Nội Tướng Tài Thành

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 1037 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Ngày nay, nhân loại đang ở vào thời kỳ văn minh vật chất cao độ. Những phát minh khoa học, đem lại vô số tiện nghi vật chất cho con người, nhưng sự hưởng thụ này lại là cơ hội cho con người ngày càng xa dần đạo đức.

 

Một bộ phận Thanh Thiếu niên sống không định hướng, buông trôi cuộc đời gây bao nhiêu tai họa cho bản thân mình và cho những người xung quanh. Điều này đã làm đau đầu các nhà đạo đức học và cho những ai nặng tình với tương lai đạo đức của xã hội loài người. Ai cũng nhìn nhận rằng trong việc ổn định xã hội thì gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người phụ nữ trong gia đình, chăm sóc dạy dỗ các con sẽ cống hiến cho xã hội những nhân tố tốt góp phần xây dựng một đất nước ngày càng tiến bộ, tốt đẹp, bền vững.

 

Kể từ khi nhân loại biết hợp quần chung sống tạo thành xã hội, quốc gia, thì cũng từ đó, đời sống cộng đồng đã nảy sinh ra vô số những bất đồng, dị biệt mà nữ phái là thành phần phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất. Ngày xưa, thân phận của nữ phái thật là tội nghiệp: Nào quan niệm trọng nam khinh nữ, nào khuê môn bất xuất. Tất cả ràng buộc nữ phái khó lòng vượt qua khỏi:

 

- Có những phong tục không cho nữ phái được học hành.


- Cũng có nơi phụ nữ phải chết theo chồng khi người chồng mãn phần.

 

- Ngay cả việc tu hành cũng bị cấm đoán. Đức Quan Âm ngày xưa phải cải nam trang để vào chùa tu học.

 

Có những người phụ nữ nặng gánh gia đình tần tảo nuôi chồng, nuôi con:

 

Quanh năm buôn bán ở ven sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

 

Và lắm lúc nước mắt phải tuôn rơi:

 

Thân cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.

 

Giờ đây, thời Đại Ân Xá, Bạch Ngọc Kinh mở cửa chờ đón nguyên nhân. Nữ phái hôm nay mới có cơ hội ngẩng mặt với đời và được song hành cùng nam phái trên đường tu công lập đức. Nhưng cũng từ đây, chúng ta mới cảm thấy có vô số những vấn đề mà nữ phái phải học hỏi trong việc tu thân hành đạo. Đôi khi nữ phái phải ngậm ngùi mà nghĩ đến phận mình:

 

Gánh đời đời cũng chưa xong,

Lại mang gánh đạo, đạo không trọn nguyền.

 

Các Đấng Thiêng Liêng thường dạy nữ phái hãy cố gắng vượt khó khăn làm những việc tầm thường để trở nên phi thường, dù mỗi cá nhân, do nghiệp lực tiền kiếp mà hiện kiếp phải chịu luật trả vay.

 

Đức Mẹ dạy:


Có những người vô phần bạc phước:

 

Sống trong cảnh vô phần bạc phước,

Thân đọa đày cửa trước nhà quan;

Lăn thân một kiếp cơ hàn,

Lo ăn chạy mặc khó toan vẫy vùng.

 

Cũng có người may mắn hơn:

 

Sống trong cũng lâu đài quyền quí,

Gót đài trang ngựa hí xe chờ;

Bạc vàng chọn tóc kén tơ,

Trong hàng mệnh phụ ngoài chờ chiêu dương.

 

Thế nhưng, dù trong cảnh giàu sang quyền quí hay chịu hàn vi cơ khổ, đó chẳng qua là sự hơn thua về vật chất mà thôi, còn bổn phận và trách nhiệm của nữ phái trong gia đình xưa và nay có khác gì nhau đâu.

 

Khôn Đạo dạy rằng: “Chí tai Khôn nguyên, vạn vật tư sanh, nải thuận thừa thiên.” hay “Địa thế Khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật”. Người nữ phái học theo Khôn Đạo là học đức nhu thuận, thuận theo Kiền Đạo mà hậu đức tải vật, học đức sâu dày của đất, chứa chở muôn loài vạn vật.

 

Giờ đây, thời khoa học tiến bộ, những tiện nghi vật chất giúp cho người phụ nữ đỡ nhọc nhằn. Nữ phái được sánh vai cùng nam phái trong việc đi học, làm việc, tu hành. Nhưng bên cạnh đó, việc tề gia nội trợ vẫn là bổn phận mà nữ phái không thể chối từ, bởi đây không phải là sợi dây ràng buộc, ngăn chặn nữ phái trên đường hội nhập vào xã hội văn minh, mà đây là thiên chức của người phụ nữ. Do đó, sự thật hiển nhiên là vai trò nữ phái vô cùng quan trọng trong việc: Tá trợ nam phái và nuôi dạy các con để sau này lớn lên sẽ là những công dân tốt cho quốc gia xã hội.

 

Một gia đình hạnh phúc, êm đẹp biết bao nếu trong đó có một người vợ đảm, một người mẹ hiền và chính người mẹ này sẽ dìu dắt các con những bước đi vững chắc trên đường đạo và đường đời. Trước sứ mạng trọng đại này, Đức Mẹ đã dạy rằng:

 

Con ôi, nội tướng tài thành,

Cho nên phận gái, Mẹ dành hồng ân.

 

Để trở thành một nội tướng tài thành, nữ phái phải hội đủ những yếu tố nào trong bổn phận đối với gia đình? Và thêm nữa, trong thời văn minh hiện đại này, bổn phận đối với xã hội và bổn phận của một tín đồ Đại Đạo.

 

Dịch Kinh quẻ Thái dạy rằng: “Thiên địa giao, Thái hậu dĩ tài thành Thiên Địa chi Đạo, phụ tướng Thiên Địa chi nghi”.

 

Tài: nghĩa là cắt xén

 

Thành: thành tựu được vẹn tròn, khéo léo.

 

Tài thành là đạo Trời Đất, Thánh nhân dạy phải xử sự cho mọi việc được trọn vẹn, như Âm Dương được hòa hợp thì vạn vật được sung mãn. Sách dạy rằng: “Nên thể theo lòng Trời mà sinh thành vạn vật lo bổ cứu những chỗ khuyết điểm”.

 

Trời có nóng, có lạnh, hình đất có cao có thấp, nhưng tựu trung có thái quá, có bất cập thời Thánh nhân mới theo đó mà cắt xén, khiến cho đâu đó được vuông tròn thành tựu. Ấy là tài thành Thiên Địa chi đạo. Tỷ như mùa Xuân phát sanh vạn vật, mùa Thu tạo thành vạn vật. Thánh nhân cũng theo thời mà dạy con người mùa Xuân thì cày, mùa Thu thị gặt hái.

 

Nếu ta ví bổn phận người phụ nữ trong gia đình với vai trò của một vị tướng chỉ huy ba quân thì suy cho cùng có khác gì nhau đâu. Làm người chỉ huy phải có tài thao lược, biết rõ lòng dân, kế sách, chiến lược, đề phòng địch quân từ mọi hướng. Sai một li, sai cả dặm đường, sai một li, thì mạng của tướng sĩ ba quân khó bảo toàn.

 

Người ta đã hết sức hữu ý khi gọi người phụ nữ là một nội tướng vì họ cũng phải tả xông hữu đột: nào lo hiếu đạo hai bên gia đình, nào lo đói no thiếu đủ, bổn phận với chồng, nuôi dạy các con, lúc nghèo biết hi sinh cần kiệm, khi giàu có không hề phung phí.

 

Ôi! Vô số công việc không tên trong gia đình đã đặt nặng lên vai người phụ nữ. Nếu sự quyết định sai lầm của một vị tướng chỉ huy làm ngửa nghiêng vận nước thì sự kém hiểu biết vụng về của người phụ nữ cũng đủ làm mất hạnh phúc gia đình.

 

Nếu ta ví một nội tướng tài thành như người thợ may khéo thì đây là hình ảnh thật ấn tượng: dù mảnh vải to hay nhỏ, đẹp hay tầm thường thì dưới bàn tay khéo léo của người thợ may, mảnh vải sẽ trở thành chiếc áo dài hay áo ngắn, lợi ích mà không hề phí phạm. Trong vai trò nội tướng, người phụ nữ thực hiện cho thật tốt là một phụ tá đắc lực cho chồng trên đường sự nghiệp, cùng chia sớt chuyện buồn vui, đắc thất bại thành.

 

Cuộc đời của người phụ nữ có nhiều bước ngoặc vô cùng quan trọng, làm biến đổi cả nếp sống thường ngày. Thuở thiếu thời với bổn phận làm con, lúc trưởng thành lập gia đình là nội tướng và sau đó là bổn phận làm mẹ.

 

1. Thời niên thiếu phải tròn đạo hiếu với bậc sanh thành.

 

Sách dạy: “Nhơn sanh bách hạnh hiếu vi tiên”. Đạo hiếu đứng đầu trăm nết. Nuôi con lớn khôn, bậc làm cha mẹ chỉ mong con mình được hạnh phúc thành người, mấy ai chờ đợi sẽ nhờ cậy các con sau này.

 

Đến khi trưởng thành, cha mẹ đã già trở thành gánh nặng cho con. Phận làm con phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, đâu nhất thiết phải sang giàu mới là đúng đạo. Giai đoạn làm con là giai đoạn học làm người để sau này trong cương vị làm mẹ, sẽ hiểu rõ các con mà hoàn hảo việc giáo dục con mình.

 

2. Đến lúc trưởng thành yên bề gia thất, thì đây là lúc người phụ nữ phát huy vai trò nội tướng của mình: Cuộc đời có bao giờ mãi lặng yên xuôi dòng mà luôn luôn dậy sóng với bao nhiêu thịnh suy bỉ thới. Điều quan trong là lúc vui không thái quá, lúc buồn không quá bi quan mà lụy đến thân mình.

 

Sử sách còn ghi lại những tấm gương hiền phụ đã vì tương lai sự nghiệp của chồng mà chịu lắm hy sinh, có người đã cắt tóc đem bán làm lộ phí cho chồng ra kinh ứng thí. Ở nước ta khi nhắc tới Bùi Hữu Nghĩa, vị quan tài đức đỗ giải Nguyên thời Minh Mạng, người ta luôn nhắc tới vợ ông: Bà Nguyễn Thị Tồn. Lúc làm quan, ông Bùi Hữu Nghĩa bị hãm hại, mang án tử hình. Bà từ Hậu Giang ra tận đế kinh để minh oan cho chồng. Biết bao gian truân khổ sở trên đường đi không làm người phụ nữ này chùn bước. Lúc bấy giờ, Thái Hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức, nghe tin có người đàn bà ở quê xa xôi lặn lội ra kinh đô để minh oan cho chồng, nên rất cảm động cho vời vào yết kiến và tặng cho bà tấm biển khắc 4 chữ vàng: “Liệt phụ khả gia”. Khi trở về quê hương, bà kiệt sức và mất lúc ông Bùi Hữu Nghĩa phải trấn thủ đồn xa, không về được để an táng vợ. Xưa nay có ai nhắc đến Bùi Hữu Nghĩa, người ta luôn nhắc đến người vợ hiền liệt phụ khả gia và vở “Kim thạch Kỳ Duyên”, một trong những kiệt tác của nền văn học nước nhà.

 

Cuộc đời một người đàn bà Việt Nam, quê mùa mộc mạc đã giả trai, quá giang ghe, ra tận đế kinh, nổi trống nơi Tòa Tam Pháp minh oan cho chồng đã cho ta hiểu rõ câu Tài Thành Thiên Địa chi Đạo.

 

3. Lại còn bổn phận làm mẹ: việc giáo dục các con trở nên người hữu dụng thật không dễ dàng gì. Đây phải xem là nghệ thuật làm mẹ.

 

Xã hội bên ngoài muôn màu nghìn vẻ, có sức quyến rũ mãnh liệt. Trong khi đó ở gia đình có quá nhiều luật lệ nghiêm khắc vô tình đẩy các con ra khỏi vòng tay người mẹ.  Gia đình không đơn thuần là nơi nghỉ ngơi sau những ngày làm việc mệt nhọc mà là nơi các thành viên trong gia đình cùng chung sống với nhau qua những năm dài tháng rộng, cùng vui cùng buồn. Tình huynh đệ thiêng liêng được ràng buộc do chính tay của người mẹ. Người ta sẽ tìm thấy nơi người mẹ lòng khoan dung nhân hậu, sự khéo léo ứng xử, sự công bình và một tình thương con không gì sánh được. Đối với các trẻ bất hạnh, chịu thua thiệt về hình hài thể chất hay về trí tuệ lại càng phải được gia đình nhất là người mẹ chăm sóc chu đáo hơn để bù đắp lại những mất mát to lớn trong đời con. Đối với các con ngoan hiền dễ dạy thì việc giáo dục các con sẽ dễ dàng. Còn những đứa trẻ ngổ nghịch sẽ là gánh nặng cho xã hội mai sau. Chiều chuộng chúng ư? Càng làm cho chúng thêm nhiều tật xấu. Nếu dùng roi vọt răn đe ư? Chúng sẽ cảm thấy gia đình đầy khổ ải cần phải tìm vui nơi bạn bè, chúng rời xa gia đình không hề luyến tiếc. Xã hội sẽ càng thêm nặng gánh. Làm thế nào để giáo hóa các trẻ này? Đây quả thật là vấn đề làm đau đầu các bậc làm cha mẹ và các nhà xã hội học.

 

Một vấn đề không kém phần quan trọng cho tương lai đầm ấm của gia đình: đó là sự hòa thuận giữa các con. Phận làm cha mẹ sẽ vô cùng cay đắng trước sự bất hòa của các con mình. Một sự nghiêng lệch, bất công sẽ đưa đến thảm họa sau này. Đạo tài thành của người phụ nữ sẽ vô cùng rõ nét trong việc dạy dỗ các con hiếu đạo và thuận hòa nhường nhịn. Suy cho cùng thì điều này cũng không dễ dàng và còn tùy thuộc vào duyên nghiệp của từng cá nhân.

 

Ngày nay, người phụ nữ ngoài việc tề gia còn phải tiếp tay với nam giới trong sinh kế. Dĩ nhiên chu toàn việc gia đình và gánh thêm việc xã hội, những điều này đòi hỏi người phụ nữ phải cố gắng rất nhiều, và cần có sức khỏe, tài năng và sự khéo léo. Hoàn thành việc này tức là người phụ nữ đã thực hiện được sứ mạng của một nội tướng tài thành.

 

Kim Trinh 

(Vụ nữ Chung Hòa)

Nhịp Cầu Tâm Giao 5, NXB Phương Đông (06.2011), tr. 55-62.

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...