“Hãy treo gương thiện mà soi lấy mình”

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3007 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

“TRONG CÁC BÁU KHÓ BÌ TÁNH THIỆN”


Thiện là đức tính hiền lành, nhân  ái, hòa nhã không có hành động cứng rắn hay thô bạo, có ý nghĩ tốt thường đem lại an vui, hạnh phúc cho mình và cho mọi người, khiến ai ai cũng thương mến, quí trọng.


Theo quan điểm Phật giáo “nghiệp” căn bản có mười điều thiện và có mười điều bất thiện (được chia làm ba phần theo thân, khẩu, và ý). Người có hành vi và tư tưởng thanh cao như nỗ lực phóng sinh, bố thí, tịnh hạnh, nói lời chân thật, ái ngữ, hòa hợp, từ ái, và tu tập các thiện pháp... được gọi là thiện nghiệp. Nếu phạm vào những điều thiện cơ bản như đã nêu thì gọi là bất thiện (ác). 

 

Thiện, ác có những loại khác nhau. Bao gồm: Hữu lậu ác là những hành động độc ác khiến loài người bị đọa trong sự luân hồi sinh tử. Thứ nữa là hữu lậu thiện. Đó là làm những điều lành, có thể làm cho người và mình hưởng những quả báo lành. Cuối cùng là vô lậu thiện, tức làm những việc thiện mà không có ngã chấp, không cầu mong quả báo.


Đạo Phật không chủ trương lấy thiện diệt ác. Đạo Phật chủ trương chuyển hóa nghiệp ác thành nghiệp thiện; chuyển hóa ba nghiệp chưa thanh tịnh thành ba nghiệp thanh tịnh; chuyển hóa kẻ hung ác thành người lương thiện”. Giáo lý PGHH đã khẳng định:


“Sự oán thù đáp lại chữ hiền

Thì thù oán tiêu tan mất hết”


Ngoài ra, ta có thể hiểu mở rộng thêm “thiện” chính là “tánh bổn thiện” trong Tam Tự Kinh. Thiện” mà Đức Thầy khuyên “hãy treo” ở đây thiển nghĩ không đơn thuần là “thiện ác”. “Thiện”,cũng có thể đó là hình dung từ, là từ ngữ ca ngợi, tán thán trong chân lý “toàn thiện, toàn mỹ”. (Thật hoàn bị, thật tốt đẹp, không hề thiếu khuyết). Phật Giáo quan niệm “Bổn thiện” sanh ra vạn pháp, là căn nguyên vũ trụ và nhân sanh. Do vậy, chúng ta không thể đem những gì quí giá nhất mà đổi lấy được dù cho đó là thất báu: (vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não) trên đất Tịnh độ cũng bất khả so bì! Chính vì thế Đức Huỳnh Giáo Chủ đã hạ bút xác nhận:


“Trong các báu khó bì tánh thiện”.


 Hoặc huyền thâm trong  cách nói ẩn dụ:


 “Rung chuông lành bằng muôn tiếng kệ

Gọi hồn người hành thiện truy kinh”


“KHUYÊN ĐỜI TRAU TRỈA CHỮ LÀNH CHO XONG”


Trong đời sống thường nhật, người có quyền thế lúc trái ý thường hay nóng nảy khó tính đối với kẻ dưới, có khi còn “giận cá băm thớt”. Do vậy trong dân gian có câu: “No mất ngon, giận mất khôn”. Cho nên có người luôn luôn tự cảnh giác, trường hợp như ông Nguyễn Đình Giản, thời Lê mạt, đã viết vào một mảnh giấy, dán lên chỗ ngồi giải trí, câu này: Tảo cấp tắc bại sự  (Nóng vội thì hỏng việc)


Để khắc phục tính nóng, ông để sẵn một bình nước, mỗi khi gặp một điều trái ý, thấy trong mình lửa giận bốc lên, ông liền cầm uống từ từ, từng hớp nhỏ, cho đến khi lấy lại được hòa khí trong tâm hồn mới thôi. Điều nầy, chính Đức Thầy đã từng nhắc nhở “Chớ nóng nảy sân si hư việc”.


Trong đời sống gia đình, vợ chồng thường hay cãi vã, xung đột, điều nầy Đức Thầy khuyên chúng ta hãy treo gương Thiện mà chung sống thuận hòa, nhã nhặn “keo sơn gắn chặt mới là”. Nhằm khuyến tấn tâm tính hiền lành, tục ngữ cũng bảo: “Chồng lớn tiếng vợ kiệm lời / Cơm sôi bớt lửa cả đời không chê”. Bản tính con người thường nóng nảy, vì thế, ta cần phải kìm hãm tính nóng vội, nông nổi, phát huy tinh thần từ ái, khiêm cung, cảm thông sâu sắc, “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Chính những lời nói và hành sử dịu dàng nó sẽ là cầu nối dẫn đến  con tim, đi vào lòng người một cách êm ái nhẹ nhàng, khiến vợ chồng phải yêu mến nhau hơn, chứ không thể dùng bạo lực hoặc lời lẽ cộc cằn mà  chinh phục được.


Người nữ bao giờ cũng tránh những hạng người vũ phu và mong muốn cho mình có được một người chồng tài đức, hiền hậu, đi nhẹ, nói khẽ, biết thương gia đình, cư xử hòa thuận với chòm xóm. Ước vọng này của các cô gái sắp lấy chồng đã được đúc kết trong câu ca dao truyền tụng từ ngàn xưa:


 “Chẳng tham ruộng cả ao sâu,

Tham vì anh tú rậm râu mà hiền”


“CHỚ NÓNG NẢY SÂN SI HƯ VIỆC”


Truyện kể rằng: Đời Trang Công nước Tề có người tên là Tân Ti Tụ đêm nằm mơ thấy một chàng cao lớn đội mũ trắng đi giầy mới, mặc quần gai, áo vải, đeo gươm tự dưng đến nhà mắng chưởi mạt sát đến người thân kính của ông rồi nhổ vào mặt mà đi.


Tân Ti Tụ giật mình thức dậy, tuy biết chiêm bao nhưng vẫn tức tối, suốt đêm bực dọc khó chịu, không ngủ được.


Sáng dậy, Tân Ti Tụ mời một bạn thân đến nói rằng:


Bác ạ, tôi từ nhỏ đến giờ vẫn là kẻ hiếu dũng, nay sáu mươi tuổi rồi mà chưa hề chịu ai làm nhục, thế mà đêm qua bị một đứa, tôi phải đi tìm để báo thù, nếu thấy thì hay, còn không tôi chết mất.


Thế rồi từ hôm ấy, sáng nào Tân Ti Tụ cũng cùng bạn ra đứng ngoài đường cái để rình. Rình mãi ba ngày không thấy, rốt cuộc Tân Ti Tụ phải uất lên mà chết (Thái Bạch, Đông tây kim cổ tinh hoa, 1965, tr.134)


Thái độ của Tân Ti Tụ là của kẻ tự kỉ ám thị, chỉ biết hành động ngu xuẩn thông qua tâm trí vẩn đục đầy tính tư dục, nó phản ánh sự nghèo nàn trong tâm hồn của người nóng vội, không ai chấp nhận. Trong trường hợp đó, với tâm thức sáng suốt, minh triết, các bậc hiền nhân quân tử sẽ có cái nhìn và cách ứng xử khoáng đạt bao dung. Họ sẽ luôn thanh tao thơi thảnh, bởi trên thực tế đối với họ chẳng có chuyện chi cả. Họ không bao giờ có cái suy nghĩ nông cạn và hành động vô ý thức như  hạng người Tân Ti Tụ. Đúng như nhà hiền triết Mạnh Tử đã nói: Thiên đạo vô thân. Thường dữ thiện nhân (Đạo trời không riêng một người, Luôn gia ân cho kẻ hiền lành).


Cùng sống sanh trong đất Trung Hoa, kẻ hậu tấn của Mạnh Tử, văn sĩ Tô Đông Pha, cũng có quan điểm rất sâu sắc: “Chỗ mà người xưa gọi là hào kiệt, ắt phải có khí tiết hơn người. Nhưng, nhân tính có chỗ không thể nhịn được. Bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh. Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Kẻ Đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cớ  bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy”.


Để làm nổi bật cái triết lý “Nhu thắng cương”, trong cuốn “Cái Dũng Của Thánh Nhân” ông Nguyễn Duy Cần đã đề cập đến cuộc giải phóng Ấn Độ do ông Gandhi lãnh đạo. Chính sách đề kháng bất bạo động của Gandhi đã làm cho cả thế giới ngạc nhiên và thán phục. Đâu phải người ta không biết dùng bạo động, nhưng vì người ta cho đó là còn hạ sách. Chính ngài Gandhi tuyên bố: ... “Tôi tin rằng Ấn độ không phải là vô lực. Chỉ có  một trăm ngàn người Anh làm gì mà đến gần một tỷ người Ấn kia phải sợ ? Bất bạo động đâu phải chịu luỵ kẻ làm hại mình. Bất bạo động là dùng sức mạnh”.


Một tư tưởng lớn như thế cũng đủ sức thắng cả một đế quốc hùng mạnh.


“GIỮ TÂM LÀNH NHƯ MIẾNG HOA THƠM”


Qua những tư tưởng trên, chúng ta thấy tính hiền lành, khiêm hạ không là một sự nhu nhược nhát đảm, nhưng đó là đức tính của những vĩ nhân, những bậc đại thánh là bậc anh hùng cái thế vì họ đã anh dũng tự chiến thắng được chính mình. Đó mới là một chiến thắng vinh quang nhất.


Thường ở đời, cái nào mềm thì tồn tại và cái cứng rắn thì dễ mất đi, răng tuy cứng nhưng vẫn rụng trước lưỡi. Bởi vậy, Văn Vương Trung nói: “Lửa bốc lên cao, nước chảy xuống thấp, thế mà bao giờ lửa cũng thua nước”. Người ta sợ lửa hơn là sợ nước, thế mà chết cháy ít, chết đuối vẫn nhiều. Nước mát, lửa nóng, thế mà lửa vẫn sợ nước vì người ta đã lấy nước trị lửa trong các đám cháy.


Người ta có thể chinh phục đỉnh cao, chiếm được đất đai, địa vị, song khó chiếm được lòng người,vì vậy ngụ ngôn có câu “Đoạt thành chém tướng giữa ba quân dễ hơn đoạt ý chí của kẻ thất phu”. Các cuộc cách mạng liên miên ở nhiều nơi, những hận thù, kêu trách cùng khắp là tín hiệu cho thấy còn đó những ai chưa thu phục được nhân tâm. Hoàng đế Napoléon đã chiếm được nhiều nước trên thế giới, oanh liệt bách chiến bách thắng, nhưng một nhà viết sử nói: “Có lẽ trên đời, không có ai bị nhiều người ghét như Napoléon”.


Như vậy, sống trên đời, nếu như không nhiễm vào những lợi danh, quyền thế ở cõi thế trần thì mới xứng danh là bậc Thánh hiền:                                                                                    

“Cư trần bất nhiễm là người Thánh

Lẫn tục đừng mê chứng bực hiền”


Bằng vào tánh thuần lương, trên quan điểm “Người hiền đức mới là người trí” người tín đồ PGHH cư sĩ tại gia không có mặt trong các cuộc đánh đông dẹp bắc, không tuyên truyền rầm rộ, không tuyên chiến hơn thua. Trái lại, họ hiền lành chân chất, lấy trí tuệ làm gốc, luôn giữ lòng trong sạch “Hiền với lương bổn đạo rèn lòng”. Đó là trụ cột đạo đức tu nhân của giáo lý, lấy chân thật mà hành sử. Nhờ vào đức độ nhân từ, tự nhiên họ thân thiện với mọi người người một cách dễ dàng. Sức sống đạo hạnh ấy lan tỏa mạnh mẽ vào tận cùng thôn ấp, chan hoà tình đồng đạo, nghĩa đồng bào, đời đời bền vững.


Thực tế cho thấy, cha mẹ hiền lành con cái yêu mến, thầy cô hiền lành trò thích thọ giáo, chủ hiền lành đầy tớ thích giúp việc. Sự hiền lành như mật ngọt thu hút lôi cuốn, như nam châm kéo mạnh. Người ta chống tàn bạo, chống thế lực, không ai chống kẻ hiền lành.


Từ xưa tới nay đời nào cũng ca tụng người hiền lành, ví người hiền lành như hoa chi, hoa lan, luôn tỏa ngát hương, mọi người chung quanh cũng được thơm lây, cộng hưởng:


“Người hiền khác thể chi lan

Gần hơi cho lắm lại càng thơm lây”.

(Ca dao)


Người tín đồ PGHH luôn thể hiện tính hiền lành cố hữu, họ sẵn sàng chấp nhận những thị phi phê phán, thóa mạ “Kể chi miệng mối lưỡi lằn / Mặc tình thế sự kêu thằng hay ông” . Với họ “việc hung dữ hễ vừa thấp thoáng” thì “chữ từ bi ta diệt nó liền”, trong lúc bức bách họ lấy chữ từ bi làm phương châm để chuyển hoá cái ác và sẵn sàng tha thứ bằng một chữ hiền. “Sự oán thù đáp lại chữ hiền” quả là rất tuyệt! Hơn ai hết, họ đã thấm nhuần giáo lý hiền lương mà Thầy Tổ đã ban truyền “Dù ai cócười ta khờ khật / Cũng đừng phiền xao lãng chơn tâm”. Do vậy, họ im lặng một cách thản nhiên! Bởi vì “Tai nghe chi những câu ái ố / Lòng từ bi chớ cố lời dèm”. Có nặng lời, cũng phớt tỉnh “Ai chưởi mắng thì ta giả điếc” không đố kỵ với người anh em. Chẳng vậy, họ còn phải hoài hoài nhẫn nhịn với bất cứ ai “Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên / Thì đâu có mang câu thù oán” nhưng với tinh thần tách nhiệm, họ luôn “Đợi cho người hết giận ta khuyên”. Đức Huỳnh Giáo Chủ hằng dạy như thế và hơn thế nữa.


“Mặc tình ai dèm pha tai tiếng

Giữ tâm lành như miếng hoa thơm”


Nương lời Phật dạy, ta hiểu một cách sâu xa rằng: Không một hương hoa nào bay ngược chiều gió thổi; chỉ  hoa hiền lành ngược gió khắp tung bay.

 

Nguyễn Hiếu Trung

Tạp chí Hương Sen số 27

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...