Lễ hội Dinh cô (Long Hải)
Tháng giêng “ăn chơi” cũng là tháng giêng của những miền lễ hội. Trải khắp các vùng từ xuôi lên ngược, sâu trong những làng quê thuần hậu, nơi tín ngưỡng dân gian và truyền thuyết, huyền sử hòa trộn, các lễ hội mang đến một nét đẹp văn hóa đậm tính Việt hơn hết…
Và điều đó một lần nữa cho thấy khi lễ hội thật sự là của làng, của dân, những nhốn nháo kim tiền, những phù hoa giả tạo… như đã thấy lâu nay sẽ bị đẩy lùi.
Trong cuốn Đạo Mẫu Việt Nam, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh viết : “Thờ phụng nữ thần và mẫu thần là cái nền chung của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng các tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á”. Có lẽ vì thế, trong tiết xuân ấm áp, nơi đền miếu quyện khói hương trầm, trong những lễ hội mang đậm màu sắc dân gian cổ truyền, thu hút hàng chục ngàn khách thập phương tụ về, không thể không nhắc đến những lễ hội Bà.
Truyền thuyết Dinh Cô
Dinh Cô là một kiến trúc hoành tráng, đậm màu sắc văn hóa dân gian, nằm bên bờ biển Long Hải (thị trấn Long Hải, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
“Lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra biển”, Dinh Cô vừa là nơi thờ cúng tôn nghiêm, vừa có không gian thanh thoát với bãi biển rộng đẹp, hấp dẫn khách phương xa. “Từ mồng 5 tết trở đi là tụi tui bắt đầu quay như chong chóng” – ông Thái Văn Cảnh, trưởng ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa Dinh Cô, cho biết.
Theo ông Cảnh, tương truyền hồi trào Minh Mạng, một trinh nữ tên Lê Thị Hồng (tục danh là Thị Cách), quê ở Tam Quan (Bình Định), giàu lòng nhân ái từ bi, muốn tìm nơi thanh liêu ẩn dật. Cô thường theo cha là ông Lê Văn Cần đi ghe bầu vô Nam buôn bán. Tới mùa gió bấc, trời lạnh, sóng to gió lớn, cô và cha thường đậu ghe tránh gió ở sũng (vũng) Cây Dầu (cách Dinh Cô ngày nay khoảng 800m).