Luật tục núi rừng (1): Bắt chồng

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3016 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Bên cạnh những tục lệ của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày nay đã trở thành những nét văn hóa đặc sắc mang yếu tố truyền thống đa dạng, thì nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn dai dẳng đeo bám, không chỉ cản trở nếp sống văn minh mà còn là những nguyên nhân trực tiếp đẩy không biết bao nhiêu thân phận nam nữ thanh niên vào bi kịch.

 

Có mặt ở nhiều bản làng, PV Thanh Niên chứng kiến nhiều hủ tục đáng sợ: Từ thách cưới đến việc kết hôn cùng huyết thống; từ chuyện tảo hôn đến thân phận chàng rể trong chế độ mẫu hệ...


Bắt chồng là một nét văn hóa đặc thù không chỉ của người Chu Ru ở Đơn Dương (Lâm Đồng) mà hiện còn tồn tại ở rất nhiều tộc người khác ở vùng dọc Trường Sơn - Tây Nguyên nhưng “giá” của các chàng trai ở đây cao ngất ngưởng đã đẩy không biết bao nhiêu gia đình bên vợ vào bước đường cùng.

Huyện Đơn Dương chỉ cách Đà Lạt khoảng 40 km, nhưng khi tìm hiểu về tục “bắt chồng” ở đây, chúng tôi cảm tưởng như mình đang lạc vào một thế giới khác...


Lễ vật lấy chồng


Xã Ka Đơn có 538 hộ người Cơ Ho, 215 hộ người Chu Ru vẫn đang lưu giữ tục “bắt chồng”. Theo đó, người con gái đến tuổi lấy chồng sẽ được cha, mẹ hoặc người mai mối “tia” cho một tấm chồng. Tất cả việc đám hỏi, đám cưới do nhà gái lo liệu. Sau khi cưới, chàng rể về sống bên nhà vợ.


Ngày xưa, nhà trai thường đòi lễ vật là trâu, bò, heo, đồng la, cồng chiêng, ghè, tố, chóe, khố, váy, vòng cườm, nhẫn bạc... và một đám cưới linh đình kéo dài bảy ngày, bảy đêm tại nhà gái. Hiện nay, tất cả các lễ vật trên được quy ra thành tiền mặt: muốn “bắt chồng” nhà gái chí ít cũng phải có vài ba chỉ vàng, vài triệu đồng tiền mặt.


“Tấm chồng” thông thường ở Ka Đơn hiện nay có giá từ 1-1,5 lượng vàng, kèm theo 5-10 triệu đồng tiền mặt. Cá biệt có đám đòi 2-5 lượng vàng, kèm theo... 50 triệu tiền mặt!


Chính vì vậy, những gia đình có đến năm, bảy cô con gái thì coi như điều kinh khủng. Có hai tình huống đã xảy ra: Có nhiều gia đình chỉ đủ tiền bắt chồng cho một trong số năm, bảy cô con gái của mình. Và số còn lại đành chấp nhận không bắt được chồng, hiện tượng này, chỉ tính riêng thôn Próh Ngó (xã Próh) đã có tới 14 cô không bắt được chồng.


Nhưng phần đông những gia đình ở Ka Đơn đã làm tất cả những gì có thể để “bắt chồng” cho con: Có người bán trâu, bò, có gia đình vay ngân hàng, cầm cố nhà cửa, ruộng đất, vay nợ bên ngoài với lãi suất cao ngất ngưởng. Có gia đình bán hết ruộng đất của cha ông để lại, bán cả ruộng đất do Nhà nước cấp, để con gái của họ đều... có chồng.


Tộc người Cơ Ho, luật tục cho phép trong hoàn cảnh quá ngặt nghèo gia đình phía vợ được nợ các lễ vật trong đám cưới. Họ có thể trả dần và dĩ nhiên đôi vợ chồng trẻ phải “còng” lưng ra làm để trả nợ. Trong trường hợp vợ chồng không trả hết thì đến đời con, đời cháu phải trả.


“Giá” của các chàng trai


Đa phần người Chu Ru ở Đơn Dương hiện nay không cho nhà gái tổ chức đám cưới, nếu chưa giao đủ lễ vật. Tất cả những trường hợp nợ do bắt chồng trước đây, nếu để qua 3 đời mà không trả được, khi “con nợ” chết gia đình vẫn phải làm thịt trâu, bò để cúng. Dân làng vẫn đến dự, nhưng tất cả đều không ăn.

  

Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến gia cảnh đáng thương của bà TuTeng MaBao, 63 tuổi, người Chu Ru ở xã Ka Đơn. Bà có chín người con (5 trai, 4 gái). Ba con trai đã đi lấy vợ, bà cũng “đòi” được của nhà gái đưa “mỗi đứa” ba chỉ vàng. Nhưng con gái bà bắt chồng, bên nhà trai quyết liệt đòi từ 1-1,5 lượng vàng. Cực chẳng đã, bà MaBao đã phải bán dần cho đến những mảnh ruộng, đất cuối cùng.


Hôm chúng tôi đến, bà MaBao và một đứa cháu gái 8 tuổi vừa đi bắt cua về. Gia đình sống trong một căn nhà tình thương nhỏ bé, bên cạnh một túp lều cũ rách dùng làm bếp. Trong nhà bếp không có lấy một hạt gạo, ngoài vườn không một cây bắp, khóm bí. Bà năn nỉ chúng tôi mua giúp bà giỏ cua để bà lấy tiền mua gạo. Hỏi các con bà đâu, bà bảo: “Chúng đi bắt cá ở hồ MLọn. Từ đây đến MLọn khoảng 15 km, nên ở luôn đó cả tuần mới về một lần. Mỗi ngày chúng nó bắt được 1-3 kg cá, tép; mỗi kg được từ 10-30 ngàn đồng”. Riêng bà, mỗi ngày bắt được 1 kg cua, cua mùa này 15 ngàn/kg. “Vài hôm nữa chỉ còn 5-10 ngàn đồng/kg thôi. Những ngày mưa thì không thể bắt cua, bắt cá được”, bà nói.


Ở Ka Đơn 7 ngày, chúng tôi gặp nhiều bà mẹ ứa nước mắt đòi tặng cua khi chúng tôi biếu mẹ vài chục ngàn đồng. Những người mẹ như TuProng Mapia (80 tuổi, người Chu Ru, thôn Ka Đê), mẹ Jơ Lâng Ma Ních (73 tuổi, người Cơ ho, xã Próh)... đã bán đến mảnh ruộng cuối cùng để cho 5 - 6 cô con gái của họ được... “bắt chồng”.


Đáng sợ nhất là những gia đình vì lo tiền “bắt chồng” cho con mà phải đồng cảnh ngộ với “chúa chổm”. Gia đình bà Pdum MaNhen, người Chu Ru, xã Ka Đơn: Cô con đầu “bắt chồng”, nhà trai đòi 8 chỉ vàng, 5 triệu tiền mặt, 10 cái khăn (trị giá từ 100-500 ngàn đồng/cái); 15 dây cườm (300 ngàn đồng/dây). Đến con thứ, nhà trai đòi 8 chỉ vàng; 5,7 triệu đồng; 9 cái khăn; 12 dây cườm. Đám cưới đầu tiên bà Ma Nhen đi vay 20 triệu đồng, bà thỏa thuận nộp cho chủ nợ 80 bao lúa. Cô thứ hai đi “bắt chồng”, bà Nhen cho thuê 2 sào ruộng trong 10 năm để đổi lấy 5 chỉ vàng. Và vay thêm 5 chỉ nữa, mỗi chỉ vàng phải trả 30 ngàn đồng tiền lãi một tháng. Tính nguyên tiền lãi mỗi tháng bà Ma Nhen phải trả một triệu ba trăm năm mươi ngàn đồng!


Chúng tôi được chứng kiến bà TuTeng MaSa (xã Ka Đơn) đang chuẩn bị “bắt chồng” cho cô con gái thứ 4, còn cô thứ 5 sẽ cưới vào năm tới. Lễ vật mà nhà trai yêu cầu gồm: 17 triệu đồng; khăn 9 cái (trong đó 1 cái giá 1 chỉ vàng, 7 cái còn lại giá từ 100-200 ngàn đồng/cái); dây cườm 10 cái (200 ngàn đồng/dây). Đám cưới như các cô con gái trước là 30 triệu đồng. Bà bảo: “Nếu thiếu quá cũng buộc phải bán 1-2 sào đất lấy chồng cho con”.


Nhưng đám cưới cô JơLông MaHờm vào tháng 12.2009 sắp tới mới đạt kỷ lục của thôn, khi gia đình cô phải trao cho nhà chồng 50 triệu đồng, và đám cưới sẽ hết 50 triệu nữa...


Còn giá của các chàng trai Cơ Ho ở vùng cà phê thuộc huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh lên tới 10-15 cây vàng...


(Còn tiếp)


Đinh Thị Nga

Nguồn: thanhnien.com.vn

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...