Nhẫn nhịn

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 4495 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
Khi còn sống, mẹ tôi thường dặn “hãy nhịn cái đúng”. Có lẽ đây là phương châm đã giúp mẹ vượt qua biết bao khó khăn khi một mình thân gái theo chồng từ Bắc vào Nam sinh sống (cha tôi về quê miền Nam trước, do vướng mắc một số thủ tục nên một mình mẹ tôi vào sau). Tiếp thu và giác ngộ lý luận của đạo, mẹ luôn kính trên nhường dưới để tạo sự thuận hòa. Đây cũng là cách để mẹ đối nhân xử thế trong giao tiếp hàng ngày nên tạo được sự tin tưởng đối với mọi người. Phương châm sống này cũng giúp tôi biết kiềm chế cảm xúc, bền chí theo đuổi mục tiêu mà bản thân đã định. Sau này khi có điều kiện và thời gian để nghiền ngẫm, tôi nhận ra trong đời sống hằng ngày, do áp lực từ nhiều phía như gia đình, xã hội, cơm áo gạo tiền … nên ít nhiều ai cũng có lúc nóng giận, đặc biệt người có tính gia trưởng hoặc có quyền hành nào đó thì càng bộc lộ điều này rõ nét. Dân gian có câu: No mất ngon, giận mất khôn. Câu chuyện về ông Nguyễn Đình Giản, thời nhà Lê (trong quyển “Hoàng Lê nhất thống chí”) đã viết vào một miếng giấy dán lên chỗ làm việc câu: “Tảo cấp tắc bại sự” có nghĩa là vội vàng, hấp tấp thì hỏng việc. Đồng thời, ông để sẵn một bình nước lạnh, mỗi khi gặp một điều trái ý, thấy trong mình lửa giận bốc lên, ông liền cầm uống từ từ, từng hớp nhỏ, cho đến khi lấy lại được hòa khí trong tâm hồn mới thôi.


Thông thường “nhẫn nhịn” được hiểu là chấp nhận phần thua thiệt về mình. Riêng đối với Phật giáo Hòa Hảo thì nhẫn chính là sự tự chủ về tinh thần, đối với sự sỉ nhục chẳng những không khởi lòng sân hận mà còn “Đợi cho người hết giận ta khuyên”!. Vì vậy mà người ta thường hay lầm lẩn với sự nhu nhược, cam chịu một cách thụ động. Có khi chữ nhẫn được xem như cái vỏ bọc hoa mỹ cho thái độ tự dối lừa mình, ngụy biện khi tự nhủ đang nhẫn vì tình thế, nhẫn vì lòng có sở cầu. Nếu nhẫn vì tình thế là nhu nhược, nhẫn vì sở sầu là tham lam thì càng khẳng định thêm cái lý trong lời dặn của mẹ tôi: nhịn là chấp nhận “cái đúng”, chứ cái sai thì không nên nhịn.


Dân gian thường nói “Một câu nhịn là chín câu lành” hay “Chữ nhẫn là chữ tương vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”. Người Trung Quốc có câu: Lửa bốc lên cao, nước chảy xuống dưới, thế mà bao giờ lửa cũng thua nước. Có thể thấy rằng, thiệt-hơn trong cuộc sống chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Từ đó có thể phân tích nhẫn nhịn có một số đặc điểm cơ bản sau:

 

1. Nhẫn nhịn là gốc của trăm nết:


Nhẫn là nét đặc trưng trong quy tắc ứng xử của văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, với đặc điểm lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử, lấy chủ trương nhường nhịn để giữ được thuận hoà. Cũng bởi vậy mà chữ Nhẫn có một ý nghĩa, vị trí rất quan trọng trong nếp sống của người Việt. Một gia đình có êm ấm, hoà thuận hay không phần lớn là do sự nhẫn nhịn quyết định: “Nhịn tức một lúc, tránh được mối họa trăm ngày/Muốn hòa thuận trên dưới/Nhẫn nhịn đứng hàng đầu/Cái gốc trăm nết, nết nhẫn là cao/Cha con nhẫn nhịn, vẹn toàn đạo lý/Anh em nhẫn nhịn trong nhà thường ấm yên/Bạn bè nhẫn nhịn nhau, tình nghĩa chẳng phai mờ/Tự mình nhẫn nhịn được, ai ai cũng mến yêu/Người chưa biết nhẫn chưa phải là người hay”.


2. Nhẫn nhịn có lợi đối với sức khoẻ:


Thời gian gần đây, quan điểm nhẫn nhịn của phương Đông trở thành văn hóa ứng xử ở nhiều nơi. Khái niệm nhẫn nhịn bắt đầu được lĩnh vực chăm sóc bảo vệ sức khoẻ quan tâm nghiên cứu đến. Lợi ích của của sự nhẫn nhịn chủ yếu biểu hiện ở chỗ giảm bớt tâm trạng chịu đựng như đau buồn, tức giận hoặc lo âu. Dựa vào những nghiên cứu của các nhà tâm lý học mà xét, nhẫn nhịn có thể giúp cho tinh thần sảng khoái, thân thể khoẻ mạnh, năng lực tự khống chế cao ... từ đó nhẫn nhịn có thể nâng cao sức khoẻ của con người. Khi nhẫn nhịn thì lòng an nhàn, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giúp tôi luyện thêm ý chí. Theo 14 điều Phật dạy, có câu: “Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ, trí tuệ”. 

 

3. Để nhẫn nhịn đúng cách:


Một trong những nguyên nhân gây ra sự tức giận, nóng nảy, đó là tính hiếu thắng và tự ái cá nhân. Nếu hỏi vì sao nóng giận, đa số người trả lời rằng: “Vì người xúc phạm ta nên ta giận”. Nhưng nếu ta biết người đánh ta là người điên, ta có giận người ấy nữa không?. Chắc hẳn là không, nếu ta là người biết xét. Mạnh Tử nói: “Ta nên coi những xúc phạm đến ta như chiếc thuyền không chẳng may đâm phải ta, như cơn gió dữ chẳng may thổi tạt vào ta. Có gì mà phải tức bực”.


Trong kinh Phật, hạnh nhẫn nhục được xếp vào một trong sáu pháp tu gọi là ba-la-mật, nghĩa là những pháp tu có thể giúp ta đạt đến sự giải thoát. Kinh Giải thâm mật, quyển 4, giải thích về nhẫn nhục bao gồm 3 ý nghĩa: một là nại oán hại nhẫn (nghĩa là nhận chịu những điều tổn hại do người khác gây ra cho mình), hai là an thọ khổ nhẫn (nghĩa là có thể an nhiên chấp nhận mọi sự đau đớn, khổ não), ba là đế sát pháp nhẫn (nghĩa là có thể quan sát, nhận biết đúng bản chất của mọi sự việc để an nhiên chấp nhận). Thêm vào đó, luận Du-già sư địa quyển 51 mô tả hạnh nhẫn nhục bao gồm ba tính chất: một là không giận tức, hai là không kết thành thù oán, và ba là trong lòng không có những ý tưởng xấu ác. Khi thiếu đi một trong các yếu tố này, cho dù ta có chấp nhận, có nhịn nhục được đối với bao nhiêu sự việc đi nữa, thì điều đó cũng hoàn toàn không thể xem là thực hành được hạnh nhẫn nhục. Vì thế, thực hành hạnh nhẫn nhục cũng có nghĩa là phải có sự nuôi dưỡng, phát triển của cả 3 yếu tố này ngay trong tự thân chúng ta.


Trong “Giác mê tâm kệ”, Đức Thầy có những phân tích hết sức sâu sắc về nhẫn nhịn. Trong mối quan hệ gia đình, khác với quan niệm “phu xướng phụ tùy” khắt khe của Nho giáo, xướng tùy trong Phật giáo Hòa Hảo mang ý nghĩa vợ chồng bình đẳng: “Phận xướng tùy chồng vợ nhịn nhau”. Trong mối quan hệ với mọi người xung quanh, chữ nhẫn - hòa được đặt lên hàng đầu: “Ai chửi mắng thì ta giả điếc/ Đợi cho người hết giận ta khuyên/ Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên/ Thì đâu có mang câu thù oán/ Việc hung ác hễ vừa thấp thoáng/ Chữ từ bi ta diệt nó liền/ Sự oán thù đáp lại chữ hiền/ Thì thù oán tiêu tan mất hết”. Trong điều răn thứ 8 cũng nêu rõ: “Ta phải thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dẳt lẫn nhau vào con đường đạo đức”. Trong bài “Bình Ngô Đại Cáo”, Nguyễn Trãi cũng khẳng định: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Có thể thấy một sự nhún nhường mà theo Phật pháp thì khi bản ngã (cái ta, cái tôi) được diệt đi, lúc đó ta không còn kiêu căng, hay giận hờn, oán trách gì cả, thậm chí ta còn cùng dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức nữa. Được như thế chắc chắn học và hành chữ nhẫn nhịn thành công. Dùng tình thương để cảm hóa cái ác là bi trong nhẫn. Thản nhiên cam chịu bao nghịch cảnh là dũng trong nhẫn.


Có lẽ đã thấm nhuần đạo lý này nên mẹ tôi thường nói: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào” có thể mang nhiều nghĩa khác nhau, nhưng về bản chất vẫn là tránh (hoặc nhịn) cái dữ tợn thì không có gì phải hổ thẹn. Có thể chính tư tưởng nhường nhịn này đã góp phần đưa mẹ đến với tư tưởng giáo lý của Phật giáo Hòa Hảo một cách nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn, giúp mẹ thanh thản hơn vào những ngày cuối đời. Ngày mẹ về chốn cửu tuyền, rất nhiều đồng đạo cảm thương cùng cất cao giọng bài kệ cầu mong mẹ “thoát chốn mê đồ, vãng sanh miền cực lạc”.



Tô Thanh Hùng

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...