Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 2952 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa"Trên thực tế thì ngày nay chiếc áo cà-sa đã biến đổi ít nhiều tùy theo phong thổ, tập quán, chủng tộc, học phái… Nhưng dù cho có biến đổi thế nào đi nữa thì chiếc áo cà-sa vẫn giữ được ý nghĩa nguyên thủy của nó: sự đơn sơ, khiêm nhường, trân quý và cao cả". Để tìm hiểu ý nghĩa và nguồn gốc Pháp y của người tu hành (tu phục của các tỳ kheo đạo Phật), Ban MVĐTLT xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của tác giả Hoàng Phong.

*  *  *

Gốc tiếng Phạn của chữ cà-sa là kasaya. Nhưng thật sự chữ kasaya trong tiếng Phạn không có nghĩa là áo mà có nghĩa là bạc màu, cáu cặn hay hư hoại.


Sách tiếng Hán dịch chữ này là đạm (màu nhạt), trọc hay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn), hoặc còn dịch là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn… Tóm lại chiếc áo cà-sa của người xuất gia tu Phật, của hàng tỳ kheo,…tượng trưng cho những gì nghèo nàn, thô sơ, tầm thường, và khiêm nhường nhất. Người đọc, nếu chưa có ý niệm gì về chiếc áo của một nhà tu Phật giáo, cũng có thể hơi ngạc nhiên khi đọc những điều vừa nêu trên đây.


Thật vậy, kẻ thế tục thường hay đồng hoá chiếc áo với người tu hành hay Đạo Pháp của Đức Phật vì họ chỉ thấy những biểu tượng hay những quy ước mà thôi. Họ có thể cho rằng Đạo Pháp hay người tu hành thì rất cao cả, nhưng chiếc áo thì lại rất tầm thường, hoặc đôi khi cũng có thể hiểu ngược lại là chiếc áo tượng trưng cho sự cao cả, còn nhà sư thì lại tầm thường. Tầm thường ở đây có nghĩa là khiêm tốn, nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa đen là không xứng đáng để khoác lên người chiếc áo cà-sa. Bài viết không đề cập đến trường hợp theo nghĩa đen hiếm hoi này, tuy nhiên trên thực tế cũng có thể xảy ra được.


Ngày nay, nhiều tu viện lớn ở Miến điện vẫn còn giữ được truyền thống thật xưa, theo đó các nhà sư phải tự đi nhặt những mảnh vải vụn, những tấm khăn đắp hay liệm người chết vứt bỏ ở những nơi hỏa táng, nghĩa địa hay những đống rác, rồi đem về tự mình chắp nối và may lấy áo để mặc. Mỗi người chỉ được phép có ba chiếc áo như thế, thêm một bình bát để khất thực và một bàn chải đánh răng, thế thôi. Đến đôi dép cũng không có vì họ đi chân đất, và có lẽ đây là một truyền thống rất lâu đời, từ thời Đức Phật còn tại thế. Tóm lại, chiếc áo cà-sa không bao giờ mang màu sắc sặc sỡ, kết ren hay thêu thùa. Chiếc áo của người tu hành không phải là một hình thức để tạo ra ảo giác, không được dùng để loè mắt những người thế tục…Chiếc áo cà-sa là biểu tượng của những gì khiêm tốn, đơn sơ và tầm thường nhất mà ta có thể tưởng tượng được. Tuy nhiên đồng thời, chiếc áo cà-sa lại cũng là biểu tượng của Đạo Pháp, do đó cũng tượng trưng cho những gì cao cả, thâm sâu và thiêng liêng nhất, vượt lên trên sự hiểu biết quy ước của chúng ta.


Trên thực tế thì ngày nay chiếc áo cà-sa đã biến đổi ít nhiều tùy theo phong thổ, tập quán, chủng tộc, học phái…Nhưng dù cho có biến đổi thế nào đi nữa thì chiếc áo cà-sa vẫn giữ được ý nghĩa nguyên thủy của nó : sự đơn sơ, khiêm nhường, trân quýcao cả.


Bài viết này sẽ lần lượt chọn hai thí dụ điển hình, một thuộc Nam tông và một thuộc Thiền học trong Bắc tông để trình bày những biến đổi từ quan niệm đến hình thức của chiếc áo cà-sa, và sau đó sẽ lạm bàn xa hơn về ý nghĩa của chiếc áo ấy.


Nguồn gốc, tên gọi và những biểu tượng của chiếc áo cà-sa


Theo Luật Tạng (Vinaya), Tăng đoàn của Phật lúc ban đầu ăn mặc không khác biệt gì với những người tu hành thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Vì thế vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) đề nghị với Phật xin cho các đệ tử được ăn mặc khác hơn để mọi người dễ nhận ra. Đúng vào thời điểm ấy, Phật và người đệ tử thân cận nhất là A-nan-đà đang du hành ở phương Nam để thuyết giảng. Phật nhìn thấy những thửa ruộng lúa hình chữ nhật, chia cắt bởi những con đê tăm tắp, liền bảo A-nan-đà cứ theo mẫu ấy mà may áo cho Tăng đoàn. Vì thế, trong kinh sách tiếng Hán, chiếc áo cà-sa còn gọi là Cát triệt y hay Điền tướng y, mảnh áo mang hình những thửa ruộng, tượng trưng cho sự phong phú và phúc hạnh.


Câu chuyện này cũng đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu của sự biến dạng. Cách so sánh khá thi vị trên đây đòi hỏi đến trí tưởng tượng và những ước mơ phù hợp với các tiêu chuẩn và quan niệm quy ước về hạnh phúc và giàu sang của thời đại bấy giờ, nghĩa là không có gì là Đạo Pháp cả. Như đã trình bày trong phần nhập đề, chiếc áo cà-sa gồm nhiều mảnh ráp lại vì đó là những mảnh vải vụn nhặt được ở bãi tha ma, tượng trưng cho những gì tầm thường nhất và cũng để nhắc nhở người tu hành về tấm thân vô thường của họ.


Tiếng Hán còn gọi chiếc áo cà-sa là Đoạn phục, Pháp y, Nhẫn nhục khải, Giải thoát chàng, Cà-sa-duệ, Già-sa-dã…, các chữ này hàm chứa một ý nghĩa đại cương là dứt bỏ, bất chính, ô uế, nhiễm bẩn, có màu xích sắc (màu đỏ)… Theo sách tiếng Hán, áo không bắt buộc phải nhuộm bằng một màu nhất định nào cả, chỉ cần tránh không dùng năm màu chính là xanh, vàng, đỏ, trắng và đen, và đồng thời có thể pha trộn nhiều màu với nhau để tạo ra một màu xích sắc thật bẩn thỉu, đúng theo ý nghĩa nguyên thủy của chữ kasaya trong tiếng Phạn. Áo gồm nhiều mảnh, có thể mỗi mảnh một màu, vì đó là những mảnh vải nhặt được và khâu lại với nhau. Ngày nay tùy theo học phái, địa phương, phong tục, khí hậu…mà chiếc áo cà-sa cũng biến dạng đi, từ cách may cho đến màu sắc : màu vàngẤn độ và các nước theo truyền thống Nam tông ; các màu vàng, màu lam, nâu, nâu đỏ (nhuộm bằng vỏ cây mộc lan, hay củ nâu) như ở Việt NamTrung quốc ; màu lam ở Hàn quốc ; màu đen hay nâu đen (màu trà) ở Nhật ; màu vàng nghệ hay nâu đỏ ở Tây tạng…Nói chung có ba màu chính gọi là như pháp cà-sa sắc tam chủng (ba màu sắc của áo cà-sa theo phép quy định) : tức màu gần như đen (màu thâm, màu bùn dất), màu xanh (màu rỉ đồng), màu gần như đỏ (màu hoa quả).


Pháp y của người tu hành gồm có ba loại : Đại, Trung và Tiểu. Loại nhỏ, Tiểu y, gọi là An-đà-hội (Antarvasaka), áo này gồm có năm mảnh ráp lại (ngũ điều). Áo kiểu Trung gọi là Uất-đa-la-tăng (Yttara-Samgha) gồm có bẩy mảnh (thất điều). Áo kiểu rộng, Đại y, gọi là Tăng-già-lê (Samghati), gồm chín mảnh (cửu điều). Trên đây là các loại áo cà-sa có gốc từ Ấn độ. Tùy theo xứ lạnh hay nóng bức, những nơi giá rét có thể mặc áo tiểu và trung bên trong, rồi mặc thêm áo cửu điều bên ngoài.


Chiếc áo cà-sa dùng để che thân, để đắp, để gối đầu hoặc để gấp lại và ngồi lên đó như một tọa cụ. Kinh Bát-nhã có kể chuyện Phật cùng với các đồ đệ sau khi khất thực về, ăn xong, Phật tự lau rửa bình bát, sau đó tự tay xếp áo cà-sa làm tọa cụ và ngồi lên đó để thuyết giảng. Có khi các đồ đệ lấy áo của mình xếp chồng lên nhau để Phật ngồi.


Công dụng của chiếc áo cà-sa thiết thực như thế, nhưng dần dần người ta gán thêm cho nó nhiều đức tính khác nữa. Kinh Bi hoa kể chuyện áo Cà-sa ngũ đức và kể các đức ấy ra như sau : 1. Người thế tục nếu biết kính trọng cà-sa sẽ tiếp nhận được Tam Thừa (tức Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa), 2. Thiên long nhân quỷ nếu biết kính cà-sa cũng đắc Tam thừa, 3. Quỷ thần và chúng sinh chỉ cần bốn tấc vải của chiếc áo cà-sa cũng được no đủ, 4. Chúng sinh hằng tâm niệm về chiếc áo cà-sa sẽ phát sinh được lòng Từ bi, 5. Giữa nơi trận mạc, nếu có được một mảnh nhỏ áo cà-sa và biết cung kính mảnh áo ấy cũng thắng trận.


Một quyển kinh khác là Tâm địa quán kinh lại nêu lên đến mười điều lợi của chiếc áo cà-sa và gọi là Cà-sa thập lợi : 1. Che thân khỏi thẹn ngượng, 2. Tránh ruồi muỗi, nóng rét, 3. Biểu thị các tướng tốt của người xuất gia, 4. Kho chứa châu báu (tức Diệu Pháp của Phật), 5. Phát sinh nghị lực gìn giữ giới hạnh, 6. Màu nhạt bẩn không làm phát sinh lòng ham muốn, 7. Mang đến sự thanh tịnh, 8. Tiêu trừ tội lỗi, 9. Mảnh đất tốt làm nẩy sinh Bồ-đề tâm, 10. Giống như áo giáp, mũi tên phiền não không đâm thủng được.


Kể lể dài dòng như trên đây chẳng qua vì mục đích muốn nêu lên một thí dụ điển hình trong việc thêm thắt và biến dạng đối với ý nghĩa của chiếc áo cà-sa. Chẳng hạn như đức tính thứ năm do Kinh Bi hoa kể : « nơi trận mạc, nếu có một mảnh nhỏ cà-sa và biết cung kính cũng thắng trận », đức tính này có lẽ không phù hợp lắm với Đạo Pháp của Phật. Dù sao cũng xin phép được tiếp tục kể thêm rằng một vài kinh sách gốc Hán đã đặt cho chiếc áo cà-sa đến mười hai danh hiệu khác nhau và gọi là Cà-sa thập nhị danh : 1. Cà-sa, 2. Đạo phục (áo của người tu hành), 3. Thế phục (áo của người xa lánh thế tục), 4. Pháp y (áo đúng theo quy định trong Đạo Pháp), 5. Ly trần tục (áo xa lánh lục trần), 6. Tiêu sấu phục (áo có khả năng tiêu trừ phiền não), 7. Liên hoa phục (áo như hoa sen không nhiễm bùn nhơ), 8. Gián sắc phục (áo đem nhuộm cốt ý làm hư hoại màu sắc), 9. Từ bi phục (áo của người thực thi đức Từ bi), 10. Phúc điền phục (áo gồm nhiều mảnh giống như những mảnh ruộng tượng trưng cho sự giàu có và phúc hạnh), 11. Ngọa cụ (áo dùng để lót lưng khi nằm), 12. Phu cụ (áo dùng làm chăn để đắp).


Tiếp theo ta hãy tìm hiểu ý nghĩa chiếc áo cà-sa trong hai trường hợp điển hình là Nam tôngThiền tông.


Lễ Dâng y của Nam tông


Một trong những lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất của Nam tông là lễ Dâng y trong dịp kiết hạ. Sau thời gian ba tháng an cư trong mùa mưa là lễ kiết hạ. Lễ kiết hạ đánh dấu ngày chấm dứt ẩn cư, tức thời gian không được phép đi ra ngoài của các tỳ kheo. Người Nam tông làm lễ này rất long trọng và gọi là lễ Dâng y hay Kathina. Thật sự chữ kathina trong tiếng Pali (tiếng Phạn là kathinya) không có nghĩa gì là áo hay dâng y mà có nghĩa là sự vững chắc và trong ngôn ngữ Pali chữ này lại có một nghĩa nữa là cái khung để dệt vải hay căng vải để may áo.


Trong dịp lễ này, Phật tử dâng vải cho Tăng đoàn may áo cà-sa. Trước khi dâng, vải và các vật cúng dường khác được đặt vào mâm rồi đội lên đầu đi diễn hành trong thôn xóm, làng mạc trước khi đến Chùa để dâng lên các tỳ kheo. Các tỳ kheo phải chia nhau may cắt và phải may cho xong chiếc áo trong một ngày. Tục lệ này được đặt ra để nhắc lại sự tích người mẹ nuôi của Đức Phật, cũng là người Dì tức là em của mẹ Đức Phật, tên là Ma-ha Ba-xà-ba-đề Cồ-đàm-di (Mahaprajapati Gautami), đã từng thức suốt một đêm để hoàn tất chiếc áo cho Phật. Khi Phật sinh ra đời được bẩy ngày thì mẹ mất, người Dì đứng ra chăm sóc cho Phật. Sau này, khi Phật đạt được Giác ngộ, Bà đã xin quy y và thành lập Tăng đoàn các Tỳ kheo ni, vì thế Bà cũng là Ni sư đầu tiên của Phật giáo.


Quy luật an cư cần phải có tối thiểu năm tỳ kheo cho mỗi nhóm, và được hưởng một khúc vải dài độ ba thước. Theo nghi lễ, cả nhóm họp lại để cắt may, xong áo thì tặng cho tỳ kheo nào nghèo nhất, hoặc cho người nào thông thái nhất hay lớn tuổi nhất trong nhóm. Khi may xong, áo được căng lên một cái khung (kathina) rồi mời mọi người đến chiêm ngưỡng. Áo này được gọi là mahakathina. Sau đó, khung căng áo được tháo ra để tượng trưng cho sự nới lỏng một vài giới luật đối với các tỳ kheo. Nhưng trước đó trong suốt thời gian an cư, phải giữ khung căng áo nguyên vẹn vì là biểu tượng của giới luật phải giữ gìn. Vì thế, lễ kiết hạ của Nam tông mang tên là kathina tức là sự chặt chẽ, vững chắc đúng theo nghĩa của chữ này trong tiếng Phạn và tiếng Pali.


Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa

Lễ Dâng Y tại chùa Vĩnh Nghiêm


Trên đây là những tục lệ và ý nghĩa được thêm thắt và tô điểm qua thời gian. Kinh sách tiếng Pali có kể một câu chuyện như sau. Trước mùa an cư, có một nhóm tỳ kheo độ chừng ba mươi đến năm mươi người họp nhau cùng đi đến thành Xá-vệ (Savatthi) để được an cư bên cạnh Phật. Trên đường đến Xá-vệ thì không may họ gặp mưa bảo triền miên, đi đứng khó khăn, cho nên khi đến được Xá-vệ thì quần áo rách nát tả tơi và hạn an cư ba tháng đã chấm dứt. Khi thấy nhóm tỳ kheo đến trễ, quần áo tả tơi, Đức Phật bèn quyết định tạm thời lưu giữ toàn thể Tăng đoàn ở lại để vá hoặc may quần áo mới, do đó đã nới lỏng một vài giới luật. Cũng có một cách giải thích khác là tháng đầu tiên sau khi kiết hạ là tháng dành cho việc may mặc, vì thế nên một vài điều luật được tạm thời nới lỏng trong thời gian này để các tỳ kheo lo việc may áo cà-sa. Tuy rằng ngày nay, việc may mặc không còn là một mối quan tâm cho người tu hành, nhưng thói tục vẫn còn giữ để bảo tồn sự tương trợ giữa các tỳ kheo với nhau, giúp nhau trong việc may vá. Về phía người thế tục, thì họ cúng dường vải vóc để tự nhắc nhở phải nghĩ đến những khó khăn và thiếu thốn của người xuất gia.


Các câu chuyện trên đây cho thấy những biến dạng trong ý nghĩa của chiếc áo cà-sa đối với Nam tông. Tuy là những ý nghĩa thêm thắt nhưng vẫn giữ được truyền thống lâu đời. Những thêm thắt đó đã củng cố và tô điểm thêm cho Đạo Pháp và nhất là bày ra những tục lệ giúp một cách thiết thực vào việc tu hành.


Chiếc áo cà-sa và Thiền tông


Trước khi tịch diệt, Phật trao y bát cho người đệ tử uyên bác, kỷ cương và đạo hạnh nhất là Ma-ha Ca-diếp và khuyên bảo các tỳ-kheo khác sau này nên nghe theo những lời hướng dẫn của Ca-diếp. Thật ra khi Ma-ha Ca-diếp gặp Phật lần đầu, Phật đã trao áo của Ngài cho Ma-ha Ca-diếp rồi. Lúc ấy Phật đi từ thành Vương-xá (Rajagrha) đến địa phận Na-lan-đà, Ma-ha Ca-diếp gặp Phật đang đi trên đường và nhận ra ngay chính đây là Đức Thế Tôn. Ma-ha Ca-diếp phủ phục dưới chân Phật. Phật tuyên bố đây chính thực là một đệ tử của Ngài. Phật cởi áo để trao đổi với Ca-diếp và sau đó đã thuyết giảng riêng cho Ca-diếp. Nhờ thế chỉ tám ngày sau Ca-diếp đắc quả La-hán. Nhưng cũng nên hiểu rằng ngài Ca-diếp đã có căn tu trừ trước, đã dốc lòng tu tập trước khi gặp được Phật. Kinh sách kể chuyện ngài bỏ nhà đi tìm Đạo đúng vào ngày Đức Phật đạt được Giác ngộ. Sau này khi Đức Phật tịch diệt, chính ngài Ca-diếp đứng ra tổ chức lần kết tập đầu tiên những lời giảng huấn của Phật. Ma-ha Ca-diếp sống rất thọ, theo Kinh Tăng nhất A-hàm, Ma-ha Ca-diếp trèo lên hang Thạch đầu ở núi Kì-xà-quật (Kukkutapada) khoác lên người chiếc áo cà-sa của Phật rồi thệ nguyện rằng xác thân này sẽ không hư nát cho đến khi nào Phật Di Lặc hiển hiện để cứu độ chúng sinh. Sau lời phát nguyện, Ma-ha Ca-diếp nhập vào Niết bàn.


Một lần ở núi Linh thứu, trong một buổi đăng đàn, Đức Thế Tôn không thốt lên một lời nào cả, chỉ cầm một cánh hoa đưa lên cho mọi người xem. Tất cả đều ngơ ngác không ai hiểu gì, chỉ có một mình Ma-ha Ca-diếp nét mặt bừng tỉnh và mỉm cười. Truyền thuyết này gọi là "Niêm hoa vi tiếu" (cầm hoa mỉm cười), nêu lên khái niệm về sự tinh tế và cao siêu của Giác ngộ không thể trình bày hay diễn đạt bằng lời nói được. Yên lặng tượng trưng cho sự quán nhận trực tiếp, vượt lên trên ngôn từ và sự hiểu biết quy ước của chúng ta. Đây cũng là một đặc thù của Thiền học, và cũng vì thế ngài Ca-diếp được xem là tổ thứ nhất của Thiền tông trên đất Ấn.


Ngài Ma-ha Ca-diếp về sau lại trao y bát của mình cho A-nan-đà. Tục lệ truyền thụ này tiếp tục trên đất Ấn cho đến tổ thứ 28 là Bồ-đề-đạt-ma (~470-543), tức là đã kéo dài gần một ngàn năm sau khi Phật tịch diệt. Khi Bồ-đề-đạt-ma sang truyền giáo ở Trung quốc, ngài lại trở thành vị tổ thứ nhất của Thiền tông trên phần đất này. Tục lệ truyền y bát tiếp tục trên đất nước Trung hoa cho đến tổ thứ sáu là ngài Huệ Năng (638-713), tức là được thêm khoảng hai trăm năm nữa.


Y bát của tổ thứ năm và ngài Huệ Năng


Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa

Ngài Hoằng Nhẫn (601-674), tổ thứ năm của Thiền tông Trung quốc, trao chiếc áo cà-sa tượng trưng sự lãnh đạo tông phái cho ngài Huệ-Năng, vì Huệ Năng là người thấu hiểu sâu xa hơn hết về Thiền học trong số các môn đồ trong tông phái. Huệ Năng kính cẩn tiếp nhận chiếc áo cà-sa cao quý ấy và đồng thời cũng hiểu rằng khi nhận lãnh chiếc áo tượng trưng cho sự lãnh đạo và uy quyền này thì cũng khó tránh khỏi sự ganh tỵ và tranh chấp trong Tăng đoàn. Ngài Hoằng Nhẫn cũng ý thức được điều ấy, nên khi trao chiếc áo cho Huệ Năng đã khuyên Huệ Năng bỏ trốn về phương Nam, và nhất là sau này không nên truyền thụ y bát nữa.


Hừng đông, Huệ Năng khoác lên người một chiếc áo rách để hóa trang, ôm chặt cái bọc gói chiếc áo cà-sa của ngũ tổ Hoằng Nhẫn, lẻn ra khỏi chùa và cắm cổ đi miết về phương Nam. Đi suốt mấy ngày liền, khi đến vùng núi Đại châu Huệ Năng bỗng nghe thấy tiếng ồn ào phía sau liền ngoảnh cổ lại để nhìn và giật mình hoảng hốt vì có hàng trăm người đang hò hét đuổi theo. Dẫn đầu đám đông là sư Huệ Minh, một cựu võ quan đi tu, chính là người muốn cướp đoạt chiếc áo cà-sa của ngũ tổ. Đám đông càng lúc càng gần, Huệ Năng thì vừa mệt lại vừa đói không còn đủ sức để chạy thêm được nữa, ông liền để cái bọc áo cà-sa lên một tảng đá rồi ngẩng cổ hướng về phía đám đông và nói lớn lên như sau: "Chiếc áo cà-sa tượng trưng cho việc Hoằng Pháp. Tại sao các ông là đám người thế tục lại muốn cướp nó ? Cướp giữ chiếc áo cà-sa nhưng thiếu chính Pháp, chẳng qua cũng như một cánh hoa phản chiếu trong gương mà thôi". Nói xong Huệ Năng tìm một bụi rậm bên đường chui vào để trốn.


Huệ Minh chạy đến thấy cái bọc áo cà-sa, mừng quá liền ôm lấy, nhưng cái gói lại dính chặt vào tảng đá, không thể nào gỡ ra, hoặc kéo lên được. Huệ Minh bổng nhiên cảm nhận được sức mạnh vô biên của Đạo Pháp, liền chui vào bụi rậm tìm Huệ Năng và phủ phục dưới chân Huệ Năng xin được thọ giáo.

Câu chuyện lại tiếp tục như sau. Huệ Năng rời Huệ Minh và tiếp tục đi về phương Nam. Huệ Năng đến thôn Tào khê, thuộc quận Thiều châu, tá túc ở chùa Bảo lâm. Nhiều tháng sau, vào một đêm tối, có một đám đông gồm nhiều nhà sư, đầu đội mũ sùm sụp, kéo đến đập cửa sau của chùa và hét to lên: "Này Huệ Năng, ngươi phải đưa chiếc áo cà-sa cho chúng ta. Nếu không sẽ có chuyện to đấy!". Trong chùa, Huệ Năng sợ quá, ôm bọc áo tông cổng trước mà chạy. Huệ Năng phăng phăng trèo lên một ngọn đồi gần chùa, nhìn xuống thấy đám

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...