Danh hiệu "Đức Diêu Trì Kim Mẫu"

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 4850 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Trích bài giảng ngày Thánh đản Đức Diêu-Trì Kim-Mẫu (Ngày 17 tháng 7 năm Nhâm Tý, 25.8.1972) của Ngài Cố Nguyễn Minh Thiện, Tổng Lý Minh Lý Thánh Hội.


* * *


Hôm nay là ngày Thánh đản vủa Đức Diêu Trì Kim Mẫu, hiệu là Vô Cực Thiên Tôn.

Chánh ngày vía là 18 tháng 7, ghi trong lịch Tàu và lịch Tam Tông Miếu, nhưng theo lệ đây cúng trước một ngày, là ngày 17, tức là đêm hôm nay.

Ngài làm chủ cái chùa Tam Tông Miếu mà cũng là chủ đạo Minh Lý. Cái hiệu chùa Tam Tông Miếu là do Ngài ban xuống. Thế thì người Minh Lý môn sanh có cái bổn phận tìm biết đến Ngài.

Trước hết, tôi xin giải nghĩa tám chữ " Diêu Trì Kim Mẫu, Vô Cực Từ Tôn" cho môn sanh Minh Lý ai nấy đặng rõ biết Đấng Tối Cao, mà chúng ta thờ chính giữa và trên từng thứ nhứt tại Bửu điện chùa Tam Tông Miếu.


* * *


NGHĨA "DIÊU-TRÌ KIM-MẪU"

Chữ Diêu, hoặc chữ Dao cũng được, có nghĩa là ngọc diêu, một thứ đá quí báu (pierre précieuse).

Chữ Trì nghĩa là ao nước, hay là hồ nước.

Hai chữ Diêu Trì hiệp lại có nghĩa là: Ao hay hồ nước, trong đó có nhiều ngọc quí báu. Đây có nghĩa là một cảnh trí, một cung điện, ở trên một chót núi Hi-mã-lạp-nhã (Himalaya), làm ranh giới giữa nước Ấn Độ và nước Trung Hoa, gọi tên núi là Côn Lôn. Ai có coi truyện thần tiên thì biết đó là chỗ Ngọc Đế ngự và nhiều vị Đại Tiên tu luyện.

Chữ Kim là vàng, cũng có nghĩa là các loại kim, như bạc, đồng, chì, sắt . . .thuộc về Tây phương. Theo Bát quái hậu thiên (Lạc Thơ), Kim nầy ở ngôi Đoài, mà Đoài là Âm kim.

Chữ Mẫu là mẹ, là chủ tể, thuộc về hữu hình. Như cuốn Đạo Đức kinh nói: "Hữu danh, vạn vật chi mẫu.", nghĩa là chừng Đạo có hình, có tên, Nó là mẹ sanh muôn vật.

Người ta thường hiểu chữ "mẫu" theo nghĩa thông thường, là người đàn bà sanh con, nên gọi Đức Diêu Trì Kim Mẫu là Bà Tây Vương Mẫu.

Theo sách vở của người Trung Hoa, Ngài là một vị Thần Tiên từ đời xưa, xa xăm. [ . . .]

Tây Vương Mẫu cũng là một vị ban thuốc trường sanh. Ngài trở thành một vị chủ tể vườn đào,. Ơ cõi trên trời, và cai quản các vị thần tiên cõi đó, có khác hơn cõi ta ở dưới trần nầy là đặng sống lâu và hưởng vô cùng khoái lạc (jouit d’une félicité parfaite). Vườn Tây Vương Mẫu ở trên chót núi Côn Lôn – như tôi đã nói ở trên. Ngài ở trong lầu các bằng ngọc, có 9 từng huyền thất và chung quanh có vách thành bằng vàng.

Trong lầu có đơn phòng Tử Túy, bên trái có ao Diêu Trì, bên mặt có sông Huờn Túy. Dưới chơn có 9 từng nhược thủy ( nước yếu ), sóng cao muôn trượng, không có tiên xa ( xe nhờ bạo phong thổi đi ), vủ luân ( bánh xe bằng lông chim ) thì không thể nào đi đến đó được. [ . . . ]


* * *

NGHĨA "VÔ CỰC TỪ TÔN" 


Tại sao gọi Đức Diêu Trì Kim Mẫu là Vô Cực Từ Tôn ?

Có lẽ chư đạo hữu còn nhớ nghĩa Tam cực đã có giải nhiều lần. [ . . .]

Tam cực nghĩa là Ba ngôi cực cao cả, gọi là :

– Vô cực
– Thái cực
– Hoàng cực

1. Vô cực: Vô cực nghĩa là cực vô, trong đó cực kỳ trống không, chẳng có gì khác lạ hơn nó nữa, gây ra các sự trở ngại cho Nó, nên gọi là Khí hồn nhiên. Tuy vậy mà Nó đủ các đức tính tiềm tàng, còn kín đáo, ẩn núp, cũng như con gà còn trong trứng gà, chưa có lộ hình dạng mà ta có thể thấy được. Cũng như trong một hột giống lúa, tuy ta chưa thấy cây lúa, mà trong đó có đủ sinh lực để sanh ra sau nầy cây lúa vậy.

Đạo Đức Kinh gọi cái đó là: "Đạo tự hư vô sanh nhứt khí", nghĩa là từ trong Đạo hư vô mà sanh ra Nhứt khí. Nhứt khí có ba phương diện hay là Ba ngôi, mà ngôi Thứ nhứt gọi là Vô cực.

2. Thái cực: Thái cực nghĩa là cực thái hay là cực đại. Từ trong Vô cực là ngôi thứ nhứt lại có một điểm khí dương phát sanh. Hễ khí động phát sanh tức là khí dương, thì phần tịnh còn lại là khí âm. Cho nên Kinh Dịch nói : " Thái cực sanh lưỡng nghi" , nghĩa là Thái cực sanh ra khí âm và khí dương. Đạo Đức kinh gọi là Một sanh ra hai. Đây là ngôi thứ nhì của Nhứt khí, mà ngôi Thứ nhì gọi là Thái cực.

3. Hoàng cực: Hoàng nghĩa là ông vua. Cực là cực cao như nói trên. Cũng gọi là Nhơn cực hay là cái phần tinh thần, phần tâm linh cực cao, chẳng phải ở trong vua chúa mà thôi, như người xưa hiểu , mà ở trong tất cả mỗi con người. Nói theo Nho giáo, thông thường, ta có thể gọi Nó là Lương tâm, là Lương tri, Lương năng, là Tánh lý, là Thiên lương, là Thiên chơn, . . .

Thái cực (thèse) sanh ra âm dương, mới có hai bên tương đối (anti thèse), còn Hoàng cực, đây có nghĩa là hổn hiệp âm dương (synthèse) , mói có xuất ra vạn pháp. Nếu không có âm dương tương hiệp, thì làm sao sanh hóa được ! Nên Kinh Đạo Đức nói: "Hai sanh ba", là âm dương hiệp sanh ra Hoàng cực.

Vậy thì Ba ngôi chỉ có Nhứt khí, mà mỗi ngôi đều có một vai tuồng riêng biệt, chẳng giống nhau mà luôn luôn bổ túc cho nhau. Tuy phân ba thời kỳ cho dễ hiểu, kỳ thiệt là Ba ngôi cùng đồng thời, phân cao hạ.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu vẫn có một vai tuồng đặc biệt, thuộc về ngôi Vô cực, nên lấy hiệu là: Vô cực Từ Tôn. Nghĩa là Ngài đại diện cho ngôi Thứ nhứt là ngôi Vô cực.

Sao gọi là Từ Tôn ?

"Từ" là nhân từ, từ bi, có lòng thương xót, độ dẫn tất cả chúng sanh. Như theo thếgian, mẹ thuơng con một cách diệu hiền nên gọi là từ mẫu, từ thân. Trái lại, đối với cha, thì dùng chữ nghiêm, nghĩa là nghiêm minh, nên gọi là nghiêm phụ, nghiêm quân.

"Tôn" là cao cả, bực rất mực tôn nghiêm. Hoặc gọi là Thiên tôn, nghĩa là bực cao cả, tôn nghiêm, ỏ trên các từng trời, hay là trên thiên đàng.

 


Ngài Minh Thiện
Nguồn: caodaivn.com
Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...