Nghê - Linh vật thân quen

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 4547 | Cật nhập lần cuối: 11/23/2016 4:03:14 PM | RSS

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa diễn ra cuộc triển lãm chuyên đề Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Triển lãm tuy chỉ trưng bày gần 60 hiện vật tiêu biểu trong vẻn vẹn 10 ngày từ ngày 07/11 đến ngày 17/11, nhưng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của đông đảo quần chúng và những nhà nghiên cứu. Không ít người đã giật mình trước kho báu mà cha ông để lại. Trong số gần 60 hiện vật này, con nghê chiếm số lượng lớn trên đa dạng các chất liệu (đá, gốm, sành, gỗ, đồng), trong rất nhiều không gian tín ngưỡng từ đình, chùa, đền miếu, lăng tẩm, từ chốn thôn quê đến cung điện hoàng gia (điện Thái Hòa, Huế). Nhưng xung quanh câu chuyện về nghê cũng nhiều điều cần bàn bạc.

Nghê ra đây có phải xưng danh không nhỉ?

Mặc dù hình ảnh nghê rất đỗi thân quen với người Việt, nhưng nếu xem xét danh xưng từ góc độ văn bản thấy có nhiều điều chưa thỏa đáng. Người ta gặp những con nghê hồ hởi trên các cổng làng, cổng xóm có khi cũng ở ngay trên cổng nhà, cổng chùa, trên lan can tay vịn các dinh thự, cung điện. Nghê cung kính đứng nơi đền miếu và lăng tẩm đã bao đời nay... Có loại nghê như những con chó cảnh, con sư tử nhỏ, lại có con nghê như những con chó săn; trải qua nhiều thời kỳ, nghê cũng muôn hình vạn trạng. Bản thân chữ nghê trong tiếng Hán gồm bộ Khuyển (chó) và chữ Nhi (trẻ con) hợp thành. Thế nên, sẽ là hơi sớm khi chúng ta cứ đinh ninh rằng con nghê là của người Việt(1).

Trong thuyết rồng sinh chín con, một trong chín đứa con đó một con là con nghê, gọi là toan nghê, kim nghê, linh nghê nhưng ở Việt Nam thường chỉ gọi vắn tắt là nghê. Trong nghệ thuật trang trí phong kiến Trung Quốc và Việt Nam có nhiều đồ án nghê như lưỡng nghê chầu nhật, lưỡng nghê tranh châu, nghê hí cầu. Nghê là tên gọi một linh vật xuất phát từ Trung Hoa nhưng cũng không hoàn toàn từ Trung Hoa. Khi khảo cứu con nghê ở trong thư tịch Trung Hoa người ta hay nhắc đến cao tăng Huệ Lâm nói "Toan nghê tức là sư tử, đến từ Tây Vực" . Hay Lục Dung đời Tống: "Kim nghê, hình như sư tử, tính thích hương khói, được đặt trên nắp lò hương" . Cách hiểu như vậy đã ảnh hưởng rất nhiều đến cách định nghĩa hiện nay trong các bộ từ điển tiếng Việt. "NGHÊ. Loại chữ Fl (bộ khuyển + nghê )

Con vật trong huyền thoại, đầu sư tử, mình có vẩy (thường được tạc trên cột trụ hay đỉnh đồng). Trào phong thú: tựa hình ~ (Ngọc, 26b). Khói om mấy đỉnh hương n {Hoa, 2b). Con ~ (N.San, 74a)". Bùi Quang Hồng - chủ biên (2006), Tự điển chữ Nôm, Nxb Giáo dục, tr.768. Dựa vào cách định danh trên, nhóm biên soạn Từ điển Tiếng Việt phổ thông của Viện Ngôn ngữ (2002), NXb Phương Đông gọi nghê là: "Tên con vật tưởng tượng đầu giống sư tử, thân có vẩy, thường được tạc hình trên cột trụ hay trên nắp đỉnh đồng".

Cách định nghĩa trên dường như chưa tham khảo Cha L. Cadière: Ở Việt Nam, nghê là con vật linh, là biểu tượng của trí tuệ, quyền uy, dũng mãnh, tôn nghiêm, linh thiêng, nhanh nhẹn, trung thực và may mắn. Nghê đầu rồng biểu tượng cho sự chính trực. Nghê mình chó biểu tượng cho sự trung thành. Nghê đầu rồng, đuôi rồng chầu mặt trời lại mang tính dũng mãnh, uy nghiêm... Có nghê lại mang móng rồng, vây rồng. Nghê có đuôi vút cong hình ngọc như ý trong Bát bửu. Nghê đội giá sớ. Nghê có xoắn ốc trên mình (giống xoắn ốc trên đầu Phật) biểu tượng biểu tượng của lửa, sấm chớp, mặt trời, của chữ Vạn trong nhà Phật...

Cha L. Cadière trong cuốn Les Motifs de l'Art Annamite cũng rất băn khoăn khi nghiên cứu về hình tượng Nghê trong mỹ thuật Huế. Cha L.Cadière cũng giống với K.Ball khi coi Sư tử là một họ lớn trong mỹ thuật châu Á. Nhưng là người có thái độ học thuật nghiêm cẩn nên Cadière vẫn để nguyên chữ Nghê trong từ vựng nghiên cứu của mình. Tuy vậy, Lan Hương và Ưng Tiếu trong cuốn sách Hoa Văn cung đình Huế (biên dịch lại sách Les Motifs de l'Art Annamite) đã loại bỏ tên gọi Nghê và chuyển ngữ là sư tử nhanh. Điều này dễ hiểu vì trong hầu hết các định nghĩa về nghê trong các bộ từ điển tiếng Việt hiện nay ít nhiều đều chuyển ngữ từ các bộ từ điển Trung Hoa. Quả thật, dù gì thì cũng nên xem xét nghê trên bình diện văn hóa thực tế của người Việt, một khái niệm sống động của nó(2). Thật khó khi phải xếp Nghê vào hệ sư tử, chó, hay rồng trong hệ thống mỹ thuật cổ truyền của người Việt(3).

Trở lại với con nghê từ góc độ văn bản học. Một trong những văn bản thuộc loại sớm nhất xuất hiện năm thời Lý, bia Minh tịnh tự bi văn, tìm thấy ở nghè thôn Tế Độ, xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa(4). Đại ý bia nói về việc lập chùa, ca ngợi công đức của Sùng Nghi sứ Hoàng Khánh Văn. Bia có nói đến việc xây tòa sư tử nghê đài:

Như vậy, qua văn bia này ta hình dung dạng thức sư tử nghê đài ở chùa Phật Tích, chùa Thầy, chùa Hương Lãng, chùa Bà Tấm là một kiểu thức đã được văn bản hóa. Có mấy cách giải thích đoạn văn trên. Theo Phạm Văn Thắm thì tòa sư tử là một từ, nghê đài là một cụm từ.

(A Dật Đa thuần kim sắc tướng, gia phu tọa sư tử nghê đài được dịch là tượng A Di Đà sơn son rực rỡ, lại [đặt] thêm đài nghê, tòa sư tử). Tòa sư tử: chỉ chỗ ngồi của đức Phật. Theo thiển ý của người viết, trong Phật giáo chỉ có thuật ngữ sư tử tòa chứ không có tòa sư tử Đoạn văn có thể hiểu là: tượng A Di Đà sơn son rực rỡ, lại thêm chiếc bệ sư tử nghê đài.

Tấm bia Minh tịnh tự văn bi không chỉ là tấm bia vào loại sớm nhất nhắc đến kiểu thức sư tử nghê đài đội tượng Phật mà nó còn ghi rõ danh tính ba nghệ nhân là Tô Diên Thái, Hoàng Bí và Hoàng Thiệu. (Phát hiện này của Phạm Văn Thắm còn đặc biệt quan trọng đối với nghiên cứu lịch sử mỹ thuật của dân tộc).

Việc xuất hiện cụm từ sư tử nghê cho thấy khả năng sư tử là một từ lạ tương đương với nghê là một từ đã thông dụng. Nghê có nhiều loại, nhưng đây là loại sư tử nghê, một loại nghê chỉ có trong văn hóa Phật giáo. Nghê hạ. (Tạp ngữ). "Nghê là toan nghê, thuộc loài sư tử. Sư tử toạ là chỗ ngồi của đức Phật, chư vị Bồ-tát. Đời sau dùng để tôn xưng các vị đạo cao đức trọng, nay dùng để tôn xưng các vị đứng đầu các tông phái, cũng giống như nói Các hạ, Túc hạ vậy". (Kim Cương Tử - chủ biên (1998), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 755).

Trong tâm thức người Việt hiện nay, nghê có hình dạng cơ bản là chó. Nhưng do nhu cầu thiêng hóa, cũng như sự phát triển đa dạng của linh vật này trong tiến trình lịch sử nên có những loại như sư tử nghê, kỳ lân nghê, long nghê, khuyển nghê(5). Khi nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam từ những so sánh với Trung Hoa, chúng ta luôn bắt gặp những hình tượng có nguồn gốc phương Bắc khi du nhập vào xứ ta có những thay đổi rất kỳ lạ. Hình ảnh những con nghê là như vậy.

Nghê, con vật linh thiêng mà gần gũi.

Trong không gian tín ngưỡng đền miếu người Việt, đặc biệt là miếu các vị tiên đế, đồ án rồng được sử dụng phổ biến với tần suất lớn, hình ảnh tinh mỹ trên những vị trí tôn nghiêm. Đền vua Đinh vua Lê sau lần trùng tu lớn vào thời Quang Hưng thời Lê Trung Hưng, tiếp tục phát triển mở rộng thêm một số hạng mục trong thời kỳ nhà Nguyễn. Ngoài đồ án rồng, một trong những linh vật xuất hiện nhiều trong hai ngôi đền chính là đồ án nghê - theo truyền thuyết là một trong chín đứa con của rồng. Trong chạm khắc đình làng ta thấy xuất hiện rất nhiều ảnh hình ảnh náo nức rộn ràng, vui nhộn của đồ án long nghê khánh hội. Chính kiểu thức đồ án này nghe đã kéo con rồng vốn dĩ từ lâu bị các thế lực phong kiến ở phương Đông cung đình hóa để độc chiếm cho biểu tượng của vương quyền và hoàng gia xuống với đời thường.

Các triều đại Trung Hoa từ rất sớm đã thâu dụng và độc chiếm hình ảnh rồng, nâng nó lên thành một biểu tượng cho vương quyền tối cao. Hán Cao Tổ Lưu Bang là vị vua đầu tiên gắn thân phận mình với rồng qua huyền thoại đản sinh của thân mẫu. Lưu Bang được coi là đứa con của rồng đầu tiên trong lịch sử đế vương Trung Hoa. Người cháu của Lưu Bang cũng là người đầu tiên lấy Hoàng Long (rồng vàng) làm niên hiệu cho triều đại của mình. Thời Đường tiếp theo đã phân định chi tiết trang phục quy định thứ bậc mà theo đó chỉ có hoàng đế mới được sử dụng đồ án rồng. Nhà Tống tiếp tục duy trì truyền thống này. Sang tới nhà Nguyên, việc sùng bái rồng đã đi vào luật pháp. Năm 1270, Hốt Tất Liệt quy định chặt chẽ nghiêm cấm tạo tác, sử dụng đồ án rồng năm móng trong trang phục và đồ gia dụng của bá quan và thường dân. Không ít kẻ bị chết chém vì luật định này.

Tiếp đến hai triều đại Minh Thanh, rồng tiếp tục đẩy lên đỉnh điểm. Có một thực tế là hầu như không thể thấy hình ảnh rồng trong dân gian và ngược lại ở nơi cung vua như Tử cấm thành thì rồng xuất hiện mọi nơi, mọi chỗ. Nhiều tới mức có cảm giác rồng là đồ án duy nhất được đặc dụng cho không gian vương quyền hoàng gia. Tựu trung có bốn chữ nói lên được mức độ tối thượng của hình tượng rồng: Cao - Đa - Toàn - Lệ. Cao là rồng phải là linh vật được chạm khắc tô vẽ nơi cao nhất. Đa là nhiều về số lượng, tư thế, dáng vẻ. Toàn là thân thể bao giờ cũng được vẽ toàn thân. Lệ là tráng lệ thể hiện công phu tài khéo, tinh xảo. Ở Việt Nam, vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn đều là vị vua thủa bình sinh lúc gặp cảnh khốn khó đều được rồng hiện ra chở che cứu giúp. Vua Lý Thái Tổ nhờ rồng hiện lên mà chọn được kinh đô. Kinh đô nhà Lý, Trần, Lê mang tên gọi rồng bay: Thăng Long. Nói như vậy để thấy rồng cũng có một vị trí tối cao trong văn hóa Việt. Cả ở Việt Nam nói riêng và bán đảo Đông Dương nói chung ở vị trí ngã ba Đông Tây. Trong suốt trường kỳ lịch sử, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng vô cùng sâu sắc văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Nếu như việc độc chiếm rồng thành biểu tượng hoàng gia vì chỉ có vua mới được coi là con của rồng là hiện tượng văn hóa Trung Hoa thì trong quan niệm của người Việt, rồng là Lạc Long quân là cha của muôn dân. Truyền thuyết Hồng Bàng mở đầu sách Toàn thư đã nói rõ điều này. Người Việt thấy mình trong hình tượng con nghê - những đứa con của rồng(6).

Trong lời ca của người thợ mộc xứ Thanh, chính nghê là linh vật đầu tiên được nhắc đến:

Đồn rằng thợ mộc Thanh Hoa,

Làm cửa làm nhà, cầu quán khéo tay.

Cắt kèo và lựa đòn tay.

Bào trơn, đóng bén, khéo thay mọi nghề.

Bốn cửa anh chạm bốn nghê,

Bốn con nghê đực chầu về tổ tông.

Nghê đá chầu trước đền miếu có tự bao giờ ? Nó có ý nghĩa gì về tâm linh, giữ vai trò gì trong không gian tưởng niệm? Đó là những câu hỏi chưa có câu trả lời chính xác. Câu ca này nhắc ta nhớ ngay tới những con nghê đực ở Thái miếu nhà Hậu Lê được lập đầu thời Nguyễn (chuyển từ Lam Kinh về làng Kiều Đại nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa). Người xưa cố tình tả chi tiết ngọc dương rất sung mãn sinh thực khí của con nghê này. Có thể kể thêm những ví dụ tương tự như con nghê đực ở đình Lậu Thương, Phú Thọ, hay con nghê ở lăng Vũ Hồng Lượng, Hưng Yên đều đã phô diễn thoải mái ngọc hành giữa chốn linh thiêng(7).

Đền vua Đinh (Trường Yên, Hoa Lư) có hai cặp nghê đá, một cặp trước nghi môn ngoại và một cặp nghê đá trước bái đường. Nhìn vào độ phong hóa của đá và đặc biệt là phong cách nghệ thuật, chúng tôi cho rằng hai cặp nghê đá này có niên đại không đồng nhất. Nhưng thần thái của hai con nghê đá này cũng không khác nhau là bao: trang nghiêm và trầm lắng, có phần buồn bã như câu ví “buồn như chó nhà có tang”. Miệng nghê há ra nhưng không phải để hăm dọa mà như đang há miệng gào lên những tiếng rên thống thiết! Cái bộ dạng buồn bã, u sầu của những con nghê đá ta từng thấy ở đền vua Đinh (Hoa Lư, Ninh Bình), còn thấy ở Đền Gióng, lăng Dinh Hương, lăng Quận Nghi, lăng họ Ngọ...

Một đặc điểm chung nhất, dễ nhận thấy nhất là những con nghê này chi trước nhỏ, dáng vẻ co ro. Miệng dẫu có há nhưng cũng không phô diễn hàm răng sắc nhọn, mắt nhỏ vừa phải, không trợn, không lộ, ẩn dưới hốc mắt, gần với tạo hình của những con nghê thời Lý. Nghê đá đền vua Đinh, khác với những con nghê ở lăng Dinh Hương, lăng họ Ngọ không chỉ ở tư thế mà cả dáng vóc: mình thon, bụng thót, lông mao thưa.

Ở Trung Hoa, người ta không thích đưa chó vào các lăng tẩm đền đài, vì chó không phải các loài thú cát tường(8). Trong tiếng Hán, có hai chữ chỉ chó, một là cẩu, hai là khuyển. Đại bộ phận những thành ngữ có từ cẩu và từ khuyển hàm ý rất tệ. Sư tử là con vật thường thấy nhất, phổ biến nhất trong các lăng tẩm, đền đài kể từ thời Đường đến nay. Ngược lại, ở Việt Nam, nghê đá thực sự là linh vật thường thấy nhất ở các đền miếu, lăng tẩm sinh từ.

Triển lãm “Hình tượng Sư tử và Nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”...

... tại Bảo tàng Mỹ thuật đã kết thúc và để lại tiếng vang lớn. Qua triển lãm này, chúng ta dường như có chung một cảm nghĩ: những di sản nghệ thuật tạo hình của dân tộc từng trải qua bao thăng trầm, loạn lạc, chịu bao mưa giông, nắng đốt; là tinh hoa, tâm hồn và khí phách cho chúng ta hôm nay thêm mến yêu và tự hào hai tiếng Việt Nam. Những vốn nghệ thuật cổ truyền ấy đều là kết quả của nỗ lực không ngừng học hỏi hấp thụ trong sự chắt lọc những tinh hoa nhân loại trên cơ sở bản địa hóa, trong cách tiếp nhận thế giới sâu sắc mà không bao giờ rập khuôn máy móc theo các mẫu thức sẵn có. Hình tượng Nghê xứng đáng là một trong nét đẹp của di sản tạo hình cổ truyền người Việt thể hiện rõ nét và liên tục nhất năng lực sáng tạo của người Việt.

Đất nước hòa bình bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế với rất nhiều cơ hội và thách thức. Hiện tượng nhập siêu "các mẫu sư tử ngoại lai" hiện nay phản ánh thực trạng đáng báo động về sự mai một các giá trị truyền thống, khoảng trống trong giáo dục di sản, sự lệch lạc thẩm mỹ của một bộ phận xã hội.

Trần Hậu Yên Thế

Nguồn: vietnamfineart.com.vn

-----------------
Chú tích trong bài:

1. Bùi Ngọc Tuân trong bài viết Con nghê - linh vật thuần Việt đăng lần đầu tiên trên trang talawas, ông đã nhấn mạnh đến sự hiện diện của con nghê trong đời sống tinh thần của người Việt. Tuy vậy, sự phát triển của nghê trong lịch sử tạo hình Việt cũng khá phức tạp. Trong rất nhiều trường hợp, nghê để trở nên thiêng hóa cũng đã có mang một số đặc điểm của kỳ lân. Ví dụ như hình khắc những đôi nghê chầu ở đình Phù Lão thân mang vẩy giống kỳ lân. Việc đối sánh nghê với kỳ lân hoặc nghê với sư tử đều rất cần có một cái nhìn lịch sử theo nguyên tắc liên văn hóa. Bản thân khái niệm thuần Việt cũng không hề đơn giản.

2. Tranh luận hiện này về tên gọi của con nghê sẽ cần làm rõ con nghê ấy có hình dạng như thế nào, nó ở đâu, ai đã làm ra nó và nó được dùng làm gì? Cũng như một con sông có rất nhiều tên gọi, không thể bắt người Việt gọi con sông Cửu Long là sông Mê Kông như của người Campuchia, và cũng không thể gọi là Lan Thương Giang như người Trung Quốc. Điều đó không chỉ đúng với những con sông lớn chảy qua nhiều quốc gia, mà ngay với sông Hồng trên miền đất Việt. Đoạn chảy qua Phú Thọ, người dân đất Tổ gọi là sông Thao (sông Bạch Hạc, sông Tam Đới, sông Đại Hoàng, sông Xích Đằng). Người Thăng Long kẻ Chợ gọi nó là sông Nhị Hà, nhưng phổ biến hơn cả là sông Cái, rồi cái tên chính thức hiện nay lại liên quan đến người Pháp là sông Hồng.

3. Cho đến nay cuốn Từ điển Học sinh kể từ bản do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1972 do Nguyễn Lương Ngọc và Lê Khả Kế chủ biên vẫn chưa có mục từ Nghê. Cho nên Nghê là con vật có thể ai ai cũng đã từng thấy nhưng hiếm người biết nó là con gì

4. Theo Phạm Văn Thắm - Thông báo Hán Nôm học năm 2000.

5. Chúng tôi tạm phân ra các loại nghê như sau:

Sư tử nghê thân thường mập và ngắn xuất hiện nhiều trong mỹ thuật Lý-Trần gắn bó mật thiết với Phật giáo, nhìn chung to lớn thường cõng tòa sen, Hộ pháp. Long nghê đầu rồng, miệng lớn, râu dài, ức có ngấn chạy xuống bụng, bắp chân có chớp lửa (kiểu thức này trong tiếng Hán là hỏa diêm phi mao)?dạng long nghê chủ yếu xuất hiện trên bờ mái với tên gọi con kìm. Dạng thức này đã thấy nhiều thời Lê Trung Hưng. Kỳ lân nghê mình vẩy, lưng có kỳ, có sừng, xuất hiện trong khu vực gian thờ đứng chầu bên hương án, cửa khám rất thịnh thời Lê Trung Hưng, đầu không có sừng xuất hiện nhiều thời Nguyễn ở những nơi tôn nghiêm của hoàng triều như điện Thái hòa, lăng Thiệu Trị thời Nguyễn. Dạng kỳ lân nghê xuất hiện phổ biến trên các trụ cổng tam quan chùa, cổng làng với ý nghĩa phân biệt ngay gian, tà chính. Khuyển nghê có lẽ mang những đặc tính chó nhiều nhất, mình không có vảy đầu cũng chẳng có sừng, mình có thể trơn, dáng hình có thể mập như dạng nghê trên đỉnh hương, đội bảng văn hay cối cửa, thành bậc. Khuyển nghê hình dáng khá phong phú. Có thể vì người xưa phỏng theo nhiều loài chó để tạo tác nên những con nghê. Nên có lúc thon chắc như các loài chó săn, có mình ngắn phủ đầy lông, tai to, mắt lớn như loài chó ngao. Do khuyển nghê chủ yếu ở chốn bình dân nên thường thấy trong chạm khắc dân gian đình làng, sinh từ, am miếu. Loại Toan nghê vùng Hoa Nam có sừng trên trán cũng có thể xếp vào loại khuyển nghê.

6. Chỉ có nghê thờ chứ không có tục thờ nghê. Đây là điều rất khác giữa nghê đá và chó đá. Tục thờ chó đá cũng là một hiện tượng văn hóa đặc sắc của người Việt.

7. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện còn lưu giữ một con nghê gỗ phủ sơn ở đền thờ Lê Thánh Tông. Con nghê này cao 118,5 cm tạo hình đẫy đà nhưng vẫn có hình dạng của một loài chó săn ức nở bụng thót. Nhìn vào vết sơn dưới háng của nghê này ta cũng ngờ rằng đây cũng là một cụ nghê đã bị đục bỏ phần sinh thực khí.

8. Trong tiếng Hán, có hai chữ chỉ chó, một là cẩu, hai là khuyển. Những thành ngữ có từ cẩu và từ khuyển đại bộ phận với ý nghĩa rất tệ hại. Khuyển mã chi lao: vất vả như chó ngựa. Khuyển nha giao thố: thế giành giật. Cẩu đảm bảo thiên: to gan làm càn. Cẩu cấp khiêu tường: là cùng quá hoá liểu, chó cùng giứt dậu. Cẩu thoái tử: ám chỉ lũ chó săn tay sai. Cẩu thí: mắng chỉ đồ cặn bã rác rưởi. Cẩu vĩ tục điêu: ngụ ý lấy cái xấu kế tục cái tốt, hay dùng cho sự chắp nối vụng về trong văn chương. Cẩu huyết phún đầu: ý mắng đồ chó chết, quân chó má. Cẩu trượng nhân thế: chó cậy chủ, ta vẫn nói là chó cậy gần nhà. Dẫu thế trong một số ngôi mộ thời Hán cũng có vẽ hình chó. Hay như trong ngôi mộ của Tư Mã Kim Long thời Bắc Ngụy (năm 484) khai quật năm 1965, tìm thấy một tượng con chó đen bằng đất nung đang ngậm khúc xương.

*

Một số tượng nghê - linh vật được trưng bày trong triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tháng 11/2014.



Nghê đá. Tk XVIII - XIX




Nghê gỗ, đền thờ vua Lê Thánh Tông, Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa, niên đại TK XVII, hiện vật Bảo tàng Mỹ thuật Viêt Nam





Nghê đá, hiện vật di tích Lăng Lê Văn Duyệt, T.p Hồ Chí Minh




Nghê đội chữ Thọ, hiện vật Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam



Nghê đội bảng sớ, hiện vật di tích đền vua Lê, Hoa Lư, Ninh Bình


Nghê gỗ, Đền Độc Bộ, Nam Định. TK XVII – XVIII




Sư tử đá. Chùa Thông, Thanh Hóa. 1270



Nghê sành. TK XIX


Nghê đồng,Thôn Hồng Tâm, Nam Định. TK XVII



Bản đồ nét nghê đá, hiện vật di tích lăng Dinh Hương, Bắc Giang

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...