Đức Giêsu Kitô - Đường kiện toàn phẩm giá con người (2)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 24 | Cật nhập lần cuối: 10/17/2024 4:08:10 PM | RSS

(tiếp theo)

III. SUY TƯ THẦN HỌC

Duc Giesu Kito - Duong kien toan pham gia con nguoi (2)Theo mặc khải Ki-tô Giáo, con người là ‘thực thể duy nhất’ được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa. Đặc biệt, dưới nhãn quan Cựu Ước, phẩm giá con người mang tính phổ quát. Phẩm giá con người bền vững, không ai có thể tước mất được. Điều này có nghĩa rằng không ai được phép xúc phạm phẩm giá người khác, ngay cả những kẻ đã thực hiện những tội phạm nặng nề nhất. Trong Thông Điệp Evangelium Vitae (1995), thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Ngay cả kẻ giết người cũng không mất đi phẩm giá cá vị của mình và chính Thiên Chúa cam kết bảo đảm điều này” (Evangelium Vitae 9). Trong Thông Điệp Fratelli Tutti (2020), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khẳng định: “Mọi con người đều có quyền sống với phẩm giá và có quyền phát triển cách toàn vẹn; quyền căn bản này không thể bị chối bỏ bởi bất cứ quốc gia nào” (Fratelli Tutti 107). Cũng theo ngài, “người ta có quyền này ngay cả dù họ không có khả năng sản xuất, hoặc họ có những giới hạn bẩm sinh hay do hoàn cảnh. Điều này không làm giảm phẩm giá cao cả của họ trong tư cách là những nhân vị, một phẩm giá không đặt nền trên những hoàn cảnh cuộc sống, nhưng trên giá trị nội tại của hữu thể con người” (Fratelli Tutti 107). Như vậy, sự tồn tại của phẩm giá con người không lệ thuộc những gì bên ngoài hay khả năng thể lý, tâm lý, tâm linh của con người.

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Nhà thờ Chính Tòa Osnabrück (16.11.1980) thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói rằng phẩm giá con người là vô hạn (dignitas infinita). Tiếp nối tư tưởng của thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định: “Mọi người đều có phẩm giá vô hạn, không thể chuyển nhượng, gắn liền với hữu thể của mình, phẩm giá này hiện hữu trong và vượt trên mọi hoàn cảnh, trạng thái hoặc tình huống mà người đó có thể đối diện” (Dignitas Infinita 1). Điều này có nghĩa rằng tri thức con người không thể hiểu biết tường tận những gì liên quan đến phẩm giá con người. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khẳng định về phẩm giá con người không lệ thuộc hoàn cảnh nào nhưng dựa trên giá trị nội tại của bản thể mình (Fratelli Tutti 107). Phẩm giá vô hạn của con người đặt nền tảng trên tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả trong chương trình sáng tạo, cứu độ và thánh hóa được thực hiện nhờ Đức Giê-su trong sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần giữa gia đình nhân loại. Do đó, sự nhìn nhận phẩm giá con người cũng đồng nghĩa với sự nhìn nhận rằng con người không chỉ là ‘sản phẩm’ của vật chất thuần túy, cũng không phải là ‘kết quả’ của sự tiến hóa ngẫu nhiên may rủi nhưng là ‘quà tặng nhưng không’ của Thiên Chúa với phẩm giá cao quý so với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo.

Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, phẩm giá con người không chỉ liên quan đến ‘phần hồn’ mà còn liên quan đến ‘phần xác’. Nói theo cách tổng quát hơn, phẩm giá con người không chỉ liên quan đến những gì thuộc về ‘thế giới vô hình’ mà còn liên quan đến ‘thế giới hữu hình’ nữa. Thân xác tham dự phẩm giá con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (GLGHCG 364). Dựa trên nội dung đức tin Ki-tô Giáo, Công Đồng Vatican II tái xác nhận rằng: “Con người là duy nhất với xác hồn” [corpore et anima unus] (GS 14). Đặc biệt, theo thánh Phao-lô, con người hồn xác nhất thể là Đền Thờ của Thiên Chúa: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3,16). Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Trong Huấn Thị Dignitas Personae (Phẩm Giá Con Người, 2008), Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định rằng: “Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã xác nhận phẩm giá của thân xác và linh hồn cấu thành con người. Đức Ki-tô không xem thường thân xác con người, nhưng thay vào đó, Người đã biểu lộ đầy đủ ý nghĩa và giá trị của nó” (Bộ Giáo Lý Đức Tin, Dignitas Personae 7). Như vậy, nơi con người tâm hồn và thể xác hiệp nhất nên một với nhau và mọi người được mời gọi luôn ý thức về sự hiệp nhất nên một đó. Đặc biệt, mọi người được mời gọi chiêm ngắm Đức Giê-su bởi vì nơi Người sự hiệp nhất nên một luôn trọn hảo.

Con người càng ngày càng quan tâm phẩm giá của mình, tuy nhiên, sự quan tâm của nhiều người trong thời đại hôm nay thiên về phẩm giá xã hội (social dignity) và phẩm giá hiện sinh (existential dignity). Trong khi đó, phẩm giá bản thể (ontological dignity) và phẩm giá đạo đức (moral dignity) lại ít được để ý. Quả thực, sự quan tâm về phẩm giá xã hội và phẩm giá hiện sinh chủ yếu thể hiện nơi tính độc lập, tự do, tự chủ, pháp lý cũng như các quyền lợi khác của con người trong xã hội dân sự. Nói cách khác, người ta quan tâm phẩm giá con người trong tình trạng ‘vắng bóng Thiên Chúa’, Đấng sáng tạo muôn vật muôn loài, đồng thời, cũng là Đấng ban tặng con người phẩm giá cao quý và làm cho con người trổi vượt hơn muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Đặc biệt, Người là Đấng không ngừng mời gọi con người thông hiệp với Người trong hành trình trần thế và trong Quê Hương vĩnh cửu. Bộ Giáo Lý Đức Tin diễn giải: “Khởi đi từ hai chiều kích nhân bản và thần linh, người ta có thể hiểu rõ hơn giá trị bất khả xâm phạm của con người: Con người có một ơn gọi vĩnh cửu và được mời gọi tham dự vào tình yêu Ba Ngôi của Thiên Chúa hằng sống” (Bộ Giáo Lý Đức Tin, Dignitas Personae 8). Hai chiều kích nhân bản và thần linh nơi con người được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Giê-su, A-đam mới, là Thiên Chúa thật và con người thật giữa gia đình nhân loại. Công Đồng Vatican II giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều này: “Chúa Ki-tô, Adam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ. Bởi vậy không lạ gì khi những chân lý đã nói ở trên đều tìm thấy nguồn gốc của chúng và đạt tới tột điểm nơi Người” (GS 22).

Con người cao cả hơn vạn vật bởi vì con người có phẩm giá và nhân vị. Con người cao cả hơn vạn vật bởi vì con người có khả năng đón nhận mặc khải của Thiên Chúa, sống theo mặc khải của Thiên Chúa, loan báo mặc khải Thiên Chúa và lưu truyền mặc khải Thiên Chúa cho hậu thế. Theo thánh Tô-ma A-qui-nô, “Nhân vị có nghĩa là cái hoàn hảo nhất (ở/hiện hữu) trong bản tính trọn vẹn, tức là cái lập hữu trong bản tính hữu lý" [persona significat id, quod est perfectissimum in tota natura, scilicet subsistens in rationali natura] (Thomas Aquinas, Summa Theologiae I, q.29, a.3). Công Đồng Vatican II nhận định: “Những kẻ tin cũng như những kẻ không tin dường như đồng quan điểm là mọi vật trên địa cầu phải được hướng về con người như là trung tâm và tột điểm của chúng” (GS 12). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo quả quyết: “Vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên có phẩm giá là một nhân vị. Không phải là một sự vật mà là một con người. Con người có khả năng tự biết mình, tự làm chủ chính mình và tự do tự hiến và thông hiệp với những người khác (GLGHCG 357). Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng diễn đạt tương tự: “Mọi người đều sở hữu một phẩm giá bất khả nhượng, đó là một sự thật tương hợp với bản tính con người, không phụ thuộc vào mọi thay đổi văn hóa” (Fratelli Tutti 213).

Phẩm giá con người được Thiên Chúa duy nhất cũng là Thiên Chúa Ba Ngôi tác tạo: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26). Do đó, phẩm giá con người không chỉ được hiểu theo nghĩa cá nhân mà còn theo nghĩa tập thể. Phẩm giá con người còn là phẩm giá của ‘loài thụ tạo’ phân biệt với các loài thụ tạo khác trong vũ trụ bởi vì con người là loài thụ tạo cao cả hơn muôn loài. Nói cách khác, phẩm giá con người không chỉ liên quan đến ‘tôi’ mà còn ‘chúng ta’. Quả thực, con người là hữu thể tương quan, ‘hữu thể sống với, sống vì và sống cho’. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng người nào tôn trọng, chăm sóc và bảo vệ phẩm giá con người cũng là người có khả năng đóng góp phần mình làm cho gia đình nhân loại đi đúng hướng và ngày càng trở nên ‘cái nôi’ cho phép mọi người được phát triển lành mạnh giữa lòng thế giới. Công Đồng Vatican II khẳng định: “Tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người khác con người sẽ không sống và phát triển tài năng mình” (GS 12). Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Toàn thể xã hội phải tôn trọng, bảo vệ và thăng tiến phẩm giá của mỗi người, tại mọi thời điểm và trong mọi điều kiện của cuộc sống họ” (Evangelium Vitae 81). Phẩm giá con người không được cải thiện nếu con người không quan tâm các hình thức tập thể của xã hội loài người, chẳng hạn như gia đình, trường học, giáo xứ, giáo phận, tổ quốc và cả gia đình thế giới thụ tạo. Do đó, mọi người được mời gọi mở ra với người khác, tôn trọng phẩm giá người khác và cùng với người khác hướng về sự kiện toàn phẩm giá trong Đức Giê-su.

Nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo cũng như kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta nhận thức rằng phẩm giá và sự sống con người liên quan mật thiết với nhau. Khi phẩm giá con người bị xúc phạm cũng là khi sự sống con người bị tổn thương. Thánh I-rê-nê (130-202) khẳng định: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống và sự sống của con người hệ tại ở việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa [Gloria enim Dei vivens homo, vita autem hominis visio Dei]" (Ireneus, Adversus Haereses, IV, 20.7). Việc nhận thức phẩm giá con người đi đôi với việc nhận thức tầm quan trọng của sự sống mọi người trong gia đình nhân loại. Thật bất cập biết bao khi người ta vừa cổ vũ việc coi trọng phẩm giá con người, vừa xem nhẹ sự sống xứng đáng với phẩm giá đó. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II khẳng định rằng: “Nhờ đức tin vào Đức Giê-su là Tác Giả của sự sống, sự sống bị lãng quên và kêu cứu sẽ lấy lại được lòng tự trọng và phẩm giá trọn vẹn” (Evangelium Vitae 32). Cũng theo ngài, khi con người mất ý thức về Thiên Chúa, con người cũng mất ý thức về phẩm giá và sự sống mình (Evangelium Vitae 21). Khi con người nhận thức phẩm giá bất khả xâm phạm của bản thân cũng là khi con người có thể khám phá và đi vào mối tương quan liên vị Thiên Chúa, đồng thời, cũng là khi con người nhận thức đầy đủ hơn về thân phận của mình (Evangelium Vitae 31). Phẩm giá con người cao quý vì con người là thụ tạo ‘luôn gần gũi Thiên Chúa’. Do đó: “Sống ‘như thể Thiên Chúa không hiện hữu’, con người không chỉ mất ý thức về mầu nhiệm Thiên Chúa mà còn mất ý thức về mầu nhiệm thế giới và mầu nhiệm bản thân mình” (Evangelium Vitae 22).

Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng con người không phải là thực thể biệt lập trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa nhưng là thực thể được sáng tạo trong sự liên đới mật thiết với vạn vật. Sách Sáng Thế cũng cho chúng ta biết thế giới thụ tạo được sáng tạo cho con người và vì con người. Hai điểm căn bản trong chương trình Thiên Chúa sáng tạo là con người vừa là chủ thể của muôn vật muôn loài, vừa là nhà quản lý muôn vật muôn loài. Hơn nữa, con người được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo. Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta biết rằng, từ ‘phẩm giá’ thường được dùng để nói về con người. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định rằng vạn vật có ‘phẩm giá’ hay ‘giá trị’ của chúng trong trật tự chương trình Thiên Chúa sáng tạo bởi vì Thiên Chúa hằng chăm sóc con người cũng như muôn vật muôn loài: “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9) hay: “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê” (Tv 145,15-16). Con người được mời gọi làm cho các giá trị này ngày càng được triển nở hầu góp phần mình trong việc khôi phục và kiện toàn phẩm giá con người mà Đức Giê-su thực hiện.

Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với Đức Giê-su trong chương trình kiện toàn phẩm giá con người. Sự đồng hành của Chúa Thánh Thần đã được tiên báo trong Cựu Ước và trở nên hiện thực trong Tân Ước (St 1,1-3; Is 11,1-9; Mt 1,18; Mc 1,10-11; Lc 1,34-35; Ga 14,26). Theo ngôn ngữ của thánh I-rê-nê, Chúa Con và Chúa Thánh Thần như ‘đôi tay’ của Thiên Chúa (Irenaeus, Against Heresies, V, 6.1). Con người in đậm ‘dấu vân tay’ của Thiên Chúa (St 2,7). Hơn nữa, Chúa Thánh Thần không ngừng biến đổi con người và vạn vật như khẳng định của Công Đồng Vatican II: “Thánh Thần Chúa, Đấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này” (GS 26). Như vậy, con người từ trong ra ngoài, từ tâm hồn tới thể xác đều mang dấu ấn của Thiên Chúa, dấu ấn từ đời đời trong ý định của Người và được Người thực hiện trong không gian, thời gian nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần.

Phẩm giá con người phát xuất từ tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Do đó, phẩm giá này vượt trên mọi nghịch cảnh và luôn được định hướng về môi trường Thiên Chúa. Trong Thông Điệp Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Chúng ta hãy dấn thân sống và truyền bá giá trị của sự tôn trọng người khác, giá trị của một tình yêu có khả năng tiếp đón những khác biệt, và ưu tiên cho phẩm giá của mọi con người, bất kể các ý kiến, quan điểm, thực hành, và ngay cả tội lỗi của họ” (Fratelli Tutti 191). Con người được dựng nên với phẩm giá cao quý vô hạn (dignitas infinita). Tuy nhiên, bao lâu còn sống giữa lòng thế giới, phẩm giá con người vẫn còn bị tổn thương bởi các mãnh lực của ma quỷ, thế gian, tính xác thịt. Nói cách khác, phẩm giá con người là tác phẩm dang dở bao lâu con người vẫn còn trong hành trình trần thế. Do đó, mọi người luôn được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa và với nhau hầu làm cho phẩm giá con người luôn được tôn trọng, bảo vệ và ngày càng sáng đẹp hơn.

Phẩm giá con người được thể hiện tròn đầy trong thời cánh chung khi Thiên Chúa quy tụ con người và muôn vật muôn loài dưới quyền một Thủ Lãnh là Đức Giê-su. Nói cách khác, phẩm giá con người đạt đỉnh điểm trong Vương Quốc Thiên Chúa: “Vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và diễm phúc, vương quốc công bình, yêu thương và bình an” (Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Ki-tô Vua). Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II khẳng định: “Phẩm giá của sự sống không chỉ gắn liền với sự khởi đầu của nó, với sự kiện nó đến từ Thiên Chúa, mà còn với mục đích cuối cùng của nó, với vận mệnh của sự hiệp thông với Thiên Chúa trong sự hiểu biết và tình yêu của Người” (Evangelium Vitae 38). Quả thực, mọi người luôn được mời gọi hướng tâm trí mình về Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh hầu có thể được hiệp thông viên mãn với Người trong Quê Hương vĩnh cửu.

Được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, con người không bao giờ thỏa mãn với những gì trong thế giới thụ tạo. Thánh Tô-ma A-qui-nô viết: “Không gì có thể thỏa mãn ý muốn của con người, ngoại trừ điều thiện phổ quát. Điều này không thể tìm được ở nơi bất kỳ thụ tạo nào, mà chỉ ở nơi Thiên Chúa; bởi vì, mọi thụ tạo có được sự thiện hảo nhờ tham dự. Do đó, chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm cho ý muốn của con người được thỏa mãn” (Thomas Aquinas, Summa Theologiae I-II, q.2, a.8). Trong Summa Contra Gentiles, ngài viết: “Sự hiệp nhất hoàn hảo được tìm thấy ở đỉnh cao nhất của các hữu thể, Thiên Chúa” (Thomas Aquinas, Summa Contra Gentiles IV,1). Như vậy, cuộc đời của con người là ‘cuộc đời có hướng’, hướng về Thiên Chúa trong khi thực thi thánh ý Người theo ơn gọi và đặc sủng của mình giữa lòng trần thế.

IV. ĐỒNG HÀNH VỚI ĐỨC GIÊ-SU

4.1 Đường kiện toàn phẩm giá con người

Trong Bữa Ăn Cuối Cùng của Đức Giê-su với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn, thánh Tô-ma hỏi Người: ‘Chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?’ (Ga 14,5). Đức Giê-su trả lời: “Chính Thầy là Đường” (Ga 14,6). Chúng ta có thể khẳng định rằng Đường Đức Giê-su trong gia đình nhân loại là Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người. Mọi lời nói và việc làm của Người đều minh chứng điều đó. Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người là Đường duy nhất cho mọi người trong gia đình nhân loại. Buổi đầu loan báo Tin Mừng, thánh Phê-rô khẳng định: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Trong Chúa Thánh Thần, Đường của Đức Giê-su đang hiện diện và hoạt động giữa gia đình nhân loại để ai trung tín theo Đường này thì được thông hiệp với Thiên Chúa.

Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người của Đức Giê-su cho chúng ta nhận thức rằng phẩm giá con người cao quý đến mức Người đã thông hiệp để thánh hóa; tội lỗi của con người nghiêm trọng đến mức Người đã mang lấy để đưa lên cây thập tự; sự chết của con người nguy hiểm đến mức Người đã chết để tiêu diệt một lần cho tất cả. Quả thực, vì tội lỗi, phẩm giá con người nguyên thủy bị tổn thương và con người phải đối diện với muôn hình thức bất an, bất hạnh, đau khổ. Vì tình yêu vô điều kiện, Đức Giê-su đã đến trần gian để biểu lộ và thực thi chương trình cứu độ và giải thoát của Thiên Chúa. Nhờ Đức Giê-su, Đấng vĩnh cửu hiện diện trong thời gian, phẩm giá con người không chỉ được biến đổi, khôi phục mà còn được kiện toàn và cho phép con người hay chết trở thành con cái Thiên Chúa hằng sống.

Chúng ta có thể nhận thức hành trình trần thế của Đức Giê-su và hiệu quả của hành trình đó trong hai thì: (1) Là Thiên Chúa, Đức Giê-su trở thành con người và (2) nhờ đó, con người được thần hóa, nghĩa là con người được gần Thiên Chúa hơn cho đến khi được hiệp nhất nên một trong Người. Điều này có nghĩa rằng nhờ Đấng là Thiên Chúa trở thành con người mà con người được muôn đời kết hiệp cùng Thiên Chúa. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giê-su. Thật vậy, Đức Giê-su đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa” (Dt 2,9). Trích đoạn này gợi lên trong tâm trí chúng ta nội dung của Thánh Vịnh 8 rằng con người chẳng thua kém thần linh là mấy và rằng con người có một tương lai vinh hiển nhờ kế hoạch của Thiên Chúa được Đức Giê-su thực hiện.

Thánh A-tha-na-xi-ô (298-373) viết: “Như Đức Giê-su mặc lấy thân xác và đã trở thành con người, chúng ta được Ngôi Lời thánh hóa khi được đưa đến với Người qua xác thịt của Người và từ đó thừa hưởng sự sống 'đời đời'” (Athanasius, 3rd Discourse Against the Arians, 34). Cũng theo ngài: “Đức Giê-su trở thành con người để chúng ta được thần hóa, Người biểu lộ chính mình trong một thân thể để chúng ta có thể đón nhận Chúa Cha vô hình và Người chịu sự ngạo mạn của con người để chúng ta có thể thừa hưởng sự bất tử” (Athanasius, On the Incarnation of the Word, 54). Còn thánh Ghê-gô-ri-ô Na-di-en viết: “Chúng ta hãy nhìn nhận phẩm giá của mình; chúng ta hãy tôn vinh Nguyên Mẫu của mình; Chúng ta hãy nhận biết quyền năng của Mầu Nhiệm và vì sao Đức Ki-tô đã chết” (Gregory Nazianzen, Orations 1, IV). Như vậy, nhờ Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người của Đức Giê-su, con người vốn yếu đuối lại trở nên mạnh mẽ, vốn tội lỗi lại trở nên thánh thiện, vốn phải chết lại trở nên sống động.

Như đề cập ở trên, tội lỗi làm cho phẩm giá con người là hình ảnh của Thiên Chúa bị tổn thương và chỉ có Đấng ban cho con người phẩm giá cao quý mới có thể khôi phục và kiện toàn phẩm giá đó. Ai gắn bó với Đức Giê-su và đi Đường Kiện Toàn Phẩm Giá của Người thì được giải thoát khỏi mãnh lực ma quỷ, thế gian, tính xác thịt là mầm mống của tội lỗi và sự chết. Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su nói rằng ai theo Người thì không đi trong tối tăm nhưng được ánh sáng ban sự sống (Ga 8,12). Công Đồng Vatican II khẳng định: “Là ‘hình ảnh của Thiên Chúa vô hình’, chính Người là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu của A-đam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Bởi vì nơi Người bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt, do đó chính nơi chúng ta nữa bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Bởi vì, chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người” (GS 22). Cũng theo Công Đồng Vatican II: “Ai theo Chúa Ki-tô, Con Người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên người hơn” (GS 41).

4.2 Theo đường kiện toàn phẩm giá con người

Ai đi Đường của Đức Giê-su, Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người, thì được mời gọi sống theo những giá trị của Nước Thiên Chúa. Cụ thể là, ai theo Đường Đức Giê-su thì được mời gọi sống theo Tám Mối Phúc (Beatitudes) hay Hiến Chương Nước Trời (Constitution of the Kingdom of God) mà Đức Giê-su đã công bố và thực thi: Người đề cao những ai ‘có tâm hồn nghèo khó’, ‘hiền lành’, ‘sầu khổ’, ‘khát khao nên người công chính’, ‘xót thương người’, ‘có tâm hồn trong sạch’, ‘xây dựng hòa bình’, ‘bị bách hại vì sống công chính’. Ai theo Đức Giê-su, Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người, thì được mời gọi nói không với các hình thức nô lệ, nghèo đói, chiến tranh, hận thù, chia rẽ, bạo lực, lạm dụng, loại trừ, bất hòa hợp, nặc danh làm hại người khác. Tắt một lời, ai theo Đường của Đức Giê-su thì được mời gọi luôn tôn trọng phẩm giá con người trong mọi thời và khắp mọi nơi.

Câu hỏi đặt ra là ‘tại sao chúng ta được mời gọi tôn trọng phẩm giá con người?’ Thưa, như đề cập ở trên, phẩm giá con người không phải là thứ con người tự thân sở đắc hay được ai đó chuyển nhượng nhưng do Thiên Chúa ban tặng. Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ. Nơi Người, mọi sự đều hoàn hảo và những gì Người sáng tạo hay xuất phát từ Người đều tốt đẹp. Giáo huấn của Đức Giê-su cho chúng ta nhận thức rằng ai lãnh đạm với phẩm giá con người thì cũng lãnh đạm với Thiên Chúa; ai xúc phạm phẩm giá con người thì cũng xúc phạm Thiên Chúa; ai làm phương hại phẩm giá con người thì cũng phản nghịch Thiên Chúa. Bằng cách nào con người có thể tôn trọng và bảo vệ phẩm giá mình cũng như anh chị em đồng loại? Thưa, bằng cách chiêm ngắm Đức Giê-su và thực thi giáo huấn của Người. Cụ thể là, mọi người cần học hỏi, suy niệm và dõi theo Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người của Đức Giê-su trong mọi tư tưởng, lời nói và việc làm.

Qua bao thế hệ, nhiều người vẫn quan tâm ‘lượng’ hơn là ‘phẩm’, quan tâm những gì con người ‘có’ hơn những gì con người ‘là’. Đặc biệt, trong thế giới hôm nay, sự lên ngôi của thế giới kỹ thuật số và công nghệ hiện đại kéo theo sự lệ thuộc của con người vào các phương tiện tinh vi, mãn nhãn. Xem ra con người càng ngày càng lệ thuộc vào máy móc, thậm chí con người bị máy móc điều khiển hơn là con người điều khiển máy móc, chủ thể và khách thể đang trên tiến trình thay bậc đổi ngôi! Trong Thông Điệp Quan Tâm Vấn Đề Xã Hội (Sollicitudo Rei Socialis, 1987), thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Bất cứ điều gì ảnh hưởng đến phẩm giá của các cá nhân và các dân tộc, chẳng hạn như sự phát triển đích thực, không thể bị giản lược thành một vấn đề ‘kỹ thuật’. Nếu giản lược như vậy, sự phát triển sẽ bị mất đi nội dung đích thực của nó, và điều này sẽ là hành động phản bội các cá nhân và các dân tộc mà sự phát triển mang nghĩa là phục vụ” (Sollicitudo rei Socialis 41). Với ngài, tôn trọng phẩm giá tự nhiên và siêu nhiên của con người luôn là nền tảng cho việc xây dựng hòa bình và phát triển của các hình thức xã hội trong gia đình nhân loại.

Lịch sử gia đình nhân loại cho chúng ta nhận thức rằng khi con người không xác tín rằng mình cao cả hơn vạn vật cũng là khi con người tự hạ thấp phẩm giá của mình giữa muôn vật muôn loài. Khi con người không ý thức đủ về phẩm giá của mình cũng là khi con người tự làm cho mình xa lạ với bản thân, với anh chị em, với muôn vật muôn loài và với Thiên Chúa. Bao lâu mọi người trong gia đình nhân loại chưa nhìn nhận phẩm giá con người là sự thật phổ quát (universal truth), là trung tâm và là chóp đỉnh của đời sống cá nhân cũng như các hình thức tập thể thì bấy lâu gia đình nhân loại còn phải đương đầu với bất an, nghèo nàn, đau khổ. Quả thực, khi con người từ chối phẩm giá mình cũng như anh chị em đồng loại cũng là khi con người sẵn sàng gây tai họa cho chính mình, cho anh chị em và muôn vật muôn loài. Khi con người không nhận ra sự bình đẳng về phẩm giá của mọi người cũng là khi con người trở thành những kẻ gây bất hòa, bất thuận đối với anh chị em mình. Khi con người cho rằng phẩm giá mình cao cả hơn phẩm giá người khác cũng là khi con người sẵn sàng gây đại họa cho anh chị em mình. Theo Công Đồng Vatican II: “Mỗi người đều phải coi người đồng loại không trừ một ai như ‘cái tôi thứ hai’, cho nên trước hết phải quan tâm đến sự sống của họ và quan tâm đến những phương tiện cần thiết giúp họ sống một đời sống xứng đáng” (GS 27).

Xã hội nào không tôn trọng phẩm giá con người thì xã hội đó không vì con người và hậu quả là xã hội đó trở thành môi trường bóp nghẹt sự phát triển. Hai cụm từ nổi tiếng được thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đề cập nhiều lần trong các sứ điệp của ngài là ‘văn hóa sự sống’ (culture of life) và ‘văn hóa sự chết’ (culture of death). Chẳng hạn, trong thông điệp Evangelium Vitae, ngài viết: “Ngày nay chúng ta cũng thấy mình trong cuộc xung đột kịch tính giữa 'nền văn hóa sự chết’ và ‘nền văn hóa sự sống’. Nhưng vinh quang của Thập Giá không bị phủ lấp bởi bóng tối này; trái lại, nó chiếu sáng rạng rỡ và tươi mới hơn bao giờ hết, và được biểu lộ như là trung tâm, ý nghĩa và mục đích của toàn bộ lịch sử và của mọi cuộc sống con người” (Evangelium Vitae 50). Đối với thánh nhân, nền văn minh nhân loại chỉ có thể tiến triển đúng hướng khi đặt nền tảng trên phẩm giá con người. Gia đình nhân loại sẽ không phát triển nếu mọi người không tôn trọng phẩm giá của nhau. Nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống sẽ không được hình thành nếu phẩm giá con người bị xem thường. Hận thù và chiến tranh sẽ không có hồi kết khi con người không quan tâm phẩm giá của bản thân cũng như của anh chị em mình.

Tương lai của gia đình nhân loại lệ thuộc vào những người ý thức về phẩm giá cao quý của con người, nhận thức đầy đủ các khía cạnh đa dạng của phẩm giá con người và nỗ lực đóng góp phần mình trong việc cổ vũ sự tôn trọng phẩm giá con người. Đặc biệt, tương lai của gia đình nhân loại lệ thuộc vào sự đồng tâm nhất trí của mọi người trong việc xây dựng ngôi nhà chung trong đó mọi người đồng sức, đồng lòng, đóng góp phần mình nhằm làm cho phẩm giá con người được nhìn nhận và triển nở trong mọi hình thái xã hội của gia đình nhân loại. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô biện luận: “Nếu xã hội phải có một tương lai, thì nó phải tôn trọng sự thật về phẩm giá con người và tuân theo sự thật đó” (Fratelli Tutti 207). Ngài tuyên bố: “Tôi muốn lặp lại ở đây lời kêu gọi hòa bình, công lý và tình huynh đệ mà chúng ta thực hiện cùng với nhau: Nhân danh Thiên Chúa, Đấng dựng nên mọi con người bình đẳng trong các quyền, các bổn phận và trong phẩm giá, và là Đấng đã kêu gọi mọi người sống với nhau như anh chị em, để lấp đầy trái đất này và cổ vũ các giá trị của sự thiện, tình yêu và hòa bình” (Fratelli Tutti 285). Hôm nay, nhiều người quan tâm về ‘sự phát triển con người toàn diện’. Chúng ta có thể nhận định rằng ‘sự phát triển con người toàn diện’ chỉ trở thành hiện thực khi phẩm giá con người luôn ở trung tâm của tiến trình bàn thảo, hoạch định và thực thi giữa mọi người trong gia đình nhân loại. Dưới nhãn quan Ki-tô Giáo ‘phát triển con người toàn diện’ chỉ có thể trở thành hiện thực khi mọi người biết thành tâm cộng tác với nhau trên Đường của Đức Giê-su, Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người.

Quả thực, con người không phải là thần thánh cũng chẳng phải là thụ tạo thấp hèn mà là thụ tạo mang hình ảnh của Thiên Chúa. Dấu ấn của Thiên Chúa nơi con người không thể bị xóa nhòa. Như đề cập ở trên, con người không bao giờ thỏa mãn với những gì trong thế giới thụ tạo. Đặc biệt, con người không bao giờ thỏa mãn với cuộc đời chấm dứt bởi cái chết. Đó là lý do tại sao hy vọng được sống và sống dồi dào luôn hiện diện trong tâm trí mỗi người. Tác giả Thánh Vịnh 62 viết: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2). Công Đồng Vatican II khẳng định rằng việc nhìn nhận Thiên Chúa không nghịch lại với phẩm giá con người vì phẩm giá con người đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong Thiên Chúa (GS 21). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Giáo Hội cho rằng nhìn nhận Thiên Chúa không có gì nghịch lại với phẩm giá con người, vì phẩm giá ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa bởi vì con người có trí tuệ và tự do được Thiên Chúa, Đấng tạo dựng đặt để trong xã hội, nhưng nhất là vì con người được gọi đến thông hiệp với chính Thiên Chúa và tham dự vào hạnh phúc của Ngài như con cái” (GS 21).

4.3 Loan báo Tin mừng đường kiện toàn phẩm giá con người

Đức Giê-su đến trần gian để công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa và nội dung của Tin Mừng Nước Thiên Chúa là kiện toàn phẩm giá con người. Khi giảng dạy và triển khai bài giảng Tám Mối Phúc, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Người đến trần gian để kiện toàn lề luật và lời các ngôn sứ (Mt 5,17). Mục đích của việc kiện toàn lề luật và lời các ngôn sứ cũng chính là kiện toàn phẩm giá con người và cho phép con người ngày càng sống xứng đáng hơn với ơn gọi và đặc sủng của mình. Hơn nữa, để minh chứng rằng Người đến trần gian để kiện toàn phẩm giá con người, Đức Giê-su đã thực thi các dấu lạ, chẳng hạn như chữa bệnh, trừ quỷ, hồi sinh kẻ chết. Đặc biệt, Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết và sống lại để trao ban sự sống vĩnh cửu cho con người. Trước khi về trời, Đức Giê-su sai phái các môn đệ tiếp tục sứ mệnh mà Người đã thực hiện (Mt 28,18-20; Mc 16,15). Vâng theo giáo huấn của Đức Giê-su, qua muôn thế hệ, các môn đệ của Người không ngừng đến với muôn dân muôn nước để đồng hành và hướng dẫn mọi người trên Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người.

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu cho chúng ta biết khi Gio-an Tẩy Giả sai các môn đệ của mình đến hỏi Đức Giê-su xem Người có phải là Đấng phải đến hay họ còn phải đợi ai khác thì Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-5). Chúng ta biết rằng người mù, người què, người cùi, người nghèo, người chết là những người bị tổn thương về phẩm giá và Đức Giê-su đến để loan báo Tin Mừng về việc kiện toàn phẩm giá cho họ. Trong Thông Điệp Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Đối với chúng ta, suối nguồn của nhân phẩm và tình huynh đệ được tìm thấy trong Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô” (Fratelli Tutti 277). Cũng theo ngài, việc loan báo Tin Mừng luôn là cơ sở để khôi phục phẩm giá và sự sống con người (Evangelii Gaudium 75). Còn Bộ Giáo Lý Đức Tin thì quả quyết: “Bằng cách công bố Tin Mừng cứu độ, Giáo hội cho con người thấy phẩm giá của chính mình và mời gọi họ khám phá trọn vẹn sự thật về chính mình” (Instruction on Respect for Human Life in Its Origin and on the Dignity of Procreation: Replies to Certain Questions of the Day [1987] 1).

Loan báo Tin Mừng Đức Giê-su, Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người, là cách thức hữu hiệu nhất để mời gọi mọi người quan tâm và đề cao phẩm giá con người. Ngay từ buổi sơ khai, các môn đệ Đức Giê-su đã ý thức điều đó. Chẳng hạn, tại nhà ông Co-nê-li-ô, thánh Phê-rô quả quyết: “Tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10,34). Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II mời gọi các Ki-tô hữu làm chứng cho đức tin của mình về phẩm giá con người, được Thiên Chúa sáng tạo, được Đức Giê-su cứu độ và được Chúa Thánh Thần thánh hóa. Đồng thời, ngài cũng mời gọi mọi người luôn thực thi lối sống phù hợp với phẩm giá cao quý của con người (Sollicitudo rei Socialis 47).

Công Đồng Vatican II khẳng định tầm quan trọng của Tin Mừng Đức Giê-su như sau: “Men Tin Mừng đã và đang làm dậy lên trong lòng con người sự đòi hỏi phải có phẩm giá, một đòi hỏi không thể cưỡng chế được” (GS 26). Trong Thông Điệp Evangelium Vitae, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trình bày cách rõ ràng hơn về Tin Mừng kiện toàn phẩm giá con người: “Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa cho con người, Tin Mừng về phẩm giá con người và Tin Mừng về sự sống là Tin Mừng duy nhất và không thể chia cắt” (Evangelium Vitae 3). Như đề cập ở trên, Tin Mừng Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người là Tin Mừng rằng Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã đến với gia đình nhân loại để phục hồi phẩm giá con người, đồng thời cho phép con người được chung hưởng sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Ai tin tưởng, đón nhận, thông hiệp và thực thi giáo huấn của Đức Giê-su trong hành trình trần thế thì được tham dự sự sống của Người trong ‘trời mới, đất mới, nơi hòa bình và công lý ngự trị’ (Is 65,17; 2 Pr 3,13; Kh 21,1). Con người sống xứng hợp với phẩm giá của mình khi biết ăn ở xứng hợp với Tin Mừng về Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người mà Đức Giê-su đã thiết lập, đồng thời, biết đóng góp phần mình trong việc làm cho Đường của Người đến với mọi dân mọi nước trên toàn cõi địa cầu.

Như đề cập ở trên, dưới nhãn quan Ki-tô Giáo, bao lâu còn trong hành trình trần thế thì bấy lâu phẩm giá con người chưa đạt tới sự sung mãn. Đích đến của con người với phẩm giá cao quý được kiện toàn là môi trường Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Đức Giê-su luôn mời gọi mọi người hướng tâm trí về những gì thuộc môi trường đó chứ không chỉ đăm chiêu với những thực thể thuộc thế gian này. Thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu Phi-líp-phê: “Quê Hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21). Trong Tông Thư Maximum Illud về việc loan báo Tin Mừng khắp thế gian (1919), Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XV viết: “Thật là bi thảm nếu người loan báo Tin Mừng quên đi phẩm giá của sứ vụ mình khi hoàn toàn bận tâm với các lợi ích của quê hương trần thế thay vì lợi ích của Quê Hương trên trời” (Maximum Illud 19). Như vậy, các Ki-tô hữu khi thực thi phẩm giá sứ vụ mình cần ý thức rằng, giữa những bấp bênh hay thăng trầm trần thế, mọi người được mời gọi hướng lòng mình về ‘Quê Hương đích thực của chúng ta’ như lời căn dặn của thánh Phao-lô.

Quả thực, nhờ sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa lòng trần thế, con người có được sự nhận thức vượt bậc về phẩm giá mình. Công Đồng Vatican II nhận định: “Men Tin Mừng đã hoạt động lâu dài trong các tâm hồn và giúp nhiều cho con người đến nỗi, qua dòng thời gian, con người nhận biết sâu xa hơn về phẩm giá của mình, và xác tín thêm rằng trong lãnh vực tôn giáo, con người trong xã hội phải được bảo đảm thoát khỏi mọi cưỡng bách do loài người” (Digitatis Humanae 12). Câu hỏi đặt ra là: Các Ki-tô hữu có sẵn sàng chia sẻ Tin Mừng về phẩm giá con người được kiện toàn cho anh chị em đồng loại không? Phẩm giá này đem lại những biến đổi thực sự trong đời sống của các Ki-tô hữu không? Bằng cách nào các Ki-tô hữu sống xứng đáng với phẩm giá con người được kiện toàn trong hành trình trần thế của mình? Phẩm giá con người được kiện toàn có âm hưởng thế nào nơi những người mà mình gặp gỡ? Để có thể trả lời cho những câu hỏi đó, trước hết, các Ki-tô hữu được mời gọi luôn ý thức về sự hiện diện của Đức Giê-su, ở lại với Người, lắng nghe Lời Người, tin tưởng vào Người và cộng tác với Người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình.

Kết luận

Thuật ngữ ‘phẩm giá con người’ được cập nhật và phổ biến khá muộn màng trong lịch sử nhân loại cũng như trong việc diễn tả nội dung đức tin Ki-tô Giáo. Tuy nhiên, như đề cập ở trên, toàn bộ các sách Kinh Thánh trình bày về phẩm giá cao quý của con người bởi vì con người được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Người, giống như Người và được mời gọi thông hiệp sự sống vĩnh cửu với Người. Theo đó, con người vừa là trung tâm, vừa là chóp đỉnh của chương trình Thiên Chúa sáng tạo với phẩm giá nội tại, cao quý và bất khả nhượng. Vì tội lỗi, phẩm giá con người bị tổn thương và tự thân con người không thể khôi phục. Tuy nhiên, vì tình yêu vô điều kiện, Thiên Chúa đã mặc khải chương trình kiện toàn phẩm giá con người trong dòng lịch sử với nhiều cách thức khác nhau. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã trở thành con của gia đình nhân loại. Người vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ chính mình để mang lấy tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là sự chết của mọi người mà đưa lên cây thập tự. Nhờ Người, với Người và trong Người, phẩm giá con người không chỉ được biến đổi, khôi phục mà còn được kiện toàn để con người trở thành con cái Thiên Chúa.

Hành trình trần thế của Đức Giê-su là hành trình kiện toàn phẩm giá con người. Mọi lời nói và việc làm của Người minh chứng rằng Người từ Thiên Chúa mà đến để cứu độ và giải thoát con người khỏi muôn hình thức đau khổ, tội lỗi và sự chết. Trong hành trình trần thế, Người quan tâm những người mà phẩm giá bị tổn thương nhất, chẳng hạn như những người tội lỗi, bị quỷ ám, bệnh hoạn tật nguyền hay bị loại trừ khỏi xã hội. Người đã hồi sinh kẻ chết để biểu lộ tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời, giúp mọi người hướng về sự kiện toàn phẩm giá con người cách trọn vẹn trong thời cánh chung khi Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài. Chính Đức Giê-su đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết, phục sinh và lên trời để mở đường cho những ai hiệp nhất nên một với Người trong hành trình trần thế.

Trước khi về trời, Đức Giê-su truyền lệnh cho các môn đệ tiếp tục sứ mệnh loan báo Tin Mừng Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người mà Người đã loan báo và minh chứng trong hành trình trần thế. Theo giáo huấn của Người, ai ý thức về phẩm giá cao quý của bản thân và biết sống xứng đáng với phẩm giá cao quý của mình thì cũng ý thức và biết tôn trọng phẩm giá của anh chị em. Ai tôn trọng phẩm giá anh chị em mình theo giáo huấn của Người thì không chỉ thực thi giới răn cũ của Cựu Ước là ‘yêu đồng loại như chính mình’ mà còn thực thi giới răn mới của Tân Ước là ‘yêu người đồng loại như Đức Giê-su đã yêu’ (Lv 19,18; Ga 13,14). Để phẩm giá bản thân cũng như của anh chị em đồng loại ngày càng được tôn trọng, bảo vệ và kiện toàn, mọi người được mời gọi học hỏi, hiệp thông và hành động cùng nhau dưới sự hướng dẫn của Thần Khí Đức Giê-su là Chúa Thánh Thần. Nghĩa là, trong Chúa Thánh Thần, mọi người được mời gọi theo Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người của Đức Giê-su để đến với Thiên Chúa, đến với nhau và đến với muôn vật muôn loài.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên
Nguồn: hdgmvietnam.com

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...