Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3360 | Cật nhập lần cuối: 5/3/2023 10:03:18 PM | RSS

Vào Chúa nhật lễ Hiện Xuống năm 1964, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã thiết định một cơ quan chuyên biệt của Giáo triều Roma phụ trách việc quan hệ với những tín đồ thuộc các tôn giáo khác. Ban đầu cơ quan này mang tên là Văn phòng về những tín hữu ngoài Kitô giáo, đến năm 1988, thì được đổi thành Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn (HĐĐTLT) [1].

A. Bản chất và mục đích

HĐĐTLT là cơ quan trung ương của Giáo hội công giáo nhằm cổ võ việc đối thoại liên tôn theo tinh thần của Công đồng Vatican II, nhất là Tuyên ngôn “Nostra aetate” (Liên lạc giữa Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo). Cơ quan này có trách nhiệm như sau:

1. Cổ võ sự hiểu biết, tôn trọng và hợp tác với nhau giữa Công Giáo và các tín đồ thuộc các truyền thống tôn giáo khác;

2. Khuyến khích việc nghiên cứu về các tôn giáo;

3. Đào tạo những người chuyên trách việc đối thoại.

* Ghi chú: Cần lưu ý là HĐĐTLT không phụ trách quan hệ giữa Kitô giáo với Do Thái giáo. Những quan hệ này do Ủy ban Liên lạc tôn giáo với người Do Thái, trực thuộc Hội đồng Tòa Thánh cổ võ sự hợp nhất Kitô giáo.

B. Phương pháp làm việc

1. Đối thoại là sự thông đạt hai chiều. Nó bao hàm việc nói và lắng nghe, cho và nhận, để phát triển và làm phong phú hỗ tương cho nhau. Đối thoại bao gồm việc làm chứng cho đức tin riêng của tôn giáo mình, cũng như việc khai mở đối với niềm tin của tha nhân. Điều này không đối nghịch với sứ mạng của Giáo hội và cũng không phải là một phương pháp mới nhằm cải đạo sang Kitô giáo. Điều này đã được khẳng định rõ ràng trong thông điệp "Redemptoris Missio" của ĐGH Gioan Phaolô II. Quan điểm này cũng được triển khai trong hai văn kiện của HĐĐTLT: Thái độ của Giáo hội Công giáo đối với các tín đồ thuộc truyền thống tôn giáo khác: Suy nghĩ về Đối thoại và sứ vụ (1984), Đối thoại và Rao truyền (1991).

2. Mặc dù HĐĐTLT là cơ quan trung ương phụ trách đối thoại thuộc Giáo hội Công giáo, việc đối thoại được thực hiện chủ yếu ở tại chỗ và qua các Giáo hội địa phương. Nhiều Giáo hội địa phương có các Ủy ban đối thoại cấp quốc gia hay cấp miền. HĐĐTLT làm việc với sự hợp tác chặt chẽ của các ủy ban này và khuyến khích việc thành lập ủy ban ở những nơi chưa có.

3. Chiều kích đại kết của đối thoại liên tôn được lưu tâm khi hoạt động. HĐĐTLT đang xúc tiến mối quan hệ với Văn phòng phối kết của Hội đồng thế giới các Giáo hội (Kitô) [2].

4. HĐĐTLT chỉ giới hạn hoạt động của mình vào những vấn đề tôn giáo. Nhiệm vụ của nó không mở rộng đến những vấn đề chính trị-xã hội. Giáo triều Roma có nhiều ngành khác nhau, mỗi bộ có thẩm quyền chuyên biệt của nó. Những vấn đề rộng lớn hơn được thảo luận trong các phiên họp liên ngành.

C. Cơ cấu tổ chức

1. Ban định hướng hoạt động:

Gồm các thành viên của hội đồng khoảng 30 Hồng Y và giám mục từ khắp miền khác nhau trên thế giới. Cách hai bay ba năm một lần, Hội nghị khoáng đại được tổ chức để thảo luận những vấn đề quan trọng và định ra đường hướng hoạt động cho Hội đồng.

2. Ban cố vấn:

HĐĐTLT có khoảng 50 người được gọi là các nhà cố vấn, các chuyên viên nghiên cứu về tôn giáo hoặc về thực hành đối thoại liên tôn, từ tất cả các châu lục. Họ hỗ trợ HĐĐTLT bằng việc nghiên cứu, thông tin và đưa ra các đề nghị. Các phiên họp định kỳ của các cố vấn thường được tổ chức theo châu lục.

3. Ban điều hành:

Văn phòng thường trực được đặt tại Roma gồm Chủ tịch, Thư ký và Phó thư ký, chánh văn phòng đặc trách về Islam, các thành viên phụ trách về Phi châu và Á châu, một số thành viên phụ trách về các tôn giáo mới, một trợ lý hành chính và nhân sự.

D. Hoạt động

1. Tiếp đón:

HĐĐTLT đón tiếp các vị lãnh đạo tôn giáo. Họ được mời đến đối thoại với các thành viên chuyên trách. Khi thích hợp có thể sắp xếp buổi triều kiến với Đức Giáo hoàng. Ngoài ra cũng có những cuộc gặp gỡ với các giám mục đến Roma để triều yết ĐGH theo định kỳ 5 năm (Ad Limina) và với các đoàn khách khác.

2. Thăm viếng:

Chủ tịch và thư ký thăm viếng các Giáo hội địa phương để hiểu biết thêm về tình hình địa phương và khuyến khích việc đối thoại. Trong những dịp này, họ cũng thăm những nhà lãnh đạo các tôn giáo bạn và các cơ quan khác nhau để gia tăng sự hiểu biết và hợp tác.

3. Hội họp:

Hội đồng tổ chức các cuộc gặp gỡ đối thoại hoặc một cách thường xuyên hơn, tham dự các cuộc gặp gỡ đối thoại hoặc do các cơ quan khác tổ chức ở cấp vùng, quốc gia hay quốc tế. Những cuộc hội họp này có thể là song phương hay đa phương.

4. Xuất bản:

Một số sách và tập sách nhỏ được xuất bản về các khía cạnh khác nhau của đối thoại liên tôn. HĐĐTLT thường phát hành Kết quả của những cuộc gặp gỡ đối thoại liên tôn do Hội đồng tổ chức. Một tập san gọi là “Pro Dialogo” (Cổ võ đối thoại) được ấn hành định kỳ ba lần một năm, gồm những văn kiện quan trọng của giáo hội về đối thoại, các bài viết và tin tức về hoạt động đối thoại liên tôn trên toàn thế giới. Một quyển Cẩm nang hướng dẫn Đối thoại Liên tôn cũng đã được xuất bản.

E. Ủy ban liên lạc tôn giáo với người Islam

HĐĐTLT có một ủy ban đặc biệt về liên lạc với người Islam. Ủy ban này gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và Thư ký, và một nhóm nhỏ gồm 8 cố vấn chuyên nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau của mối quan hệ Kitô giáo-Islam.

F. Quỹ “Nostra Aetate”

Quỹ này được do HĐĐTLT thành lập nhằm cổ võ việc đối thoại, đặc biệt giúp tín đồ các tôn giáo khác muốn tìm hiểu về Kitô giáo.

Chuyển ngữ: Văn phòng Đối thoại Liên tôn và Đại kết/HĐGMVN

Nguồn: www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/interelg/documents/rc_pc_interelg_pro_20051996_en.html

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...