Các “chiêu thức bắt chồng”
Theo truyền thống, người Chu Ru ở Đơn Dương thường “ép” các cậu bé 14-15 tuổi phải lấy vợ. “Chàng” nào đã “lọt vào mắt xanh” của hai họ, và đám hỏi đã diễn ra nhiều lần, gia đình khuyên giải thuyết phục, thúc ép mà vẫn không đồng ý, thì nhà gái sử dụng luật tục để... “bắt chồng”. Nhà gái bí mật lập một đoàn người gồm toàn những ông cậu lực lưỡng, bà dì to khỏe, bất ngờ ập đến nhà trai vào lúc 12 giờ đêm và lôi chàng về. Chàng trai cũng đã chuẩn bị sẵn lực lượng, khi cậu la lên là cả bạn bè, dòng họ kéo đến nhà gái, tất cả cùng cố sức tìm cách làm gãy giường cưới - không được dùng gậy, dao, búa, mà chỉ được nhún nhảy - nếu giường gãy, chàng trai được “thoát thân” trở về, nếu giường không gãy chàng trai buộc phải... làm chồng. Già làng JơLâng Ja Nich nói: “Từ cổ chí kim, không ai có thể làm gãy cái giường bằng gỗ cà chí do chính tay người Chu Ru đóng!”.
Hiện nay, việc ép các chàng trai làm chồng vẫn diễn ra, nhưng dưới một hình thức tế nhị hơn, “dân chủ” hơn: khi chàng trai không đồng ý, nhà gái “tung chưởng”... kiên trì. Họ tổ chức đám hỏi từ 5 lần đến 10 lần, 20 lần hoặc kéo dài đến bao giờ chàng trai đồng ý... mới thôi. Nghĩa là: mỗi một lần đám hỏi, nhà gái mang theo gạo, dây cườm và vài con gà. Nếu nhà trai có bao nhiêu người, nhà gái mang chừng đó sớp gạo và chừng đó dây cườm bỏ trong sớp gạo. Nếu chàng trai chưa đồng ý thì nhà gái cứ bỏ gạo và dây cườm lại rồi ra về. Khi chàng “gật đầu”, hai họ sẽ đổ gạo vào nấu cơm, cắt tiết gà nhờ thần linh chứng giám, để chàng trai “hết đường chối cãi”.
Đám cưới của cô LiNa lấy anh Ha Giỏi ở xã Đạ Long đã diễn ra sau cơn sóng gió do Giỏi đang học lớp 10. Giỏi đã phải “tâm phục, khẩu phục”... khi gia đình cậu nhận của nhà gái một nửa gùi sợi cườm đủ loại (100-200 ngàn đồng/sợi, có sợi cườm bằng hổ phách quý lên đến 1 triệu đồng), 2 chiếc chiêng mẹ (trị giá bằng 16 con bò), 3 chiếc Stố (trị giá bằng 30 con bò), một gùi đầy tô, chén cổ (có cái trị giá 1 chỉ vàng) và 3 con bò.
Một “chiêu thức” đang được các cô gái Cơ Ho ở xã Đạ Long (Đam Rông) áp dụng, ấy là đến nhà chàng trai mình yêu, làm tất cả mọi việc, từ lên rẫy chọc lỗ tỉa hạt, chặt củi, gùi nước... thể hiện “đức chăm làm” trên mức bình thường, với mục đích duy nhất là: lay động “trái tim băng giá” của chàng trai. Thương con gái, nhiều bà mẹ cũng đến nhà trai bẻ bắp, gặt lúa nhằm thúc ép nhanh “tiến độ của dự án treo”, khiến chàng trai “không trốn được”. Cuộc tình của cô DơngGun LaMour và anh Ksã HaKalas đã “đơm hoa, kết trái” cũng nhờ vào chiêu thức trên của hai họ.
Thân phận chàng rể
Trong dân gian có câu: “đàn ông đi ở rể như chó nằm gầm chạn”. Câu nói đó cũng có phần đúng khi đề cập đến thân phận chàng rể trong chế độ mẫu hệ: Nếu nhà trai nào thách cưới quá cao, khi chàng rể về nhà vợ mà không giỏi giang, tháo vát, lại yếu đuối bi lụy sẽ bị các bà dì nhiếc móc, các ông cậu khinh bỉ. Công việc chính dành cho người đàn ông có vợ là làm nhà, chặt cây to. Mà bây giờ hầu hết các gia đình đã có nhà, còn nếu đụng cây to hay phá rừng làm nương rẫy chắc chắn sẽ bị kiểm lâm “tóm cổ”. Thế là, từ ngày này sang tháng khác, phần đông các đức ông chồng cứ ở nhà địu con, để vợ đi hái rau, lấy măng, kiếm củi theo cái cách mà từ đời trước để lại.
Nỗi đau của các đức ông chồng Cơ Ho bị nhân lên gấp trăm lần khi bị đuổi về nhà bố mẹ đẻ. Nhiều người đã phải bật khóc khi vợ chết. Bởi vì theo luật tục - vợ chết, thì người chồng sẽ bị chị vợ (hoặc em vợ) bắt làm chồng. Nên ở Đam Rông, có một bà dì đã “bắt” thằng cháu rể (vợ chết) kém mình tới... 17 tuổi làm chồng, mà điều đó theo luật tục thì “không có gì phải bàn cãi”.
Khi đặt bút viết bài này, tôi vẫn bị ám ảnh bởi giọt nước mắt đã cố nén chặt của anh TuPrông Doanh - 38 tuổi, người Chu Ru ở Đơn Dương. Anh đã đưa vợ chạy chữa khắp nơi bởi căn bệnh nan y, nhưng cuối cùng vẫn không thoát khỏi tiếng gọi của Giàng. Ngày vợ mất, anh phải làm thịt một con trâu thết đãi dân làng. Một năm sau, lại làm thịt một con trâu nữa cho lễ xây mộ, theo đúng lệ làng đã đặt ra. Sau lễ xây mộ, dòng họ nhà gái họp lại để thực hiện tục “đuổi con rể về nhà gốc”. Mọi lý lẽ đều bị bác bỏ, mặc dù vợ chồng anh đã xây nhà, ra ở riêng với 2 đứa con trai, cháu lớn đang học lớp 8, cháu nhỏ đang học lớp 5. TuProng Doanh nghẹn ngào: “Vì quá thương con nên tôi và dòng họ nhà tôi đã hết lời năn nỉ cho tôi được ở lại nuôi con, nhưng bên họ ngoại quyết giữ luật cũ. Cuối cùng bố con tôi phải chia lìa, tôi sức dài vai rộng thế này lại không được nuôi con, trong khi bà ngoại quá già yếu lại quyết giành lấy gánh nặng nuôi dạy con tôi”. Chính vì vậy, hai đứa con anh không những mồ côi mẹ, mà còn mất cả cha...
(Còn tiếp)
Đinh Thị Nga
Nguồn: thanhnien.com.vn