Bàlamôn giáo & văn hóa Việt Nam (1)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 14574 | Cật nhập lần cuối: 11/23/2016 5:16:16 PM | RSS

1. Bàlamôn giáo từ Ấn Độ và ba nguồn gốc của văn hoá Chăm

Những người Ấn Độ đầu tiên đã theo đường biển mà đến Việt Nam ngay từ đầu công nguyên. Dấu vết của họ thấy cả ở vùng Óc Eo (An Giang), cả ở ven biển miền Trung và cả ở Luy Lâu (Hà Bắc). Họ mang theo cả Bàlamôn giáo lẫn Phật giáo. Nhưng tình hình đã thay đổi một cách cơ bản kể từ khi người Chăm lập quốc.

Về mặt chủng tộc, người Chăm (cùng với một số dân tộc Tây Nguyên) thuộc nhóm ngữ hệ Nam Đảo, là một bộ phận của nhóm loại hình lndonesien, xưa kia cư trú rải rác từ nam Đèo Ngang đến Bình Thuận. Theo các sử liệu Trung Quốc, sau cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhưng bị đàn áp đẫm máu của Hai Bà Trưng, vào năm 192, lợi dụng lúc nhà Hậu Hán suy yếu, một viên chức quận Tượng Lâm (phía nam Thừa Thiên ngày nay) là Khu Liên đã lãnh đạo người Chăm nổi lên khởi nghĩa thắng lợi lập nên vương quốc Lâm Ấp (Xứ Rừng). Quốc hiệu Chămpa xuất hiện vào lúc nào không rõ, chỉ biết rằng bi kí sớm nhất có nhắc đến tên này được khắc vào cuối tk.Vl

Sau khi lập quốc, người Chăm thoát khỏi ách đô hộ của Trung Hoa, liên hệ với Trung Hoa cũng hầu như không còn. Thay vào đó, người Ấn Độ đến ngày một nhiều hơn và, khác với Trung Hoa, họ không mang theo chiến tranh, vì vậy, nền văn hóa Ấn Độ được người Chăm vui vẻ tiếp nhận.

Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với văn hóa Chăm phát huy mạnh mẽ trong khoảng từ tk.VII đến hết tk. XV, khi Chămpa chấm dứt sự tồn tại với tư cách quốc gia của mình. Trong từng ấy thế kỷ, ảnh hưởng này để lại lớn đến mức nhiều người chỉ nhìn thấy những yếu tố Ấn Độ trong văn hóa Chăm. Do vậy, nói đến ảnh hưởng của Ấn Độ ở Việt Nam thì trước hết phải nói đến văn hóa Chăm và khu vực phía Nam vì chỉ có ở đây, ảnh hưởng đó mới bộc lộ mạnh mẽ và trực tiếp hơn cả.

Từ Ấn Độ, người Chăm đã tiếp thu nhiều tôn giáo: Phật giáo, Bàlamôn giáo và Hồi giáo. Nhưng ở chính quốc thì từ tk.V, Phật giáo bị Bàlamôn giáo tấn công và dần dần đi đến tàn lụi, còn Hồi giáo thì tuy đã có những dấu vết từ tk.X, nhưng phải đến cuối tk.XV mới có nhiều người Chăm theo. Chính vì vậy mà nói đến ảnh hưởng của Ấn Độ trong việc hình thành văn hóa Chăm thì Bàlamôn giáo là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất. Bàlamôn giáo (Brahmanism) là tôn giáo hình thành trên cơ sở kinh Veda do người Aryen từ phía Tây Bắc đưa vào. Đạo Bàlamôn tôn thờ BRAHMA (nghĩa là "Đại Hồn"), một ý niệm trừu tượng của kinh Veda. Brahma là chúa tể các thần, nguồn gốc của vũ trụ, có quyền năng vô biên. Ngài hiện ở ba ngôi như thể thống nhất của một bộ ba vị thần tượng trưng cho ba giai đoạn của sự sống: Brahma (Thần Sáng tạo), Visnu (Thần Bảo tồn) và Siva (Thần Phá hủy).

Bàlamôn giáo & văn hóa Việt Nam (1)Bàlamôn giáo & văn hóa Việt Nam (1)

Brahma: Đấng tạo hóa - Ảnh: nguoimientay.info và hindudevotionalblog.com

Ngôi Brahma sáng tạo ra thế giới, tượng hình 4 mặt mà chỉ có ba thành hình, 4 tay cầm 4 phần kinh Veda, đầu có vòng hoa và râu rậm; khi thì cưỡi con thiên nga Hamsa, khi thì ngồi trên một bông sen mọc từ rốn của Visnu đang nằm trên mình con rắn Naga nổi bồng bềnh trên đại dương nguyên thủy (nghĩa là Brahma sinh ra từ chính mình).

Ngôi Visnu bảo tồn vũ trụ, 4 tay cầm 4 lệnh bài là cái tù và, cái vòng, cái búa và cánh hoa sen tượng trưng cho bốn chất tạo nên vũ trụ; ngài khi thì cưỡi con chim thần Garuđa, khi thì có dạng nửa người nửa chim, khi thì nằm trên mình con rắn Naga.

Bàlamôn giáo & văn hóa Việt Nam (1)

Visnu/Vishnu - Ảnh: hindudevotionalblog.com

Ngôi Siva phá hủy thế gian, mang trong mình chức năng của thần chết, quyền hạn của thần thời gian, có vô vàn tên dữ tợn như Ugra (người tàn nhẫn), Rudra, Aghora (người khủng khiếp)..., ngài thường cưỡi con bò thần Nandin.

Bàlamôn giáo & văn hóa Việt Nam (1)

Siva/Shiva - Ảnh: www.krishnasmercy.org

Sau khi đạo Phật lụi tàn trên đất Ấn Độ, Bàlamôn giáo được cải biên thành Ấn Độ giáo (Hinduism). Nguồn ảnh hưởng Ấn Độ, tuy đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành văn hóa Chăm, nhưng nó không phải là tất cả. Kế thừa di sản phong phú của văn hóa Sa Huỳnh. Văn hóa Chăm tất yếu còn là sản phẩm tổng hòa của cả nguồn ảnh hưởng khu vực và nguồn bản địa.

Đặc trưng điển hình của nguồn bản địa chất dương tính trong tính cách Chăm. Người Chăm sống trên giải đất hẹp miền Trung, giữa một bên là dãy Trường Sơn cao vút và bên kia là biển Đông sâu thẳm. Một bên cực dương và một bên cực âm. Sự đối chọi đó của thiên nhiên đã tạo ra những sản vật đặc biệt (như trầm hương, vàng,...); nhưng đồng thời sự thiếu hài hòa đó của tự nhiên cũng tạo nên một miền khí hậu khắc nghiệt, bao nhiêu nước mưa rơi xuống núi đều trôi tuột ra biển cả, khiến cho đất đai miền Trung trở nên hết sức khô cằn. Sống trong khung cảnh đó, con người phải, một mặt, vật lộn với thiên nhiên và mặt khác, giành giật với các láng giềng xung quanh. Suốt dải đất miền Trung còn để lại nhiều dấu tích của những công trình trị thủy mang lại màu xanh cho cây cối như các hệ thống dẫn nước hình kỉ hà, các đập nước, hồ chứa nước....; người Chăm đã thuần dưỡng được giống lúa không cần nhiều nước được gọi là "lúa Chiêm" (Chiêm Thành); người Chăm vươn ra chiếm lĩnh biển khơi với nghề đánh cá. Trong quá trình tồn tại của vương quốc mình, người Chăm cũng từng nhiều lần cướp bóc các buôn, sóc Khmer ở phía Nam, đánh lên vùng Tây Nguyên của người Thượng, và vùng vẫy tiến ra Bắc, lấn chiếm vùng đất phía nam Đèo Ngang của Giao Châu (sau này là Đại Việt). Chính cuộc sống như vậy đã rèn luyện cho người Chăm trong lịch sử một tính cách cứng rắn và cương nghị, thượng võ và có phần hiếu chiến (dương tính).

Tuy mang bản chất dương tính, nhưng lại sống trong một vùng Đông Nam Á nông nghiệp, cho nên người Chăm không thể không hấp thụ những ảnh hưởng của văn hóa khu vực mà đặc trưng điển hình là thiên về âm tính trong cố gắng đạt đến sự hài hòa âm dương, với triết lí âm dương trong nhận thức và tục sùng bái sinh thực khí trong tín ngưỡng.

Văn hóa Chăm bao gồm nhiều lĩnh vực, nhưng trong đó nổi bật nhất là kiến trúc và điêu khắc. Thành tựu nổi bật của điêu khắc và kiến trúc Chăm là kiến trúc đền tháp và điêu khắc trên đền tháp. Đền tháp ấy là đền tháp tôn giáo. Tôn giáo đóng vai trò cực kì quan trọng trong đời sống người Chăm, nó được vật chất hóa qua điêu khắc và kiến trúc. Qua kiến trúc và điêu khắc, ta sẽ tìm hiểu quan niệm tôn giáo của người Chăm.

2. Những đặc điểm của kiến trúc Chăm

Nói đến văn hóa Chăm không thể không nói tới các tháp Chăm. Tháp Chăm đứng sừng sững uy nghi trước sóng gió, chúng có mặt rải rác từ ven biển lên đến Tây Nguyên, suốt dọc miền Trung từ Bắc vào Nam - khắp những nơi nào có người Chăm cư trú.

Thống kê cho biết hiện còn 19 khu tháp với 40 kiến trúc lớn nhỏ. Số lượng các khu phế tháp và các phế tháp Chăm do bom đạn tàn phá và hủy diệt là chưa thể xác định được. Theo khảo sát và thống kê của H. Parmentier vào năm 1904-1909, riêng lòng chảo Mỹ Sơn (Quảng Nam - Đà Nẵng) đã có tới trên 70 kiến trúc.

Tháp Chăm được thừa nhận về độ tinh tế. B.Groslier trong cuốn Indochine, Carefour des arts (Paris. 1961) nhận xét: "Về cấu trúc, tháp Chăm đẹp hơn các đền tháp Khmer"; sở dĩ như vậy là vì "Chắc chắn là do họ (= người Chăm) giữ được ý thức về chất liệu (= gạch ) và biết tôn trọng bản chất của nó; trong khi đó, người Khmer có xu hướng dựng lên một khối bằng bất cứ vật liệu nào rồi chạm khắc lên đó. Nghệ thuật kiến trúc Chăm cân bằng, có nhịp điệu và sáng sủa hơn, nó tạo cho tháp Chăm một vẻ đẹp không thể bỏ qua". Từ những tk.V-VI, sử sách Trung Hoa đã phải công nhận người Chăm là bậc thầy trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch.

Việc các tháp Chăm được làm từ những viên gạch đỏ chồng khít lên nhau không thấy mạch hồ khiến hình thành nên huyền thoại cho rằng người Chăm xây tháp bằng gạch mộc, đẽo gọt lên đó, rồi nung cả khối tháp trong một ngọn lửa khổng lồ. Các chuyên gia Ba-lan khẳng định rằng người Chăm đã dùng gạch nung sẵn gắn với nhau bằng vữa đất sét rồi sau đó toàn bộ tháp được nung lại. Một số nhà nghiên cứu thì nêu ra giả thuyết cho rằng người Chăm đã dùng keo chiết từ thực vật (nhựa xương rồng + mật mía, hoặc nhựa cây dầu rái) để dán các viên gạch lại với nhau. Những nghiên cứu gần đây cho thấy người Chăm đã sử dụng kết hợp một số biện pháp kĩ thuật khác nhau để xây tháp : Dùng những viên gạch có độ lõm ở mặt tiếp xúc, nên khi xây, nhìn từ phía ngoài và trong đều không thấy vữa giữa các viên gạch, còn ở giữa (nơi không nhìn thấy) thì có lớp vữa dày; mài các viên gạch trong nước cho thật khít vào nhau rồi xếp lại để cho bột gạch ở giữa tự kết dính dưới sức nặng trọng lực của phần trên tháp; dùng các viên gạch có hình dáng góc khuyết góc lồi theo kiểu âm dương để khi xếp vào tự thân chúng đã tạo nên sự liên kết với nhau.

Bàlamôn giáo & văn hóa Việt Nam (1)

Khu tháp Chăm Mỹ Sơn (Quảng Nam - Đà Nẵng) - Ảnh: vietnamtourism.com

Sự tinh tế của các tháp Chăm còn thể hiện ở vô số những hình chạm khắc tỉ mỉ, trau chuốt do nghệ nhân đục đẽo trực tiếp lên tường tháp. Việc đục đẽo phải được thực hiện sao cho làm đến đâu chính xác tới đó; tường gạch đã xây sẵn không thể vì một sai sót mà phá đi xây lại. Hoàn toàn có lí khi H. Parmentier nhận xét rằng người Chăm chạm gạch như chạm gỗ, đẽo đá như đẽo gỗ.

Về cấu trúc quần thể, các tháp Chăm tập hợp theo hai loại : Loại thứ nhất là các quần thể kiến trúc bộ ba gồm ba tháp song song thờ ba vị thần Brahma, Visnu, Siva. Loại thứ hai là các quần thể kiến trúc có một tháp trung tâm thờ Siva và các tháp phụ vây quanh. Loại này thường xuất hiện muộn hơn (khoảng tk. IX trở về sau); có những nơi trước đây là quần thể kiến trúc bộ ba về sau khi tu chỉnh được chuyển thành loại quần thể có một tháp trung tâm.

Bàlamôn giáo & văn hóa Việt Nam (1)

Quần thể khu tháp Chăm Khương Mỹ - Ảnh: vietbao.vn

Như vậy, qua sự phát triển của cấu trúc quần thể tháp, ta thấy quá trình du nhập Bàlamôn giáo từ Ấn Độ vào Chămpa đã đi qua ba bước:

a) ở Ấn Độ, Brahma được coi là chúa tể (vì vậy mà gọi là "Bàlamôn"!);

b) vào Chămpa (giai đoạn I), cả ba vị thần đều được coi trọng như nhau (tháp bộ ba);

c) sang giai đoạn II, người Chăm suy tôn Siva thành chúa tể (ngay cả những cụm tháp bộ ba còn giữ được thì tháp lớn và cao nhất cũng dành thờ Siva). Nguyên nhân của sự chuyển hướng này chính là do chất dương tính trong tính cách bản địa của văn hóa Chăm. Như vậy, thực chất, người Chăm đã biến Bàlamôn giáo thành Siva giáo.

Vai trò của yếu tố bản địa còn thấy rõ qua hình dáng tháp. Về hình dáng, do bắt nguồn từ một loại kiến trúc Bàlamôn giáo Ấn Độ biểu tượng cho núi Mêru (một dãy núi thần thoại nơi trung tâm của vũ trụ, gồm nhiều đỉnh cao thấp khác nhau, các vị thần tuỳ theo đẳng cấp mà ngự trị ở các đỉnh khác nhau) gọi là sikhara, phần lớn tháp Chăm đều có dạng hình ngọn núi (sikhara có nghĩa là "đỉnh núi nhọn"); trên các tầng tháp có thể có các tháp con ở góc ứng với các ngọn núi nhỏ. Tuy kiến trúc hình núi có nguồn gốc từ truyền thuyết ấn Độ, nhưng với người dân Chăm, chúng lại là biểu tượng cho thiên nhiên miền Trung trùng điệp núi non và, do vậy, phản ánh đúng chất dương tính trong tính cách bản địa của văn hóa Chăm (núi = dương). Chất dương tính này còn bộc lộ đặc biệt rõ ở những tháp mô phỏng hình sinh thực khí nam (biến thể của tháp hình núi) mà ta có thể thấy qua lát cắt bổ đôi. Bên cạnh tháp chính hình ngọn núi, còn có thể gặp những kiến trúc phụ có mái cong hình thuyền - dấu hiệu đặc thù trong kiến trúc nhà cửa của cư dân Đông Nam Á. Đến đây, kiến trúc đền tháp Chăm mang đậm thêm ảnh hưởng của văn hóa khu vực.

Như vậy, từ chỗ khởi đầu vay mượn dạng sikhara Ấn Độ, tháp Chăm đã đi đến chỗ hòa quyện và phối kết trong mình khá nhiều sáng tạo mang dấu ấn ảnh hưởng của tính cách bản địa Chăm và văn hóa nông nghiệp khu vực. Ta theo hình thức mà gọi các kiến trúc này là "tháp", nhưng người Chăm thì gọi chúng là kalăn, có nghĩa là "lăng": Hầu hết chúng đều mang tính chất lăng mộ thờ vua. Ngoài chức năng này, tháp Chăm còn là đền thờ thần bảo trợ của nhà vua. Chính vì mang chức năng lăng mộ và đền thờ nên nội thất tháp Chăm rất chật hẹp, nó chỉ có chỗ cho các pháp sư hành lễ chứ không phải là nơi cho các tín đồ hội tụ và cầu nguyện.

(còn tiếp)

GS-TS Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam

Nguồn: danangpt.vnn.vn

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...