Hơn 2.400 tội ác thù ghét chống Kitô hữu ở châu Âu trong năm 2023

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 20 | Cật nhập lần cuối: 11/19/2024 8:44:32 AM | RSS

Hon 2.400 toi ac thu ghet chong Kito huu o chau Au trong nam 2023Nhân Ngày Quốc tế Khoan dung của Unesco 16/11, Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu (OSCE) công bố phúc trình, ghi nhận trong năm 2023, có hơn 2.400 tội ác thù ghét chống Kitô hữu ở Âu châu.

Cụ thể, trong năm vừa qua, có 2.444 tội ác chống Kitô hữu được cảnh sát và xã hội dân sự ghi nhận ở 35 quốc gia châu Âu, bao gồm 232 vụ tấn công cá nhân Kitô hữu, như quấy rối, đe dọa và bạo lực thể xác.

Giám đốc điều hành Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu, bà Anja Homann cho biết thực tế có thể cao hơn, vì có nhiều trường hợp không được báo cáo.

Pháp là quốc gia có số tội ác thù ghét chống Kitô hữu nhiều nhất, với gần 1.000 vụ vào năm 2023. Trong khi đó, tại Vương quốc Anh cũng đã tăng với 700 vụ. Ở Đức, mức tăng tới 105%, từ 135 vụ trong năm 2022 lên 277 vụ vào năm 2023. Cũng tại Đức, cảnh sát ghi nhận hơn 2.000 trường hợp tấn công gây thiệt hại tài sản các nơi thờ phượng.

Theo bà Regina Polak, đại diện Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu về cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc, bài ngoại và phân biệt đối xử, các Kitô hữu là mục tiêu của tội ác thù ghét trên khắp khu vực châu Âu.

Các hình thức bạo lực phổ biến nhất được Tổ chức báo cáo: phá hoại nhà thờ (62%) bao gồm nhiều trường hợp vẽ bậy lên các tài sản của các Giáo hội (24%), chặt đầu tượng tôn giáo, tấn công đốt phá (10%) và đe dọa (8%).

Về hạn chế tự do tôn giáo, phúc trình cho biết tại Vương quốc Anh, chỉ 36% Kitô hữu dưới 35 tuổi cho biết họ cảm thấy tự do bày tỏ quan điểm Kitô giáo của mình về các vấn đề xã hội tại nơi làm việc. Năm vừa qua, người ta cũng chứng kiến một loạt các hạn chế về tự do tôn giáo của các chính phủ châu Âu, như lệnh cấm các cuộc rước kiệu tôn giáo, ngăn chặn việc thể hiện niềm tin tôn giáo một cách ôn hòa. Theo Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu, đây là những xu hướng mà cần phải cảnh báo để tăng cường nỗ lực bảo vệ quyền tự do tôn giáo, gồm quyền tự do thảo luận một cách cởi mở và tôn trọng các quan điểm triết học và tôn giáo khác nhau về các vấn đề nhạy cảm mà không sợ bị trả thù và kiểm duyệt. Sự gia tăng phân biệt đối xử và tội ác thù ghét chống các Kitô hữu ở châu Âu phải được các chính phủ và xã hội dân sự xem xét nghiêm túc hơn và đòi hỏi phải có nghiên cứu chuyên sâu để hiểu bản chất và nguyên nhân cụ thể của vấn đề.

Vatican News
Nguồn: vaticannews.va/vi

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...