Hành Chánh nghiệp theo giáo lý PGHH

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 5123 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Trong bài “NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN” Đức Huỳnh Giáo Chủ đã xác định: “… Toàn thể trong Đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ, học Phật tu Nhân vậy”. Nếu chỉ nhìn qua bề ngoài hạnh đạo tu Nhân của người tín đồ PGHH rồi kết luận rằng đạo nầy không có con đường giải thoát e quá vội vàng, bời vì Ngài còn dạy tín đồ tu theo "Đạo bát chánh" (Tám con đường chánh dẫn chúng sanh đến giác ngộ giải thoát), trong đó có chánh nghiệp mà tín đồ tại gia cư sĩ phải luôn đối mặt thường ngày.


CHÁNH NGHIỆP: Việc làm chánh đáng ngay thẳng. Đối với hàng tại gia cư sĩ, Ngài dạy: “… Còn cần phải lo kế sinh nhai, mưu cuộc sống còn; kẻ buôn tảo bán tần, người việc này việc nọ, tóm lại cũng tại vì xác thân mà ra cả”.


Mưu kế sinh nhai là điều kiện tất yếu để duy trì sự sống và sự phát triển của loài người. Tùy theo năng lực, hoàn cảnh và điều kiện có được của từng người để chọn nghề mưu sinh. Lời xưa nói “Phàm nhơn bá nghệ hảo tùy thân”Song cũng có những nghề nghiệp bất chánh gây ra tai hại cho con người. Đạo Phật răn cấm các nghề nghiệp ấy vì nó gây ra hậu quả đau thương cho mình và cho người ở hiện tại và kiếp lai sinh. Trong xã hội đang phát triển như Việt Nam ta hiện nay, nền kinh tế thị trường và hội nhập thế giới đang chạy đua nước rút đa dạng theo quy luật cung cầu ở nhiều mặt, lao động, sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ … Để có nguồn thu nhập ổn định cho mức sống phát triển, bắt buộc con người phải tất bật lo toan tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên có những kẻ vì lòng gian tham độc ác làm những nghề bất chánh bất lương như: trộm cướp, lừa đảo, gian manh: “Thấy của người thèm khô nước miếng / Tính làm sao lường gạt lấy đi / Sẵn túi tham bất cứ chuyện gì / Dầu xấu tốt cũng là dồn chứa …”, “Lớp người cặn bã của xã hội nầy, sống ngoài vòng pháp luật, trốn nhủi trốn chui, phá rối trật tự an ninh của dân chúng” (Ác Đạo Tặc). Trong phần giảng về Chánh nghiệp, Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy tiếp: “… Bỏ những nghề nghiệp gây ra tai hại cho con người: nuôi điếm, bán á phiện, buôn rượu, đầu cơ, cho vay cắt cổ …”


Đành rằng những người buôn bán ấy không có ép buộc bạn hàng, song tại có họ làm các nghề ấy, con người mới bị hư hỏng, trụy lạc, hoang đàng, trà đình tửu điếm … Họ là đồng lõa mà phạm nhân là kẻ nghiện ngập say sưa.


Thế nên mục Chánh nghiệp răn cấm chúng ta làm các nghề ấy.”


“Câu Chánh nghiệp cũng là quá bự,

Dầu nghề chi làm việc ngay đường.

Ta đừng theo những kẻ bất lương,

Học ngón xảo để lừa đồng loại.”


Dầu đời sống có bị nghèo cùng khốn hoạn cũng phải nhớ rằng: “Chữ bần tiện khuyên dân đừng nại / Miễn cho ta trở lại ngay đàng / Chữ vinh hoa phú quý chẳng màng / Bởi giả tạm của đời Nguơn hạ …”, “Thà nghèo thanh hơn giàu mà trược / Lo vun trồng cội phước về sau” và phải hằng tâm nguyện rằng: “Vinh hoa như thể bọt bèo / Hiền lương bất luận khó, nghèo cũng xinh …”, nên thường an phận “Nghèo thời cũng rán cháo rau / Bền lòng niệm Phật thì sau thanh nhàn”, phải tin tưởng chắc chắn như vậy mới không bị lòng ham muốn xúi giục mà đánh liều làm nên tội lỗi. Không thể dựa vào câu “Bần cùng sanh đạo tặc” vì câu ấy là câu chữa mình của kẻ bất lương vô đạo.


Người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo phải luôn thực hiện đúng điều răn cấm thứ nhì. Bởi vì "Cần kiệm sốt sắng lo làm ăn”, tất có ổn định kinh tế gia đình. Lời xưa nói: “Cần vi vô giá bảo, kiệm tiết nãi thân phù” (Cần là vật quý báu vô giá, tiết kiệm là lá bùa linh nghiệm để hộ thân). "Lo tu hiền chơn chất" là không sanh tâm lừa đảo, sẽ có uy tín trong ngành nghề. " Chẳng nên gây gỗ lẫn nhau, hãy tha thứ tội lỗi cho nhau, trong cơn nóng giận”. Là không vì quyền lợi bạc tiền mã cãi cọ hơn thua đấu tranh giành giựt mà thay vào đó tánh khoan dung nhân hòa độ lượng sẽ tránh được việc xích mích rầy rà ẩu đả, khỏi bị phiền muộn âu lo. Ấy mới có thể hành Chánh nghiệp như Đức Thầy đã dạy.


Kinh Thập thiện nghiệp Phật dạy: “Giả sử bách thiên kiếp sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ” (Cho dù có trải qua ngàn kiếp, nghiệp đã tạo ra rồi không thể mất; đến lúc nhân duyên gặp lại đầy đủ, phải thọ nhận quả báo không sai). Quy luật Nhân, Duyên, Quả là triết lý căn bản trong Đạo Phật, là cơ sở lý luận vững chắc cho lẽ tương quan sinh sinh diệt diệt của vạn pháp. Nguyên nhân của sự khổ và vui, chết và sống … đều tùy thuộc vào lý nhân quả mà thành, nó có vai trò quyết định công minh, thần kỳ, mầu diệu xuyên suốt cả không gian và thời gian mà quyền định đoạt chính ở tại con người, chứ không do đấng thần linh nào gây tạo nghiệp nhân, có thêm phần phụ trợ gọi là nghiệp duyên, khi hình thành gọi là nghiệp quả. Con người sinh ra là đã có sẵn nghiệp nhân.


Nhân gặp duyên tạo thành quả nên những may rủi khổ vui không thể không có. Đức Giáo Chủ cho biết: “Vướng nghiệp trần hoàn bởi quả nhân / Gây ra kiếp số chịu phong trần”. Và cụ Nguyễn Du cũng nói: “Dẫu rằng họa phúc bởi trời / Cội nguồn cũng tại lòng người mà ra / Có trời mà cũng có ta/ Tu là cội phúc, tình là dây oan”, và: “Đã mang lấy nghiệp vào thân / Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” (Kim Vân Kiều). Thế thì tất cả nghiệp thiện hay ác hiện đang thọ lãnh, hay sẽ phải thọ lãnh ở mai sau đều do con người gây tạo cả. Người tu theo đạo Phật phải tự định đoạt vận mệnh của mình qua sự lựa chọn cải sửa hay tạo lấy. Pháp tu Chánh nghiệp là sự chọn lựa sáng suốt khi chủ động thân, khẩu, ý.


Trong Bát Thức Tâm Vương, Ý là thức thứ sáu, A Lại Da Thức là thức thứ tám, nó là kho cất chứa nghiệp nên còn gọi là Hàm Tàng Thức. Tuy nhiên, nghiệp không phải là bất biến, nó rất vô tư có thể bị chuyển diệt do Tâm và Ý thức chủ động tác tạo hay điều khiển. Ví dụ một người do tập nhiễm nghiện rượu đã lâu bị sức nghiệp nghiện kéo dẫn khó chừa bỏ, nay Ý thức được sự tai hại của rượu quyết tâm chừa bỏ, nếu tâm và Ý thức mạnh sẽ thắng phục được chứng nghiện dễ dàng, trái lại, sức nghiệp mạnh hơn thì chứng nghiện vẫn y nhiên như cũ, hoặc có thể tăng nhiều hơn, nếu còn tập nhiễm.


Trong Tam nghiệp, Ý nghiệp ác là nguyên khởi động có 3 nguồn phát sinh chủ lực chính là tham, sân, si, điều khiển thân thực hiện 3 điều ác: sát sanh, đạo tặc, tà dâm. Khẩu thực hiện ra 4 điều ác: lưỡng thiệt, ỷ ngôn, ác khẩu, vọng ngữ. Nếu là Ý nghiệp thiện sẽ là 10 điều lành (Thập thiện nghiệp). Chuyển được nghiệp tịnh sanh về quốc độ thanh tịnh; dứt sạch hết nghiệp chứng quả niết bàn bất sanh bất diệt là cứu cánh cuối cùng của người tu theo đạo Phật. Trong cuộc mưu sinh của người, tín đồ PGHH phải có một ngành nghề chính đáng để sinh sống, nghề gì cũng được chỉ tránh những nghề bất chánh kể trên, kỳ dư “Dầu nghề chi làm việc ngay đường / Ta đừng theo những kẻ bất lương / Học ngón xảo để lừa đồng loại”. Ở nước ta nghề nông chiếm hơn 70% dân số và phần đông là tín đồ PGHH. Nhưng trong bối cảnh kinh tế phát triển hiện nay và xu hướng đi lên công nghiệp hóa hiện đại hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp có người cũng chuyển sang các nghề nghiệp khác; kinh doanh, thương mại, công nghệ, thủ công, dịch vụ … thì pháp tu Hành chánh nghiệp của Đức Thầy dạy cũng cần quan tâm suy gẫm chính chắn để khỏi bị lạc và tà nghiệp. Nhất là không vì nghề nghiệp làm ăn, vì lời quyền tiền bạc mà phạm phải “Sát hại vô cớ các sanh vật, đánh đập chém đâm ai có thể gây ra nhiều điều tội lỗi”, và cũng phải tránh 10 điều ác nghiệp do thân, khẩu, ý bất giác phạm phải. Gắng công phu sám hối, niệm Phật làm lành để mai kia có thể yên vui nơi miền cực lạc. Đức Thầy đã khuyến khích: “Cầu tịnh Tam nghiệp xong xuôi / Tây Phương quyết đến chung vui Phật Đài” (Những câu chú thường niệm).


Lê Văn Ân

Hương Sen 26

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...