Bậc thầy của Trời-Người

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 2849 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Đối với tất cả các tôn giáo, ngày đản sinh, giáng sinh, khánh đản... của vị giáo chủ là ngày vô cùng trọng đại. Riêng với đạo Phật, ngày đản sinh của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni là ngày thiêng liêng của Phật giáo, ngày ấy đã trở thành ngày lễ lớn nhất và trọng đại nhất. Vào dịp lễ này, dù bận rộn bao nhiêu, quý Phật tử cũng xếp lại công việc để đi chùa, dự lễ khánh đản. Nếu bận rộn ban ngày không thể đi được thì thu xếp đến chùa vào ban đêm. Tất cả đều trọn một lòng tưởng nhớ đến vị Cha lành của mình, đấng Đạo sư của trời-người. Quý Phật tử trở về chùa lạy Phật, tụng nghi Khánh đản và nghe thuyết pháp. Có nơi còn dựng vườn Lâm Tỳ Ni, lễ đài, thực hiện chương trình văn nghệ. Tất cả nghi thức, nghi biểu đó đều nhằm tôn vinh đức Thế Tôn của chúng ta. Hiện nay, khắp nơi cũng theo nếp đó mà tổ chức đón mừng ngày Đại lễ Phật đản, ngày kỷ niệm quan trọng của Phật giáo đồ, của tất cả những người con Phật.


 

So với các tôn giáo khác trên thế giới, đạo Phật hình thành từ rất xa xưa. Nói về đạo Phật, những nhà nghiên cứu lịch sử đều thống nhất rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời và thành đạo đã rất lâu (gần 26 thế kỉ). Trong ngày này, chúng ta ôn lại những nét đặc trưng, những điểm cần biết để nhằm tôn vinh Đức Phật, thấy được giá trị của đạo Phật đối với nhân sinh, đối với cuộc đời, thấy được cái hay, cái đẹp, cái quý nơi Ngài, nơi ngôi Tam bảo để thêm niềm kính tín, và thực hiện chuyển hóa tu tập đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội nơi mình đang sống. Chúng ta không phải chỉ đến chùa thực hiện nghi thức, nghi biểu về tôn giáo, rồi sau đó trở về đời thường mà không hiểu được giá trị, không nắm được pháp tu để chuyển hóa thật sự thì chưa phải là người đệ tử trung thành theo lời Phật dạy. Ngày khánh đản của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni là ngày mọi người rất đỗi vui mừng trong niềm hân hoan chung của hàng triệu triệu người con Phật, giờ đây ánh sáng của đạo Phật và những lời dạy vượt không gian, thời gian của Ngài đã được thế giới chấp nhận bằng một danh xưng: Tôn giáo văn hóa thế giới.

 


 

Đạo Phật  được Liên Hiệp Quốc chấp nhận là một tôn giáo có giá trị đặc biệt trong xã hội đương đại và thời đại khoa học. Đạo Phật được tôn xưng như vậy thì nền triết lý của đạo Phật chắc chắn có giá trị siêu việt. Không dễ gì những nhà khoa học, giới trí thức, các nhà bác học và những triết gia lại ca ngợi đạo Phật như vậy. Chúng ta mừng ngày Đức Phật đản sanh, phải thấy được giá trị khi Ngài đản sanh, hiện hữu trên cuộc đời, Ngài tu tập, giác ngộ, giải thoát và đã truyền lại thông điệp cứu khổ độ sinh. Bổn phận của người con Phật là cần hiểu chơn giá trị của đạo Phật, ôn lại những lời dạy quý báu của Ngài để tiếp tục vượt qua mọi gian truân thử thách và cùng phát khởi chánh tín trên bước đường tu tập của mình. Có những người Phật tử chỉ tin Đức Phật là đấng quyền năng, là đấng bề trên. Họ tin tưởng nhưng không có đầy đủ trí tuệ và chưa sáng suốt để biết được những lời dạy có giá trị quý báu của Đức Phật, họ là những Phật tử tín ngưỡng chứ không phải là Phật tử có tuệ giác hiểu được triết lý cao siêu.

 


 

Đạo Phật nhìn chung bao gồm đạo Phật tín ngưỡng và đạo Phật tuệ giác. Đạo Phật tín ngưỡng mang tính chất dân gian cho những người có niềm tin đối với Đức Phật, là đa số đáp ứng được nguyện vọng khao khát tín ngưỡng của người dân. Đạo Phật tín ngưỡng đó thể hiện ở nghi thức nghi lễ bên ngoài. Đạo Phật tuệ giác nói về những triết lý sâu xa, những lời dạy minh triết của Đức Phật về nhân sinh và vũ trụ giúp chúng ta giác ngộ chân lý, thực hiện hoài bão của Đức Phật trên tinh thần “ thượng cầu hạ hóa”. Chúng ta có trí tuệ mới phát tâm tu hành để được giác ngộ, sau đó đem ánh sáng giác ngộ hướng dẫn người khác tu tập cùng thoát khổ. Đạo Phật tuệ giác phù hợp với những người sống thiên về lý trí, họ không tin ở thần quyền, những triết lý sâu xa của vũ trụ nhân sinh mang tính tự nhiên và siêu nhiên có thể thuyết phục được họ và đầu óc duy lý của họ mới cảm phục. Đạo Phật tuệ giác là đạo Phật của người trí thức, của tầng lớp trung lưu và thượng lưu trong xã hội vì đáp ứng được yêu cầu tôn giáo mang tính chất tuệ giác. Ở một ngôi chùa nếu vị trụ trì thông hiểu được đạo lý, có tư cách đức hạnh thì mới có thể xiển dương Phật pháp, tồi tà phụ chánh, có thể phá dẹp mê tín, trừ phiền não, loại bỏ những sai lầm để đem lại lợi ích quần sinh. Cho nên vị trí của trụ trì hết sức quan trọng, bởi lẽ nếu vị trụ trì không hiểu được đạo lý, không có đức hạnh và chưa thấy được giá trị sâu xa của đạo Phật thì dĩ nhiên Phật pháp sẽ khó phát triển. Vì thế nhà Phật nói vị trụ trì là “Trụ Pháp vương gia, trì Như Lai  tạng”.

 


 

Trụ Pháp vương gia là an trụ trong ngôi nhà của Đấng Pháp vương, trì Như Lai tạng là giữ gìn kho báu của Như Lai. Chúng ta học pháp phải có căn bản và niềm say mê thì mới thọ hưởng được pháp lạc. Khi nào nghe pháp mà tập trung tâm ý và cảm thấy hân hoan phấn khởi tức là được dự vào pháp phần của Đức Phật. Còn nếu nghe pháp mà không có pháp lạc tức là giáo pháp của Đức Phật có đó nhưng không có phần, giống như cha mẹ giàu có mà con cái không được chia của nên trở thành nghèo. Riêng với quý Phật tử, nếu được dự vào pháp Phật tức là được chia của, của cải này dùng mãi vẫn còn, dùng hoài không bao giờ hết.

 


 

Giáo pháp của Đức Phật vượt không gian và thời gian. Đó là chân lý nhắc nhở chúng ta luôn tu hành để thoát khỏi biển sinh tử trầm luân, đẩy lùi vô minh nghiệp chướng phiền não, bước lên bờ an vui, giải thoát tự tại và có được nơi an trú vĩnh cửu, rõ ràng là chúng ta đã nhìn xa, trông rộng rồi. Cơm ăn, áo mặc, nhà ở, của cải, tiền bạc tuy có giá trị nhưng hữu hạn vì đó là hạ tầng kiến trúc của đời sống. Còn thượng tầng kiến trúc là văn hóa, tư tưởng, khoa học, triết học,đạo học, giới-định-tuệ, giác ngộ và giải thoát. Năm thái tử Sĩ Đạt Ta được16 tuổi, thấy cảnh già, bệnh, chết mà vượt thành xuất gia. Ngài gặp một vị đạo sĩ và từ đó trầm tư về lẽ sống chết của nhân sinh. Ngài không thỏa mãn với ngôi vị thái tử, không tham đắm bởi Ngài xem những gì đang có chỉ là hạ tầng kiến trúc đời sống nên đã ra đi để cứu mình và cứu tất cả chúng sinh. Rõ ràng Ngài đã thấy chân lý vượt hơn tất cả vật chất hiện có ở chốn triều đình. Ngài đã thấy được những gì gọi là tạm bợ, mong manh của đời sống và ngay bản thân mình. Vì thế, Ngài nghĩ đến con đường thoát khổ để tìm niềm an vui vĩnh viễn. Đó chính là sự sáng suốt của Ngài. Từ đó đến nay, Ngài vẫn được tôn vinh ở khắp năm châu bốn bể và hiện tại đạo Phật vẫn đang có chiều hướng phát triển khắp quả địa cầu này.


pthichca1024x768.jpg


Ánh sáng của đạo Phật đã truyền đi khắp chốn, đó là nói về mặt tuệ giác, còn luận đến khía cạnh nổi bật thứ hai là lòng từ bi, nói theo đạo Nho thì đó chính là lòng trắc ẩn thương người, thương vật. Lòng từ bi của đạo Phật đã chinh phục thế giới bởi vì qua gần 26 thế kỉ, chưa bao giờ đạo Phật nhân danh tôn giáo mình để đàn áp các tôn giáo khác, chưa từng gây ra những cuộc Thánh chiến đẫm máu nào cả. Đạo Phật là một tôn giáo kêu gọi tinh thần hợp tác, xây dựng, hòa bình và hữu nghị. Liên Hiệp Quốc đã thấy được giá trị của đạo Phật, lòng từ bi của đạo Phật, không chỉ riêng đối với nhân loại mà còn  với tất cả muôn loài chúng sanh. Nhà Phật có câu:


“Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc. Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ” (Từ là ban vui đến tất cả chúng sanh. Bi là cứu khổ cho tất cả chúng sanh).

Nhân ngày khánh đản của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, quý Phật tử trọn một lòng hướng về ngôi Tam bảo để niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng. Khi trở thành Phật tử có tín đức, chúng ta luôn có khát nguyện hướng về ba ngôi báu. Đức Phật là ngôi báu ngự ở thượng tầng vì Ngài đã giác ngộ và giải thoát. Pháp bảo là những lời dạy vàng ngọc của Ngài, chúng ta nương vào đó để làm thuyền bè qua bờ bên kia, nương vào đó như dựa vào ngón tay để nhìn rõ mặt trăng. Những lời dạy của Đức Phật như ngọn đèn, ngọn đuốc soi rõ đường đi cho chính chúng ta đang ở trong đêm trường vô minh. Lời dạy đó đã được các vị Thánh Tăng, các nhà hiền triết, các nhà trí thức công nhận đó là chân lý và sưu tập thành kinh điển gọi là Pháp bảo. Tăng bảo là chỉ một tập thể Tăng già (tăng thân, tăng đoàn). Tập thể quý thầy, quý sư cô xuất gia có từ 4 vị trở lên, thể hiện được tinh thần hòa hợp và thanh tịnh mới gọi là Tăng. Tăng mang tính cách cộng đồng tăng lữ chứ không mang tính cách cá nhân. Tăng bảo chỉ những vị thầy có chánh kiến, có chánh tín, có đức hạnh, có tư cách và biết tu tập để hướng dẫn người khác trên lộ trình tu học. Vị thầy phải có đủ tài, đủ đức mới có thể hướng dẫn tín đồ tu không sai đường lạc lối. Nếu vị thầy hoặc tập thể Tăng già gây niềm hoang mang mê tín thì sẽ làm cho Phật pháp lu mờ.


Trong quá trình phát triển của đạo Phật, người ta thường ví đạo Phật như cây bồ đề, thỉnh thoảng cây bồ đề bị “dây tầm gửi” bám vào hút nhựa để sống. Lâu dần, người ta đồng hóa “dây tầm gửi” là cây bồ đề thì quả thật đó là sự sai lầm. Bản thân đạo Phật là cây bồ đề, tức là cây giác ngộ nhưng “dây tầm gửi” của mê tín dị đoan thường xen lẫn vào trong Phật pháp. Nếu không gặp được vị minh sư thì Phật tử cũng bị lầm đường lạc lối. Phật tử phải có chánh kiến, chánh tín để phân biệt đâu là Phật pháp, đâu là phi Phật pháp. Có những yếu tố mang tín ngưỡng dân gian, mang tính chất thần đạo, làm cho người ta lạy các vị thần bị đồng hóa giống như lễ lạy Phật, Bồ tát, Thánh hiền.


Vị trí chư Tăng được phân biệt theo ba hạng, đó là: Thánh Tăng, Hiền Tăng và Phàm phu Tăng. Nhà Phật nói rằng ba địa vị này đều tôn quý cả. Thánh Tăng là những vị tu hành đạt được quả A la hán trở lên, tức là “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, đã đặt gánh nặng xuống, và không còn thọ thân sau. Từ địa vị Thánh Tăng trở lên, những vị này rất tự tại, không còn bị sinh tử và bốn tướng sinh, già, bệnh, chết chi phối, đã đẩy lùi được phiền não, tâm hành đã diệt, dứt được mầm mống sinh tử, ở trong trạng thái tịch tịnh của Niết Bàn. Thánh Tăng xứng đáng để chúng ta tôn thờ là điều tất nhiên.


Hiền Tăng là chỉ cho những người đạt được Hiền vị, những người đạt được Sơ quả Tu đà hoàn, Nhị quả Tư đà hàm và Tam quả A na hàm. Trong ba quả thì Sơ quả gọi là Dự lưu, Nhị quả gọi là Nhứt lai, Tam quả gọi là Bất lai. Ba quả này là Hiền vị, chưa đạt được Niết bàn vô sanh nhưng đã đạt được quả vị Hữu dư. Đây là những Hiền vị mà chúng ta cần phải kính trọng vì tâm đã ở trong thiền định, tuy chưa hết hạt giống hữu lậu. Hiền Tăng ở thế giới đương đại bây giờ tìm không dễ có, nếu có thì cũng chỉ là hi hữu.


Phàm phu Tăng là những người cũng rất đáng kính vì tuy rằng tu tập chưa đạt được Hiền vị, Thánh vị nhưng đang tu tập ở trình độ chuyển hóa và đang ở trong đời sống tăng lữ, trong môi trường thanh tịnh của già lam, có điều kiện để đẩy lùi vô minh nghiệp chướng và vì vậy Phàm phu Tăng cũng rất đáng kính. Nếu không có lực lượng Phàm phu Tăng thì Phật pháp dĩ  nhiên sẽ khó bảo toàn.


Nói đến đại sự nhân duyên của Đức Phật thì Ngài thị hiện ở cõi Ta bà với một con người bằng xương bằng thịt, với nhân dáng toàn bích để dễ tiếp cận và tiện bề giáo hóa chúng sinh. Ngài có nhân dáng đặc biệt với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp mà không ai có thể sánh bằng. Đức Phật có vẻ đẹp trang nghiêm, thanh tịnh và trong sáng. Trong truyền thống Ấn Độ cổ xưa cho rằng một người ra đời có đầy đủ 32 tướng tốt đương lai là một vị Phật. Ngoài ra còn có một vị nữa ra đời cũng có 32 tướng tốt là Chuyển Luân Thánh Vương, Ngài dùng đạo lý để giáo hóa chúng sanh nhưng sự giác ngộ, giải thoát chưa bằng Phật. Nói về tâm hồn thì hình ảnh trí tuệ, từ bi của Đức Phật đi vào cuộc đời như một đóa sen vô nhiễm, thanh khiết, không chút tì vết, tuy mọc lên từ bùn nhơ nhưng chẳng dính bùn mà lại vươn lên tỏa hương sắc đẹp đẽ thơm ngát. Ngài xóa bốn giai cấp của Bà La Môn và chủ trương không có sự khác biệt giữa nước mắt cùng mặn và dòng máu cùng đỏ. Giá trị con người ở trí tuệ và lòng từ bi chứ  không phải ở vị trí xã hội. Ngoài ra, Ngài còn chủ trương công bằng giới tính. Ví dụ các đạo giáo khác của Ấn Độ như Kỳ Na giáo, Bà La Môn giáo hoặc một số giáo phái khác thì không cho nữ giới xuất gia. Riêng đạo Phật thì chấp nhận nữ giới được đứng vào hàng ngũ xuất gia. Đức Phật tuyên bố: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành’’. Cuộc đời Đức Phật vô cùng đẹp đẽ, thế gian không đủ ngôn từ để ca ngợi và xưng tán Ngài. Nhân ngày Đản sanh chúng ta ôn lại đôi nét về cuộc đời của Đức Phật và nhân cách vĩ đại của Ngài để thêm niềm kính tín.


Đây là thông điệp từ cội vô ưu kể từ khi hoàng hậu Ma Da mang thai đến nở nhụy khai hoa. Theo tục lệ Ấn Độ, người phụ nữ có chồng, lúc sinh nở thì phải trở về nhà cha mẹ. Hoàng hậu Ma Da rời kinh thành La Vệ về quê ngoại để sinh nở. Trên quãng đường dài 25 cây số, khi ngang qua vườn Lâm Tỳ Ni thì gặp lúc cây vô ưu nở hoa. Hoàng hậu đưa tay hái liền bỗng nhiên trở dạ và hạ sanh Ngài. Vừa sanh ra, Ngài đã đi được bảy bước có bảy hoa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và nói: Trên trời, dưới trời chỉ có ta là hơn hết. Nhiều người không biết nên nói Đức Phật ngã mạn quá. Nguyên văn chữ  Hán là:


Thiên thượng thiên hạ

Duy ngã độc tôn

Nhất thiết thế gian

Sinh lão bệnh tử.


(Trên trời dưới đất

Chỉ ta tôn quý

Tất cả thế gian

Sinh già bệnh chết.)


Nghĩa là tất cả chúng sinh trên thế gian này đều phải chịu sinh, già, bệnh, chết. Còn Ngài đã thoát vòng luân hồi sinh tử. “Ta” đây không phải là cái giả ngã mà “Ta” là chơn ngã. Nói cách khác “Ta” đã trở về sống viên mãn với pháp thân thanh tịnh, với Phật tánh chứ không phải là thân tứ đại ngũ uẩn. Còn một bài kệ khác nói về Ngài lúc Đản sanh:


“Ngã ư nhất thiết

Thiên nhơn chi trung

Tối tôn tối thắng

Vô lượng sinh tử

Ư kim tận hỷ. ”


(Ta đối với tất cả chư thiên và loài người là bậc tối tôn tối thắng. Ta đã trải qua vô lượng kiếp sinh tử và đến kiếp này là chấm dứt).


Ngài là vị Bồ tát Nhứt sanh bổ xứ, từ cung trời Đâu Suất thị hiện cõi này. Ngài là Bồ tát tái lai về cõi Ta bà tu hành thành Phật. Từ đó, ánh sáng trí huệ và lòng từ bi của Đức Phật đã giúp chúng ta từng bước ra khỏi đêm trường vô minh tăm tối. Đức Phật là một bậc đạo sư có những phẩm chất tốt đẹp và có chiều sâu về đời sống tâm linh. Chúng ta xưng tán Ngài là bậc đạo sư, vị thầy dẫn đường của cõi Trời, cõi Người.


Tất cả chúng ta ca ngợi và tán thán Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sanh trong cuộc đời này để thấy rõ Ngài là một Bậc Giác ngộ. Ngài là một con người hoàn thiện đến mức cả nhân loại suy tôn “Bậc Thầy của Trời - Người”. Ngài là bậc tôn quý nhất trong cõi thế, trái tim của Ngài bao la tình thương không biên giới. Từ đó chúng ta có đủ niềm tin đối với đạo Phật, để hiểu biết, để suy nghiệm, để ghi nhớ và thực hành theo những lời Phật dạy mà sống đời an vui giải thoát.



Thích Thông Huệ

Thiền Tự Trúc Lâm Viên Giác

(Mùa Phật đản - PL. 2557)

Nguồn: giacngo.vn

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...