Lòng hiếu thảo trong đời sống Phật tử Lào

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 969 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
Lòng hiếu thảo trong đời sống Phật tử LàoCó lẽ, lòng hiếu thảo đối với Đấng sinh thành của mình là một thực tại phổ quát và là hành vi cao quí của con người, khiến ai ai cũng ca ngợi và kính phục. Tuy là một thực tại phổ quát nhưng cách thức diễn tả và thực hành có thể khác nhau tùy theo vùng, tôn giáo và thời đại. Điều giống nhau của việc thực hành lòng thảo hiếu chân thực là người ta luôn muốn sử dụng ân đức của Cha Mẹ, lúc còn sống cũng như lúc qua đời, để trở thành người tốt có ích cho bản thân, gia đình, làng xóm và xã hội. Đó cũng là điều mà bậc Cha Mẹ đều mong muốn con cái sống, và thật sự vui lòng khi thấy con cháu của mình trở nên như vậy. Trong bài viết này xin trình bày đôi nét về Phật giáo Lào và một vài việc thực hành Báo Hiếu trong đời sống Phật tử Lào.

 

I. Sơ lược về Phật giáo ở Lào

Là một quốc gia nhỏ nằm ở giữa Việt nam, Trung quốc, Miến điện, Thái lan và Campuchia, Lào có diện tích 236,800 km2 với dân số 6,5 triệu người và ước chừng 90% theo Phật giáo tiểu thừa giống như Miến điện, Thái lan, Campuchia và miền Nam Việt nam. Đạo Phật được truyền vào xứ Lào trong triều vua Dvaravati ở thế kỷ 7 TL cùng với truyền thống xem nhà vua là người có trách nhiệm hộ pháp, gọi là Pháp vương (Dhammaraja).

Vào thế kỷ 14 TL, vua Fa Ngum thống trị toàn cõi đất nước và đặt kinh đô tại Luang Prabang bên bờ sông Mekong, rồi thỉnh mời Hòa thượng Pasaman

Lòng hiếu thảo trong đời sống Phật tử Lào

người Khmer làm quốc sư và truyền bá tông phái Thượng tọa bộ Theravada. Từ đó, Phật giáo trở thành quốc giáo.

Ngày nay, thủ đô của Lào là thành phố Vientiane nhưng cố đô Luang Prabang vẫn được xem như là trung tâm Phật giáo Lào bởi có nhiều nơi thờ phượng và chùa chiềng cổ kính, đặc biệt trước đây là nơi lưu giữ Tượng Phật bằng ngọc bích có tên là Prabang mà sau đó trở thành tên của của cố đô này.

Một số chùa nổi tiếng ở Lào thường được khách hành hương đến thăm viếng như: chùa That Luang, chùa Phật Ngọc (Pra Kẹo), Vườn Phật và chùa Sisaket ở Vientiane; chùa Xiengthong ở Luang Prabang, và các di tích Phật giáo ở Xiengkhuang (Cánh đồng Chum); chùa Inh Hăng ở Savannakhét, và Vắt Phu ở Champasak (Pakse, miền Nam Lào).

Mặc dầu Phật giáo đến Lào khá sớm nhưng vẫn là ‘em út’ của hai nguồn tôn giáo khác là Bà la môn và Vạn vật hữu linh (Animism) bản địa. Nhưng dầu sao, Phật giáo cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tín ngưỡng của dân tộc Lào và đặc biệt là đạo Hiếu. Việc hòa hợp quyện lẫn nhau giữa ba nguồn tôn giáo này làm cho đạo Hiếu của đại gia đình dân tộc Lào, gồm 49 dân tộc, có một sắc thái riêng: vừa tự nhiên lại vừa lễ nghi, vừa thường nhật lại vừa lễ hội… tuy đơn sơ nhưng cũng thật sâu sắc. Đạo Hiếu này diễn ra theo vòng đời của mỗi con người.


II. Một vài nét liên quan tới lòng Báo Hiếu

1. Hiếu thảo đối với Cha Mẹ trong dịp tết

Vào trung tuần tháng 4 dương lịch (tháng Giêng theo lịch Lào) là lúc việc đồng áng được thu hái vuông tròn cũng là lúc mùa xuân và cái Tết đến trên mọi nẽo quê Lào. Đây là dịp con cháu qui tụ về quê cha đất tổ để thăm viếng, biết ơn và cầu an nguyện phúc cho Cha Mẹ Ông Bà.

Trong dịp này, thường là ngày mùng Một tết (có 3 ngày chính), con cái sẽ tỏ lòng biết ơn Cha Mẹ. Ngoài quà bánh hoa trái, một cách cụ thể, người con còn quì gối tưới nước thơm vào đôi lòng bàn tay Cha Mẹ, đeo vòng hoa trắng vào cổ các ngài, đồng thời nói lời chúc thọ cầu an cũng như nói lời xin lỗi và quyết tâm sửa lỗi. Cũng nên biết rằng ‘nước’ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống người Lào. Đó là tẩy sạch và mang lại sự sống mới. Cho nên trong dip tết, người Lào dù ở thành phố hay thôn quê đều tưới dội nước cho nhau như lời chúc cầu mong mọi sự may mắn tốt đẹp. Việc tưới nước thơm có hoa đủ sắc mang ý nghĩa ước mong cho Cha Mẹ được phúc lộc thọ và an khang trong cuộc sống với con cháu. 

2. Hiếu thảo đối với Cha Mẹ ngang qua việc đi tu ở Chùa từ nhỏ

Khác với Phật Giáo Miến Điện có tiểu ni cô, ở Lào chỉ có các chú tiểu vào Chùa tu một thời gian vừa học văn hóa và đạo đức vừa để báo hiếu cho Cha Mẹ. Các chú tiểu gia nhập Chùa đa phần không phải do ép buộc nhưng do thói quen truyền thống và lòng tự nguyện của đương sự. Điều này chúng ta có thể thấy được qua đời sống hồn nhiên, giản dị và vui tươi của họ. Trước khi vào tu, gia đình của họ sẽ làm lễ cúng một số đồ vật cho Chùa và vật dụng thiết yếu cho con em mình sử dụng.


Lòng hiếu thảo trong đời sống Phật tử Lào

 Trong lúc tập tu thân này, các chú ‘sư nhỏ’ cũng mặc tu phục dù ở trong Chùa cũng như ở ngoài, giống các vị sư ‘cây cao bóng cả’. Thời gian tu của họ có thể vài tháng, vài năm, và cũng có một số trường hợp là đi tu suốt đời.

Sau thời gian tu theo hạn định, sẽ có nghi lễ ‘xuất tu’ cho đương sự. Đó là niềm vui chung cho các thành viên trong Chùa và Cha Mẹ anh chị em cùng họ hàng, vì nó đánh dấu sự trưởng thành đức độ của đương sự. Hơn nữa, đó là mong ước của Cha Mẹ đối với con cái và lòng hiếu thảo cụ thể của con cái đối với Cha Mẹ. Trong ngày làm nghi thức ‘xuất tu’ này, mọi người tụ họp ở chánh điện Chùa để tạ Phật, tạ các sư phụ và rồi đến lượt các sư sẽ làm nghi lễ đổi y phục cho đương sự và trao họ lại cho Cha Mẹ và người thân.

3. Hiếu thảo đối với Cha Mẹ qua việc đi ‘cúng cơm’ mỗi ngày

Khi bình minh ló rạng và những giọt sương mai còn đọng long lanh trên lá cỏ là lúc các sư lớn nhỏ với chân trần bước đi khoan thai an tịnh. Cứ tự nhiên thành hàng 5 - 7 vị, các sư từng bước qua các hẻm nhỏ, đường lớn quanh khu vực Chùa để đón nhận đồ cúng dường của các Phật tử. Nên biết rằng các sư chỉ đi khất thực một lần vào buổi sáng và chỉ dùng một bữa trưa (đúng ngọ) mà thôi với những gì đã nhận được.





Để báo đáp ơn sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ, các trẻ nữ, đôi khi cũng có các trẻ nam, thường theo Cha Mẹ hoặc các thiếu nữ tự mình với lễ vật như cơm nếp, đồ chấm, cá khô, thức uống và hoa trái, nhang nến… ra ngồi đợi ở đầu đường hay góc phố. Ở đấy, khi thấy đoàn sư khất thực đi tới thì họ quì xuống và lần lượt bỏ đồ ăn thức uống vào tráp đựng của từng vị sư đi ngang qua. Hình ảnh các sư đón nhận cách chân thành và các Phật tử trao tặng với lòng thành kính thật là đẹp và linh thiêng: người cho thì được ân phúc còn người nhận thì được kính trọng.

Tới đây, có thể nói rằng các trẻ trai đi tu để tu thân và các trẻ nữ đi cúng cơm các sư để tích đức đều muốn trở thành người tốt, người có ích. Người ta gọi là các ‘nam thanh nữ tú’ và đây là cách báo hiếu Cha Mẹ tốt nhất trong văn hóa và tôn giáo của đất nước Lào.

4. Hiếu thảo đối với Cha Mẹ trong dịp cưới hỏi

Theo phong tục người Lào, hôn nhân gia đình thường theo hình thức mẫu hệ. Như vậy, thông thường trước khi ở riêng theo thỏa thuận, người thanh

Lòng hiếu thảo trong đời sống Phật tử Lào

niên lấy vợ phải ở rể. Ngày nay, tục lệ này có thay đổi ít nhiều nhưng có một điều không đổi trong đám cưới người Lào đó là: để tỏ lòng biết ơn đối với công lao sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ cô dâu, đặc biệt là người Mẹ, thì chú rể phải trả một số tiền hay hiện vật cho Mẹ của cô dâu. Việc này tiếng Lào gọi là ‘Khà nôm’ có nghĩa là ‘giá sữa’ đã nuôi dạy cô dâu khôn lớn tới tuổi thành thân lập thất.

Tuy việc làm tốt đẹp này có thể bị lợi dụng để trục lợi nhưng nó vẫn có giá trị và ý nghĩa tích cực đối với đôi vợ chồng son: sống tốt đạo làm con, vẹn nghĩa tình vợ chồng.

5. Hiếu thảo đối với Cha Mẹ trong dịp ma chay

Theo ngôn ngữ Lào, thông thường một gia đình có người thân qua đời thì gia đình ấy gọi là ‘Hươn Đỉ’ nghĩa là ‘nhà tốt đẹp’ vì từ nay người qua đời đã ‘tai qua nạn khỏi’ vòng sinh-lão-bệnh-tử và đi vào nơi an tịnh. Trái lại, nhà có trẻ sơ sinh thì gọi là ‘Hươn Cẳm’ nghĩa là ‘nhà rủi ro’ không may mắn.

Việc an táng thi hài người chết thường là hỏa thiêu ở trong Chùa làng và sau đó hài cốt được cất giữ ở trong đó luôn. Nếu trong một gia đình có bậc làm Cha Mẹ qua đời thì rất thông thường, người con cả trong gia đình ấy sẽ xuống tóc, mặc áo cà sa… theo sự hướng dẫn của những vị sư ‘chuyên nghiệp’, để đi tu trong vòng một hai ngày, hoặc nhiều có thể là một tháng.

Theo niềm tin và cảm nhận của dân Lào, đây là việc ‘cầu siêu’ cho vong hồn của Cha Mẹ sớm được siêu thoát và là cách báo hiếu cụ thể mà ai ai cũng mong muốn thực hiện trong đời của mình. Trong dịp đi tu cầu siêu báo hiếu này, cũng có thể có nhiều anh em trai cùng đi tu một lúc và cộng thêm những người họ hàng thân thích nữa.

Phần những người nữ trong tang quyến, thay vì hình thức đi tu cầu siêu như nam giới, họ có hình thức khác là đi tu thành ‘Mè Khảo’, nghĩa là ‘Mẹ áo trắng’ (mặc y phục màu trắng nhưng không có xuống tóc như nam tu). Nhiệm vụ chính yếu của họ là tham gia tích cực vào các nghi thức tụng kinh cầu siêu cho người quá cố và thực hành các việc cúng dường sau này. Nếu có đi tu thì họ chỉ tu trong một thời gian ngắn mà thôi.


Lòng hiếu thảo trong đời sống Phật tử Lào


Khi tiễn biệt người chết để hỏa thiêu, con cái sẽ thể hiện việc tiễn biệt bằng cách lần lượt tưới nước trái dừa tươi (nước tinh khiết nhất) vào mặt người chết với nguyện ước xin ơn tha thứ và thanh tẩy để người chết thanh thản ra đi đón nhận sự sống mới.

6. Hiếu thảo đối với Cha Mẹ trong dịp mùa chay tịnh

Mùa chay tịnh của các tu sĩ Phật giáo và Phật tử thường diễn ra trong thời gian hơn kém 3 tháng, từ khoảng trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 10 dương lịch. Đây là mùa mưa nên vạn vật sinh sôi, cây cỏ xanh tốt. Do đó, các sư sẽ ‘bế quan’ không đi ra ngoài hành khất nữa vì tôn trọng đức hiếu sinh: sợ giẫm đạp lên côn trùng cỏ cây; thay vào đó đây là thời gian chú tâm cho việc ‘tu thân tích đức’ chay tịnh nguyện cầu.

Phần các Phật tử, họ siêng năng đến Chùa làng để cúng cơm cho các sư và tham dự các nghi lễ tụng kinh nguyện cầu khác nhau ở trong Chùa. Việc làm này của họ một phần chung hiệp vào việc tu thân tích đức của các thầy các sư, phần khác là tỏ lòng báo hiếu Cha Mẹ còn sống hay đã qua đời, vì ơn sinh thành dưỡng dục mà mình đã nhận được từ các ngài. Đó là ơn sự sống mới có mặt trên đời nhờ Cha Mẹ, như hoa cỏ vạn vật sinh sôi nảy nở nhờ mưa nguồn vậy!

Trong thời kỳ này, các Phật tử cũng hoàn toàn tránh việc cưới hỏi, tiệc tùng, lễ hội… vì những điều như thế ảnh hưởng không tốt đến bầu khí thanh tịnh của mùa chay tịnh này. Tất cả những gì họ làm cốt giúp họ có được “tay sạch lòng thanh”. Tóm lại, đây là mùa biết ơn và tôn trọng sự sống của cả thể lý cũng như tâm hồn. Tất cả những việc làm cốt để thanh luyện cho bản thân được nên tinh tấn hơn.

III. Thay Lời kết

Để kết thúc bài viết này, tôi xin chuyển dịch một bài viết của một người Lào về Lòng Báo Hiếu công ơn Cha Mẹ như sau:


Lòng Hiếu Thảo

Hỏi rằng ta sinh ra từ đâu? Câu hỏi này không đúng, nhưng phải tự hỏi rằng ta sinh ra từ ai? Hay người nào đã sinh thành ra ta? Người nào hay ai ở đây đích thực là người đã trao ban cho ta sự sống và cho ta có mặt trên đời. Người đó chính là Mẹ. Mẹ là đấng đáng kính đáng yêu của ta vậy.

Do đó, con cháu phải ra sức chăm nom bồi dưỡng Cha như Thần Hoàng và Mẹ như Tiên Nữ. Đấng song thân này có mặt thường xuyên với ta ngay từ khi ta mới lọt lòng Mẹ. Các ngài là thần là tiên mà đàn con lũ cháu phải bày tỏ lòng thảo hiếu biết ơn khôn nguôi. Khi các ngài còn sống ta phải chăm nuôi chu đáo, và khi các ngài qua đời ta phải cúng bái thành tâm. Người có lòng thảo hiếu là người sẽ thịnh đạt tiến bộ trên đường đời nên thần tiên thiên vương cũng chung vui, và tất nhiên sẽ hài lòng với việc thảo hiếu của họ đối với Cha và Mẹ của mình.

Cha Mẹ ta chỉ có một và duy nhất trên đời mà thôi! Chắc chắn, chẳng có người nào có Cha có Mẹ hai lần trong đời.

Bởi nguyên do nào đó, đôi lúc ta làm cho các ngài phật lòng như cãi lời, nói xỏ nói xiên các ngài là người vô dụng, ăn bám con cái… hoặc làm sinh nhật cho mình ở ngoài gia đình, và cùng bạn bè tổ chức yến tiệc linh đình mà bỏ mặc Cha Mẹ ăn kham khổ đợi con cái trở về, trong chính ngày Cha Mẹ đã ‘vượt cạn’ để sinh con ra đời.

Nếu là người con có suy nghĩ chín chắn thì sẽ thốt lên rằng: ô, hôm nay chính là ngày Mẹ đã sinh ta ra trong sự đau đớn, thiếu thốn và đói khát! Như vậy, ta phải mang hoa, quà, bánh trái đến kính dâng ngài và xin lỗi cũng như xin tha thứ vì những hành xử không tốt, thiếu trách nhiệm của ta đối với các ngài. Chính trong ngày sinh nhật này sẽ trở thành cơ hội tốt để ta diễn tả lòng biết ơn vô bờ bến đối với Cha Mẹ.

Khi làm như vậy, láng giềng chòm xóm và ngay cả thần tiên thiên vương cũng sẽ thật lòng ca ngợi và chung vui với ta thật tình. Vậy hãy nhớ kỹ cho rằng: ta đối xử tốt hay xấu với Cha Mẹ thể nào thì con cái ta cũng sẽ đối xử với ta thể ấy, bởi lẽ ‘sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy’ là vậy.


Người dịch: Thanh Bình

Nhịp Cầu Tâm Giao 2, Lưu Hành Nội Bộ (09.2010), tr. 30-37.

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...