Bệnh tật

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 623 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Vào lúc nóng nhất của một ngày mùa hạ đẹp trời, khi  ẩn sĩ lui vào hang đá tìm bóng mát, thì một em bé gái đầu trần chân đất đến bên cửa hang. Mái tóc dài phủ cả lưng cô bé. Em mặc một bộ áo đơn sơ và bạc màu. Em dừng lại một lát nơi ngưỡng cửa, đưa mắt tò mò nhìn ẩn sĩ, rồi tiến lại bên ông.


- Thưa nội, em nói, mời ông xuống làng thăm ba cháu ốm. Rồi em cắt nghĩa: Ông biết không, ba cháu vẫn thường đau luôn.


Nghe gọi bằng ông nội, ẩn sĩ mĩm cười. Vì sao cô bé lại có ý nghĩ gọi mình như thế? Quả là mấy người lớn thường gọi ông bằng cha, mà chính ông cũng chẳng hiểu tại sao. Có lẽ vì thế nên cô bé nghĩ phải gọi ông bằng ông nội! Cô bé chìa tay cho ẩn sĩ. Không đợi phải nài xin, cụ già nắm chặt bàn tay tí hon ấm áp vào bàn tay gầy guộc của mình, nhặt lấy cây gậy rồi cả hai cùng xuống thung lũng.


Cô bé thuật cho ông nghe lý do em phải lên đường. Hôm trước, cha em đã ngỏ ý là người chỉ còn một nguyện vọng là được gặp vị ẩn sĩ.


- Mẹ cháu thì không thể bỏ nhà đi được, vì bận coi mấy con bò sữa và bầy gia súc khác, mà cũng vì phải săn sóc ba cháu nữa; bệnh hoạn như ba cháu thì không thể nào để suốt ngày một mình được. Vì thế cháu mới xin đi. Cháu tin chắc sẽ tìm thấy đường và sẽ trở về trước chiều tối. Rốt cuộc mẹ cháu phải chịu cho cháu đi. Sáng nay, mẹ cháu đánh thức cháu dậy sơm hơn mọi khi. Mẹ cháu xếp bánh mì và phó mát vào hỉo cho cháu để cháu ăn đường. Và ông thấy không, cháu đã tìm ra lối và cháu đã mời được ông về đó. Rồi ông cháu mình sẽ về đến nhà, ba cháu chắc chắn sẽ rất bằng lòng. Ông nghĩ xem, ba cháu sẽ bằng lòng, người vốn bệnh nặng, và lúc nào cũng đau ốm.


Ẩn sĩ lắng nghe cô bé ríu rít kể chuyện, thái độ của một người hiểu nhiều hơn những gì lời nói diễn tả. Thỉnh thoảng ông đáp vài câu ngắn, khuyến khích cô bé tiếp tục nói:


- Cháu cũng hơi mệt rồi. Ông biết không, cháu vẫn quen vào rừng một mình để chăn dê, nhặt củi hay hái quả. Mẹ cháu thì không muốn đi xa nhà, nhưng nhiều hôm cũng buộc phải đi. Những hôm đó thì chính cháu phải ở lại với ba. Đó là việc khó nhất. Vì cháu không được làm, nên cháu cũng chẳng biết làm gì nữa. Ba cháu buồn sầu luôn. Có nhiều người đến thăm để tìm cách giúp ba cháu. Người ta chích máu, làm thuốc, người ta đọc kinh, thắp nến. Ai cũng quả quyết rằng ba cháu sẽ khỏi. Nhưng chưa bao giờ ba cháu khỏi cả. Đến cả cha xứ cũng đến nhà cháu, cũng với ảnh Đức Mẹ, có cả các chú giúp lễ cùng với hương trầm đủ thứ mà cũng không làm gì được. Ông tưởng tượng xem, người ta đến rất đông để cầu kinh cho ba cháu, đông đến nổi không thể vào hết được trong nhà, có người phải đứng ngoài mà hát. Người ta ngửi thấy mùi trầm hương suốt ngày! Ba và mẹ cháu đã ăn chay và làm tất cả những gì có thể làm được. Nhưng ba cháu vẫn không lành bệnh.


Cô gái thuật những sự kiện nho nhỏ ấy với giọng trang trọng không hợp với tuổi thơ của cô. Nhưng lời chót em đã nói thật khẽ. Lẽ dĩ nhiên đó là điều huyền bí, và tư tưởng thơ bé của em bị khựng lại như đứng trước một bức tường. Rồi giọng nói của em như rên rỉ, khi em nhắc lại: “ba cháu vẫn cứ bệnh đau yếu hoài.


Ẩn sĩ siết nhẹ bàn tay nhỏ bé, và để em kể tiếp câu chuyện.


- Thưa ông, cháu không hay đi chơi với bọn trẻ trong làng. Chúng nó ồn lắm! Lại nữa, ở nhà bao giờ cũng nhiều việc phải làm. Việc mà cháu thích nhất là được ra ngoài với các súc vật. Trong vườn có con nhím già… A! mọi sự sẽ tốt đẹp biết bao nếu ba không đau.


Cô bé tiếp tục kể chuyện, nhưng bước đi của em chậm dần . Cả hai cũng nghỉ chân bên vệ đường, giở bánh mì và phó mát ra ăn. Cô bé đã cẩn thận chia làm hai phần bằng nhau. Rồi em ngủ thiếp đi, đầu tựa lên gối cụ già. Hai giờ đồng hồ trôi qua như thế, và cụ già ngồi yên ngắm nhìn gương mặt tuy trẻ thơ mà đã ra vẻ nghiêm trang của cô bé.


Khi em thức giấc, cả hai cũng tiếp tục lộ trình, và trời đã khuya thì họ về tới làng. Vài người đàn bà ra khỏi cửa nhìn họ đi qua; những người khác gặp họ ngoài đường thì tiến lại gần xin vị ẩn sĩ chúc lành. Còn phần đông dân làng đã lên giường ngủ cả.


Cuối cùng cả hai đến trước nhà cô bé. Rảo bước mau gần như chiến thắng, em dẫn vị ẩn sĩ đến cuối chân thang. Nhưng khi mẹ em ra đón thì em chỉ nói:


- Mẹ ơi, con đã thành công. Ông nội đây này!


Người đàn bà dường như không nghe thấy câu nói ấy. Chị chỉ nhìn vị ẩn sĩ:


- Thưa cha, chị nói thật khẽ, cầu mong việc cha vào mái nhà đau thương nầy hôm nay được chúc lành.


Chị đưa vị ẩn sĩ vào nhà, mời ngồi, đem nước đến cho ông rửa tay, rồi chị lặng lẽ sửa soạn bánh mì, sữa và mật trên một chiếc bàn thấp cho bữa tối. Khi khách ăn xong chị mới bắt đầu câu chuyện.


Tất cả những gì cô bé đã kể lúc đi đường, giờ đây đến lượt mẹ em thuật lại gần hệt, nhưng với giọng trầm tĩnh hơn. Và chị cũng kết luận bằng một lời thất vọng:


- Bao cố gắng đã chẳng đi đến đâu. Không thể làm gì được nữa. Nhà con vẫn cứ ốm mãi.


Ẩn sĩ đưa mắt nhìn quanh. Cô bé đã nằm trên giường trong góc phòng. Tuy ngủ rồi nhưng chốc chốc lại thở dài. Vài thanh củi còn cháy trong lò sưởi và một ánh sáng lờ mờ chiếu soi căn lều. Ngoài trời sức nóng ban ngày đã nhường chỗ cho làn khí mát dịu, nhưng bên trong nhà bầu khí vẫn nặng nề, ngột ngạt. Dường như tất cả đồ đạc trong phòng, từ những kèo nhà ám khói trên trần đến những vật dụng cũ kỹ đền như vọng lại lời nói của người đàn bà: không thể làm gì được nữa.


Vị ẩn sĩ đứng lên đi về phía phòng đằng cuối. Người đàn bà mở cửa và mời cụ già đến bên người bệnh. Đây là một căn phòng bày biện sơ sài. Ở góc phòng, một ngọn đèn leo lét tỏa chiếu vào ảnh Đức Mẹ. Chiếc giường người bệnh kê giữa phòng, cạnh đó có chiếc ghế dài.


Người bệnh nằm dài trên giường, tứ chi biến dạng, chỗ phù thũng chỗ gầy guộc, gương mặt nhợt nhạt, hốc gác, tia nhìn nóng bỏng hướng về phía cửa. Khi ẩn sĩ vừa bước qua ngưỡng cửa, con bệnh dán mắt nhìn ngài đăm đăm. Hai người gặp nhau trong một cái nhìn thật lâu.


Cụ già gật đầu ra hiệu đồng ý. Đúng như ông đã hình dung ra người suốt ngày ông được nghe nói đến.


Ẩn sĩ đến ngồi bên ghế dài cạnh giường, và người bệnh bắt đầu kể lể. Bằng một giọng yếu ớt và trầm trầm, nhưng lại vang lên một sức mạnh lạ lùng, bệnh nhân lại bắt đầu câu chuyện và vợ và con anh đã kể. Nhưng đi ngược lại thời gian xa hơn, anh kể nhiều về thời niên thiếu. Chưa bao giờ anh được như người khác, vì anh luôn phải mang cái ách của bệnh tật. Anh kể lại hạnh phúc thời xuân xanh, trong ba năm vắn vỏi, lúc đó anh tưởng rằng mình sẽ tìm lại được sức khỏe, mọi sự đối với anh đều sáng sủa. Và tuy rất khác xa với thiên hạ thường tình, anh cũng chinh phục được tình yêu của một thiếu nữ đứng đắn. Anh cưới vợ, lập được tổ ấm, rồi một đứa bé chào đời làm tăng thêm vẻ vui tươi. Sau đó, căn bệnh tái phát trầm trọng hơn, và giờ đây thì anh luôn phải ở dưới gọng kềm của nó. Trong một thời gian lâu, anh đã thử mọi cách. Nhưng tất cả đều vô hiệu và anh đành lãnh nhận số phận vô phúc suốt đời…


Người bệnh đã nói một mạch không ngừng, với những câu văn như rút ra từ một cuốn sách. Vị ẩn sĩ hiểu rằng bệnh nhân đã thuật lại câu chuyện đó gần như mỗi ngày cho những người đến thăm anh, và gần như mỗi đêm anh lại tự thuật cho mình.


Ẩn sĩ bắt đầu nói với giọng chậm rãi và êm thắm:


- Phải, số phận của một người bệnh nặng nề lắm. Hiếm thấy có những cơn thử thách khó chịu đựng như thế này, vì thường những thử thách khác chỉ tấn công vào một vài khía cạnh nào đó của cuộc sống thôi. Trái lại, trong trường hợp bệnh tật thì cơn thử thách bao trùm tất cả và loại bệnh nhân ra khỏi cuộc sống. Thế nên đối với bệnh nhân, tất cả đều mang sắc thái khác. Sự bất động, sự đau đớn thể xác và những đêm dài dằng dặc lại làm cho tình trạng lại càng nặng nề hơn. Và điều nặng nề hơn cả chính là sự cô đơn hoàn toàn của người bệnh, vì lẽ bệnh tật đã loại họ ra khỏi cuộc sống bình thường, và không ai có thể tự cô lập mình cùng với họ: ai cũng đang ở và cần ở trong cuộc sống. Dù những người này có yêu  thương người bệnh và muốn chia sẻ sự cô đơn của họ thì cũng không thể cho phép những người ấy làm như vậy; bởi vì như thế là ném cả những người này nữa ra khỏi cuộc sống bình thường. Không, người bệnh nào cũng phải đành chấp nhận hoàn cảnh của mình, bởi vì theo một nghĩa nào đó, họ cô độc và phải sống cô độc.


Bệnh nhân nằm bất động chăm chú lắng nghe. Đây rồi, mãi đến nay mới có một người hiểu anh, không nói với anh những lời an ủi nhàm chán mà anh vẫn nghe trong trường hợp tương tự, không khuyên anh phải tỏ ra biết ơn, vì bệnh anh không quá tệ, vì trong nỗi khổ của anh, anh có cái may mắn là được một người vợ yêu quí và tận tụy ở bên và chỉ sống cho anh. Mãi đến nay mới có một người hiểu rằng, dù người ta làm gì cho anh đi nữa, anh cũng vẫn tiếp tục cô đơn và rất cô đơn.


Duy có một điều trong lời nói của vị ẩn sĩ làm anh phân vân: ông nói rằng người ta không có quyền độc chiếm ai đến độ lôi kéo người ấy ra khỏi cuộc sống bình thường. Anh nghĩ đến vợ và con anh. Phải chăng, đến một mức nào đó, chính là trường hợp của họ? Phải chăng họ đã theo anh vào sự cô độc. Anh không biết phải nghĩ sao về điểm này.


Nhưng ẩn sĩ lại tiếp:


- Nói cho cùng, điều thật lạ lùng là Thiên Chúa đặt trên vai một người gánh nặng như thế, một bệnh tật phải chịu suốt cả đời người. Ta có thể nghĩ rằng nếu Ngài đã trao cho anh gánh nặng đó, ắt hẳn Ngài chờ đợi nơi anh rất nhiều. Bởi vì chắc hẳn ý muốn của Thiên Chúa không phải là để mặc cho bệnh tật thống trị tâm hồn một người nào chỉ bởi lẽ nó thống trị thân xác người ấy. Và ý định của ngài lại càng không phải là để cho bệnh tật thống trị cả gia đình anh. Nhưng đó chính là điều mà bệnh tật đang tìm cách thực hiện. Nếu ta thụ động, để mặc nó hoành hành, thì nó sẽ áp đảo con người toàn diện: tư tưởng, ý chí và tất cả mọi chức năng con người. Nó sẽ trở nên điều chính yếu đối với anh, trở nên thực tại duy nhất, và anh sẽ thấy tất cả những cái khác đều dần dần trở nên hư ảo. Đúng thế, ai không muốn trở thành nô lệ của bệnh tật thì phải vùng lên chống lại nó. Và một lần nữa, khi nào Thiên Chúa để cho một người nào phải đối phó với nó, chính là vì Ngài biết rằng người đó có một tâm hồn mạnh mẽ, hay ít ra một tâm hồn có thể trở nên mạnh mẽ.


Bệnh nhân im lặng lắng nghe. Những điều ẩn sĩ nói, áp dụng rất đúng vào hoàn cảnh của anh. Thật vậy, tật bệnh, con quái vật khủng khiếp ấy, đã cầm giữ anh trong xiềng xích của nó. Nó chiếm đoạt tất cả, nó đổi thay tất cả, làm cho cái tốt trở thành xấu. Chính anh vừa nói rằng nó giữ anh dưới quyền thống trị của nó. Và có thể không những chỉ thể xác anh mà thôi, nhưng cả tâm hồn anh nữa cũng ở dưới quyền nó, mặc dù trước đây chưa bao giờ anh ý thức điều đó. Bệnh tật đã đè nặng trên cả cuộc đời anh. Bây giờ anh thay đổi khác hẳn trước đây, trong những ngày hạnh phúc thật ngắn ngủi! Thành thật mà nói, bây giờ anh không còn nhận ra chính mình nữa. Nghĩ đến điều đó, bỗng dưng anh cảm thấy như nghẹt thở. Còn đức tin? Lúc còn trẻ, anh đã có đức tin, một niềm tin cá vị. Nhưng bây giờ niềm tn đó đâu rồi? Niềm tin đã tỏ ra bất lực, không giải thoát được anh khỏi tật bệnh, và anh đã bỏ rơi nó như một đồ vô dụng. Ở đây cũng thế, chính tật bệnh đã quyết định sự sống còn của đức tin anh.


Mắt không rời vị ẩn sĩ, nhưng trong trí anh những ý tưởng mới mẻ đó cứ trở đi trở lại.


- Bệnh tật làm người ta trở nên độc ác, sau cùng anh thốt lên.


- Đúng vậy, ẩn sĩ đáp, nếu nó thống trị được ta, biến thể xác ta thành cái gì chính yếu, cái gì chi phối tất cả. Càng thành công nó càng làm chúng ta trở nên ích kỷ, nghĩa là xấu xa.


Người bệnh tiếp tục suy tư. Phải, tất cả các điều đó đều đúng. Thật thế, những ước mơ, khát vọng và những quyết định của thời thanh xuân, giờ đây chẳng còn chút gì. Anh chỉ còn một ước muốn cỏn con: lành bệnh. Đối với anh, chỉ còn mỗi một kiến thức, một chân lý thôi: đó là làm sao được lành bệnh. Bệnh tật đã làm cho anh trở thành con người nhỏ nhen, ích kỷ. Nó đã xáo trộn tổ ấm gia đình anh, đã đổ vào tâm hồn anh nổi cay đắng và thất vọng, và tạo ra một sự trống rỗng. Khi giờ sau cùng điểm, anh sẽ chết một cách thảm thương, trần trụi, sẽ nguyền rủa hay chế nhạo quyền lực đã ban cho sự sống.


Anh nghiến răng lặp lại:


- Bệnh tật làm con người ta trở nên độc ác.


- Đúng, khi nó nắm quyền thống trị ta, ẩn sĩ cũng lặp lại. Khi nó nắm quyền thống trị ta… Thật thế! Anh đã không bao gìơ nghĩ cách giành giật với nó. Không chống cự, anh đã buông thả cho nó tất cả, tất cả! Và anh thấy dường như bây giờ con quái vật đang nhe nanh như muốn bảo: “ngươi đã trao quyền cho ta, ta phải giữ!


Bệnh nhân lại thinh lặng. Sau hồi lâu, anh hỏi:


- Làm thế nào để tước đoạt quyền hành của bệnh hoạn?


- Bằng cách dành cho nó ít chỗ hơn trong tâm hồn mình, càng ngày càng ít đi. Ngược lại, phải dành nhiều chỗ hơn cho quyền lực đáng lẽ phải ngự trị trên ta, ngày càng nhiều chổ hơn. Đó là cách thay đổi quyền lực.


- Quyền lực kia, quyền lực phải thắng trên ta là quyền lực nào, thưa cha?


- Đó là con người nội tâm chúng ta, ẩn sĩ chậm rãi đáp. Đó là con người đích thực của mình, con người mà khi Thiên Chúa ban cho ta sự sống, đã đặt để nó trong ta. Chính cái đó phân biệt ta với người khác, chính nó chứa đựng mọi khả năng, giúp ta hoàn thành bản ngã của ta như Thiên Chúa đã dự tính cho ta ngày ta chào đời. Đó là sức mạnh cần phải nắm quyền làm chủ chúng ta. Khi ấy ta mới chiếm hữu được chính mình, đồng thời Ngài cũng chiếm hữu ta và ta chiếm hữu Ngài.


Con người mà lẽ ra ta phải trở thành!… Hình ảnh này tiếp nối hình ảnh khác đang diển ra trong cái nhìn nội tâm của bệnh nhân. Anh đã có thể trở nên một con người xứng đáng, một người chồng, một người cha, một Kitô hữu, nếu…


Ẩn sĩ đứng lên, ra mở tung cửa sổ. Làn khí mát dịu của đêm hè tràn vào căn phòng. Bệnh nhân hít vào từng đợt hơi dài. Chim chóc chưa lên tiếng hót, và cảnh vật còn bao trùm trong thinh lặng. Nhưng về phương đông một vầng sáng báo hiệu ngày sắp đến.


Khi ẩn sĩ ra khỏi phòng bệnh nhân, người thiếu phụ rời khỏi bàn quì đặt nơi góc nhà, cạnh ảnh Đức Mẹ. Có lẽ chị đã cầu nguyện suốt đêm…


Tay còn cầm tràng hạt, mặt nhợt nhạt dáng mệt mỏi, chị đến tiếp vị ẩn sĩ; chị không có dáng vẻ một người đã tìm được bình an trong việc cầm trí cầu nguyện.


- Thưa cha, chị lên tiếng mà không cảm thấy mâu thuẫn giữa lời chị hỏi với việc đạo đức vừa làm, cha có làm được gì hơn Mẹ của Thiên Chúa không?


Ẩn sĩ nhìn chị, vẻ thương hại. Chị gần kiệt sức hầu như không đứng vững.


Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...