Những vần thơ Hai-ku giữa đại dịch Covid 19

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 1240 | Cật nhập lần cuối: 8/16/2020 8:28:39 PM | RSS

Những vần thơ Hai-ku giữa đại dịch Covid 19Năm 2020 sẽ đi vào lịch sử nhân loại như một cột mốc bi thảm.

Các từ “Đại dịch Coronavirus”, “Virus Vũ Hán”, “Covid 19”…, vào những ngày này, xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tin tức. Thông báo. Hướng dẫn. Chỉ thị. Cập nhật các số liệu thống kê: người nhiễm, người tử vong, người khỏi…

Nỗi lo âu, sợ hãi, hoang mang lan nhanh khắp thế giới, cùng một tốc độ lây lan của virus.

Và cầu nguyện.

Mọi người cầu nguyện. Khắp nơi cầu nguyện. Những lời cầu nguyện của mọi tôn giáo, quốc gia, tầng lớp xã hội. Những lời cầu nguyện được cất lên từ những ngôi nhà gia đình khắp năm châu. Tại những thành phố lớn. Nơi những phố huyện nhỏ bé. Giữa sa mạc heo hút. Trong những bản làng xa xôi…

Dường như cuộc sống khắp nơi chỉ còn hai hoạt động: theo dõi tin tức và cầu nguyện.

Trường học đóng cửa. Nhà máy đóng cửa. Nhà thờ, chùa chiền, hội đường đóng cửa. Siêu thị hạn định người mua sắm. Nhiều khu vực dân cư bị phong tỏa. Những đám cưới bị đình lại. Đám tang lạnh lẽo và cô quạnh. Đường sá vắng tanh.

Mọi người ở trong nhà. Mọi chính phủ chỉ còn mối bận tâm lớn: chống Covid 19. Những kế hoạch và chương trình chính sự và gia sự tạm ngừng. Những xung đột lắng xuống. Những tranh chấp và cãi cọ giảm cường độ và nhiệt độ…

Chưa bao giờ, có lẽ thế, cả cộng đồng nhân loại đang hối hả lao về phía trước, đột nhiên, khựng lại, bất ngờ, ngơ ngác, ngạc nhiên, thảng thốt… Virus Corona bé nhỏ, không kích thước, trọng lượng, bỗng dưng xuất hiện, cản đường. Nghênh ngang như một kẻ phá đám. Dữ dằn như một tên côn đồ.

Cả nhân loại bỗng thấy mình bé nhỏ trước tên phá đám vô hình, vô lượng ấy. Và hắn, Covid 19, bỗng hiện lên như một tên khổng lồ trước mặt nhân loại nhỏ bé.

Và nhân loại tạm rời bỏ con đường đang hăm hở lao nhanh. Rồi lui về. Cứu chữa người lâm nạn. Tìm cách phòng bị, củng cố. Suy nghĩ đường phản công.

Lúc lui về này, có một phần nhân loại náu mình trong thinh lặng.

Và làm thơ.

Những vần thơ kiệm lời nhất, chỉ 17 âm tiết, vì không muốn làm xao động không gian vắng lặng lúc này của nhân loại.

Thơ hai-ku. Thơ 17 âm tiết.

***

Hai-ku là một thể thơ Nhật Bản, xuất hiện từ thế kỷ 11, phát triển vào các thế kỷ 16-17, và nay vẫn tiếp tục thịnh hành và đi vào đời sống hiện đại của người Nhật.

Một bài thơ hai-ku gồm 3 câu, với 17 âm tiết, thông thường được sắp xếp 5-7-5 (=17). Dù là thơ, vẫn hiểu là loại thể trữ tình của văn chương, nhưng hai-ku không trực tiếp thể hiện cảm xúc, mà chỉ ghi lại sự việc xảy ra trước mắt. Tuy cảm xúc không được bộc bạch, nhưng bản thân sự việc được ghi lại đã hàm chứa cảm xúc, nỗi niềm, tâm sự, suy nghĩ của tác giả. Và khơi gợi cảm xúc nơi người đọc.

Sự việc được tả trong bài hai-ku phải đáp ứng hai nguyên tắc: (1) Nói đến một mùa trong năm (xuân, hạ, thu, đông) qua một từ gợi lên mùa, gọi là quý ngữ (kigo); và (2) Sự việc được tả trong mối tương quan biện chứng (sự thống nhất qua tương phản, đối lập).

Nhà thơ Nhật Bản Matsuo Basho (1644-1694) là bậc thi hào của thể thơ hai-ku. Một số bài thơ hai-ku nổi tiếng của ông:

Trên cành khô
Quạ đậu
Chiều thu

hoặc:

Biển xanh
Sóng thơm mùi rượu
Trăng đêm nay

và:

Vắng lặng u trầm
Thấm sâu vào đá
Tiếng ve ngâm.

Ngày nay, sức sống thơ hai-ku không giới hạn trong phạm vi nước Nhật, tiếng Nhật, mà lan tỏa đến nhiều quốc gia, ngôn ngữ. Thơ hai-ku hiện đại đang nảy nở tại Pháp, Anh, Mỹ, Tunisia…, được viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Trang web “Un haïku par jour” của nhà thơ Pháp Vincent Hoarau thu hút và quy tụ 2.700 người làm thơ và chia sẻ những bài hai-ku của mình. Nhà thơ nữ Sarra Masmoudi, người Tunisia, cũng mở trang Facebook ghi lại những bài thơ hai-ku bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.

Giữa những ngày đáng sợ này, lang thang trên mạng, tình cờ đọc được những vần thơ hai-ku trong trận đại dịch.(1)

Những vần thơ chia sẻ một cách nhìn và thái độ đón nhận bi kịch Coronavirus. Chia sẻ bằng thơ. Chia sẻ từ nỗi sợ hãi và những cố gắng vượt qua nỗi sợ.

Bài viết này như một cách điểm qua những nỗ lực thi ca ấy.

***

CẢM NHẬN HAI-KU VỀ KHÔNG GIAN SỐNG THỜI ĐẠI DỊCH

Đại dịch Coronavirus bắt đầu từ Vũ Hán, cuối năm 2019.

Thoạt đầu, mọi người đón nhận thông tin bi thảm ấy chỉ như một bản tin thời sự ngày nào cũng có. Đón nhận với chút bàng quan. Vì đại dịch này đang diễn ra ở Vũ Hán. Vũ Hán ư? Chưa đến, chưa nghe, chưa biết.

Nhưng chỉ ít ngày sau đó, virus Corona đã vượt biên giới Vũ Hán (Trung Quốc) lan sang các nước châu Á, rồi sang tận Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ, châu Phi.

Không gian sống của con người bị con virus vô hình kia thu hẹp dần. Nhiều thành phố, thị trấn, làng mạc bị phong tỏa. Nhiều người bị chỉ định sống trong không gian “cách li”, phải ở nhà. Không gian trường học, nhà máy, quán ăn bị ngăn chặn. Ngay cả không gian giao tiếp con người cũng bị giới hạn: chỉ trò chuyện với nhau trong khoảng cách 2m/6ft.

Không gian sống quen thuộc của con người đột nhiên bị cấm cách, tước đoạt.

Nhà thơ Pháp Marie Alice Maire ghi lại ấn tượng về Paris, không gian quen thuộc của mình và địa điểm lừng danh khắp thế giới:

Thành phố ngưng thở
Đại lộ Champs im lặng
Vô thanh

Quý ngữ (kigo, từ chỉ mùa: xuân-hạ-thu-đông) của bài thơ có lẽ là “Vô thanh”. Không tiếng động. Mùa đông chăng? Sự im lặng đột ngột của Paris tráng lệ như dấu chỉ mùa đông tê cứng. Tê cứng mọi hoạt động. Cả âm thanh cũng tê cứng.

Đại dịch đã ùa vào Paris. Thành phố cần máy trợ thở. Đại dịch đã kết thúc sự sống Paris. Champs-Élysées chìm trong im lặng. Sự im lặng của cái chết.

Còn Jeanine Chalmeton. Đôi mắt nhà thơ dõi tìm không gian quen thuộc và đầy sức sống: sân trường. Và đây, sân trường thời đại dịch:

Sân trường
Còn trơ một cây
Covid 19

Quý ngữ của bài thơ là Covid 19. Không phải mùa nào trong bốn mùa xuân-hạ-thu-đông. Mà là mùa Corona. Con virus này đã xóa hết bốn mùa. Nó xóa thời gian. Chỉ chừa lại không gian. Nhưng than ôi, không gian cũng đã bị nó soán đoạt, ngự trị: Sân trường / Còn trơ một cây / Covid 19.

Các nhà thơ hai-ku hiện đại đang ghi lại, bằng ngòi bút tinh tế của loại thơ này, hiện thực cuộc sống thời đại dịch ở những khía cạnh ấn tượng nhất đối với tâm hồn thi sĩ.

Thời đại dịch, nghĩa là thời của sự thách thức và đe đọa mạng sống mọi người. Nó thách thức khả năng tưởng chừng cố hữu, bất khả chiếm đoạt, của con người. Khả năng tự do đi lại, lui tới những nơi quen thuộc, thân yêu. Những ngôi nhà. Những địa điểm thân quen. Những con đường một đời gắn bó.

Vậy mà, giờ đây tất cả đã bị cách li, phong tỏa, ngăn chặn.

Gérard Maréchal viết:

Cách li
Phía đó tôi vẫn thường đi lại
Những con đường hoa dại

Hai-ku, xưa nay vẫn thế, luôn bày trên trang giấy một vài ghi nhận giản đơn, sơ sài. Vậy mà thấm. Vậy mà tê tái. Những con đường hoa dại. Nghĩa là mùa xuân đã tới trên con đường nhà thơ hằng ngày vẫn đi qua, vậy mà “Cách li” rồi. Hết rồi, con đường quen. Hết rồi, mùa xuân mới.

Còn Gérard Dumon thì tiếp cận không gian (kể cả những nơi bị cách li) với một tâm thế khác. Ông tìm những gam màu sáng. Ông đón không gian “vô trùng” “vô nhiễm”:

Đại dịch
Bầu trời
Chuyển màu xanh lơ

Không gian vô trùng, vô nhiễm ấy là bầu trời. Và gam màu của trời lúc này đang “xanh lơ”. Xanh lơ, tức mùa xuân, quý ngữ của bài. Dù đại dịch, mùa xuân vẫn đến. Quý ngữ “xanh lơ” trở thành từ ẩn tàng cảm xúc, tâm điểm của toàn bài.

Gérard Dumon đã gặp một hồn đồng điệu: nhà thơ Vincent Hoarau, chủ trang web Mỗi ngày một bài hai-ku. Ông viết:

Covid-19
Mọi việc phải bãi, hủy
Trừ mùa xuân

Mùa xuân vẫn theo hẹn đến gặp con người. Bất chấp chỉ thị giữ khoảng cách giao tiếp, mặc kệ yêu cầu cách li, chẳng thèm để ý lệnh phong tỏa. Và không màng Coronavirus.

Thiên nhiên vẫn cứ ung dung. Vâng, Covid-19 / Mọi việc phải bãi, hủy / Trừ mùa xuân. Vậy đó, thiên nhiên, thụ tạo của Đấng Vĩnh Hằng, muôn đời vẫn an nhiên, dù nhân loại đang hoảng hốt, run sợ.

Phải chăng cung cách ấy của thiên nhiên đã giúp con người bình tâm?

Nhà thơ Virginie Colpart (Saône-et-Loire, Pháp) nhận thấy giá trị của không gian bé nhỏ của khu vườn nhà mình. Chị viết:

Cách li
Vườn nhà tôi
Là cả thế giới

Chính việc “cách li” trong đại dịch đã là nguyên cớ đưa Virginie Colpart đến cảm nhận mới về không gian quen thuộc của mình. Chị thấy: Vườn nhà tôi / Là cả thế giới. Xưa nay chị chưa bao giờ nhận ra điều đó. Còn bây giờ, khu vườn đã giúp chị nhận ra thế giới (và nhân loại trong thế giới ấy) thật mến thương, gần gũi.

CẢM NHẬN HAI-KU VỀ NHỊP SỐNG THỜI ĐẠI DỊCH

Trận đại dịch đang diễn ra lúc này, khiến ít nhất một nửa nhân loại phải chuyển đổi nhịp sống. Nhịp sống xưa nay vẫn diễn ra trong khung cảnh yên ổn của cuộc sống thường nhật: làm lụng, giao tiếp, sáng tạo; trong những không gian quen thuộc: gia đình, nơi làm việc, chợ búa, nhà thờ-hội đường-chùa chiền; đáp ứng những nhu cầu muôn thuở: tồn tại và phát triển sự sống…

Bỗng dưng, Covid 19 xuất hiện. Mọi thứ đều đảo lộn. Mọi người đều chao đảo trong nhịp điệu bất thường, xưa nay chưa hề nghĩ đến.

Cũng Virginie Colpart, chị ghi lại, rất tinh tế, sự khác thường trong nhịp sống của mình. Sự khác thường ngay khi vừa thức dậy, bắt đầu ngày mới:

Buổi sáng mùa xuân
Trước, tiếng chim hót
Sau, các thông báo

Nhịp điệu quen thuộc khi mùa xuân đến: lắng nghe tiếng chim hót. Đó là lệ thường. Còn năm nay, mùa xuân, sau tiếng chim hót là các thông báo. Thông báo liên quan đến đại dịch. Thanh âm trước, từ khu vườn sau nhà: rộn vui. Thanh âm sau, từ chiếc ti-vi đặt nơi phòng ăn: lo âu, sợ hãi, hoang mang.

Con người phải tự điều chỉnh để thích nghi nhịp sống mới. Có khi nhịp sống ấy khởi sự từ việc ra khỏi nhà, đến bệnh viện, xếp hàng chờ xét nghiệm.

Nhà thơ Sarra Masmoudi, người Tunisia, ghi lại:

Xét nghiệm dịch
Đi kiểm tra lòng vòng
Một cánh bướm

Masmoudi chờ đến phiên xét nghiệm, phát hiện sự tương phản giữa thường và bất thường. Con người thì phải vào nhịp sống bất thường (xét nghiệm dịch). Còn cánh bướm vẫn điềm nhiên theo đuổi nhịp thường lệ, với chút bất ngờ khi thấy loài người đang sống bất thường, nên bướm phải đi một vòng “kiểm tra” con người đang “kiểm dịch”.

Vâng, chỉ con người mới phải lao đao tìm cách thích nghi nhịp sống mới. Còn thiên nhiên, vẫn thế. Vẫn một ngày như mọi ngày. Vẫn mùa xuân như muôn thuở. Pascale Dehoux viết:

Đại dịch
Bay từ cây này sang cây khác
Con ong

Các thi sĩ hai-ku, khi rung động trước nhịp sống thường hằng của thiên nhiên, cũng đã nhận ra con người là một phần của thiên nhiên, tham dự vào thiên nhiên, và tồn tại hệt như thiên nhiên.

Vì thế, lúc xáo trộn bất thường này, con người chợt nhận ra mình đã xa lìa cõi tự nhiên, thiên nhiên.

Virginie Colpart chợt nhận ra một sự kiện rất tự nhiên trong căn nhà của mình. Mùi bánh nướng. Mùi bánh giữa lúc đại dịch:

Cách li
Khắp nhà
Mùi bánh nướng

Vâng, mùi bánh nướng. Mùi bánh lan tỏa khắp nhà. Đó là lẽ tự nhiên, thường hằng, của mọi căn hộ.

Vậy đó, đại dịch Covid 19 như một lực lượng “đặc nhiệm” thực thi một việc xưa nay chưa từng có: bắt mọi người về nhà, nướng bánh, nhận ra mùi bánh thơm, và nhận ra: nhà mình đã lâu không có mùi bánh!

Mùi bánh nướng, tủ cấp đông trữ thực phẩm, vườn sau nhà… Vợ, chồng, con cái… Cả một nhịp sống tự nhiên gắn liền với những sự vật, hoạt động, con người. Thế mà, đã lâu, chúng như bị bỏ quên hoặc bị xếp hàng thứ yếu trong bậc thang “giá trị tự nhiên” của đời sống và những mối quan tâm.

Và nụ cười.

Nụ cười, giá trị độc đáo và riêng có của con người, cũng tham dự vào thế giới tự nhiên ấy. Chính đại dịch đã đưa con người vào tình thế phải khôi phục và sử dụng nụ cười như vũ khí lợi hại.

Ben Coudert, thi sĩ sống ở Paris (Pháp), đã dặn lòng phải sử dụng vũ khí ấy, để sẵn sàng nhận kết quả xấu nhất từ kiểm dịch:

Xét nghiệm dịch
Tôi chuẩn bị sẵn
Nụ cười.

Những vần thơ hai-ku xuất hiện giữa mùa đại dịch như một cách ghi lại cảm nhận và suy nghĩ của một số nhà thơ trước biến cố bi thảm đang tác động đến toàn thể nhân loại. Rồi đây trận dịch sẽ kết thúc như thế nào và khi nào, chưa ai dám quả quyết. Nhưng đã có thể nói đến những tác động nghiêm trọng và sâu rộng của nó đối với toàn bộ đời sống nhân loại.

Trong số đó, có tác động đưa con người trở về với những gì đơn giản, tự nhiên, gắn liền với sự sống con người.

Những vần thơ hai-ku nêu trong bài, dù chưa nhiều và chưa tiêu biểu, cũng đã thoáng gợi những tác động ấy. Những tác động khiến con người giật mình, bởi bất ngờ.

Bất ngờ như vừa nhận ra mùi bánh thơm từ bếp nhà mình: Cách li / Khắp nhà / Mùi bánh nướng.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 118 (tháng 5 & 6 năm 2020
Khổng Thành Ngọc
Nguồn: hdgmvietnam.com

_______

Chú thích:

1. Những bài thơ trong bài viết này được lấy và tham khảo từ https://www.nouvelobs.com/, http://unhaikuparjour.com/ và các trang Facebook của các nhà thơ trong phong trào sáng tác Thơ Hai-ku (Pháp, Anh, Hoa Kỳ, và Tunisia). Bản dịch thơ của KTN.

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...