăng, trà quả, nhân dân ta còn cúng xôi, thịt, heo. Có nơi cúng dê, gạo, muối. Heo hoặc dê thì cúng sống (đã làm xong), để nguyên con, đem heo gác trên gối. Bên cạnh đó, là dĩa đồ lòng, heo, lông, huyết, một con dao nhỏ- ngụ ý là heo còn sống, tốt và mời thần dùng dao xẻ thịt. Đầu heo đặt quay vào nơi thờ thần.
Có nơi người ta để cả một thúng lúa lên bục thờ, có người lấy thân cây chuối kết làm cái cộ bên cạnh thúng lúa, ý cầu mong thần sẽ ban cho nhiều gạo lúa rồi dùng cái cộ này chở lúa đem về nhà.
Trên bục còn đặt thêm một tĩn nước hay một hũ nước nhỏ và một cái gáo để múc, tượng trưng cho thời buổi còn sơ khai. Bốn góc bục thờ Thần Nông được cặm bốn cây đèn cầy (nến) tượng trưng cho ngày của dương thế là đêm của âm phủ, đêm của thần thánh. Trên bục còn để một thau nước và cái khăn để chánh bái, phó bái rửa tay lau mặt khi tế lễ.
Ý niệm về Thần Nông không chỉ tồn tại trong tâm thức dân gian, mà các vương triều phong kiến trước đây cũng rất coi trọng việc cúng Thần Nông. Khi Gia Long lên ngôi năm 1802, đến năm 1806 đã cho xây đàn Nam Giao ở phía Nam Huế để tế trời ba năm một lần, và đàn Xã Tắc gần hoàng thành để cúng Thần Nông mỗi năm hai lần vào tháng hai và tháng tám. Gần đó có khu tịch điền dùng cho các vị vua chúa làm lễ xuống đồng. Về việc cày tịch điền, sử ghi như sau:
“Khi cày tịch điền, vua mặc áo bào, cầm cây sơn son thếp vàng, do quan bộ lễ dâng lên, và quan Phủ Doãn Thừa Thiên dâng roi mây. Khi vua cày, cử đại nhạc, nhã nhạc và đoàn nhạc sinh múa cờ vàng. Sau khi vua đã cày đi, cày lại ba đường, thì trao lại cày và roi cho các quan Thái thường và Phủ thừa, xong lên nhà quan canh xem cày. Hoàng tử, hoàng thân cày năm đường đi và lại, rồi đến văn võ đại thần cày chín đường. Lễ tất, vua hồi cung và ban yến cho hoàng tử, hoàng thân và đại thần”.
Lễ cúng Thần Nông là một lễ hội có tính truyền thống của dân tộc ta, nói lên tính trọng nông của cư dân người Việt ngày xưa. Đồng thời nó cũng phản ánh tâm lý thờ các thần tự nhiên trong thời buổi sơ khai của dân tộc.
Cho đến nay, về cơ bản, nước ta vẫn còn là một nước nông nghiệp, cho nên việc cúng Thần Nông hàng năm cũng nhằm hướng đến một ước vọng an lành- mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Quang Diệu
Nguồn: baocantho.com.vn