Dạy Giáo lý theo Kinh Lạy Cha

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 4154 | Cật nhập lần cuối: 2/29/2016 6:15:12 AM | RSS

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 20
DẠY GIÁO LÝ THEO KINH LẠY CHA

Tiếp tục đề tài đào tạo những người chứng trẻ trên đường loan Tin mừng cho Dòng họ, tôi xin lưu ý quý giảng viên giáo lý thêm một chút về việc dùng sách giáo lý, để học viên thấy rõ mình đang được đón nhận một Tin mừng tươi mới và diễm phúc, thay vì xem việc học giáo lý như một gánh nặng bất đắc dĩ.

Ngày nay khoa sư phạm giáo lý dự tòng đã đúc kết được những lược đồ khác nhau cho tiến trình dạy/học giáo lý dự tòng: lược đồ kinh Tin kính, lược đồ Lịch sử cứu rỗi, lược đồ Phụng vụ, lược đồ Tin mừng. Đó là những kinh nghiệm thuận lợi cho việc đào tạo đức tin. Đang khi ấy, các bản hỏi đáp, cũng gọi là sách bổn (sách phần, sách thiên) hay sách giáo lý xưa nay thường chia nội dung giáo lý thành bốn phần: tín lý, luân lý, bí tích và cầu nguyện. “Bản hỏi thưa Giáo lý Hội Thánh Công Giáo” do Ủy ban Giáo lý Đức Tin thực hiện năm 2013 cũng thế. Cấu trúc ấy dễ khiến người ta hiểu lầm rằng dạy/học giáo lý cũng giống như dạy/học những kiến thức. Việc chia thành bốn phần rất thuận lợi để dùng sau khi học xong giáo lý, để ghi nhớ những điều đã học theo một hệ thống có thứ tự lớp lang, nhưng nó không được sắp xếp theo những bước phát sinh và nẩy nở của đức tin. Muốn giúp đức tin nẩy nở và lớn lên cách thuận tự nhiên, nên trình bày theo những giáo trình biên soạn cho các dự tòng, không nên dạy tuần tự từng câu theo sách hỏi đáp. Nói cách khác, nên trình bày theo từng bài trong sách dự tòng rồi cuối bài cho ghi nhớ bằng các câu tương ứng trong sách giáo lý hỏi đáp.

Bốn sách Tin mừng là bốn quyển giáo lý đầu tiên của Hội Thánh cho thấy rõ việc dạy giáo lý không phải là truyền đạt kiến thức nhưng phải là đào tạo cho người tín hữu mới có được một đức tin sâu xa.

Với bối cảnh văn hóa nặng tính Đạo Hiếu tại Việt Nam, thiết tưởng lược đồ của sách Tin mừng Luca, cũng có thể gọi là lược đồ Kinh Lạy Cha, dễ giúp người tín hữu mới tiếp cận và đào sâu giáo lý Đạo Chúa cách hồn nhiên, và sau đó dễ chia sẻ lại với anh chị em và bà con trong dòng họ. Thật vậy, Tin mừng Luca khởi đầu với khung cảnh gia đình và gia tộc (x. Lc 1,5.36.39-45.57-66), với Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa Tối Cao (x. Lc 1,35), Đấng đến để lo việc của Chúa Cha và ở lại trong nhà Cha (x. Lc 2,49), Đấng thuộc về đại gia đình nhân loại, gia phả Ngài phăn ngược lên đến tận cội nguồn đầu tiên (x. Lc 3,23-38), Ngài luôn sống đẹp lòng Cha, Ngài nêu rõ bước tiến từ quan hệ huyết thống đến quan hệ Nước Trời (x. Lc 8,19-21; 9,57-61; 12,51-53), Ngài dạy ta cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha (x. Lc 11,1-4), dạy ta tin tưởng vào tình Cha quan phòng của Thiên Chúa (x. Lc 12,22-32). Nổi bật nhất là câu chuyện về tình Cha (x. Lc 15,11-32) và tâm tình của Chúa Giêsu trên thập giá phó thác linh hồn trong tay Chúa Cha (x. Lc 23, 46).

Dạy giáo lý theo Kinh Lạy Cha có nghĩa là mời gọi học viên ngỏ lời với Thiên Chúa là Cha ngay từ khi mới tiếp nhận những thông tin đầu tiên về Ngài, như con nhỏ thưa chuyện cùng Cha mình, với hết tình con thảo. Phần tín lý là câu chuyện tình thương của Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu Kitô, dành cho chúng ta. Câu chuyện này được kể chủ yếu với Tin mừng theo Thánh Luca và bổ sung bằng các sách khác: Chúa Cha mặc khải cho những người bé mọn (Lc 10,21), Chúa Cha và Chúa Con (Lc 10, 22), Tình Cha quan phòng (Lc 12,22-32), giàu lòng thương xót và tha thứ (Lc 15,12-32). Ngài là Cha Đức Giêsu Kitô (Lc 21,41-44), đã trao Vương quốc cho Con mình (Lc 22,28-30), Đấng luôn làm theo ý Cha (Lc 22,41-44), phó thác mọi sự trong tay Cha (Lc 23,46) và là Đấng đã làm cho Đức Giêsu từ cõi chết sống lại (Lc 24,46) và ban Thánh Thần cho môn đệ (Lc 24,48). Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại để quy tụ Gia đình con cái Thiên Chúa là Hội Thánh.

Đời sống luân lý tập trung vào nghĩa vụ của người con Thiên Chúa, với điều răn lớn nhất là mến Chúa yêu người (Lc 10,25-28), và “hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 7,36). Một khi biết được có Đấng Tuyệt Đối đang âu yếm dõi nhìn ta mọi nơi mọi lúc, thì dù không được ai ở đời này khen thưởng hay nhìn nhận, ta vẫn luôn sống xứng đáng là con cái của Ngài. Với sự quảng đại ấy, dần dần người ta sẽ được ơn nhận biết rằng "vị Thiên Chúa ấy đã yêu thế gian đến nỗi đã ban tặng Con Một Ngài để tất cả những ai tin vào Người Con ấy thì không bị hư mất nhưng được sống đời đời" (Tin mừng theo Thánh Gioan 3,16). Chính Người Con ấy đã đến trần gian để dạy ta biết làm con cái trong gia đình trần thế và làm con của Trời Cao. Từ chỗ là Con Thiên Chúa Hằng Sống, Ngài đã trở nên "Con của người", "Con của nhân loại" và cũng là người con hiếu thảo trong một gia đình (x. Luca 2,51) để ban cho nhân loại Tinh Thần của ơn nghĩa tử, tức là Thánh Thần của Thiên Chúa, Đấng dạy cho mỗi người biết sống như con thảo của Cha trên trời. Bốn biển chỉ có thể là anh em một nhà khi cùng nhìn nhận một Người Cha duy nhất, quy tụ quanh một Người Con duy nhất đồng bản tính với Thiên Chúa Cha, là Đức Giêsu Kitô, được Cha sai đến trần gian làm Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời (x. Thư Hípri 13, 8).

Các bí tích là những nhịp sống của người con Thiên Chúa, từ khi được tái sinh bởi nước và Thánh Thần (Lc 3,16) cho tới ngày trở về với Thiên Chúa.

Trong chương trình Giáo lý Dự tòng, sau khi nói về mạc khải, nên trình bày ngay bài học về Đạo Hiếu và việc thờ cúng Ông Bà theo quan điểm Công giáo, để hóa giải thắc mắc về điểm này ngay từ đầu, trước khi đi vào toàn bộ mạc khải.

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Loan Tin Mừng cho dòng họ

---------------------------------------

* Bài liên quan:

Những cội nguồn ảo

Tâm tư người loan Tin Mừng cho dòng họ

Ngỏ lời với bạn đọc ngoài Kitô giáo

Đào tạo người chứng trẻ

Cơ hội chia sẻ lòng tin

Các Thánh tử đạo người Việt xếp theo dòng họ

Đường về quê hương các Thánh

Phong trào liên kết dòng họ

Một vài kinh nghiệm loan Tin Mừng qua con đường Đạo Hiếu

Vấn đề thờ cúng ông bà trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam

Một số thực hành gây ái ngại

Quan điểm mới của Tòa Thánh

Dưới mái từ đường của trăm họ

Gia phả, chìa khóa mở lòng anh em

Gia phả Chúa Giêsu Kitô

Thiên Chúa Cha mạc khải qua Kinh Thánh

Đạo hiếu trong lời nguyện phụng vụ

Tránh bị ngộ nhận một lần nữa

Tránh bị ngộ nhận một lần nữa (2)

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...