Đức Phật đối với quan hệ anh em, thân tộc

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 2665 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

 

Đức Phật đối với quan hệ anh em, thân tộc  
Đức Phật về thăm hoàng cung (tranh: PGNN)  
NSGN - Trọng trách hóa độ dòng họ, anh em đã là công hạnh của Đức Phật, hay của người xuất gia nói chung trong mọi thời đại.

Một số người chỉ trích rằng, theo Phật rời bỏ gia đình không nghĩ đến và không chăm sóc cha mẹ, anh em, thân tộc để xuất gia là đánh mất tình người nói chung, đánh mất tình thương đối với người thân thích. Sự nhận thức sai lầm này hoàn toàn trái với lời Phật dạy và trái với những việc làm thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của Đức Phật đối với cha mẹ, anh em, thân tộc.

 

Thật vậy, Đức Phật là đấng Cha lành với đại hạnh nguyện cứu độ muôn loài, tất nhiên Ngài không thể không quan tâm, không cứu độ những người thân trong dòng tộc, anh em của mình. Điển hình là trên bước đường giáo hóa độ sanh, Đức Phật đã về thăm quê hương. Từ Rajagaha, Ngài phải đi bộ đến gần 600 cây số để về tới Kapilavatthu (thành Ca Tỳ La Vệ). Sau sự bàng hoàng chấn động ban đầu của những người thân trong hoàng tộc, uy lực thanh tịnh tối thắng của Đức Thế Tôn đã cảm hóa được từ vua cha Tịnh Phạn cho đến các vị hoàng thân. Điển hình cho lòng tôn kính tuyệt đối hướng về Đức Phật, kinh Trung bộ, kinh Hữu học số 53 ghi rằng: “Các Sakya ở Kapilavatthu đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Các Sakya ở Kapilavatthu đang ngồi một bên, bạch Thế Tôn: Ở đây, bạch Thế Tôn, có một ngôi giảng đường mới được dựng lên không bao lâu cho các Sakya ở Kapilavatthu và chưa được một Sa-môn, Bà-la-môn, hay một người nào đến ở. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy dùng nhà giảng đường ấy trước tiên, rồi các Sakya ở Kapilavatthu sẽ dùng sau và như vậy các vị Sakya ở Kapilavatthu sẽ hưởng hạnh phúc, an lạc lâu dài. Thế Tôn im lặng nhận lời”. Ngoài ra, Đức Phật cũng thuyết pháp cho hoàng hậu Ma Gia ở cung trời Đao Lợi.


Sau chuyến về thăm dòng tộc và thân phụ, hỗ trợ cho vua Tịnh Phạn đắc được sơ quả Tu-đà-hoàn, Đức Phật còn trở về thăm quê nhà hai lần nữa để cảm hóa toàn bộ thân tộc Thích Ca. Điều này cho thấy trọng trách hóa độ dòng họ, anh em đã là công hạnh của Đức Phật, hay của người xuất gia nói chung trong mọi thời đại.


Đặc biệt là Đức Phật đã hóa giải được cuộc xung đột trầm trọng giữa hai họ nội ngoại. Thật vậy, hai bộ tộc Sakya và Koliya đã tranh chấp về nguồn nước của con sông Rohini. Sự kiện này thật là bi thảm vì bộ tộc Koliya là quê ngoại của Đức Phật và bộ tộc Sakya là quê nội của Ngài. Sau khi thiền định, Đức Phật đã đi đến dòng sông Rohini, nơi mà cả hai đạo quân đang dàn trận sắp sửa đánh nhau. Kỳ diệu thay, sự xuất hiện của đấng Tối thắng với những lời giáo hóa phát xuất từ tâm đại từ bi và trí tuệ vô song đã dập tắt được ngọn lửa chiến tranh một cách nhẹ nhàng.


Ngoài ra, một người anh em cô cậu với Đức Phật là Đề Bà Đạt Đa đã ba lần sát hại Phật, nhưng vẫn được Ngài trải lòng từ bi đến ông và Ngài còn ca ngợi ông là đại thiện tri thức của mình. Trong kinh Pháp hoa ghi rằng Đức Phật khẳng định nhờ có Đề Bà Đạt Đa mà Ngài mau thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng giác và Phật thọ ký cho Đề Bà Đạt Đa trong tương lai sẽ thành Phật hiệu là Thiên Vương.


Tuy nhiên, không phải vì Đề Bà Đạt Đa có quan hệ thân tộc rất gần mà Đức Phật che chở tất cả những sai trái của ông. Trái lại, trước những yêu cầu không hợp lý của Đề Bà Đạt Đa, Đức Phật đã không chấp thuận. Điều này thể hiện sự nghiêm khắc đầy sáng suốt của bậc Toàn giác đối với những việc làm sai trái của người thân, không nể vì theo tình cảm gia đình.


Một nhân vật đáng ghi nhớ khác trong cuộc đời của Đức Phật là người hầu cận Xa-nặc. Ông này gần gũi với Phật từ khi Ngài còn là thái tử ở hoàng cung và cũng góp phần quan trọng trong việc đưa thái tử Sĩ Đạt Ta vượt thành xuất gia. Khi Đức Phật về thăm hoàng tộc, Xa-nặc đã phát tâm xuất gia. Tuy nhiên, trong việc tu hành, ông đã nhiều lần phạm lỗi. Sự giáo hóa rất nghiêm khắc của Đức Phật đối với sự ỷ lại của Xa-nặc sau cùng đã cảm hóa được ông, “khiến ông xấu hổ, chế ngự được khuyết điểm, không bao lâu chứng quả A-la-hán” (theo kinhTiểu bộ, Trưởng lão Tăng kệ, chương bảy kệ, Channa).


Tóm lại, được gặp Phật là một đại phước duyên và còn được làm bà con, thân tộc của đấng Tối thắng trong đời thì càng có phước hơn nữa. Trên bước đường giáo hóa độ sanh, Đức Phật đã quan tâm đến anh em, thân tộc, hỗ trợ họ thăng hoa đạo đức. Dưới kiến giải của Phật huệ, sự nối kết với nhau về huyết thống tạo nên tình cảm anh em, họ hàng, thân tộc là kết quả của nghiệp duyên từ nhiều đời trong cuộc sống luân hồi. Vì vậy, đối với những người hữu duyên làm bà con, hay người thân cận với Phật, dù là thiện hay ác, Ngài đã ứng xử một cách khéo léo thích hợp với từng người, từng hoàn cảnh, để gỡ bỏ những nghiệp ác nội kết của họ từ nhiều kiếp cho đến hiện đời, từ đó giúp họ có được nhận thức sáng suốt và thể hiện được những việc làm tốt đẹp thăng hoa bản thân của họ và làm lợi ích cho gia đình, cho cộng đồng xã hội


HT. Thích Trí Quảng

Nguồn: giacngo.vn

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...